TRÚC PHƯƠNG
Cái ghế bỏ trống trơn bên gốc đa già gần ngôi miếu hoang. Ông già vét chút sữa cặn cho thằng cháu uống, dở tấm tã ra xem thằng bé có tiêu tiểu gì không, đoạn ông vớ lấy mấy muỗng cơm nguội để dành từ trưa mớm vào miệng, cong người lại mà nuốt...
Ông già ngồi trên chiếc ghế bố làm bằng mảnh bao phía dưới bóng cây đa lão - trụ sở của Hội những người bán máu kia, sinh năm 1919, tròn 82 tuổi. Mái tóc quá lứa của ông vàng cháy màu khói ướt, đôi mắt sâu hoắm với hai con ngươi nhờ ố, lẩn khuất trong cái màu xám đục nhợt xỉn của tròng trắng, hai cái má hóp sâu, hàm râu hoang dã xoắn cuộn rồi găm chệch vào vòm cổ như một cái lưỡi búa bị hoen rỉ.
Thoạt nhìn, ông như người cõi âm đang can trường nhận chịu sự đọa đày của âm binh dưới hỏa ngục vì món nợ tiền kiếp. Nơi gương mặt khô choắt hằn sâu những vết cắt của thời gian và sự nhọc nhằn, cả sự tàn nhẫn của số phận, ông hiển hiện như người đi lạc từ thế giới nào đến đây - giữa cái phố thị ồn ã, chật cứng những mối quan hệ mua bán văn minh này. Người ta gọi ông là ông Tám Ô. Có lẽ bởi cái thẻ đeo trước ngực được bệnh viện tỉnh cấp ghi hẳn ông là người thuộc nhóm máu “Ô”. Ông hành nghề này từ sau cái Tết Mậu Thân 1968. Tưởng là thất cơ lỡ vận, bán đỡ một vài lần cho qua cơn thắt ngặt rồi thôi, nào ngờ việc ấy lại thành nghề kiếm sống của ông từ bấy giờ đến nay. 33 năm bán máu ! Nhất nghệ tinh, nhất thân “vinh” (?). Câu nói của người xưa sao mà nghe đau trong lòng.
Ông Tám Ô đứng dậy rời ghế bố, chấp tay sau đít, ngóng mắt ra đường khi có người nào đi ngang con hẻm. Có người vừa được xe ôm đổ xuống. Ông lón nhón bước theo người phụ nữ hớt hải tìm một người nào đó.
- Cô ơi, cô có mua máu, mua dùm tôi.
Người phụ nữ dừng chân nhìn ông từ đầu đến chân rồi lắc đầu:
- Tôi cần máu tốt, máu thanh niên.
- Có đây, tôi có máu A đây chị - Một gã thanh niên xăng xái chạy tới kéo thẻ trên miệng túi khoe với khách hàng.
- Tôi cần máu “Ô”.
- Thưa cô, tôi… tôi máu “Ô” đây. Không tin cô cứ nhìn lên thẻ của tôi.
- Ông già kia, lại ghế bố mà ngồi, ai kêu ông giành khách của tôi. Chị, máu “Ô” thanh niên, chị vào đây có ngay.
- Cô… cô…
Từ hồi sáng đến giờ không được mối nào. Mặt ông già choắt lại trong màu nắng nhạt. Ông khổ sở rê bước đến chiếc ghế bố cũ, rồi không yên trong lòng, ông lại dò dẫm đi về cái lò ổ chuột nằm khuất sau gốc đa cổ thụ để thăm thằng cháu cố. Trên ghế bố còn lại tấm biển làm bằng giấy các tông, ngoằn ngoèo nét chữ: “Tại đây có bán máu” . Ông già vừa đi khỏi thì một tay cò bán máu có hình dáng nhớp nhúa không kém tay bụi đời đã nhanh nhẩu úp cái “bảng hiệu” tội nghiệp của ông lại. “Già hết máu rồi mà cũng đòi bán. Máu ổng bây giờ còn thua máu cá. Bán với buôn cái gì!”. Gã đàn ông bĩu môi nói với người phụ nữ vừa đẩy xe hốt rác đi qua, rồi quay phắt ra ngoài khi có chiếc xe ôm dừng lại. “A, E có không? 2 xị” - “Có ngay đại ca”. “Trả tiền cò hai bữa trước luôn nghe cha” – “Đại ca yên trí, đàn em chơi đẹp mà” – “Biết điều vậy là tốt. Không thì tụi tao dắt mối cho bọn ngoại khoa hết” – “Ậy, đại ca đừng chấp, vạ cho tụi em. Đại ca chờ em chút”. Thoắt cái, gã cò đã dẫn ra cho anh lái xe ôm một người đàn ông ho khù khụ, mặt nhợt, tối như thịt cá nhám đông lạnh và một người đàn bà mặt xám xanh bủng như người có bệnh hậu sản. Chiếc xe Suzuki rồ ga chở hai người bán máu đến bệnh viện, bỏ lại phía sau cái cười đắc thắng của tên cò và khuôn mặt méo mó khắc khổ của ông già vừa chạy ra đầu hẻm đứng trông theo.
- Sao chú đối xử với tôi như vậy, chú Thòn. Tôi cần tiền để lo cho thằng cháu cố của tôi… Nó sắp chết.
- Ông già kia ăn nói cho đàng hoàng không thì khổ thân. Ông biết bãi này là của tụi tui chớ?
- Biết, nhưng dân trong nghề, mong chú thông cảm. Ở bãi đa khoa tôi cũng đã mất mối hết trơn rồi.
- Mất là phải, ông định lừa người ta hoài đó chắc. Máu ông là máu cá, ông biết không?
- Chú nói quá lời với già, tội chết. Cực chẳng đã tôi mới làm nghề này. Cùng cảnh, chú biết mà. Tôi muốn chú nhường cho tôi một mối kiếm tiền mua cho cháu mũi thuốc… Tôi xin chú...
Cái mặt chai của tên cò máu hóa ra cũng còn có chút để nhìn sau cái nhíu mày hiếm khi có được của hắn.
- Ráng chờ. Bây giờ đến tối, có tôi sẽ để cho. Nhưng nhớ, phải biết điều, đất này có chủ, biết chưa?
- Dạ, đội ơn chú.
Ông Tám Ô lại chạy vào với thằng bé kêu ông bằng “ông cố” để báo với nó tin mừng. “Sắp có mối rồi Cún à! Ông sẽ mua thuốc cho con, sẽ mua cho con cái áo mới ăn Tết, một chiếc máy bay trực thăng như thằng cu Tý… Ráng mà khỏe lại với ông”.
Thằng bị bệnh nhũn não, bác sĩ chê, không còn nói được, thường xuyên trong trạng thái hôn mê, từ lâu đã không hé môi gọi nổi “ông cố” để ông nó vui, vừa trở mình chừng nghe được lời thâm tình của ông nó. Từ đôi mắt khép hờ, vô cảm, mấy giọt nước mắt chầm chậm ứa ra. Ông Tám gật đầu: “Ừ, cháu của ông ngoan, rồi cháu sẽ uống sữa được, sẽ hết bệnh, sẽ đi học mẫu giáo như thằng cu Tý, cu Tèo… Thằng cha con mẹ mày… Ừ thôi, nhắc đến nó làm gì, nó tệ lắm đánh đòn nó vì cái tội bỏ cháu ông”.
Tan một phiên chợ máu, ông Tám vẫn chưa thấy một mối nào đến. Cái ghế bỏ trống trơn bên gốc đa già gần ngôi miếu hoang. Ông già vét chút sữa cặn cho thằng cháu uống, dở tấm tã ra xem thằng bé có tiêu tiểu gì không, đoạn ông vớ lấy mấy muỗng cơm nguội để dành từ trưa mớm vào miệng, cong người lại mà nuốt. Ông ân hận vì đã không giữ thằng cháu ở bệnh viện thêm ngày nào. Tiền đâu ? Bây giờ ở bệnh viện mọi cái đều được tính bằng tiền, mà ông cháu ông thì đã hưởng chế độ ưu tiên trừ 80 viện phí phải trả rồi, muốn đòi nữa cũng đâu có chính sách cho riêng ông và cháu ông mãi được. Mà máu thì có tuần bán được, có tuần không. Nhiều khi ế ẩm cả nửa tháng trời mới bán được một lần với hai trăm bạc. Một mũi thuốc ngoại đặc trị cho thằng cháu đã hết trăm rưỡi. Còn phải mua sữa, hột gà, rau cỏ để mà tái xuất ra máu. Còn bao nhiêu là thứ đồ dùng, vật dụng cho đời sống nữa. Tất cả chỉ trông mong vào 3 xị máu vị chi trong tháng của ông. Đã vậy, còn phải thăm vợ chồng thằng cháu cố đang thoi thóp gật gật, lắc lắc đầu như thể làm mặt lạ với tử thần hay từ chối một tiếng mời gọi nào đó từ giới âm ti. Ôi thằng cháu của ông, chẳng lẽ nào nó vắn số đến vậy ?
Lượm một điếu thuốc tàn, ông Tám rứt miếng giấy báo quấn lại để hút cho qua cơn ghiền. Một đám hút chích trong ngôi miếu hoang đang lôi nách giật lưng nhau, ỏm tỏi tiếng chửi thề, văng tục. Có hai tên gầm gừ lao về phía ông, giọng vừa van xin vừa đe dọa. “Bố già, cho mấy đồng để kiếm một liều đen coi. Không thì liệu hồn!” – “Thông cảm, bữa nay “qua” không bán được các em à” – “Má thằng cha già…biến cho khuất mắt đi!”. Lại tiếng la thét, tiếng gươm giáo, mã tấu chạm nhau soang soảng. Những tiếng còi, những tiếng rượt đuổi. Đang định vác ghế bố lánh nạn thì một chiếc xe ôm sà lại. Thằng cò Lác đâu ? Máu “Ô” một xị!. “Dạ có đây, máu “Ô”. Già Tám kéo thẻ trên ngực đưa cho Tài xe ôm. Tài xe ôm thò lõ mắt nhìn ông già, lắc đầu. “Thằng cò Lác đâu?” – “Nó trốn rồi. Tụi nó đang thanh toán nhau trong miếu hoang. Cảnh sát tới đông lắm. Lấy đỡ của ông già nầy đi. Tội nghiệp ổng, cả tuần nay không bán được”. “Thôi lên xe. Phải trả tôi phần tư nghe chưa?” – “Tội nghiệp tôi, chú…Tôi có thằng cháu…” – “Tôi cũng có vợ con. Ông ăn cơm thì cũng phải cho tôi húp cháo chớ ? Không chịu thì thôi!” - ”Dạ, dạ thôi được”.
Cổng bệnh viện đang chật ních người. Có cả cảnh sát. Thân chủ của ông Tám lôi sệch ông vào phòng cấp cứu. Ông được đặt lên giường. Ở bàn cấp cứu là một tên cướp vừa bị bắn trọng thương. Hắn ta cần có máu để được cứu sống theo yêu cầu của công an . Chưa đầy 5 phút đồng hồ mọi chuyện đã xong. Người ta đưa cho ông 200 ngàn và một túi đường, sữa. Gã xe ôm vừa chen vô đưa 2 ngón tay qua vai người nhà của tên cướp kẹp lấy tờ giấy 50 ngàn từ bàn tay run rẩy của ông già. “Người lao động thì tốt. Người nghèo không phải ai cũng tốt. Vẫn có chút máu trộm cướp trong người những kẻ lưu manh”. Ông Tám Ô sực nhớ đến lời giáo huấn của ông cán bộ quản giáo nói lúc ông đi thăm thằng cháu nội ở trong trại. Thay vì nằm nghỉ theo lời khuyên của y tá, ông Tám đập cái trứng gà nuốt trọng rồi xách túi đường, sữa chạy riết ra cửa hàng thuốc ngoài giờ. Xong, ông ghé tiệm bán đồ chơi trẻ con để mua chiếc máy bay trực thăng Trung Quốc cho thằng cháu cố. Rồi ông đi một mạch về với thằng cháu tội nghiệp của ông. Hai con mắt thằng bé lại có hai giọt nước mắt chầm chậm ứa ra khi ông cầm tay thằng bé lên, thỏ thẻ: “Nè con, thằng Cún của ông, ông mua máy bay trực thăng bay “tè tè” cho Cún của ông đây. Nào, hết bệnh để còn mặc áo đi học với thằng cu Tý, cu Tèo…”. Không biết thằng Cún của ông cười hay ông đã tưởng tượng ra nụ cười của nó. Ông không biết rằng ông đang quan hệ với Cún bằng tiềm thức, cái thế giới đáng yêu đầu đời của một con người đã chìm sâu trong cơn bạo bệnh mà theo bác sĩ, nó cũng được bắt đầu từ sự nghèo nàn lạc hậu và một chút không may của số phận.
Ông ngả lưng xuống chiếc chiếu rách với cảm giác hài lòng về một buổi chiều kết thúc có hậu. Ông chập chờn được mấy chốc rồi sau đó lại thiu thiu nhớ tới ngày xưa. Ông cay đắng nghĩ rằng đời ông, số kiếp ông, chỉ có tre tàn mà không có măng mọc. Sau khi Bảy Viễn ra hàng Ngô Đình Diệm, Bình Xuyên dần dần tan đàn xẻ nghé, hạ sĩ già Tám Đen mới trở thành tay em của dân anh chị Cầu Muối. Sống lây lất với phận sự của thằng bảo kê già cho mấy vựa cá chẳng được bao lâu thì Tám Đen bị hội đồng một trận thập tử nhất sinh, nằm nhà thương thí sáu tháng trời mới lò dò về chốn cũ thì hỡi ơi, chả còn ma nào ra tay nghĩa hiệp theo đạo lý giang hồ. Mò vô cái gầm cầu Khánh Hội cũ, Tám Đen may mắn gặp được một ả gái điếm hết thời đang đi bán dạo xác thịt già nua chai chóc của mình. Hai kẻ tàn đời trôi dạt vào nhau, núm níu nhau vượt khỏi vũng đen của số phận. Đêm đầu họ tựa vào nhau vì ngoài trời mưa bão, lạnh thấu xương. Đêm thứ hai ả gái điếm đi đến khuya mới về chỗ trọ, có cả hai cái bánh bao và một gói thuốc lá Cotab. Đến khuya, sau cơn mưa ngập ngụa, ả hỏi Tám Đen: “Đằng ấy có ăn bánh không, đằng này cho một cái” – “Cám ơn cô” – “Đằng ấy có hút thuốc không?” – “Xin cô một điếu” – “Đằng ấy lấy mấy điếu mà hút” - “Đằng ấy có muốn làm kiếm cơm không ?” – “Cô giúp dùm đội ơn” – “Nghề hốt cầu lấy phân!” – “Cô nói thiệt?” – “Thiệt, người ta mua về trồng rau, trồng bông… Chọn thì mai đi theo đằng này”. Sau khi đi làm cái nghề tận số ấy, Tám Đen kiếm được chút đỉnh tiền cơm cháo qua ngày. Tháng sau thèm đàn bà, nhưng thấy đồng tiền làm ra cực khổ quá, bụng thì cứ muốn nhưng cái đầu thì cứ “sợ” tốn tiền. Mãi đến một đêm khuya, lại vừa mới được khao một cái bánh bao, Tám Đen mon men thò tay đặt vào chỗ xuân tình của cô ả. Mọi chuyện trót lọt đến không ngờ. Mấy đêm sau, tay chân quen đường, Tám Đen lại giở tiếp trò cũ. Chỉ tưởng chuyện êm xuôi, nào hay Tám Đen sắp lên thiên đàng thì ả gái điếm tằng hắng, gắt giọng: “Chưa dứt giá mà đằng ấy cứ muốn ăn bánh mà không trả tiền hoài hả?” – “Giá bao nhiêu” – “10 đồng” – “Được, tôi trả đủ cho cô” – “Tôi không bán một lần” – “Vậy chứ bán làm sao?” – “Tôi bán chục có đầu như người ta bán xoài, bán đu đủ vậy” – “Nghĩa là…” – “Một trăm rưỡi cho một chục có đầu . Riêng lần trước là biếu không” – “Tôi làm sao mà có tiền mua nổi” – “Cho thiếu chịu trả góp. Chịu thì tính không thì xuống ngay!” – “Ừ… thì chịu …Nhưng bữa nay tôi chỉ có 10 đồng”. Một tháng sau, chủ hãng phân chưa trả tiền, Tám Đen lại quen ăn mà không quen nhịn thèm, đêm cứ mò máy trằn trọc. Thấy Tám Đen thao láo mắt nhìn, ả điếm gặp lúc cũng ế ẩm, liền hạ giọng mở lời: “Đây cho thiếu. Nhớ đừng quỵt!” – “Tôi thề!”. Tháng sau mới lãnh tiền, y đã ghé ngay sòng bài, đứt chến ! Ả điếm đòi tiền, Tám Đen đau khổ lắc đầu. Đã thế thằng xếp cầu Ông Lãnh còn ghen ngược tìm đến nện cho Tám Đen một trận nên thân. Sẵn trớn Tám Đen trốn mất dạng. Tuần sau ả điếm lại lôi tên ăn qụyt về ổ. “Tôi có bầu rồi! Đằng ấy liệu mà lo. Không thì em út đằng này nó khất nhượng” – “Xưa nay tôi có nghe ai vô nhà thổ mà có bầu đâu ? Đừng có gạt tôi” – “Đây nè, sờ vô coi. Nó ba tháng rồi, tính từ cái đêm ăn bánh không trả tiền, cái bánh bao đó, nhớ không?”. Xuồng bể chèo hư, ráp với nhau được khúc nào hay khúc đó. Vậy mà thành chuyện thật. Đẻ cho Tám Đen một thằng con nhìn hoài không giống, ả giang hồ vướng bệnh lao phổi, bảy năm sau qua đời… Một trống, một giò dắt díu nhau làm thuê vác mướn khắp các ga xe lửa, bến tàu, bến hàng. Năm thằng con hai mươi tuổi, bị bà bóng rỗi bỏ bùa mê, nó nằng nặc đòi già Tám Đen làm lễ thú phạt, khỏi cưới, khỏi tốn tiền. Đẻ được đứa con, bà bóng trúng gió hậu sản, cốt chủ không về phù hộ, bóng qua đời ở tuổi ba mươi.
Thằng con trai “oa oa” dưới gầm cầu Khánh Hội kế thừa linh hồn ma qủy âm binh theo đám du đãng Cầu Muối, mấy lâu sau biệt tích giang hồ không thấy về cố quán. Nách thằng cháu nội còn đỏ hỏn, già Tám Đen hồi đó về quê cũ những mong nuôi nó nên người. Nào ngờ lúc chiến tranh, đất nhão ra vì bom đạn, già lại cõng thằng bé ra cái thị trấn nhỏ ven lộ Đông Dương mà sống. Thế rồi một ngày nọ trôi dạt đến cái thị trấn sầm uất đầy chật người tản cư, già Tám Đen mới được giới thiệu đi bán máu lấy tiền trị liệu cho thằng cháu nhỏ. Đó là những ngày Tết Mậu Thân 1968. Tưởng chỉ bán một hai lần khi thắt ngặt, ai dè chẳng còn cách gì để sống nữa, ông trở thành người bán máu chuyên nghiệp để nuôi cháu nội từ ấy. Thật là oan ương. Mẹ nuôi con bằng sữa. Cha nuôi con bằng nước cơm. Còn ông, ông nuôi cháu bằng máu. Một tháng đến ba bốn lần lấy máu, mỗi lần một xị. Một người bán rồi cả phố bán máu. Chiến tranh càng ác liệt máu bán càng đắt hàng. Rồi hòa bình, nhận được vài lần cứu trợ, già Tám Đen bị quân quản phường điều tra lý lịch vì có vài người tố cáo. Hỏi ra mới biết già Tám Đen bị buộc tội bán máu cứu sống nhiều tên lính ác ôn có nợ máu với nhân dân. Cộng với thành phần bất hảo, trôi sông lạc chợ, già Tám Đen bị cưỡng bức đi kinh tế mới. Sau hai năm ăn củ sắn củ mài, già Tám bỏ thằng cháu vô thúng đội về Sài Gòn, vất vưởng ở các công viên, chợ người, kiếm việc làm mướn, đôi lúc phải đi xin cơm thừa cá cặn để hai ông cháu qua ngày. Rồi ông trở về thị xã ven sông với nghề bán máu như cái duyên nghiệp trớ trêu này. Năm thằng cháu hai mươi chín tuổi, ông trút hết hầu bao dành dụm bao ngày để cưới cho nó con vợ cũng chẳng hơn gì con vợ thằng cha nó ngày xưa. Cô gái con bà thầy bói. Đẻ được thằng con chỉ mới có bảy tháng mười ngày ở trong bụng mẹ, hai vợ chồng đứa cháu nội dẫn nhau vào tù, vứt thằng cháu cố cho ông nuôi từ lúc nó sáu tháng tuổi. Bao nhiêu là đoạn trường cám cảnh.
Bây giờ thì, tre tàn, măng cũng đã tàn…
Ông bật dậy, bưng ngọn đèn đến bên thằng cháu. Lạ lùng quá, dường như ông cảm thấy nó cười. Chiếc trực thăng vẫn nằm trong tay nó. Cái áo mới ông mua hồi tối vẫn sặc sỡ trên ngực nó. Niềm vui ngày Tết chừng đã đến sớm hơn với thằng cháu của ông. “Ừ, phải vậy chớ. Thảo nào”. Cháu của ông sẽ qua được cái Tết này, sẽ chờ ông bán máu lần sau để mua thuốc chích và đồ chơi cho cháu. Hết bệnh rồi ông sẽ đưa cháu đi học với cu Tý, cu Tèo. Phải học để tìm đường thoát cái kiếp tai nghiệt của ông, của ông nội và của cha mầy. Có ai nghèo ba họ, có ai khó ba đời… Hãy cố mà sống với ông nghen con…
Bảy ngày sau, thằng bé cố sống đến lúc giao thừa cho ông vui mà không kịp. Nhưng dường như nó sợ ông buồn mà vẫn cầm chặt trong tay cái càng chiếc trực thăng bằng nhựa của ông mua. Chiếc trực thăng vẫn ngay ngắn trong tư thế cất cánh. Và cái miệng nữa, cái miệng nó vẫn như cười để ông yên lòng. Rồi ông nó đốt nhang, mượn trời mượn đất của người ta mà chấp tay khấn thần khấn Phật. Ông mang nguyên óp nhang thơm đến gốc đa già mà hương khói cho thần linh và lũ âm binh. Đến khi ông quay về thì…ông bế thằng cháu cố lên mà đi, mà chạy sau khi gọi mãi, gọi mãi mà cũng chẳng thấy nó trở xoay. Chiếc trực thăng rơi xuống chổng trơ ra đất. Thịt da thằng bé lạnh ngắt. “Ối, bà con ơi… cháu của tôi…”. Ông chạy dến bệnh viện, miệng hét to: “Ai mua máu giùm tôi. Máu… ai cần máu… Hãy mua máu giùm tôi… bà con ơi…!”. Ông già Tám gọi nhễu nhão về phía mọi người. Rồi ông sụm sịu dưới chân bác sĩ. Bác sĩ lắc đầu. Một cô y tá chỉ đường ông xuống nhà xác. Người gác cổng nhà xác về nhà cúng giao thừa. Ông chạy đến chữ thập đỏ của phường gần nhất. Cửa đóng im ỉm. Ông lại đưa thằng cháu trở về ngôi miếu sập. Đặt thằng cháu xuống, ông khập khễnh chạy đến trại hòm mua chịu cái quách để gói thân thằng cháu. Quách chưa đóng. Ông năn nỉ đóng, lại không có thợ. Đến khi tìm được ông thợ tốt bụng thì ông chủ trại hòm đòi tiền. Ông Tám khoanh tay trước bụng như trẻ nhỏ: “Không nói gì ông… ông giúp giùm cháu tôi… ngày mai, ngày mốt tôi sẽ trả tiền…” – “Sao lại là mai mốt. Tết nhất ông già nầy tính chuyện không hay. Tôi không biết, tôi không có khai trương bữa nay và không có bán chịu đầu năm đâu nhé. Mặt mày, cửa hiệu người ta như vậy, năm mới, năm mủ, đến đây mua chịu, có khác nào ông trù ếm rủa xả tôi cả năm. Đi đi!”. Lát sau, ông thợ đóng hòm thương tình bán chịu cho ông Tám miếng ván cũ ở nhà rồi cả hai đi ra ngoài bãi đất thánh mà đóng quách (vì đóng ở trong nhà hoặc ngoài đường lúc sinh khí linh thiên sẽ bị người ta kỵ) . Xong cái quách, ông mang về, ngồi nhìn mãi thằng bé mà không muốn liệm. Có lý nào thằng cún của ông lại vô nằm ở cái chỗ mà lẽ ra lão già tám mươi hai tuổi nầy phải vô nằm. Có lý nào trời Phật lại bất công vô lý như vậy. Rồi ông thợ đóng hòm tốt bụng cầm cái đèn cầy bước đến giục: “Để cháu vô đi, mình còn đi chôn cháu sớm. Giấc nầy người ta đang ở trong nhà. Trễ không có chỗ đâu”. Ông Tám Ô khóc như ho khô trong ngực rồi nhẹ tay bế thằng cháu chỉ còn xương với da để vô cái quách rộng rình. Hai bộ quần áo cũ, cái áo mới, mấy thứ đồ chơi. Hộp sữa còn lưng một nửa, chiếc trực thăng bằng nhựa. Ông mở chiếc máy bay ra xem hai cục pin còn không rồi đậy lại, vặn cho nó chạy thử, sau đó mới đặt cạnh tay thằng bé với mấy giọt nước mắt đỏ quạch trong màu nến đỏ. Hai ông già thay nhau vác cái quách ra đất thánh, chỗ nghĩa địa của những người Thiên Chúa giáo đang giải tỏa dở, kiếm chỗ cho thằng Cún nằm nhờ. Vừa chuẩn bị hạ huyệt thì một dân quân gác đêm đã nổ súng và xông vào bắt trộm. “Trộm! Trộm! Bắt nó…!” – “Chết, chạy!”. Ông thợ đóng hòm dông mất. Ông già Tám bịn rịn vác thằng cháu lên, rồi trong lúc hồn phi phách tán đã co giò chạy riết ra bờ sông cái, chỗ có hang nước xoáy cuộn dữ dằn đầu ngã ba sông. Cái hang cá bống tượng chìm sâu trong đáy sông theo truyền thuyết há ngoác cái mồm rít riết đợi chờ ông, con mồi già tội nghiệp. Và ông… Thêm mấy dân quân được kích hoạt bởi những ly rượu đón giao thừa đã hùng hổ xông vào tên trộm “gầy guộc” vừa vác cái “rương vàng” tẩu thoát. Ông già Tám vừa lao đầu xuống dòng sông đen thui thì chú dân quân đi đầu trờ tới và dũng cảm nhảy theo ”tên trộm”. Ông già Tám và cái quách được mang lên. Mọi người yên lặng nhìn nhau. Ông già run đến xương hàm run lập cập. Vẫn còn cái hạnh phúc cuối cùng cho ông: mấy chú dân quân thương tình đã cùng ông đưa thằng Cún lại chỗ cái lỗ huyệt “ăn cắp” ấy để nó ấm thân.
Chôn xong thằng cháu, ông định về nằm mà khóc cho đã với nó trong ngày đầu năm thì có người tới hỏi mua máu. Có một thằng con nhà giàu có vừa mới đua xe bị chấn thương sọ não, cần máu để sống tiếp cuộc đời đẹp đẽ của nó. Ông lắc đầu định không bán, vì thằng cháu đã bỏ ông đi, đã không cần máu của ông nữa. Nhưng rồi tiền miếng ván, tiền công đóng cái quách, tiền mấy ngày lấy thuốc, lấy sữa thêm, tiền cò mấy bận chưa thanh toán xong đã giật cong chiếc lưng còng của ông dậy. Ông ra đến bệnh viện. Cô y tá hôm rồi nhìn ông. “Chưa đầy một tuần mà bác?”. Ông chống chế: “Tôi bồi dưỡng nhiều cô à” – “Máu bác chưa kịp đỏ đây nầy ông cụ ơi!” – “Cô thông cảm. Có thể bớt ba phần tiền cũng được” – “Thằng cháu ông sao rồi?” - “Nó …ừ…nó… cô cứ lấy máu đi… Nó đang ăn Tết ở ngoài kia cô à…”.
Ra khỏi phòng lấy máu, ông Tám Ô xách cái túi đường, sữa, hột gà mà bước đi cứ nghiêng ngả, xiêu vẹo. Lạ nhỉ! Có khi nào cái chân của ông nó bướng bỉnh như vậy đâu. Mắt ông nữa, sao hôm nay nó tối sầm. Rồi ông mơ màng, thiếp đi khi nghe thằng Cún gọi: “Ông ơi, thằng Tý, thằng Tèo làm hư chiếc máy bay của Cún”...
Nắng như xé ra từng sợi để thành mưa trên sân bệnh viện. Mưa nắng. Ông già Tám cố mở mắt ra để nhìn cơn mưa ngộ nghĩnh của ngày đầu năm, nhưng thật là tệ hại, mắt ông cứ tối sầm. Thằng Cún lại gọi ông về cùng với nó. “Ông ơi… nhớ về nhanh với Cún… nghe ông…” – “Ừ… ông sẽ về mà đánh đòn thằng cu Tý, cu Tèo nó chọc cháu của ông. Ông sẽ về…”.
“Ông già… ông già…” ( cô y tá chạy ra ). Ôi, giá như ông bán được đời mình…
Ngoài đời, cuộc sống vẫn rộn ràng trôi theo nhịp của nó. Mùa xuân vẫn đến với mọi nhà và đến với mọi người.
T.P
(SH số tháng 11 - 2002)