Mỹ thuật Huế
Tôi & không phải tôi
09:28 | 16/06/2009
HẠNH NHIĐó là tên sê-ri tranh sơn mài của họa sĩ Đinh Khắc Thịnh - người được biết đến nhiều với các tác phẩm mỹ thuật sắp đặt trong các Festival nghề thủ công truyền thống và các Festival Huế.
Tôi & không phải tôi
Họa sĩ Đinh Khắc Thịnh

Khác với hai gam màu xám và trắng gần như đã được “mặc định” ở mảng sơn dầu, trong Tôi & không phải tôi, gần như đã là một Đinh Khắc Thịnh thật khác với đỏ, đen, nâu, vàng, cam với các sắc độ biểu cảm của gam màu trên nền nhẵn, trơn láng của sơn mài cộng với sự kết hợp của cái xù xì, thô nhám của acrylic và sơn dầu. Cũng vẫn là ký ức, những dằn vặt, khắc khoải và cái nhìn trìu mến với những thân phận nhưng hình như đã bắt đầu cánh cửa mới của một chiều suy tưởng khác. Điều này có thể nhìn thấy trong màu đỏ mãnh liệt khi Thịnh nói về sự hủy diệt (ảnh 3), hoặc cuống quít chờ đợi sự bình an trong những khoảnh khắc của đêm sâu khắc khoải âm vọng tiếng chuông cầu (ảnh 5).

 
                  (Ảnh 3)                                    (Ảnh 5)
Ngay cả khi ngoái nhìn quá khứ với ký ức sâu đằm về bà nội, ở Thịnh vẫn có điều gì đó đau đáu, xa xót trong cái nhìn mông lung (ảnh 2).


                 (Ảnh 2)
Không chỉ là những ký tự của chữ số La mã, ngay cả chuỗi tinh tú trong tranh của anh vẫn biểu lộ sự dằng dai mong ngóng (ảnh 1, 2, 3 và 4).

 
                   (Ảnh 1)                                         (Ảnh 4)
Với Thịnh, những bức mang gương mặt Phật (ảnh 4 & ảnh 6) là cái “không phải tôi”. Đó là sự bình an nhưng cũng có thể là sự mong ngóng và khát khao bình an. Thế nên những gương mặt Phật trong “không phải tôi” của anh xao động trong sự bất an ám ảnh. Những cái nhìn vừa hướng nội lại vừa hướng ngoại. Sự thánh thiện của những câu hỏi…


                  (Ảnh 6)
Chân dung trong tác phẩm thường là bóng dáng của chính tác giả. Nếu nói theo cách này của Thịnh, có thể thấy cái tôi của anh ở chuỗi tâm trạng lo âu với những vết hằn mà cuộc sống đã trao cho và không dễ mất đi. Cho dù với sê- ri sơn mài đầu tiên này, Thịnh đang làm mới mình; cho dù anh đã thay đổi một trạng thái sống, chuyển sang một nội dung mới, một cảm hứng sáng tạo mới. Trong câu chuyện của mình, Thịnh bảo, ở anh là cả một sự thay đổi. Ban đầu, với hội họa giá vẽ, Thịnh luôn nghĩ rằng, sáng tạo là cho riêng mình. Khi thực hiện các tác phẩm sắp đặt đầy ngẫu hứng mà không kém chất thơ trên đường phố, anh cảm thức rất rõ về sự cống hiến và phục vụ dành cho cộng đồng. Khi hiểu ra những điều đó, Thịnh quay về với tranh để trao bày…

Luôn thấy sự gần gũi của sơn mài nhưng do những điều kiện khác nhau, lần này Thịnh mới có điều kiện để thực hiện. Đó cũng là sự ra mắt của những phác thảo mà anh đã “nghiền ngẫm’ từ 2004 đến nay…

H.N
(243/05-09)

Các bài mới
Các bài đã đăng