Mặc dù ông không qua trường lớp, nhưng đồng nghiệp vẫn đánh giá về ông: Kỹ năng hiện thực khách quan một cách cao nhất, một tài năng đích thực. Lê Hữu Trí - con trai của họa sĩ Lê Vinh, thừa hưởng truyền thống của cha; anh từng được theo học truờng Mỹ thuật. Nhưng anh cố tìm cách thoát ra, đến với cõi tịnh yên, một mình mặc khải với bản lai hội họa. Trong quá trình “trở dạ” cho đến nay, Trí đã vẽ trên dưới 500 bức, khổ lớn và vừa.
Tranh của Trí đẹp ở đường nét, mạnh ở màu sắc ấn tượng, đượm chất ngang tàng hảo hán bởi gam màu nóng, để rồi từ các sắc màu giao hoà thành một tổng thể hoàn hảo. Trí dùng hội hoạ để nói lên tình yêu say đắm của mình về con người, thiên nhiên và tiềm ẩn một thực thể hàm súc. Đưa cảnh và người vào tranh như một cái cớ để anh giãi bày, bộc lộ niềm trăn trở, suy tưởng của mình. Từ đấy, sắc màu bay lên những thao thức hiện sinh.
Trí cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ cuộc sống, đôi lúc anh còn vẽ theo trực giác của mình với những góc nhìn riêng biệt, nên tranh của Trí phong phú về đề tài, đa dạng về lối thể hiện... Anh đã có ba cuộc triển lãm cá nhân ở ba thành phố lớn: Huế (2001), Hải Phòng (2003), Hà Nội (2005) và nhiều cuộc triển lãm nhóm khác...
Tôi đến nhà Trí, tôi gọi đó là CÕI LẶNG THỊ THÀNH. Xung quanh Trí ngổn ngang tranh, cái đã xong, cái đang dở choán hết cả ngôi nhà, còn lại một góc nhỏ bừa bộn cho gia đình nhỏ bé của Trí ngụ cư. Trí bảo: “Người nghệ sĩ không phải đứng dưới ánh hào quang của mặt trời chói sáng, mà ở trong lòng mọi người để đi vào tương lai”.
Huế, ngày 16 tháng 5 năm 2009 N.N.A (245/07-09)
|