Mỹ thuật Huế
Họa sĩ Phạm Đăng Trí
16:38 | 21/03/2011
LÊ VĂN THUYÊNThuộc lớp họa sĩ được đào tạo cuối cùng ở trường Mỹ thuật Đông Dương, nhưng họa sĩ Phạm Đăng Trí đã đi vào con đường hoạt động nghệ thuật chủ yếu là bằng cái vốn tự học tập, tự tìm tòi và nghiên cứu riêng của mình.
Họa sĩ Phạm Đăng Trí
Họa sĩ Phạm Đăng Trí - Ảnh: mythuat360.com
Điều ấy không chỉ chứng tỏ đức tính hiếu học, lòng say mê tri thức mà còn thể hiện khát vọng sâu xa của họa sĩ để chọn cho mình một lối đi riêng trong nghề nghiệp, như họa sĩ vẫn thường tâm sự “sợ đi theo con đường mòn người khác đã đi”.

Ước mong chủ quan là như thế. Song “con đường riêng” ấy không phải là đã được định hình ngay từ những tác phẩm đầu tiên của họa sĩ ra đời trước Cách mạng tháng Tám như “Bờ hồ”, “Ngoại ô huyền diệu” v.v… được vẽ trên giấy dó (thiếp bạc và tô điệp). Phải đợi đến “Người suối bạc” (giấy dó, thiếp bạc, tô điệp) ra mắt năm 1946 tại phòng triển lãm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở thủ đô Hà Nội, ta mới thấy rõ khuynh hướng cách tân của họa sĩ về màu sắc và hình thức thể hiện. Với phương thức hòa màu trong thị giác (mélange optique) và phối sắc giữa màu trứng sáo và hổ phách) bức tranh cho thấy tác giả đã vận dụng khá thành công vốn nghệ thuật dân gian ở miền Bắc cũng như của Huế.

Thiếu nữ - bột màu Phạm Đăng Trí


Ngay từ lúc còn học ở trường Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ đã chú ý nghiên cứu nghệ thuật tranh làng Hồ và tranh Hàng Trống, đặc biệt là nghiên cứu vốn nghệ thuật truyền thống của Huế, nhất là mảng màu sắc Huế. Sinh ra và lớn lên trên đất Huế, họa sĩ Phạm Đăng Trí yêu say sưa màu sắc Huế như yêu quê hương của mình vậy. “Những hợp sắc tương phản của Huế thuở trước và “đĩa màu ngũ sắc Huế” ngày nay (*) là những suy nghĩ, tìm tòi của họa sĩ từ mấy chục năm nay và đã được họa sĩ vận dụng thành công trong các tác phẩm vẽ trên lụa như: Hội đêm (1982), Mẫu đơn Trang (1983), Múa đèn (1984) và Múa kiếm (1984). Những tác phẩm này đánh dấu một giai đoạn sáng tác mới của họa sĩ Phạm Đăng Trí: vẽ những đề tài thiết thân, quen thuộc của Huế bằng hình thức vận dụng “đĩa màu ngũ sắc Huế”. Ở những bức tranh này, gam màu xanh lam, hỏa hoàng và màu trắng của điệp thường được họa sĩ dùng làm hòa sắc chủ đạo và thường được giải quyết theo phương thức hài hòa tương phản giữa những cặp màu: Đỏ và xanh lục, lục và tím đỏ, xanh và cam vàng, tím và vàng lục, vàng và tím xanh. Bảng màu nghệ thuật của họa sĩ Phạm Đăng Trí thường phong phú, đa dạng và biến dị. Trong hội họa, vấn đề quan trọng là hìnhmàu, họa sĩ thường nhấn mạnh điều ấy. Bảng màu của họa sĩ được nghiên cứu rất công phu và sự chuyển dịch giữa các màu bao giờ cũng tạo một sự biến dị đến thích thú. Đặc điểm nghệ thuật ấy gần như một bút pháp quen thuộc được lập lại trong nhiều tác phẩm của họa sĩ. Sự tương quan giữa hình và màu trong sáng tác của họa sĩ cũng là một đặc điểm đáng chú ý: Hình quy định tính chất của màu sắc và màu sắc càng làm cho hình thể hiện rõ hơn chủ đề của tác phẩm (Múa đèn, Múa kiếm).

Lăng Tự Đức - sơn dầu Phạm Đăng Trí


Trong quá trình xây dựng một tác phẩm ngoài việc sửa chữa nhiều lần phác thảo bố cục, coi quáu phương pháp dựng hình sắp xếp các mảng v.v… họa sĩ rất cân nhắc, thận trọng khi đưa một màu sắc vào bức tranh. Làm thế nào thể hiện được hai yếu tố dân tộc - hiện đại trong tác phẩm luôn luôn là nỗi băn khoăn, day dứt của họa sĩ. Nghệ thuật là phải cách tân. Song nghệ thuật không bao giờ đứt đoạn với truyền thống, như con sông không thể cắt đứt với nguồn của nó. Dân tộc và hiện đại, truyền thống và cách tân phải được quán triệt trong suốt quá trình sáng tạo tác phẩm ở cả hai mặt nội dung và hình thức. Mỗi một tác phẩm ra đời, họa sĩ đều đặc biệt quan tâm xem xét mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố đó, song họa sĩ vẫn tự cảm thấy chưa hài lòng bởi nghệ thuật là một con đường dài và vấn đề cách tân trong nghệ thuật là không bao giờ chấm dứt.

Hài sen - sơn dầu Phạm Đăng Trí


Mỗi một nghệ sĩ sáng tác thường tự chọn cho mình một mảng đề tài thích hợp. Họa sĩ Phạm Đăng Trí cũng thế, Huế là đề tài quen thuộc trong sáng tác của họa sĩ những năm gần đây. Nói cách khác, họa sĩ vừa thích vẽ nhiều về phong cảnh, con người và những sinh hoạt của Huế hiện nay, vừa khai thác cái vốn truyền thống của Huế trong y phục, kiến trúc, trang trí, vũ đạo v.v… Được hỏi về “những đề tài mũi nhọn”, họa sĩ vui vẻ cho rằng, trong sáng tác nghệ thuật hầu như có sự phân công xã hội, không vẽ được những “đề tài lớn”, thì cứ vẽ những đề tài thân quen, gần gũi mà bản thân mình đã từng sống qua tình cảm mình đã từng gắn bó, ấp ủ. Cứ thế mà sáng tác, mà bày tỏ tấm lòng ưu ái của mình đối với cuộc đời, đối với chế độ. Vẽ cái tốt, để ca ngợi. Và vẽ cả cái xấu, để lên án. Thế cũng là tốt, chứ sao.

Họa sĩ vẫn thường nhắc lại một điều tâm đắc, rằng trong sáng tác nghệ thuật, ngoài tài năng ra, không ai không chân thành và sáng tạo mà lại có được tác phẩm tốt, dù vẽ bất cứ đề tài gì.

L.V.T.
(13/6-85)


--------------------
(*) Đầu đề một bài nghiên cứu của họa sĩ Phạm Đăng Trí đăng trên NCNT số 2-1984






Các bài mới
Các bài đã đăng