Mỹ thuật Huế
Hãy cho nó hiện ra chứ đừng để thấp thoáng
09:59 | 14/12/2009
SĨ THIỆNTrại sáng tác điêu khắc Quốc tế lần 2 được tổ chức tại Huế đã kết thúc được 3 tháng. Bằng sự lao động sáng tạo, bất chấp cái "mưa thúi đất thúi trời", 14 nhà điêu khắc Việt Nam là 16 nhà điêu khắc đến từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á đã để lại cho Huế 30 bức tượng, một món quà vô giá và vĩnh hằng.
Hãy cho nó hiện ra chứ đừng để thấp thoáng
Tượng “Huế trong mơ” của Đinh Rú ở bờ Bắc sông Hương - Ảnh: sggp.org.vn

Những tác phẩm nghệ thuật này cần được đặt ở những vị trí tương xứng với giá trị của nó. Sông Hương vốn thơ mộng sẽ càng thơ mộng hơn. Cố đô văn hóa du lịch càng đẹp hơn lên khi khai thác tốt món quà quí hơn vàng này. Tiếc rằng chúng ta chưa làm được gì nhiều để đưa nội dung tác phẩm thẩm thấu vào khách lãng du. Một số tác phẩm được đặt ở vị trí đẹp, phù hợp nhưng cũng không ít tác phẩm nằm dưới lùm cây ấm bãi cỏ ít được chăm chút.

Cách đây mấy hôm, mấy anh bạn tôi ở Hà Nội vào, cùng tản bộ trên 2 công viên trước trường Quốc Học (tôi cũng chưa biết tên công viên là gì?) Họ muốn chiêm ngưỡng kết quả của trại sáng tác quốc tế lần 2 để so sánh với trại l ở công viên Thủ Lệ (Hà Nội). Xem chưa hết 30 tác phẩm họ đã giục tôi đưa về. Không lẽ cứ xắn quần lên mà đi xem. Bẩn hết cả ống quần rồi còn gì! Trên đường về bạn tôi bảo: 6 năm, nay trở lại Huế mà thấy Huế đổi thay chậm quá! Quê cậu có sông Hương không đâu bằng. Sao bàn tay con người đầu tư cho nó ít thế? Hà Nội đi sau thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng đã bắt đầu có những "Suối Tiên", "Đầm Sen". Ít ra, với 30 tác phẩm tầm cỡ đó, phải cho nó thêm khóm hoa, cây cảnh, lối mòn... Chúng tớ có cảm giác Huế đẹp bởi thiên nhiên ban phát chứ con người góp vào cho cảnh quan đẹp còn ít quá, chậm quá. Cậu phải lên tiếng đi chứ!...

Một lời nhắn gửi chân tình của bạn làm tôi chạnh lòng.

Ngoài sông Hương, ta còn có rừng thông Thiên An, Từ Hiếu; hồ Thủy Tiên; bãi biển Thuận An, Lăng Cô, Cảnh Dương; nhà vườn Kim Long, Vĩ Dạ... Rõ là tốc độ phát triển ở những cảnh quan ấy chậm chạp lắm.

Xin mạo muội góp vài ý nhỏ quanh chuyện khai thác 30 tác phẩm nghệ thuật của trại sáng tác quốc tế lần 2. Một đề tài nhỏ trong tổng thể đề tài của Huế.

Trước khi viết bài này, tôi dạo bộ xem lại một lần nữa. Càng xem càng phát hiện ra nhiều ý nghĩa sâu xa của tác phẩm. Và thật sự bức xúc khi cảnh quan xung quanh các bức tượng chưa tạo được sự thu hút, thoải mái với người xem. Sự gợi mở, tính giáo dục, nhắc nhở của tác phẩm bị hạn chế. Nghĩ ngợi và chiêm nghiệm là điều mà người xem rất cần khi đến với tác phẩm. Nó cần được trường tồn với thời gian chứ đừng để thời gian và không gian bào mòn nó. Cách bố cục 30 tác phẩm của hiện tại mang tính bảo tồn nhiều hơn là trưng bày. Làm sao đây để vẻ hoang sơ mang dấu tích cổ đại của Sue Pedlay (Úc); nét văn hóa Ai Cập cùng sự bất lực của chiến tranh trước sự vững bền của văn minh nhân loại của Salah El Din Hamad (Ai Cập); các khối tròn mềm mại tạo ấn tượng về tà áo dài xứ Huế của Balas Esgter (Hunggari); sự sắp xếp những thanh sắt dùng trong xây dựng mà khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại sẽ bóp chết kẻ phá hoại của Dolorosa Sinnaga (Indonesia); biểu tượng tình yêu, tình cảm của người con xa quê hương của Vĩnh Phương; Sự tích trầu cau của Phạm Hồng v.v... thấm sâu vào người xem. Mỗi tác phẩm mang một ý tưởng, cảm xúc riêng của tác giả nhưng tựu trung có một điểm chung là Huế của ngàn xưa, của hôm nay và của ngày mai.

Rất mong UBND thành phố Huế, Sở VHTT, Hội Văn học Nghệ thuật, trường ĐH nghệ thuật, Công ty công trình đô thị và những ai nữa... nhanh chóng có những hành động thiết thực, đầu tư xứng đáng. Phần việc của 30 nghệ sĩ đã xong. Còn lại là phần việc của chúng ta.

Tôi được biết công viên đối diện với Nhà Văn hóa thiếu nhi - nơi chứa gần 1/3 số tượng - nằm trong qui hoạch tổng thể của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Không nên chờ xây dựng xong nhà bảo tàng rồi mới chỉnh trang công viên. Như thế sẽ chậm quá. Một số tượng có thể phân rải xuống công viên cạnh cầu Trường Tiền hay bờ bắc sông Hương. Hai bên bờ sông Hương điểm thêm vài bồn hoa, hoa thực sự, hoa quanh năm sẽ êm dịu, tươi mát biết bao.

Một bài hát còn có thêm phối âm phối khi mới toàn diện, hoàn hảo. Bức tranh, nhóm tượng cũng vậy. Rất cần có phông, có nền hỗ trợ.

Trường Tiền, Thiên Mụ, núi Ngự, sông Hương là của hôm qua, của cha ông để lại. Còn hôm nay, ta có gì đây để sánh vai cùng nó. Chả lẽ cứ lấy Trường Tiền, Thiên Mụ mà trương lên mãi sao!

S.T
(123/05-99)




Các bài mới
Các bài đã đăng