ĐẶNG TIẾN
Vẽ, không gì dễ mà cũng không có gì khó bằng vẽ phụ nữ. Khi nghe nói: tranh phụ nữ đẹp, thì ta không rõ: tranh đẹp hay phụ nữ đẹp.
Xưa nay một bức chân dung đẹp, không nhất thiết phải truyền thần một phụ nữ đẹp. Khi chọn chủ đề cho một loạt họa phẩm “Cảm ơn Eva”, Đặng Mậu Tựu ắt đã xử lý xong vấn đề lý thuyết này và mục đích tối thượng của anh là những bức tranh đẹp, để tuyên dương người phụ nữ muôn nơi và muôn thuở, người Mẹ của Nhân Loại, có thể là nữ tính trong mỗi chúng ta. Là nguồn sống, là tình thương, vẻ đẹp, cùng với đức tính chịu đựng, hy sinh vô bờ bến. Dụng tâm có thể là như vậy. Nhưng trong thực tế, cầm cây cọ trước giá vẽ, anh phải nghĩ đến một khuôn mặt cụ thể, có khi là cô gái anh vừa gặp đầu ngõ trưa nay. Và khi hiện thân lên khung vải, khuôn mặt phù du ấy lại hóa thân thành một phụ nữ khác, một nhan sắc đã tiềm ẩn trong tâm thức từ thời nảo thời nao. Anh lại phải truy tầm, như tìm lại một cố nhân, để phác thảo một tác phẩm tương xứng - mà về sau, chúng ta sẽ gọi là tranh đẹp. Tranh phụ nữ của Picasso hay trong mộc bản Nhật cũng xuất hiện như thế, cho dù có mang tên người mẫu như nàng Mona Lisa trong La Joconde, hay Em Thúy trong Trần Văn Cẩn, cô Mai, cô Yến trong tranh Dương Bính Liên. Vẽ người nào đi nữa thì họa sĩ cũng chỉ vẽ rung cảm của chính mình trước vẻ đẹp của trần gian trong phút giây giao cảm.
Và Đặng Mậu Tựu lại cần đặt cái nhan sắc kia trong trần gian nọ. Đến đây thì công trình tạo tác có phần thoải mái hơn, vì họa sĩ, đã được cuộc đời ưu đãi. Liếc nhìn bên trái, đã sẵn dòng sông Như Ý trong xanh. Liếc sang bên phải thì lại có vườn nhà, hoa lá chuyển màu theo từng sắc nắng. Bước ra khỏi ngõ là gặp “con sông xưa, thành phố cũ”, Cố đô Huế thành quách thâm u, cây lá xanh tươi, cuộc sống hiền hòa còn giữ được nếp xưa. Phong cảnh trở thành tâm cảnh: tranh đẹp bao giờ cũng là tâm cảnh của họa sĩ, dĩ nhiên. Ngày nào nó trở thành tâm cảnh của người xem, thì nó đến tầm tác phẩm hội họa. Nghệ thuật phát sinh trên khung vải và hình thành trong nhãn tuyến của người xem. Hoa sen đẹp trong mắt người nhìn, chứ tự nó không đẹp, không xấu, kể cả trong tranh của Đặng Mậu Tựu.
Không có cái đẹp khách quan, nhưng có cái đẹp quy ước, thay đổi theo thời đại, theo văn hóa và thói quen thưởng ngoạn. Cái khó của họa sĩ là hòa giải được mâu thuẫn của xã hội bằng tác phẩm của mình. Đặng Mậu Tựu có tham vọng đó. Tranh anh vì vậy thoát ly khỏi trường phái, bằng một mỹ học chiết trung. Anh giữ lại lối vẽ hình dung, nhưng hiện đại hóa bằng phong cách, qua rung cảm: cơ thể phụ nữ trong tranh lụa chứng tỏ điều đó, bên cạnh những đề tài quy ước của thể loại lụa, cảnh tứ bình xuân hạ thu đông, trong những không gian gia cư cổ kính. Người phụ nữ của Tựu khuê các, mảnh mai, thanh tú, đẹp một cách riêng, siêu thoát, ngoài nhan sắc, đẹp cái đẹp của hội họa.
Chuyển sang nghệ thuật sơn dầu, đường nét phóng túng hơn, màu sắc phong phú, khí hậu nồng nàn hơn, nhưng cốt cách không thay đổi. Có những phong cảnh tạo ra phong cách, nhưng ở Đặng Mậu Tựu phong cách tạo ra phong cảnh. Tranh sơn dầu về cảnh lên đồng ở điện Hòn Chén, thật sự không phải tả thực cảnh đồng bóng, mà là đáp lại đòi hỏi của chuyển động và màu sắc, một thôi thúc của cảm hứng và sáng tạo. Từ đó, suy diễn ra những họa phẩm khác, thuần phong cảnh Huế, nhưng là tâm cảnh Đặng Mậu Tựu: như vườn cây Nguyệt Biều hay bến đò Thừa Phủ. Nhưng tranh Đặng Mậu Tựu không miêu tả, chỉ mượn không gian để tạo nên khí quyển trong hiện thực hư ảo, một Cố đô Huế trong mộng tưởng, với bóng dáng người phụ nữ thực mà không thực.
Xem phòng tranh Đặng Mậu Tựu như đã đi qua một giấc mơ đầy chuyển động và màu sắc. Cảm ơn họa sĩ đã tạo dựng được giấc mơ ấy bằng tài năng, tâm cảm và lao động nghệ thuật - lao lực và lao tâm - bền bỉ và trí tuệ. Công, và thành công của Đặng Mậu Tựu là đã đạt tới cái Đẹp trong chức năng cao quý của nó, là đã hòa giải được nhiều giá trị tương phản.
Đà Nẵng 23/02/2020
Đ.T
(SHSDB36/03-2020)