Mỹ thuật Huế
Từ một dòng sông
09:16 | 29/11/2019

ĐẶNG KIỀU LINH

Các họa sĩ trẻ xứ Huế vừa kế thừa những tinh hoa của các bậc tiền bối vừa có những khai mở riêng trong nghệ thuật của mình để phù hợp với không khí của xã hội và sự vận hành của các quan điểm mỹ học hiện đại.

Từ một dòng sông
Tác phẩm của Võ Thành Thân

Võ Thành Thân là một họa sĩ chuyên nghiệp, thể hiện qua quá trình làm việc miệt mài, sống được bằng nghề và nghiêm cẩn trong quá trình hình thành một tác phẩm. Tư tưởng của Võ Thành Thân là nỗi ám ảnh về cái chết, về sự hữu hạn của thân phận và nỗi giày vò của người trẻ trước những vấn đề nhức nhối. Cảm hứng nhìn chung trong hội họa của Võ Thành Thân là sự khơi gợi từ những tác phẩm hội họa kinh điển của thế giới; trên nền gợi hứng đó, họa sĩ mở ra một không khí mới, một kiểu bút pháp mới để nói lên tiếng nói của riêng mình. Hình tượng con người qua lăng kính và bút pháp vững vàng của Võ Thành Thân đã trở nên nhàu nát, đó là những hình nhân mang tính chất đại diện và tiếng nói phổ quát cho một tấn bi hài kịch nào đó ngầm ẩn sau các hình thể mà họa sĩ thể hiện.
 

Tranh của Nguyễn Đình Việt

Hội họa của Nguyễn Đình Việt cũng ám ảnh người xem không kém bởi kỹ thuật vững vàng và cách lựa chọn điểm nhìn của họa sĩ trước sự vật được chọn để mô tả. Tư duy của Nguyễn Đình Việt là tư duy mô phỏng vật thể có từ hiện thực nhưng qua sự xử lý chất liệu tinh tế, những vật thể trong tranh dường như được đẩy sang một chiều kích biểu hiện khác chứ không đơn thuần là những hình thể được thấy và được tả. Nói đúng hơn, đó là hình thể bên ngoài nhưng lại mang tiếng nói bên trong, tiếng nói như những tiếng gọi đâu đó xa thẳm từ tiềm thức. Sự hoài cổ nhuốm màu sương khói là cách Nguyễn Đình Việt khoác huyền thoại lên cho sự vật mà anh mô tả trong các tác phẩm của mình.

Tranh của Lê Thừa Ngọc Hải

Thử nghiệm trong ngôn ngữ của hội họa tân biểu hiện, tranh của Lê Thừa Ngọc Hải lại đem tới cho người xem những phá cách, thể hiện một tâm thế nổi loạn, phản tỉnh ngay trên hình thể lựa chọn, điều này không giống với các họa sĩ ở Huế, thông thường họ chỉ thể hiện sự nổi loạn một cách ngầm ẩn, nhu mì hơn. Lê Thừa Ngọc Hải sáng tác mạnh mẽ với một số lượng tranh khá nhiều, thể hiện nhiều góc khuất của cuộc sống, đặc biệt họa sĩ chú ý tới những con người lao khổ, những kẻ bên lề.





 

Tranh của Trương Thế Linh

Dòng nghệ thuật biểu ý, ngôn ngữ biểu hiện là lựa chọn của Trương Thế Linh. Sự phá cánh và nổi loạn trong tâm thức trẻ được Trương Thế Linh thể hiện trong tranh qua những hình nhân không rõ hình thể, hình nhân dường như bị không gian làm cho xô lệch và nuốt chửng. Đó là những khoảng tối trong ký ức, những góc nhìn u ám về cuộc sống được phóng chiếu qua lăng kính chủ quan của người họa sĩ luôn quẫy đạp trước thực tại giăng mắc thị phi. Cái ám ảnh người xem từ tranh của Trương Thế Linh đó là việc họa sĩ này phơi bày những vết thương của cá nhân nhưng đồng thời đó cũng có thể là những vết thương của người xem, hay của bất cứ ai trong cuộc sống này.



 

 



 

Tranh của Nguyễn Khắc Tài

Thực hành trên nhiều chất liệu như sơn dầu, acrylic, khắc gỗ, màu nước, bút sắt..., Nguyễn Khắc Tài là họa sĩ trẻ có sự biến chuyển qua từng thời kỳ sáng tác. Tranh của Nguyễn Khắc Tài có khi là tiếng nói lên án những điều tai ương trong cuộc sống, đôi khi lại trở về với những điều mộc mạc bình dị như thiếu nữ trong phiên chợ, hình ảnh thiên nhiên nên thơ...

Với một số lượng họa sĩ đông đảo, luôn tìm kiếm không ngừng trong tư tưởng cũng như trong bút pháp, mỹ thuật trẻ Huế hứa hẹn sẽ có những tên tuổi lớn góp mặt vào bức tranh mỹ thuật Việt Nam trong tương lai gần.


Đ.K.L

(TCSH369/11-2019)

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng