ĐỖ TOÀN
Năm vừa qua tôi đến thăm Trương Bé tại trường Mỹ thuật trong lúc anh đang chuẩn bị đợt tranh trưng bày tại Hà Nội, nhìn qua tôi chưa đủ nhận thức đánh giá toàn bộ tranh của anh, mặc dầu cảm quan ban đầu đã gây cho tôi một ấn tượng tốt về anh - Tôi thấy anh đang hăng làm việc và có một hướng mới khẳng định đường bay trong nghệ thuật.
Những lần gặp, ngồi uống dăm ba chén trà nói chuyện mới rõ bản tính trầm mặc của anh. Lần gặp này thấy sức làm việc của anh càng dữ dội hơn - khối lượng tranh bây giờ khá nhiều, kích cỡ phần nhiều là lớn. Mặc dù trời đã chuyển đông, sau một cơn lụt lớn tôi vẫn thấy ấm trong người, cái điều thú vị nhất uống một vài chum rượu quỳnh ngồi giữa một rừng tranh, đường nét, màu sắc đang nhảy múa chung quanh, tôi không ngồi yên được và xin anh dạo một vòng xem kỹ.
Mấy mươi năm qua xem quá nhiều tranh của các bậc thầy trên thế giới. Từ cổ đại, phục hưng đến hậu hiện đại cả một mớ khá lớn trong đầu tôi về đề tài, chất liệu, đường nét, trường phái. Nhớ một hôm mưa gió tại Đà Nẵng tôi cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ngồi trên chiếc tàu viễn dương, anh thuyền trưởng người Nghệ Tĩnh nói với chúng tôi: “Hôm qua tôi được "đọc" tranh của họa sĩ Lê Huy Hạnh thấy thích thú vô cùng song tôi là lính viễn dương chưa chọn được một tác phẩm nào ưng ý vì ngành của chúng tôi các anh chưa diễn đạt nổi”, nghĩa là anh muốn nhấn mạnh cái sống cái chết trên đại dương cách nhau bằng một nan tre. Anh dùng từ đọc tranh bắt tôi suy nghĩ mãi. Đọc và xem khác nhau chỗ nào. Anh cứ bi bô cho đọc tranh kỹ hơn xem tranh, tôi yên trí như vậy.
Kể câu chuyện đó cho Trương Bé nghe, anh bật cười đứng dậy dang tay mời tôi đi đọc tranh của anh. Quanh một vòng tôi thấy dùng từ đọc đối với tranh Trương Bé là chính xác.
Tính đến bây giờ các nhà phê bình nghệ thuật đặt ra gần hai trăm trường phái, gắn lên đầu, lên cổ các họa sĩ những chữ isme. Đây cũng là vinh dự lớn cho một đời người lao lực sáng tạo, nhưng cũng là nỗi bất hạnh lớn lao cho họa sĩ nào chưa được gắn nhãn.
Đọc tranh Trương Bé tôi thấp thỏm mừng thầm, trong đợt tranh anh mới vẽ tôi nhận diện được cái cá tính của anh và điều tôi quý nhất ở Trương Bé là lòng dũng cảm, kiên trì dám chơi, dám làm mà hiện nay có nhiều bạn đồng nghiệp chưa đủ sức mạnh nội tâm thiết lập một trò chơi sinh tử này.
Trở lại cái bất hạnh lớn của chúng tôi là các bậc đàn anh đi trước quá thông minh, mẫn cảm chiếm lĩnh cùng khắp - đặt các pháo đài trường phái như một vòng đai thép bao vây chúng tôi, đôi lúc mới hé ra được một đường bay mới đã thấy ẩn hiện đàng xa ánh hào quang chắn lối - chúng tôi ôm đầu, buông cọ - vô lẽ chân lý các vị đã bao căn.
Xem tranh Trương Bé tôi liên tưởng đến các họa sĩ hiện đại Mỹ, họ trải Foil trên sàn nhà tay cầm cả lon sơn lớn vung vãi tung tóe, tảng này đến khối nọ dày đặc cả khung vải muôn màu muôn vẻ như hiện tượng bùng nổ của Freud. Họ cho đấy là một sự diễn tả tình cảm ở trạng thái cảm xúc cao độ của tâm hồn, đôi lúc dùng cả chân dẫm đạp lên, dùng tay thoa, cào thậm chí lăn cả mình lên nền tranh nữa.
Có nhiều vị nghiêm khắc phê phán họa sĩ đang bị tắc nghẽn đường đi. Tại sao không thể hiện như thời Phục Hưng để cúng hiếu cho nhân loại. Tại sao không vẽ như tranh cổ Trung Hoa, vừa nhẹ nhàng, vừa đẹp mắt mỗi lần ngắm tranh thấy tâm hồn lâng lâng siêu thoát. Rốt cuộc vẫn cho thời đại Phục Hưng trên hết. Quan niệm thưởng thức tranh như trên cần xem xét lại. Phong cách biểu hiện tranh bây giờ không chỉ phục vụ cho một tầng lớp thưởng thức lúc trà dư tửu hậu mà nó còn mang chức năng tiến sâu vào mọi mặt. Nghệ thuật bây giờ không chỉ làm thỏa mãn thú tiêu khiển mà nó mang một sứ mạng lớn là làm bật lên cho được những mảnh đời đen bạc, biểu hiện lên nỗi thống khổ của con người. Tranh của Trương Bé chính là tâm cảnh, chính là tiềm thức, xem tranh Trương Bé là nhìn vào ống kính vạn hoa của cuộc đời.
Có nhiều bạn chạy đến hỏi tôi với nét mặt thất vọng, anh giải thích giùm cho tôi các họa sĩ trẻ bây giờ vẽ sao tôi chẳng hiểu. Tôi lắc đầu đau đớn, làm sao giải thích cho các anh hiểu nổi khi trình độ nhận thức thẩm mĩ của các anh còn thấp. Nhiều bạn không biết một nốt nhạc làm sao nghe nổi tiếng đàn piano của Đặng Thái Sơn. Trong lúc đó trình độ nhận thức thẩm mĩ của thế giới vượt bậc quá xa.
Thưởng thức nghệ thuật theo quan điểm mới bây giờ nó có một giá trị tương đương (équivalent) với người sáng tạo. Bá Nha đánh đàn không có Chung Tử Kỳ thẩm âm cũng coi như đàn gảy tai trâu nên khi Tử Kỳ chết Bá Nha đập đàn là vừa. Người sáng tạo bây giờ lát ngọc quý dưới đáy biển, người thưởng thức phải ra tay cởi trần lặn lội tìm hiểu (động não). Một tác phẩm gọi là hoàn chỉnh bao giờ cũng còn một phần phát hiện, đóng góp thêm của người làm ra nó.
Tranh của Trương Bé cũng nằm trong quỹ đạo này. Ban đầu Trương Bé hoàn toàn làm việc bằng con tim, đoạn kết thúc anh mới dùng lý trí kiểm tra, điều chỉnh. Cái quan trọng trong tranh của Trương Bé là anh biết dừng đúng lúc, đúng chỗ nên tranh anh theo tôi bao giờ cũng có bố cục của sự hoàn chỉnh. Tôi dừng lại khá lâu trước bức mang tựa đề "Sự cô đơn tuyệt đối". Tôi miên man nhìn bức tranh mới nhất của anh vừa vẽ chưa khô sơn. Từ bố cục đến màu sắc nó toát lên một điều gì hư ảo làm cho tôi thấy lạnh từ xương sống. Nhớ lại bài Thần thi tống biệt của Tản Đà.
... Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ đây xa cách mãi
Cửa động đầu non đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
Đứng trước tranh của Trương Bé, tôi thấy hội họa có một khả năng tối ưu để diễn tả một sự cô đơn tuyệt đối. Sự cô đơn của Trương Bé không chỉ đơn thuần về cái tĩnh mà càng nhìn càng thấy khuếch đại sự cô đơn như "sầu đong càng lắc càng đầy" của Nguyễn Du vậy. Bức Tâm tưởng bố cục vuông anh dùng nền màu xám. Về đường nét anh có một dụng ý đối chọi giữa cái cá biệt và phổ quát. Đường viền (contour) có một độ chuyển màu êm dịu hài hòa, làm cho tôi liên tưởng đến một khối sắt hoen rỉ đủ màu được tôn tạo trên một thảm nhung mướt mịn. Tranh Trương Bé nhìn vào dễ gây cho người xem cái tình cảm nhẹ nhàng sang trọng.
Trở về bức Mùa Thu trên đỉnh cao mới thấy tính chất sơn dầu của Trương Bé (matière) các gam màu lạnh của anh rất hài hòa, vàng chanh tạt qua lục vừa đến tối sẫm. Màu tối sẫm của mắm ruốc. Tôi thường cho như thế - nhưng ở đây màu mắm ruốc của anh rất trong, được tinh chế bằng bàn tay khéo léo bằng cái đầu thông minh.
Nói chung phong cách mới của Trương Bé rất lạ, mới nhìn vào như một mớ lòng bong nhưng càng nhìn càng thấy nó rõ ràng rành mạch có hệ thống. Khi thể hiện anh ngự trị được cây cọ. Tranh của Trương Bé thường không có hình thể rõ ràng, nhưng nó có khả năng làm bật lên tâm tư, tình cảm từng người một khi lắng mình soi bóng trong tác phẩm của anh.
Gần hai mươi tác phẩm chung quanh, tôi phát hiện bức “Cánh hạc” có một bố cục lạ lùng nhất mặc dầu cỡ tranh nhỏ 35 x 50. Càng nhìn vào ta càng thấy nó mênh mông vô tận, bố cục được dàn trải ra tứ phía không có liên tế, không có quá khứ, hiện tại và tương lai.
Những năm tháng còn ngồi trên ghế trung học nghe thầy giáo giảng bài thơ màu thời gian của Đoàn Phú Tứ tôi mới cảm nhận được thơ cũng có mùi vị, màu sắc, âm thanh, một sự tổng hòa. Trong màu thời gian của Trương Bé tôi thấy nó quyện đặc màu nâu của đất đai, màu mặn nước mắt của tuổi thơ, màu mắt xanh của người yêu và cả màu vàng của thân phận.
Suốt mấy mươi bức tranh của Trương Bé đều mang một bút pháp nhất quán mà tôi cho đó là một cái ưu điểm lớn của anh. Dầu tranh của anh có để một xó xĩnh xa xôi nào đó, không có chữ ký của anh, khi nhìn tôi vẫn biết của anh. Tôi thầm cảm mến anh, cảm mến cái gan lì, cái dũng mãnh của anh trong hướng đi mới này. Mặc dầu trước anh, trên anh đang có những bậc thầy, bậc anh giăng mắc đủ loại.
Xin chúc Trương Bé vững tâm khai phá vùng đất mới của anh.
Làng Chuồn 20/10/1992
Đ.T
(TCSH54/03&4-1993)