Mỹ thuật Huế
Điềm Phùng Thị - Điêu khắc, một cái nhìn nội tâm
08:33 | 14/05/2014

LGT: Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc. Sinh năm 1920, tại miền Trung. Hồi còn nhỏ học ở Huế và Hà Nội. Tốt nghiệp bác sĩ giải phẫu nha khoa tại Đại học Y khoa Paris (Pháp). Học điêu khắc từ 1959 - 1963.

Điềm Phùng Thị - Điêu khắc, một cái nhìn nội tâm
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị bên tác phẩm của mình

Bà đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm cá nhân, tham dự nhiều cuộc triển lãm tập thể tại Pháp và nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt ở Việt Nam bà đã từng triển lãm 3 lần: 1962 đoạt giải thưởng điêu khắc trong cuộc triển lãm quốc tế của 27 nước tổ chức ở Sài Gòn; 1978 triển lãm ở Hà Nội và Huế.
Hiện nay bà là nhà điêu khắc Việt Nam nổi tiếng ở Pháp và trên thế giới. Tác phẩm của bà có mặt trong những bộ sưu tập nghệ thuật của tư nhân tại nhiều nước. Và một số tác phẩm của bà đã được dựng thành tượng đài tại nhiều quảng trường và công viên ở Pháp...
Sau đây Sông Hương xin đăng lại bài giới thiệu của Raymond Cogniat (nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng, nhà sáng lập triển lãm mỹ thuật lưỡng niên ở Paris) trích trong tập "TRlỂN LÃM ĐIÊU KHẮC ĐIỀM PHÙNG THỊ 1960-1971". Nhan đề là của chúng tôi.

***

RAYMOND COGNIAT

Kín đáo và kiên trì, đó là phẩm chất của người Đông Phương, Điềm Phùng Thị, đã gia nhập vào đời sống nghệ thuật ồn ào ở Paris một cách yên lặng. Đầu tiên với một vài mẫu tượng nhỏ, những hình thể được khai sinh từ những động tác của bàn tay, sờ nắn dịu dàng như những đạo bùa hình nhân, được làm cho lên nước và uyển chuyển bởi những ngón tay vuốt ve không ngừng, như những dụng cụ hành lễ mòn cũ vì những sự nguyện cầu. Á Châu, trong tất cả những sự sáng tạo của bà, chứng tỏ rằng nghệ thuật là một hành vi sùng tín, và Điềm Phùng Thị đã không đi ngược lại với truyền thống này.


Về sự tâm thành của mình, bà không nói ra; bà bằng lòng sống với nó và tuân thủ theo nó. Lòng đầy xúc cảm, bà chấp nhận điều không thể tránh khỏi với một sự hài lòng đến choáng váng. Và người ta cảm thấy rằng sự tuân thủ theo rung cảm nghệ thuật của bà sẽ sẵn sàng trở thành một sự đối đầu, nếu xảy đến một trở lực. Một thế giới hình thể được sinh thành dần dần từ sự trầm tư của bà, một thế giới được gợi hứng bởi một sức mạnh nội tâm nào đó mà người ta không hiểu nổi, nhưng nó cũng không cần gì đến cả lý thuyết hay sự ngẫu nhiên. Người ta có ấn tượng rằng tất cả những điều gì mà người nghệ sĩ này sáng tạo nên, đều đã tồn tại bên trong bà trước khi xuất hiện và bà là phương tiện duy nhất, là nơi chốn duy nhất để hoàn thành. Như thể những hình tượng mà bà sáng tạo, trong thực tế, là sự vật chất hóa của những sức mạnh và của tư tưởng, và của mỗi một trong những điều ấy, cho dù bà độc lập và hoàn toàn tự tại, bà vẫn liên hệ một cách rất khăng khít với cùng một cảm hứng, với cùng một cộng đồng tâm linh, dù rằng bà có thể kết hợp với những kẻ khác, kết hợp vẫn để dựng nên một cái khác toàn diện.

Bởi bản chất sâu sắc của bà, mỗi một tác phẩm của Điềm Phùng Thị là một toàn thể được xác định nhưng vẫn mở ra vô vàn điều hàm chứa. Mỗi một khối tượng tạo nên bởi người nghệ sĩ này có tính cách tự do như một từ, nhưng, như một từ sẽ tìm thấy sự phong phú của nó khi tham gia vào một câu để rồi trở thành một bài thơ hay một lời cầu nguyện. Và như một từ được khuếch đại lên bởi tiếng hò reo của tập thể, khối tượng nhỏ của Điềm Phùng Thị có thể đạt đến những độ lớn của tượng đài khi người ta cho nó cái cơ hội xuất hiện ở ngoài trời.


Tác phẩm của bà khá phong phú, trong sự đơn giản phức tạp của nó, có thể được diễn dịch theo nhiều ý nghĩa, theo những điều mà người ta tin là khám phá được ở nó. Như người ta có thể thấy trong sự đơn giản của những hình thể các khối tượng, sự vật chất hóa của những nỗi âu lo nặng nề đã kiềm hãm đà phóng của ước mơ, nhưng, cùng lúc, những tiết điệu khéo xếp đặt của các khối tượng sẽ làm khai sinh ra một thực tế hài hòa và thăng bằng. Người nghệ sĩ này luôn luôn muốn tuân theo cùng một lúc cảm hứng của mình và luận lý của hình thể. Nghệ thuật của bà đã mang dấu ấn đó, và đó là sự kiện cho phép cảm nhận được về tất cả sự thông minh và tinh tế của bà.

Điều mà trong cái nhìn đầu tiên, người ta tưởng là khiêm tốn và đơn độc, đã áp đặt một nỗi ám ảnh về sự hiện diện im lặng của bà.

BỬU CHỈ dịch và giới thiệu
(SH30/04-88)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng