Thế giới sắc màu
Họa sỹ Hoàng Như Thủy An - người vẽ giấc mơ núi đồi
16:42 | 11/07/2025

LÊ HUỲNH LÂM

Hoàng Như Thủy An là nghệ danh của anh Hoàng Như Bứa, quê anh Bứa ở làng Thủy An, huyện Phú Lộc. Ngôi làng nằm dưới chân núi Bạch Mã thơ mộng mà hùng vĩ của thành phố Huế.

Họa sỹ Hoàng Như Thủy An - người vẽ giấc mơ núi đồi
Một số tranh của HS Hoàng Như Thủy An - Ảnh: nhân vật cung cấp

Anh Bứa vào lập nghiệp ở phố núi Đà Lạt bằng nghề dạy học, vốn là người đam mê văn chương, lại sống ở Đà Lạt từ thời còn hoa mộng, nên cái chất nghệ sỹ trong Hoàng Như Bứa lại càng thăng hoa. Cứ thế, ngày qua ngày, thơ và tranh của anh lần lượt xuất hiện cùng bút danh Hoàng Như Thủy An.

Có thể xem Đà Lạt là thảo nguyên của thi ca, hội họa và những tâm hồn phiêu lãng

Đà Lạt của thời Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly, của đôi uyên ương Lê Uyên Phương, của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, Phạm Công Thiện, của những vị tu sĩ Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ,... và của rất nhiều bậc tài hoa khác. Đó là một Đà Lạt mù sương lớp lớp dày đặc để Hoàng Như Thủy An vén những tấm màn cảm xúc diễn trình trên thứ vật chất hư huyễn. Khi túy lúy men thi sĩ Thủy An làm thơ, khi tĩnh tại anh vẽ tranh… cứ thế tranh và thơ trong tâm hồn anh thay phiên nhau chào đời tại phố núi.

Tĩnh vật

Tĩnh vật được Hoàng Như Thủy An vẽ mang hơi hướng siêu thực (những bức: Bầu rượu, Ly 1, Ly 2, Quạt hình chim,...), tôi cảm nhận anh vẽ tĩnh vật trong trạng thái thăng hoa do men đời, vì thế tĩnh vật đã thoát khỏi thực tại của chính nó để hóa thân vào cảm xúc của họa sỹ trong tận cùng cô đơn.

Bút pháp ngây ngô là điểm nổi bật trong hội họa Hoàng Như Thủy An. Anh từng tâm sự với đại ý: “Khi vẽ tôi như trẻ nhỏ”. Vì vậy trong tác phẩm của anh như ẩn hiện bóng dáng thiên thần. Một cõi thiêng liêng mà không phải nghệ sỹ nào cũng có thể thấu cảm.

Đà Lạt thơ, Đà Lạt mộng, Đà Lạt xứ thần tiên,... không phải chỉ do khí hậu ưu đãi, mà nơi đó còn có cả những đường cong của núi đồi, tiếng thì thầm của cỏ hoa, những tầng thực vật đa dạng, tiếng reo của suối mơ,... tất cả những thứ ấy đã tạo ra tầng lớp cư dân hiền hậu, sống hòa vào thiên nhiên. Với các nghệ sĩ, Đà Lạt như một trường năng lượng kích hoạt hệ thần kinh giao cảm để việc sáng tạo luôn hưng phấn. Hệ sinh thái Đà Lạt đã tạo ra nhiều thế hệ nghệ sỹ thực thụ. Họ sống trọn vẹn, cảm, sáng tác mà không màng đến vật chất cũng như danh huyễn.

Vẽ chân dung

Loạt chân dung của họa sỹ Hoàng Như Thủy An mà đặc biệt là chân dung thiếu nữ như một trung tâm điểm của bức tranh, sự tinh khiết, trong trẻo như không khí đã khiến người xem tan vào trong đó. Những bức chân dung tự họa của anh lột tả sự trần truồng, cởi bỏ những chiếc mặt nạ, hướng đến niềm khao khát tự do.

Nhớ một đêm vào thập niên 90, tôi lạc vào xứ sở mù sương núi đồi, thở không khí lãng đãng trong suốt, nhìn cảnh vật, con người ở đây bất chợt tôi nghe thiên thai văng vẳng chốn đào nguyên, với ánh trăng xanh tan thành suối trần gian… Khuya hôm đó, tôi ôm cả ngọn đồi mà say khướt trong một kiếp mơ hóa bướm...

Giấc mơ về một thế giới của chân thiện mỹ

Đà Lạt xưa vốn là một cõi mộng đối với nhiều người, đặc biệt là người Việt. Được sống trong cõi mộng đó, dù muốn hay không con người đó ít nhiều chịu sự tác động của xứ sở thần tiên đó, nơi mà mỗi bước chân như đằng vân bay bổng, nơi mà mỗi ý nghĩ trong như sương khuya và nơi mà nhân ảnh khi ẩn khi hiện giữa mịt mù khói sương. Nơi đó, có những bức tranh của tạo hóa vẽ nên những mảng đồi xanh non, nơi đó có những vườn hoa ngát hương dặt dìu, còn có cả những thung lũng sâu tận lòng người và những con suối như bờ tóc ai ám dụ một mùa lãng du... vậy mà vẫn chưa đủ cho một thi sĩ, một họa sỹ sống trong khu vườn ký ức đó, hay có thể vì anh quá tiếc nuối và đau cho một Đà Lạt xưa nên muốn gửi gắm cõi lòng vào tranh. Đó là “Những giọt nước của trăng” như một khao khát về cái đẹp, hay cơn buồn phiền khi thấy “Những mái nhà xa lạ” đã biến dạng ánh nhìn về một Đà Lạt cổ kính hòa vào đại ngàn thẳm xanh.

Loạt tranh gam màu blue như niềm hy vọng trao gửi tương lai, với “Bình hoa và đàn cổ” tác giả như muốn nói đến cái đẹp luôn chứa đựng nếp văn hóa và ngược lại văn hóa chính là nét đẹp, nét thiện đi vào cuộc sống. “Bình hoa và chim” gợi nhắc đến biểu tượng của tự do khi cánh chim mang vác sự tuyệt mỹ tung bay mọi miền.

Cậu bé và ngựa 1 - Tranh Hoàng Như Thủy An
Cậu bé và ngựa 2
Con trâu
Người đàn ông và con chó
Một mảng đồi


Hệ sinh thái thiên nhiên gần gũi giữa người, cỏ cây, loài vật

Hoàng Như Thủy An từng là một thầy giáo trung học, anh làm cái việc trọng đại là trồng người, nên anh có đôi mắt quan sát rất nhân văn qua nhiều thế hệ học sinh. Từ quan sát học trò, đến cảnh vật và sâu hơn nữa là văn hóa bên trong mỗi con người, mỗi vùng đất. Từ đó, anh chuyển mỹ quan mình vào tác phẩm. Bức “Cậu bé và ngựa 1” tông màu lục, gợi người xem liên tưởng đến nụ hôn của danh họa Klimt. Ở bức tranh này, người và ngựa như có sự tương tác đặc biệt của tâm từ. Tiếp theo là bức “Cậu bé và ngựa 2” gam màu nâu, cả cậu bé và chú ngựa như đang ôm ấp trong một tấm chăn thiên địa. Tác phẩm “Đồi mặt ngựa” gợi nhắc hoài niệm về một thuở chưa xa khi những chiếc xe thổ mộ vó gõ lốc cốc, chuông cổ ngựa leng keng trên những con dốc phố núi. Với bức tranh “Con trâu” đứng cô độc trong cõi mộng mênh mang dưới ánh trăng buồn, tác giả như nhắn gửi đến người xem về một biểu tượng văn hóa Việt bị lãng quên. Hình ảnh con trâu thân thiện, gần gũi trong văn hóa lúa nước đã mất dần trong tâm thức người Việt. Hơn nữa, hình ảnh con trâu còn khiến người xem liên tưởng đến “Thập mục ngưu đồ” trong câu chuyện thiền. Cũng có thể, hình ảnh con trâu tông màu blue cô độc nhưng hòa vào giữa đêm trăng xanh mênh mông chính là trạng thức quên trâu quên người (tương vong) theo cách nghĩ và trình bày của tác giả trong bức “Con trâu”. Trong “Người đàn ông và con chó”, “Cưu mang”, “Con trâu”, “Những giọt nước của trăng” như ẩn chứa thông điệp về một tình yêu thiên nhiên, yêu loài vật mà cao hơn tất cả là yêu quý cuộc sống này, như một ngã ái tự nhiên của muôn loài, hay như đức hiếu sinh mà trong các cổ thư đã nhắc đến. Điều này có thể xem là cội nguồn của tạo vật để duy trì cuộc sống, cân bằng hệ sinh thái của muôn loài mà trong kinh Hoa Nghiêm đã nói đến từ rất xưa. Nhưng ngày nay, chúng ta mới ý thức về việc bảo vệ trái đất qua việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của muôn loài.

Được biết sau cơn tai biến, họa sỹ Hoàng Như Thủy An tuy di chuyển hạn chế, nhưng với niềm đam mê sáng tạo và sự khao khát cuộc sống, anh đã cầm cọ bằng tay trái để tiếp tục vẽ tranh, làm thơ và khóc như trẻ nhỏ mỗi khi xúc động trước cuộc sống. Anh đã sống và chiến đấu cùng bệnh tật để cho ra đời nhiều tác phẩm mới. Tôi hỏi anh có biết “độc thủ đại hiệp không?”, anh cười ngây ngô như trẻ thơ.

Hội họa của Hoàng Như Thủy An hướng đến trừu tượng và siêu thực (Huyền thoại đá, Thiên nhiên mặt người, Đồi mặt ngựa,...). Màu sắc gợi lên hoài niệm buồn nhưng mang phong vị lãng mạn... Đường nét trong tranh của họa sỹ Hoàng Như Thủy An mềm như đường cong của núi đồi Đà Lạt, đôi khi đọng lại những hạt sương như nước mắt của chàng thi sĩ chực rơi xuống trần gian. Thấp thoáng trong không gian nhỏ bé của sắc màu trong tác phẩm của anh gợi lên giấc mơ của cỏ… Một giấc mơ bình dị đi vào vĩnh cửu. 

L.H.L
(TCSH57SDB/06-2025)

 

 

Các bài đã đăng
Gặp gỡ (31/12/2019)