Mỹ thuật Huế
Mấy đoạn đời với chuyện vẽ vời
11:32 | 06/06/2008
Đã là hoạ sĩ thì cả đời chỉ vẽ. Xin lỗi tôi không nhớ là hỏi vẽ hay ngã vẽ.Nhưng Hỏi hay Ngã chi tôi cũng cứ tiếp tục vẽ. Mở mắt ra là xông vào vẽ. hình như sống để mà vẽ và vẽ để mà sống.
Mấy đoạn đời với chuyện vẽ vời

Vẽ trời vẽ đất, vẽ mây, vẽ cây, vẽ cối, vẽ ngày vẽ đêm. Vẽ cả trâu bò gà vịt, heo, bò, voi ngựa, vẽ cả chim đang bay, gà đang gáy, chó đang sủa, láng giềng đang chửi rủa nhau. Vẽ lá, vẽ cành, vẽ cây ngô đồng, không trồng mà mọc, em chưa có chồng anh chọc anh chơi. Vẽ gió rồi vẽ mưa, vẽ trên, vẽ dưới. Vẽ trời, vẽ đất, vẽ cả thánh thần, ma quỷ. Vẽ ngoài vẽ trong. Vẽ cả tấm lòng khi giận dữ khi yêu đương, khi buồn vui, khi vô tư lự. Ngày có thì vẽ có, ngày không thì vẽ không vẽ không sẽ thành có. “có có không không”
Vẽ với bút nghiên, với than, với lửa, cho đến lúc thiếu hết cả thì vẽ với tấm lòng son, với không chi hết. Ngược xuôi, trên dưới, trong ngoài chi cũng vẽ. Vẽ khi nắng, vẽ khi mưa. Nhiều khi hai mắt nhắm mà tay cứ vẽ.
Có người bảo tôi điên vì tôi chỉ thích vẽ. Vẽ ra hình hay không ra chi mà cứ vẽ, đến lúc không thấy hình mà cứ tự tin là có thật. Những lúc trời hiền, gió tốt, tôi vẽ cho những ai có con mắt bề trong, có tâm hồn hé mở, có môi cười duyên dáng, vẽ cho chị Hằng trên cung trăng, cho mưa cho gió, cho linh hồn lai vãng trên không. Rồi có khi vẽ không màu sắc không hình thức chi hết mà cứ tin là đẹp. Nhưng không vẽ để nịnh hót con mắt người du lịch, cho mấy thằng viết lách lăng nhăng, thấy hươu, nói vượn, liếm lót quan quyền. Rồi một hôm có người điên, khen tranh tôi đẹp rồi đòi mua tất cả những gì tôi đã vẽ, cho đến những cái không hình thức chi cả mà cũng cứ đòi mua cho được. Tôi lưỡng lự, nhưng rồi phải bán. Bán để vợ có áo lành, con có cơm ba bữa. Bán để tiếp tục vẽ. Vẽ vè ve.
Vẽ mèo để mà sống: Năm 1948, vừa học xong trường Toulouse, tìm đến Paris , kiếm đường bay nhảy. Không nơi nương tựa, chẳng có bạn tốt, vợ giàu, không một xu trong túi. Một hôm đứng trước con đường: (La rue du chat qui pêche) “chú mèo đi câu”. Rồi ở góc đường này tôi vẽ mèo và bán luôn tại chỗ. Mèo giúp tôi no cơm ấm áo. Xe cộ nghênh ngang. Mẽo mèo meo.
Vẽ tranh chống giặc: Bọn giặc kiêu căng, ồ ạt, kéo đến giết hại bà con tôi, đốt phá nhà cửa, đào bới mồ mả, hãm hiếp đàn bà, heo bò súc vật. Tôi bị kẹt giữa Paris , có gì hơn là dùng giấy bút sơn cọ màu sắc làm vũ khí chống giặc. Vẽ tranh chưa đủ, tôi dùng cả xác B52 bị đánh rơi, tạo thành tác phẩm chống giặc. Lấy gậy ông đập lưng ông. Rồi giặc bị đuổi đi. Tôi trở về thăm quê (1976). Quê tôi là một bức tranh.
Phong cảnh bất khuất: Vẽ để ca ngợi đất nước con người và xứ sở quê hương.
Sau khi dẹp xong giặc (1976) tôi được phép về thăm quê và chính quyền cho người đưa tôi đi viếng đường mòn Trường Sơn mà báo chí gọi là “đường mòn Hồ Chí Minh”. Tôi có cảm tưởng rằng những phong cảnh mà tôi tạo nên tranh ở Paris để chống giặc chỉ là mỹ thuật hoá mà thôi, còn ra nhìn lại tranh tại chỗ thì thật là “muôn vàn lộng lẫy” muôn vàn cách ĐẸP, giặc gây ra bao nhiêu hiểm trở mà “vạch máu hồng” vẫn có đường qua lại.
Muôn hình muôn vẽ: Tôi yêu tất cả các bà, các cô đã điềm nhiên  để tự tay tôi uốn nắn, tôi điểm các bà ra núi, ra sông, ra mây, ra gió, ra đỏ, ra xanh, ra béo, ra gầy, ra chi cũng đẹp. Nhiều tranh màu nước, tranh có đàn bà.
Nhện chăng tranh: Mấy hôm nằm mơ tôi thấy nhiều tác phẩm của tôi nhí nhõm như lưới nhện trên cây, chống chọi với gió, bỡn cợt với mưa, hài hoà với phong cảnh.
Đột nhiên tôi lưỡng lự không rõ có phải tôi là tác giả hay là mấy chú nhện chăng tranh bỡn cợt ra tay, đùa với mưa, chơi với gió. Có người bảo: Lê Bá Đảng “Mặc áo cho cây”.
ART TO WEAR. Mỹ thuật để mà đeo. Cái thú của tôi là gặp mấy bà mấy cô đã ĐẸP lại GIÀU, để giàu lại có gu và văn hoá biết chọn “ đeo tác phẩm mỹ thuật” của Lê Bá Đảng hơn là đeo đồ nữ trang loè loẹt chỉ để khoe khoang vàng ngọc mà ai cũng có thể có được. Đã giàu lại có vẻ sang. “GIÀU – SANG” SANG TRỌNG.
Hoa: Hoa của tôi không phải là “bông hoa để trong chậu” để biến các bà, các cô mà chính đây là “các bà các cô đã hoá ra hoa”, đang hớ hênh dâng biếu một vài chi tiết của mình. Để mà Hoa. Tranh hoa.
MẮT:
mắt người có 2 con mắt
            mắt mở để nhìn
            mắt nhắm để mơ
            mắt lơ mơ để tụng (tụng kinh)
CHÂN GIAO CHỈ: Trên thế giới này mấy ai có chân giao chỉ? Người Mỹ đã giàu lại mạnh nhưng không làm sao mà có chân giao chỉ? Hơn một tỷ người Trung Hoa bên cạnh nước tôi, khôn ngoan tinh xảo đến thế mà cũng không có chân giao chỉ. Đừng nói chi Nhật Bản, Triều Tiên, Thái Lan, Ấn Độ, mà lại cho đến cả Nga Xô Viết, xô mực, cũng không sao mà có. Dù họ có nhiều bom nguyên tử, nhiều đạo giáo, lý thuyết, sách vở, kỹ thuật cũng không thể nào có chân giao chỉ. Quân Pháp chiếm nước tôi gần trăm năm, mà cũng không sao có chân giao chỉ. Dân tộc tôi nghèo nhưng mỗi người có đến hai chân giao chỉ. Tôi tự hào nhưng không có ý chê bai khinh bỉ những ai không có “chân giao chỉ” đâu!. Mà tôi còn thương hại người ta nữa đó. Cho nên tôi mỹ thuật hoá chân giao chỉ, mỗi chân thành một “tác phẩm mỹ thuật” để mọi người được thưởng thức kẻo tội nghiệp. Bất cứ ai cũng có thể hôn hít, xem, sờ mó thả cửa, chả tốn kém chi đâu! Rồi còn những ai muốn có để làm của riêng thì cứ bạo dạn hỏi tác giả mà mua, mua về làm của và cho đỡ mặc cảm. Nhiều ảnh bàn chân. Ảnh chân bằng gỗ.
Rô – tíc (érotic = ô uế): Những ai đã nhìn trời, xem mây cuốn lúc có giông tố, gió bão, thì thế nào cũng đã thấy nhiều ít hình ảnh giống người, giống vật uốn lượn, xua đẩy nhau, chồng chéo, rẽ dọc, chận ngang tự do âu yếm nhau đủ cách, đủ kiểu, xem rất thích, nhưng nhiều lúc đâm ra ngượng, giả đò nhắm mắt lại mà nhìn. Đấy là rotic của ông Trời, của gió, của mây. Còn Rôtíc trong con mắt, cái đầu của con người giàu mỹ cảm là chuyện khác, nhưng cũng từ đó mà ra và đã là người thì như nhau cả.
Những lúc đầu mới vẽ xong, tôi ngỡ là tôi bị thần kinh, tôi sợ quá nhưng rồi bác sĩ cho biết là 99% con người đều thế cả. Nhất là người Á đông, đầu óc rất nhạy bén, thấy một tưởng tượng ra mười, chỉ trừ mấy ai bị tê liệt hay bị đạo giáo, nề nếp gia đình kềm kẹp hay luật lệ cấm. Nhiều người cứ nhìn trộm và không dám nói ra vì sợ láng giềng trách, bè bạn cười, làm mất mặt, hay sợ bị tố cáo rồi nhà cầm quyền lùng bắt, pôlít rượt. Còn tôi là nghệ sĩ, thì tôi không nói ra mà chỉ thêu dệt, tô điểm thêm với màu sắc, hình thức, vẽ thành tranh, nắn ra tượng rồi còn bày ra trò ngồi xếp hàng im lìm tưởng tượng ra hình thức rô tíc trong cõi mênh mông (không có gì ô uế). Đã biết chính quyền cấm, luân lý, đạo giáo ngăn ngừa, xã hội, bạn bè khuyên răn, các thầy cô ậm ự, nhưng rồi máu xấu dâng lên thì làm sao mà cản được. Hơn nữa rô tíc trên mây, trong đầu thì có ô uế gì đâu mà là cái ngôn ngữ tự nhiên của tạo hoá, của nghệ thuật cơ mà. Và đã là của tạo hoá, nghệ thuật là của chung, của tự do phải chia sẻ cho những ai lẻ loi bị con cháu khắt khe, cho những người giàu tiền của mà bị liệt âm, cho những nhà tu hành bị chúa, bị thần, bị Phật dòm ngó, kềm kẹp cũng như những quan to mà cũng bị mật thám kín theo dõi. Có nhiều ảnh, nhiều tranh, nhiều sách nhưng không cho lên đây được… Ai dám đùa với cọp bao giờ.
Có phải là TRANH: Không giống tượng mà cũng chẳng phải là Tranh. Hình thức tranh và tượng lẫn lộn với nhau. Đây chỉ là “TÁC PHẨM MỸ THUẬT”, nằm ngoài đường mòn, nằm xa những con mắt thủ cựu, trí óc hẹp hòi, thiếu văn hoá.
            Có xấu thì chê
            Có tốt thì khen
            Không biết thì hỏi
            Đừng có làm cao
            Như kẻ u mê
            Như người thất học
KHÔNG GIAN (Space): Một bầy quạ đen sì, cổ dài, mồm rộng, vừa bay lượn vừa kêu la inh ỏi: oacoac. À, đây là không gian Lê Bá Đảng đây à? Điếc cả lỗ tai. Oac oác. Kỳ khôi quá! Có giống ai đâu! Sao lại không chịu sáng tác như những người khác, mà cứ cứng đầu bày vẽ ra những cái kỳ khôi thế này! Lại còn phải có cách nhìn như loài quạ nhìn từ trên cao nhìn xuống mới thưởng thức được. Rồi lại dùng cái chất chi mà gồ ghề, thô sơ, quê mùa, không màu sắc chi hết, cắt, xé, dán, chỗ cao, chỗ thấp, chỗ có, chỗ không, lại có khi toàn trắng hay toàn đen. Chưa thấy ai làm như thế này cả! oác oác oác… Tất cả nằm ngoài đường lối của các trường phái mỹ thuật xưa nay. May mà đang sống vào lúc này chứ như vào thời buổi khe khắt thì thế nào cũng bị đưa lên đống lửa thiêu mất xác, hay vào thời buổi nay mà ở trong các xứ “chủ nghĩa tự do” thì chúng mời đi sơn la nước độc hay bị đưa vào một xó cửa đóng then gài, ngủ với rệp, ăn với chuột, ruồi muỗi thăm viếng đêm ngày, chả có chi ăn hay là mấy cái gậy cầm tay của bầy canh gác:
            Oác oác xi fét, xi fét
            của Lê Bá Đảng đây này
Có Có Không Không: Không lý thuyết cao siêu. Không đạo giáo. Có để mà không. Không để mà có,  để “Có – Không”.
TRANH ĐỂ MÀ TRANH: Thỉnh thoảng tôi lục soạn mớ tranh riêng (tranh để mà tranh) đưa ra ngắm đi ngắm lại mối tình cũ nghĩa xưa cất dấu rất kỹ. Tranh này đưa ra bán chẳng ai thèm mua, bạn bè xem ít ai hiểu. Mỗi lần có thì giờ một mình xem lại tôi tự thấy sung sướng, đầy đủ, đếch cần chi nữa. Rồi có cảm tưởng như đang đuổi bắt mấy con chuồn chuồn, bươm bướm như lúc còn thơ bé, giữa chốn đồng quê, nghèo nàn nhưng đầy chất sống. Xem mãi không chán. Rồi tự cảm thấy đây mới phải là tranh. Tranh để mà TRANH. Còn ra tranh nửa nạc nửa mỡ thì ai làm không được, ở đâu chẳng có.
“TRANH ĐỂ MÀ TRANH”

LÊ BÁ ĐẢNG
(nguồn: TCSH số 231 - 05 - 2008)

Các bài mới
Các bài đã đăng