Mỹ thuật Huế
Nghệ thuật ký họa di sản Huế trong đời sống hiện nay
14:47 | 21/02/2024


NGUYỄN XUÂN LỰC

Nghệ thuật ký họa di sản Huế trong đời sống hiện nay
Bìa sách Tuyển tập Huế xưa và nay (Nxb. Thuận Hóa Huế, 2022) - Ảnh: N.X.L

1. Vài nét về nghệ thuật ký họa

Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường có những sự kiện, những khoảnh khắc đáng nhớ, chúng ta bắt gặp những phong cảnh thiên nhiên ấn tượng, các kiến trúc công trình xưa cũ hay những cử chỉ, hành động của con người đã khiến chúng ta muốn nắm bắt và lưu giữ lại trong tâm trí hoặc là trong ghi chép hằng ngày. Vì vậy, chúng ta cần phải bắt đầu bằng những hành trình trải nghiệm để lưu giữ lại những ký ức đẹp, hình ảnh đẹp và đó là hành trình của ký họa nghệ thuật và ký họa được hiểu là: “Ký họa, hay tốc họa, là quan sát và vẽ, ghi lại một khoảnh khắc ấn tượng trong đời sống. Nhưng điều đặc biệt nằm ở chỗ bạn phải vẽ lại thật nhanh để lưu giữ cái hồn của đối tượng, nếu không thì sẽ bị vụt mất khoảnh khắc đáng quý đó. Đối tượng của tranh ký họa thường là con người, phong cảnh, sự vật, hiện tượng,...1.

Có nhiều cách để chúng ta ghi lại những khoảnh khắc trong đời sống như chụp ảnh, đi và viết về những trang sách nhưng để thú vị và sinh động hơn người ta tìm đến đường nét trong ký họa, đó cũng là cảm hứng cho tâm hồn của người họa sĩ, kiến trúc sư hay những người đam mê về hội họa.

Đầu thế kỷ XX, nghệ thuật ký họa ở nước ta nói chung và ở Huế nói riêng có những dấu ấn đáng ghi nhận, đó là sự ra đời của bộ sách Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger, bộ Nghệ thuật Huế của Léopold Michel Cadière. Ngoài ra còn có nhiều tác giả ký họa là người Pháp, người Việt họ thể hiện những tác phẩm ký họa của mình trên các tập san: Những người bạn cố đô Huế, Đông Dương tạp chí. Từ đó đến nay, ký họa luôn là lĩnh vực thể hiện tài năng nghệ thuật của nhiều họa sĩ, kiến trúc sư nối tiếp thế hệ trao truyền và kết nối sở thích đam mê. Và Huế là một trong những địa phương có phong trào ký họa phát triển, tạo nên sức sống mãnh liệt góp phần đưa văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế khẳng định thương hiệu mạnh đối với văn học nghệ thuật Việt Nam.

Trong đó, “Công trình Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger được thực hiện vào những năm 1908 - 1909 tại Hà Nội, nhưng sau đó vì nhiều lý do đã bị rơi vào quên lãng hơn nửa thế kỷ. Tới năm 1962, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã phát hiện ra công trình nói trên tại Thư viện Quốc gia Sài Gòn… Sau nhiều năm thai nghén, tác phẩm Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20 của PGS. TS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng đã ra mắt bạn đọc lần đầu tiên năm 1988 và được công chúng nồng nhiệt đón nhận.2

Từ quyển sách Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20 của PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng đã khảo sát được 4577 bản vẽ khắc gỗ và lựa chọn ra những bức ký họa tiêu biểu nhằm mô tả phần lớn về đời sống sinh hoạt cũng như về các hành động, cử chỉ, vóc dáng trong đời thường của người Việt. Điều này thể hiện rõ qua các chủ đề với một số tên tác phẩm như sau:

- Đấu vật, liếm chảo, leo cột, đốt pháo dựng nêu. (Lễ hội).

- Phường sơn mài, Chợ Lớn. (Sinh hoạt).

- Hỏi vợ, nhà sư rước nước, kéo ngựa gỗ trong đám rước thần, đàn chuyển luân nhà thường. (Lễ nghi).

- Chổi rơm, cây đèn dầu, đồ sơn mài, cái khung thêu, chiếc quạt lông, cái điếu cày, cái be hình rồng nổi, đàn bầu. (Vật dụng).

- Cây hương - nơi thờ thổ thần - dựng không xa cổng vào làng, nhà bếp, ngôi đình. (Kiến trúc).

- Cất vó, bắt ếch, chăn vịt, bắt chuồn, xả cau, ngồi trong nón, địu con bằng vạt áo, ráy tai. (Hành động, cử chỉ).

- Dệt vải, thợ thêu, thợ giặt ủi. (Nghề).

- Trẻ con làm rồng rắn lên mây, thả diều và đánh cờ. (Trò chơi).

- Xe kéo bằng thiếc. (Phương tiện).

- Lính xưa, lính pháo thủ, đội binh, kỳ lão. (Con người).

Tại Hà Nội, từ những thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, một số họa sĩ như Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn,… và một số nhà nghiên cứu trẻ đã bắt đầu để ý đến nhiều bức tranh mộc bản đầu thế kỷ trong một bộ tư liệu và đã bắt đầu đặt vấn đề tìm hiểu nghiên cứu. Về sau, nhiều viện nghiên cứu như Viện Sử học, Viện Mỹ thuật, Viện Từ điển Bách khoa, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Ngôn Ngữ… cũng đã tiếp xúc với bộ tư liệu nói trên. Tại thành phố Sài Gòn trước đây, có lẽ vào những năm 60, Viện Khảo Cổ và nhiều nhà nghiên cứu đã biết và tìm hiểu pho sách độc đáo ấy, nhất là vào những năm 70 lại thấy xuất hiện một số bức họa với tựa đề: “Tranh mộc bản Việt Nam đầu thế kỷ 203.

Khi nhắc đến ký họa và nghệ thuật ký họa Giáo sư Từ Chi rất có lý khi cho rằng: “Không có các mảng vẽ, thì cuộn lụa chỉ là cuộn lụa4. Đây là ý mà Giáo sư Từ Chi đã thể hiện trong lời giới thiệu tập sách ký họa của họa sĩ Trần Duy - một sinh viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, một người con của Huế. Khi bàn về ký họa di sản Huế từ trước đến nay đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước thực hiện như: L.Cadière, H. Le Breton, Y. Laubie, Nguyễn Thứ, Nguyễn Đôn, Tôn Thất Sa, M. Craste, Léo Craste, J. Le Pichon, L. Gaide, R. Or-band, A. Chapuis, L. Sogny, M. Delamarre, P. Albrecht… họ đã ký họa những cổng ngõ nhà Huế, lăng tẩm, vạc đồng tại hoàng cung, các vật dụng sinh hoạt trong cung, dân tộc thiểu số, triều phục, đã đăng trong Tập san Những người bạn Cố đô Huế của Hội Đô thành Hiếu cổ (1914 - 1944)… cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Riêng đối với Huế thì “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” cho nên giới văn nghệ sĩ khắp nơi trong cả nước chọn Huế làm nơi thể hiện tài năng nghệ thuật của mình. Đối với mảng ký họa thì KTS Nguyễn Ngọc Dũng khi đứng trước cảnh đẹp của Huế đã tâm sự trong ấn phẩm Bước chậm bên dòng Hương Giang (Lang thang phố thị 4) rằng: “Những ngôi chùa có lịch sử cuốn hút, những nhà thờ đi vào văn học. Kinh thành ngôi sao tuyệt mỹ, những lăng mộ, đền am, nghĩa trang, tín ngưỡng của người dân Huế; những thắng cảnh đẹp như tranh vẽ của sông Hương, của đồi núi, của biển cả, đầm phá, những lễ hội, văn hóa ẩm thực dân gian và cung đình, cuộc sống của người dân xứ Huế đã cho tôi cảm xúc để lang thang tìm hiểu5.

Và KTS Đặng Thái Hoàng đã từng nói: “Từ trước đến nay, tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử kiến trúc có nhiều cách, ngoài phần lý thuyết ra, một phần quan trọng khác là cần tìm đến các hình ảnh và bản vẽ. Hình ảnh có thể là ảnh chụp hoặc hình vẽ nét6. Từ đó KTS Đặng Thái Hoàng cũng đã nêu rõ thêm, đó là “các điểm, tuyến, diện, khối, luôn luôn là các thành tố cơ bản tạo thành không gian kiến trúc7.

Vậy thì giữa ký họa và kiến trúc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nó định hình không gian về phối cảnh lẫn chi tiết của công trình và được thể hiện bằng các đường nét cơ bản.

2. Đời sống ký họa nghệ thuật Huế

Thực tế hiện nay, Huế là nơi có nhiều họa sĩ, tác giả ký họa có tên tuổi, họ là những người đang công tác làm việc, hoạt động nghệ thuật trong các cơ quan, trường học, các tổ chức Hội hoặc làm nghề tự do và chúng tôi đã biết được những thành viên đó gồm: Lê Bá Cang, Lê Văn Nhường, Đặng Mậu Triết, Hoàng Thanh Phong, Tô Trần Bích Thúy, Võ Quang Hoành, Trương Công Đức, Nguyễn Văn Viễn Phương, Võ Trần Gia Phúc, Nguyễn Xuân Lực, Nguyễn Đức Niệm, Nguyễn Viết Công Thành, Nguyễn Công Nhật Minh, Trần Đình Vinh, Phan Vũ Tuấn…

Bên cạnh đó, còn có các nhóm ký họa ở Huế gồm: Câu lạc bộ ký họa HUSC ARC Sketchers HAS gồm có 271 thành viên vào năm 2022; Câu lạc bộ Urban Sketchers Hue; Parabim Tôi vẽ; Urban Sketchers HUFA đã tập hợp nhiều sinh viên, họa sĩ, kiến trúc sư trẻ tham gia hoạt động nghệ thuật với môi trường sinh hoạt nghệ thuật phong phú cho nên trong thời gian qua cũng đã có nhiều đơn vị như: Bảo tàng Mỹ thuật Huế; Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học Huế;Trường Đại học Nghệ thuật Huế đã tổ chức nhiều diễn đàn ký họa đã thu hút nhiều sinh viên, kiến trúc sư, họa sĩ tham gia.

- Năm 2016: Ký họa Góc sân trường. (Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học, Đại học Huế).

- Năm 2016: Ký họa Nhà vườn truyền thống Huế. (Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học, Đại học Huế).

- 16/06 - 30/06/2018: Hành trình Ký họa Huế “Một thoáng cố đô”. (Urban Sketchers Viet Nam (Hội Ký họa Đô thị Việt Nam)).

- 19/11 - 28/11/2020; 23/04 - 25/04/2021; 18/03 - 22/03/2022: Ký họa di sản Cố đô Huế. (Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với Hội Mỹ thuật tỉnh và nhóm ký họa đô thị Hà Nội).

- 26/11/2020: Ký họa Nét xưa và nay kỷ niệm 25 năm thành lập. (Khoa Kiến trúc: Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học, Đại học Huế).

- 23/11/2021: Chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. (Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học, Đại học Huế).

- 26/03/2022: Ký họa Trường Đại học Khoa học Huế, Đại học Huế - 65 năm 1 chặng đường. (Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học, Đại học Huế).

- 30/09/2022: Ký họa Nam Kinh thành Huế - Dấu ấn thời đại. (Khoa Kiến trúc, Đại học Khoa học, Đại học Huế kết hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).

- 23/11 - 27/11/2022: Ký họa làng cổ Phước Tích qua góc nhìn của Mỹ thuật tạo hình. (Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật, Đoàn Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, Huyện đoàn Phong Điền).

- 18/11 - 28/11/2022: Ký họa Góc nhìn. (Khoa Mỹ thuật tạo hình, Đại học Nghệ thuật Huế).

- 23/03 - 27/03/2023: Hành trình Ký họa Nét đẹp Văn hóa truyền thống A Lưới. (UBND huyện A Lưới phối hợp Bảo tàng Mỹ thuật Huế).

Bên cạnh đó còn có nhiều công trình dạng sách đã được xuất bản như: Lang thang phố thị 4, KTS Nguyễn Ngọc Dũng, Nxb. Thông Tấn, Hà Nội, 2019; Bộ sách 3 quyển Miền Trung Kiến Tích Thực, Nhiều tác giả, Nxb. Kim Đồng, Hà Nội, 2019; Ký họa Kiến trúc di sản Cổng ngõ Phủ đệ, Nguyễn Xuân Lực, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2022; Cửa gió phai, Đặng Mậu Triết, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2023.

Qua đây cho thấy, không chỉ riêng các tác giả ký họa ở Huế mới yêu nghệ thuật Huế mà còn có nhiều họa sĩ, kiến trúc sư ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng họ cũng gởi gắm tấm lòng mình đến với Huế qua một số tác phẩm ký họa đặc sắc.

Và gần đây Huế có thêm nhiều công trình về ký họa được xuất bản. Trong đó, đáng ghi nhận là 3 công trình ký họa di sản Cố đô Huế được xuất bản trong các năm 2020, 2021 và 2022 đã đem đến cho công chúng thưởng thức nghệ thuật ký họa với số lượng tác giả, tác phẩm và đề tài phong phú, đa dạng như sau:

* Ký họa di sản Cố đô Huế năm 2020:

- Lăng tẩm: lăng Tự Đức, lăng Khải Định, lăng Thiệu Trị. (38 tác phẩm, 34 tác giả).

- Kinh thành Huế: Ngọ Môn, Thái Bình Lâu, Cổng Hiển Nhơn, Lầu Tứ Phương Vô Sự, Cung Diên Thọ, Điện Cần Chánh, Hiển Lâm Các. (21 tác phẩm, 20 tác giả).

- Nhà thờ Cồn Hến. (01 tác phẩm, 01 tác giả).

- Phong cảnh. (01 tác phẩm, 01 tác giả).

- Kiến trúc Pháp: Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị. (01 tác phẩm, 01 tác giả).

- Cầu Trường Tiền. (01 tác phẩm, 01 tác giả).

* Ký họa di sản Cố đô Huế năm 2021:

- Lăng tẩm: lăng Gia Long, lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, Hiếu lăng, Thiên Thọ lăng. (22 tác phẩm, 19 tác giả).

- Kinh thành Huế: Cửa Ngọ Môn, cửa Nhà Đồ, Tử Cấm Thành, cung Trường Sanh, Thế Miếu, cửa Kẻ Trài, Vạc đồng Điện Cần Chánh, Huyền đỉnh, Kỳ Đài, cửa Ngăn, cửa Hiển Nhơn, điện Thái Hòa. (28 tác phẩm, 26 tác giả).

- Cầu: Cầu ngói Thanh Toàn, cầu Tràng Tiền. (06 tác phẩm, 06 tác giả).

- Phong cảnh: cảnh trước lăng Gia Long, sông đào. (02 tác phẩm, 03 tác giả).

- Trừu tượng. (01 tác phẩm, 01 tác giả).

- Chùa Thiên Mụ. (07 tác phẩm, 07 tác giả).

- Trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế (26 Lê Lợi). (01 tác phẩm, 01 tác giả).

- Cung An Định. (07 tác phẩm, 07 tác giả).

* Ký họa di sản cố đô Huế 2022:

- Lăng tẩm: lăng Khải Định, lăng Tự Đức, lăng Kiên Thái Vương (quần thể lăng Đồng Khánh), lăng Minh Mạng. (12 tác phẩm, 12 tác giả).

- Kinh thành Huế: Rồng ở mái, mái cung Diên Thọ, cột đá Đại Nội, Cửu đỉnh, cung Hoàng hậu, cửa Thượng Tứ, Hiển Lâm Các, lầu Ngũ Phụng, Triệu Miếu, cửa Hiển Nhơn, cửa Nhà Đồ. (47 tác phẩm, 32 tác giả).

- Phong cảnh: đầm phá Tam Giang, Thuyền - Cồn Tộc. (02 tác phẩm, 02 tác giả).

- Chùa: chùa Từ Hiếu, chùa Diệu Đế, chùa Thủ Lễ, chùa Báo Quốc. (20 tác phẩm, 17 tác giả).

- Đình: đình Thủ Lễ, đình Dương Nổ, đình Thế Lại. (14 tác phẩm, 15 tác giả).

- Quốc Tử Giám. (01 tác phẩm, 01 tác giả).

- Văn Thánh. (03 tác phẩm, 03 tác giả).

- Làng cổ Phước Tích. (02 tác phẩm, 02 tác giả).

Qua 3 công trình ký họa di sản Cố đô Huế được xuất bản trong các năm 2020, 2021 và 2022 cho thấy những địa điểm thuộc khu di tích như Kinh thành Huế, lăng tẩm và chùa được các tác giả phần lớn chọn làm chủ đề chính để thể hiện ký họa. Vì vậy, các chủ đề khác về công trình kiến trúc như: phủ đệ, đình làng, và các khu đền miếu cần được khai thác nhiều hơn để các tác phẩm trong hành trình ký họa di sản Huế được đa dạng và phong phú hơn.

3. Phát huy giá trị nghệ thuật Huế qua các tác phẩm ký họa

Thực tế hiện nay, có nhiều đề tài; dự án sáng tạo đổi mới, hệ sinh thái khởi nghiệp… nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa Huế. Qua quá trình khảo sát tại các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm quà Huế hoặc các công trình dạng sách đã xuất bản hoặc các ấn phẩm du lịch. Chúng tôi thấy rằng các hình ảnh ký họa về phong cảnh, di tích Huế được làm sống lại bởi đôi bàn tay tài hoa của những người ký họa. Xin đơn cử bằng những hình ảnh sống động dưới đây:

Hộp mè xửng
Ly đựng chè
Con tem bưu điện Hộp trà sen

 

Bìa sách Hương sắc, bánh mứt, xôi chè Huế
Áo dài Huế


Ngoài ra, những công trình kiến trúc thuộc Kinh thành Huế được các họa sĩ, kiến trúc sư tái hiện lại được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, báo chí như ở báo Thanh Niên mục Góc ký họa đã có bài đăng về chủ đề Kinh thành Huế, ở đây các họa sĩ, kiến trúc sư trong và ngoài nước đã tái hiện và cụ thể hóa bằng hình vẽ minh họa và bản đồ với những đường nét, màu sắc đa dạng khiến người xem có thể định hình các vị trí công trình rõ ràng và bắt mắt hơn như dùng màu nước, bút sắt. Điều này cũng giúp nhiều người biết đến với Huế hơn, ngoài ra còn có nội dung đan xen giới thiệu về Kinh thành Huế như lịch sử, phong thủy qua một đoạn giới thiệu: “Theo phong thủy, Kinh thành Huế nằm vị trí “vương đảo” với sông Hương là “minh đường”, cồn Hến và cồn Dã Viên hai bên ở vị trí “tả Thanh Long” (rồng xanh bên trái) và “hữu Bạch Hổ” (cọp trắng bên phải). Núi Ngự Bình bên kia sông là “tiền án” (bình phong phía trước). Mọi công trình trong Ðại Nội đều xoay về hướng nam (theo Kinh Dịch, vua quay mặt về hướng nam để cai trị thiên hạ)8 và mô tả các mặt của Hoàng thành giúp du khách hình dung rõ về địa điểm tham quan này.

Hiện tại Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học Huế và Trường Đại học Nghệ thuật Huế là hai cơ sở đào tạo nhiều sinh viên chuyên ngành kiến trúc và mỹ thuật, là thế hệ kế cận tiếp nối đam mê ký họa sẽ góp phần làm cho Huế có đời sống nghệ thuật ngày càng phát triển và phong phú hơn.

Huế là nơi có nhiều công trình kiến trúc di sản, phong cảnh thơ mộng, là nơi mà các họa sĩ, kiến trúc sư, những người đam mê về nghệ thuật hội họa, ký họa được thoải mái sáng tạo và thể hiện tài năng của bản thân qua những bức tranh vẽ sống động. Nhưng đến nay được biết các công trình kiến trúc, di tích hay các nhà cổ xưa dần dần được cải tạo, trùng tu xây mới và thậm chí có những nơi xuống cấp trầm trọng không thể cứu vãn được nên việc của chúng ta là ghi lại những khoảnh khắc, giai đoạn đó để sau này còn có sự đối chiếu và sự thay đổi theo thời gian, ngoài ra chúng ta cần sáng tạo thêm nhiều sản phẩm ứng dụng ký họa vào đời sống thực tiễn như các sản phẩm bao bì, nhãn mác, các bản đồ chỉ dẫn di tích, nước đóng chai, quà lưu niệm,… để một phần nào đó tạo ra giá trị về mặt nghệ thuật ký họa không chỉ đối với Huế nói riêng mà còn cả nghệ thuật ký họa Việt Nam nói chung.

N.X.L
(TCSH419/01-2024)

--------------------------
1 Nguồn truy cập: https://lostore.vn/ky-hoa-luu-giu-khoanh-khac-bang-duong-net-n88278.html. Ngày truy cập: 30/03/2023.
2 PGS.TS. Sử học: Nguyễn Mạnh Hùng, Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, Nxb. Thế Giới, 2022, trang chỉ
3 PGS.TS. Sử học: Nguyễn Mạnh Hùng, Ký họa Việt Nam đầu thế kỷ 20, Nxb. Thế Giới, 2022, trang 11.
4 Trần Duy, Nhị Hà, Tranh - Ký họa trên đất Pháp, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996, trang 7.
5 Nguyễn Ngọc Dũng, Bước chậm bên dòng Hương Giang, Nxb. Thông Tấn, Hà Nội, 2019, trang 9.
6 Đặng Thái Hoàng, Lịch sử kiến trúc qua hình vẽ, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1996, trang 3
7 Đặng Thái Hoàng, Lịch sử kiến trúc qua hình vẽ, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1996, trang 3.
8 Nguồn truy cập: https://thanhnien.vn/kinh-thanh-hue-18523022520493681.htm?fbclid=IwAR2JOuqinknLAfkK t3VbXcETs4FfPhvVhJj7s4wF2r1owLY1X6XY6_hYZcA. Ngày truy cập: 31/03/2023.

 

 

 

Các bài đã đăng