Tuyển truyện ngắn 30 năm Sông Hương (1983-2013)
Tuyển tập truyện ngắn Sông Hương 30 năm (1983 - 2013)
15:18 | 15/06/2017

Bộ sách kỷ niệm 30 năm Sông Hương, riêng tập tuyển truyện ngắn được chọn xuyên suốt trong 30 năm chứ không phải chỉ 10 năm như tuyển bài ở các chuyên mục khác.

Ngoài mảng được duy trì từ lúc tạp chí mới ra đời cho đến nay là “Huế - dòng chảy văn hóa”, Sông Hương ghi được dấu ấn trong lòng bạn đọc phải kể đến ba mảng chính: văn, thơ, lý luận phê bình. Trong đó truyện ngắn luôn được xem như “xương sống” của mỗi số báo.

Trong dịp kỷ niệm 20 năm, Sông Hương đã có tuyển Văn dày trên 500 trang khổ 16x24cm gồm 50 truyện ngắn. Nếu so với 20 năm Sông Hương, thì 10 năm sau này lượng truyện hay tăng lên. Năm 2009, hơn chục truyện ngắn tốt rải đều trong các số Sông Hương như: Hoa gạo đỏ, Một bước sau quận công, Cái chết của Rối, Một lát cắt,... đủ để có được một tập truyện đa sắc, hấp dẫn. Hoặc trong năm 2011, có số báo đến 3 truyện ngắn được tuyển vào tập này: “Người đọc sẽ đến với một thế giới hiện thực thậm phồn trong sự hỗn chứa hiện thực trần trụi và những hoang tưởng phi lý, thậm chí hướng tới những dự cảm trong chiều sâu vô thức nội cảm qua truyện ngắn Ngày cuối cùng của một diễn viên hàiBên cạnh đó, Vòng luân hồi của chữ là những mảnh ghép bị đảo lộn như chính những nhân vật trôi lăn trong luân hồi vẫn không nhận ra kiếp mình. Và những ám ảnh của con người khi bị ném vào một quái trạng bất khả cứu rỗi trong Tôi đã nôn ra những đứa trẻ”. (LGT Sông Hương số 269).

Một điều hơi khác biệt, là chúng tôi đã chủ động chọn lại một số truyện không có trong tuyển 20 năm, như Niết bàn bốc cháy (Đoàn Lê), Dịch quỷ sứ (Tạ Duy Anh), Cún (Nguyễn Huy Thiệp), Người đoán mộng giỏi nhất thế gian (Phạm Thị Hoài), Qua sông (Cung Tích Biền) v.v. Nhiều tác giả có từ một đến vài ba truyện ngắn khá trong bộ tuyển Văn 20 và rải rác trên Sông Hương suốt 30 năm, tiếc là do số lượng trang có hạn nên đành phải... gác lại.  

Như vậy, chúng tôi không có ý đưa ra một tiêu chí rõ rệt nào ngoài việc chọn những truyện ngắn khá và hay để không phụ lòng độc giả. Có chăng đó là sự chú ý trước hết đến các tác giả ở Huế (vẫn trừ ra một số tác giả góp mặt ở trong tuyển Văn 20). Đó là một Trần Thùy Mai nhẹ nhàng, sâu lắng mà vẫn đầy phức cảm trong không gian Huế xưa với Trăng nơi đáy giếng; Việt Hùng vẽ Biếm họa về hạnh phúc gia đình; Những bước chân bên ngoài khe hở là nhân vật chính của vở bi hài kịch do tác giả Hoàng Trọng Định dàn dựng; Trần Hạ Tháp bày ra Thế trận linh xà để làm nổi lên chí khí người anh hùng áo vải; Thím Thoải của Hạnh Lê (Nguyễn Xuân Hoàng) khắc khoải nỗi buồn thiếu phụ; Phạm Xuân Phụng “trong vai” một nhà tâm lý xuyên sâu vào những ẩn ức đẫm tính nhân văn của chú vịt Mê sa li, câu chuyện bên hồ; Hiện thực phũ phàng như tiếng chuông rung lên trước đạo đức suy đồi được diễn ra âm thầm mà quyết liệt ở kéo chuông nhà thờ của Thái Ngọc San; Dương Thành Vũ đưa ta về không gian của thời bao cấp khổ lụy trong Giếng trăng với vài phận đời bi đát và chỉ có thể đi vào ngõ cụt; Nguyên Quân tìm chân lý qua Chuyện từ thời chiến: người mẹ anh hùng có một bàn tay vỗ về đứa con của mình đã hy sinh, và một xoa dịu dòng sám hối của người lính ngụy...

So với những tờ báo luôn chào đón “hàng độc” với mức nhuận bút hấp dẫn mà Sông Hương vẫn hút được nhiều truyện ngắn hay và mới, chứng tỏ nhiều tác giả có nghề vẫn rất mến mộ Sông Hương. Nhờ đó tuyển tập này dung hợp được nhiều phong cách. Có truyện như là sự thấm tháp nỗi đời của nhà văn sau bao nhiêu năm trăn trở. Đơn cử trường hợp của nữ nhà văn Dạ Ngân: nghỉ việc công sở, trở về tổ ấm của mình lặng lẽ “chép” lại những vết son trên chặng đời đã qua. Truyện là góc nhìn rất hẹp về chiến tranh song mở ra trước độc giả nhiều ngã rẽ với một Xuân nữ lỡ mang kiếp đào hoa, mà bạc phận cho những người đàn ông từng “hành quân” qua cuộc đời chị. Nhức nhối bởi lương tâm bại hoại của những con người vốn là ruột rà với nhau được lột tả trong Kịch độc. Người viết đã “tiêm” những rung cảm lạ lùng vào miền hoang mê của lương tri đồng loại. Những truyện ngắn khác của Bảo Ninh (Bằng chứng), Lê Minh Khuê (Sống chậm), đọc liền thấm nỗi đau đời như của chính mình chứ không còn là của nhân vật nữa. Song hành với hơi thở truyền thống là mạch ngầm hiện đại, như Đất không lối vào của Hạo Nguyên, Mê cung của Nhật Chiêu, Những bức ảnh của Lê Minh Phong; Sóng ngoài khơi của Khánh Phương, hay Một bước sau quận công, một dạng tiểu-luận-truyện rất đặc biệt của nhà văn Hồ Anh Thái.  

Mong muốn lớn nhất của chúng tôi qua tuyển tập này là nhiều tác phẩm một lần nữa được vinh danh; để tác giả của nó thêm tin tưởng và lại dành cho Sông Hương những tác phẩm tâm đắc.

Ban tuyển chọn Sông Hương

Các bài mới