Những nẻo đường đất nước
Tướng Ngô Văn Sở ấy không phải là danh tướng Ngô Văn Sở
16:49 | 19/03/2013

PHAN THUẬN AN

Một sự tình cờ đã xảy ra trong lịch sử cận đại Việt Nam: có hai tướng Ngô Văn Sở sống cùng một thời kỳ. Xin tạm gọi nhân vật thứ nhất là tướng Ngô Văn Sở ấy, và nhân vật thứ hai là danh tướng Ngô Văn Sở triều Tây Sơn.

Tướng Ngô Văn Sở ấy không phải là danh tướng Ngô Văn Sở
Tượng thờ Đại tư mã Ngô Văn Sở trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định) - Ảnh: wiki

Sự nhầm lẫn tuy vô tình nhưng rất tai hại của một số người đã khiến chúng tôi viết bài này. Viết để làm sáng tỏ vấn đề và để tránh sự "lộn sòng" về sau.

Vừa qua, một số bà con ở làng Thuận Nhơn thuộc xã Hải Vĩnh, huyện Triệu Hải, tỉnh Bình Trị Thiên cho hay rằng họ là con cháu của tướng Ngô Văn Sở thời vua Quang Trung, và họ đang bảo lưu được lăng mộ của vị tướng ấy, cùng với gia phả của dòng họ này.

Làng Thuận Nhơn ở cách Huế khoảng 50 km đường bộ về phía Tây Bắc, và nằm ven hai bờ sông đào Vĩnh Định nối sông Thạch Hãn với phá Tam Giang. Với gần 100 gia đình sinh sống làm ăn bằng nghề nông trên một diện tích đất ruộng khoảng 65 ha, hơn 92% dân làng Thuận Nhơn đều là họ Ngô, con cháu của Ngô Văn Sở ấy. Gần làng Thuận Nhơn là làng Thuận Đức, hầu hết dân ở đây cũng mang họ Ngô như vậy.

Làng Thuận Nhơn ở cạnh làng Thi Ông cùng xã, và làng Thuận Đức ở cạnh làng Cu Hoan (thuộc xã Hải Thiện).

Chúng tôi đã về ở lại tại làng Thuận Nhơn 3 hôm để tìm hiểu vấn đề và đã được bà con ở đây tiếp đãi ân cần, niềm nở.

Trong những cuộc tiếp xúc đầu tiên các cụ, các bác, các anh người họ Ngô ở đây, chúng tôi được họ cho biết nhiều điều, nội dung chủ yếu như sau:

- Vị tổ của họ là tướng Ngô Văn Sở một người có công đối với nhà Tây Sơn, nhưng không may bị tội, phải dìm xuống nước sông Hương cho đến chết, thi hài chôn ở gần chùa Linh Mụ. Sau đó hai năm, ông được triều đình phục chức và cho cải táng đưa ra chôn ở làng Hà Lỗ gần Mỹ Chánh bên bờ sông Ô Lâu. Từ đó đến nay, năm nào con cháu cũng đi chạp ngôi lăng mộ này.

Tướng Ngô Văn Sở sinh được một người con gái và hai người con trai. Sau khi ông được phục chức, người con gái được vua tuyển vào cung và hai người con trai được triều đình cho ra làm quan. Riêng người con trai thứ hai là ông Ngô Văn Thụ có tham gia xây thành cổ Quảng Trị và đào sông Vĩnh Định. Do đó, ông được cấp đất để lập ra làng Thuận Nhơn, về sau, con cháu ông còn lập ra làng Thuận Đức.

- Sau đó, ông Ngô Văn Thụ chết và chôn ở làng Thuận Nhơn, mộ ông nay vẫn còn. Ông được phong làm vị Khai canh của làng và miếu thờ ông hiện nay vẫn còn tại đây. Năm nào làng cũng đến tế ở miếu Khai canh. Đó là việc tế làng. Còn việc tế họ - nhân vật cao nhất trong họ được ghi ở đầu bài văn tế là tướng Ngô Văn Sở - thì cử hành tại nhà thờ họ Ngô. Tòa nhà này được xem như đình làng Thuận Nhơn, vì hầu hết dân làng đều là họ Ngô cả. Như vậy, tướng Ngô Văn Sở là nhân vật đứng đầu họ Ngô, nhưng con ông là Ngô Văn Thụ lại đứng đầu làng Thuận Nhơn.

- Sinh quán của ông Ngô Văn Sở là làng Thuận Nghĩa, ở Hóc Môn, thuộc tỉnh Gia Định(1). Khi quân Tây Sơn vào đánh Gia Định thì ông Ngô Văn Sở ra hưởng ứng và từ đó phục vụ dưới trướng của Nguyễn Huệ - Quang Trung. Quê ông trong đó là làng Thuận Nghĩa con cháu ông ở ngoài này lập nên làng Thuận Nhơn và làng Thuận Đức. Cả 3 làng đều có chữ Thuận đứng đầu chữ sau là Nghĩa, Nhơn, Đức. Hiện này con cháu họ Ngô ấy tại làng Thuận Nghĩa có đến hơn 7.000 người, và dường như trong đó còn có cả miếu thờ tướng Ngô Văn Sở và gia phả viết về ông nữa.

- Trong số 400 con cháu người họ Ngô đang sinh sống tại làng Thuận Nhơn, có chừng 10 người tuổi từ 60 đến 80 là cháu 5 đời của tướng Ngô Văn Sở. Ngoài ra đều là cháu 6, 7 hoặc 8 đời. Vì kiêng cữ cái tên của vị tổ ấy, họ không bao giờ dùng tiếng "sở" để nói. Nếu gặp tiếng ấy thì họ nói trại ra thành tiếng "sả", ví dụ: "sở ruộng" nói thành "sả ruộng", địa danh "Phường sở" nói thành "Phường sả",v.v... Bà con họ Ngô ở Thuận Nhơn và Thuận Đức không có ai ăn học đến nơi đến chốn, nay chỉ sống về nghề nông.

- Dù vậy, họ vẫn rất hãnh diện, tự hào mình là con cháu của một vị tướng đời Tây Sơn oanh liệt.

Ngày hôm sau, bà con họ Ngô ở làng Thuận Nhơn cử người đưa chúng tôi đi khảo sát lăng mộ tướng Ngô Văn Sở, lăng mộ ông Khai canh Ngô Văn Thụ và miếu Khai canh thờ ông.

Cách làng Thuận Nhơn khoảng 10km đường chim bay về phía Nam, lăng mộ Ngô Văn Sở nằm giữa một cánh đồng, gọi là Đồng Lăng, thuộc làng Hà Lỗ, xã Hải Tân.

Ở trên một mô đất cao, lăng được kiến trúc khá quy mô, xây theo hình chữ nhật, có thành trong thành ngoài, bình phong trước sau, chiếm một mặt bằng rộng hơn 8 mét, dài gần 10 mét. Thành cao, tường dày, các góc đều có bổ trụ. Vật liệu xây dựng chủ yếu là đá gan gà, gạch vồ và vôi, nấm mồ bên trong hình chữ nhật, chia ra hai cấp. Trước mộ xây hương án kiểu sập trổ chân quỳ. Nhưng không có bia, khắp nơi chẳng có một chữ nào hoặc một hình ảnh trang trí gì. Chúng tôi hơi thất vọng. Dù chưa xác minh được vấn đề ra sao, cũng có thể tạm thời giải thích tình hình này: triều Nguyễn đã xóa đi những thứ đó. Trên đường đi, gặp bất cứ người nào ở làng Hà Lỗ và các làng lân cận, chúng tôi cũng hỏi thử ngôi lăng mộ ấy là của ai, từ cụ già đến em bé đều trả lời rằng đó là "lăng ông họ Ngô".

Chúng tôi trở về làng Thuận Nhơn, để nghiên cứu hai di tích liên hệ còn lại. Mộ ông Khai cạnh Ngô Văn Thụ cũng là ngôi mộ cổ xây bằng sạn và vôi, làm có quy cách. Ngôi mộ nằm lộ thiên, biểu hiện hình ảnh một con voi đang nằm. Trước sau đều xây bình phong. Mặt trước ngôi mộ có chỗ dựng bia nhưng cũng chẳng còn chữ nghĩa và hình ảnh trang trí nào cả.

Miếu Khai canh cũng nằm gần bờ sông Vĩnh Định nhưng ở bên kia bờ. Với sườn gỗ lợp ngói, ngôi miếu tuy nhỏ nhưng kiểu cách kiến trúc trông có vẻ cổ kính. Đi từ ngoài cổng vào trong khám thờ (không có bài vị), chúng tôi thấy có 3 câu đối. Đáng quan tâm nhất là hai câu sau đây:

- Câu đối ở hai bên khám thờ.

Khai thác giang sơn thủ.
Huy hoàng miếu mạo quang
.

Tạm dịch:

Người có công mở mang đất đai thì đứng đầu cả sông núi
Dáng vẻ ngôi miếu này thật là sáng sủa huy hoàng
.

- Câu đối ở mặt tiền ngôi miếu:

Địa tịch Thuận giang Ngô phái diễn,
Nhân tuyền Gia quận tướng môn lai
.

Tạm dịch:

Đất đai mở mang ra ở (hai bờ) con sông (Vĩnh Định) chảy qua làng Thuận Nhơn để cho dòng dõi họ Ngô sinh sôi nẩy nở.

Người tại đây đã xuất phát từ con nhà võ tướng ở cố hương Gia Định mà ra
.

Hai từ "Ngô phái" và "Gia quận" mang ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với vấn đề.

Qua hai ngày nghe ngóng, hỏi han và tìm hiểu thực địa, dù có những điểm chưa rõ ràng, chúng tôi vẫn thấy các sự kiện và các di tích có nhiều điều đáng chú ý, vì sử sách xưa nay đều ghi rằng danh tướng Ngô Văn Sở lúc cuối đời đã bị một số tướng tá khác ở Phú Xuân dưới thời Cảnh Thịnh (1792-1801) kết tội một cách oan ức và bị dìm xuống sông cho đến chết. Người ta không biết thêm bất cứ một chi tiết nào về ông kể từ sau cái chết oan nghiệt ấy. Ngày nay, nếu tìm ra được di tích liên quan đến vị danh tướng này, thì đó là điều hay.

Mãi đến ngày thứ ba, chúng tôi mới được phép đọc gia phả họ Ngô ở làng Thuận Nhơn, một loại tư liệu tối cần thiết trong chuyến nghiên cứu điền dã này. Chúng tôi được mời đến nhà thờ họ Ngô để làm việc đó. Tại đây đã có sự hiện diện của hơn 10 người, phần lớn là các vị trưởng chi lớn tuổi của họ Ngô hiện nay. Các cụ, các bác ấy cho biết rằng ngôi nhà thờ họ xưa kia là một tòa nhà rất cổ kính, có chạm trổ tinh vi và trang trí đẹp. Nhưng chiến cuộc năm 1968 đã thiêu hủy tòa nhà đó cùng với quyển gia phả chính của họ Ngô được thiết trí kính cẩn ở bên trong.

Tòa nhà này mới làm lại và tu bổ vào các năm 1969 và 1985. Hiện nay, các cụ, các bác ấy chỉ còn giữ được gia phả của 7 chi trong họ mà thôi. Đây chỉ là những bản sao riêng của từng chi, nhưng sao cũng không đầy đủ, chỉ ghi chép lại từ đời thứ 3 (đệ tam thế) trở về sau mà thôi. Họ lần lượt cho chúng tôi xem 3 quyển gia phả của 3 chi (chi thứ nhất, chi thứ nhì và chi thứ năm) mà họ vừa mang từ nhà thờ riêng của từng chi đến.

Rất tiếc là không còn được bản gia phả chính gốc để đọc, chúng tôi đành tìm trước hết các thời điểm thực hiện mấy quyển gia phả ấy. Quyển của chi thứ nhất làm năm Quý Tị, tức là năm 1953, còn hai quyển kia đều làm năm Thành Thái thứ 15, tức là năm 1903. Dù chỉ ghi chép rõ từ đời thứ ba trở về sau, quyển gia phả nào cũng có bài tựa ở đầu, trong đó đều nhắc lại sơ lược các vị tổ đời thứ nhất và đời thứ hai của họ, như Ngô Văn Sở, Ngô Văn Thụ v.v...

Chẳng hạn, đây là một đoạn trong gia phả của chi thứ nhì:

"Ngô thị gia phả tự.

"Phụng chiểu Ngô gia, tự ngũ thế tổ dĩ tiền, tịch thuộc Gia Định tỉnh Thuận Nghĩa thôn, sự tích bất khả khảo. Duy cứ thế tổ Khai quốc Huân thần kiến danh biệt hạt, lập thôn hiệu...

Tạm dịch:

Bài tự gia phả họ Ngô

Kính cẩn căn cứ vào gia phả họ Ngô, Từ vị tổ năm đời trở về trước, sổ sách thuộc làng Thuận Nghĩa tỉnh Gia Định, sự tích không thể tra cứu được. Chỉ biết vị tổ bốn đời được tặng Khai quốc Huân thần, là người đã khai phá ra vùng đất riêng, đặt tên làng...

Chúng tôi rất ngạc nhiên khi đọc đến 4 chữ "Khai quốc Huân thần" (nghĩa là bề tôi có công mở nước), vì chỉ có nhà Nguyễn mới thường truy tặng vinh danh này cho các bề tôi có công với triều đại.

Và càng ngạc nhiên hơn nữa khi thấy quyển gia phả này còn đính kèm một số tờ sắc phong do các vua nhà Nguyễn ban tặng cho mấy người hậu duệ từ đời thứ ba trở về sau của tướng Ngô Văn Sở. Ví dụ:

- Một tờ sắc đề ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 13 (25-12-1860) ban cho ông Ngô Kim Linh (ở thôn Thuận Nhơn, tổng Cu Hoan, huyện Hải Lăng, đạo Quảng Trị, phủ Thừa Thiên) hàm chánh cửu phẩm Bá hộ.

- Một tờ sắc đề ngày 14 tháng 4 năm Đồng Khánh thứ hai (5-6-1887) ban cho ông Ngô Khanh (ở thôn Thuận Nhơn, tổng Cu Hoan, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, hàm tổng cửu phẩm Văn Giai.

Từ ngạc nhiên, chúng tôi đã đi đến chỗ thắc mắc, và cuối cùng là phải nghi ngờ khi đọc bản văn mở đầu sau đây trong gia phả của chi thứ nhất:

"Cao tổ Húy Ca dĩ tiền sinh trưởng vu Gia Định tỉnh Thuận Nghĩa thôn, kỷ sự tích bản vô tường ký. Duy Tằng tổ Sở Ngọc Hầu tùng bản triều thế tổ Cao Hoàng Đế khắc phục cựu vật; Ân chuẩn vi Thanh Hoa Ngoại Trấn chi thủ; hậu mông truy tặng Khai quốc Huân thần: thú Hà Nội tỉnh chi nữ Nguyễn Thị Húy Đích, sinh hạ trưởng nữ, Phụng Thánh tố Nhân Hoàng Đế tuyển nhập hậu cung, phong Hiền Phi;

Nhị nam ấm thọ nguyện xuất sĩ, niên lão trí quan vi nông. Nhận vãng Quảng Trị tỉnh, tương địa nhận trưng vu Cu Hoan, Thi ông nhị địa phận, kiến lập phường hiệu, tức kim chi Thuận Nhơn thôn dã".

Tạm dịch:

Từ đời ông sơ (tổ 5 đời) tên là Ca trở về trước đều sinh trưởng ở làng Thuận Nghĩa tỉnh Gia Định, sự tích vốn ghi không rõ. Chi biết được rằng ông cố (tổ 4 đời) là Sở Ngọc Hầu, theo Thế tổ Cao Hoàng Đế triều ta khôi phục được cơ nghiệp cũ) đặc ân cho làm Trấn thủ Thanh Hoa Ngoại Trấn; về sau được truy tặng Khai quốc Huân thần; lấy người con gái tỉnh Hà Nội tên là Nguyễn Thị Đích, sinh ra người con gái đầu, được Thánh tổ Nhân Hoàng Đế tuyển vào hậu cung, phong làm Hiền phi; hai người con trai được chức ấm thọ, ra làm quan, đến lúc tuổi già thì thôi làm quan về làm nông. Nhân đi đến tỉnh Quảng Trị, nhận trưng canh hai phần đất ở làng Cu Hoan và làng Thi Ông, lập ra tên phường, tức là làng Thuận Nhơn ngày nay.

Không ngạc nhiên sao được khi đọc thấy các từ ngữ:

- Bản triều: tức là triều Nguyễn (1802-1945).

- Thế tổ Cao Hoàng Đế: tức là Nguyễn Ánh (1762-1819) khi lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long (1802-1819)

- Khôi phục cựu vật: lấy lại cơ nghiệp cũ tức là Kinh thành Phú Xuân (vào năm 1801).

- Thanh Hoa Ngoại trấn: đơn vị hành chánh (ngang cấp tỉnh) vào đầu thế kỷ 19, sau đó đặt thành tỉnh Ninh Bình(2).

- Thánh tổ Nhân Hoàng Đế: tức là Minh Mạng (1820 - 1840).

- Hiền Phi: một bà vợ được sủng ái của vua Minh Mạng.

Khi đọc đến đó, dù thấy một vài chỗ không khớp giữa hai quyển gia phả, chúng tôi nghi rằng con người được phong tước Sở Ngọc Hầu và được truy tặng Khai Quốc Huân thần ấy là một nhân vật của triều Nguyễn.

Ba ngày đi thực tế như vừa kể đã để lại trong chúng tôi một tâm trạng thất vọng và hoài nghi, nhưng khi đặt lại vấn đề thì chúng tôi lại cảm thấy thích thú: một chuyến đi có ý nghĩa.

Khi trở về Huế tra cứu thêm trong các sử sách và các tư liệu khác thì quả thật điều chúng tôi nghi ngờ là phải và điều chúng tôi suy nghĩ là có căn cứ.

Nay, bằng một số tài liệu hiện có, chúng tôi xin chứng minh rõ hơn nữa rằng tướng Ngô Văn Sở ấy là một nhân vật dưới trướng của Nguyễn Ánh - Gia Long chứ không phải là danh tướng Ngô Văn Sở của các triều Quang Trung - Cảnh Thịnh.

Xưa nay đã có khá nhiều sử sách đề cập đến tướng Ngô Văn Sở thời Tây Sơn, như Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Lê Quý kỷ sự, Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt truyện, Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, Quốc triều Chính biên toát yếu, vân vân.

Qua các sử liệu đó, chúng ta biết được ông là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất dưới thời Quang Trung đã từng được nhà vua coi là "nanh vuốt" của mình, giao cho ông cầm binh quyền của cả 11 trấn Bắc Hà vào giữa năm 1788 và cử ông cầm đầu đạo quân tiên phong trong chiến dịch tiêu diệt quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Nhưng, sau khi Quang Trung mất (1792), triều đình Tây Sơn phân hóa trầm trọng, cho nên Ngô Văn Sở bị đẩy đến một cái chết khốc hại vào năm 1795 như trên đã nói. Về sự nghiệp của ông, các tư liệu đã cho biết khá rõ, nhưng quê hương, thân thế và di tích của ông thì vẫn còn là một khoảng trống trong các trang sử biên niên. Đó là một trong những lý do gây ra sự nhận lầm của một số người vừa qua.

Nếu chịu khó nghiên cứu kỹ hơn thì các tư liệu lịch sử không cho phép nhầm lẫn như vậy.

Trong bộ Đại Nam Thực Lục, có 3 đoạn nói về tướng Ngô Văn Sở của triều Nguyễn và một đoạn nói về bà Hiền Phi - con gái của ông:

1. Vào tháng 5 năm 1800, trong khi Võ Tánh và Ngô Tùng Chu đang cầm quân cố thủ thành Bình Định, và Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng đang bao vây thành này, có một vài người dưới trướng của Võ Tánh kéo quân ra đầu hàng lực lượng Tây Sơn. Võ Tánh bèn sai một thuộc tướng là Ngô Văn Sở ra ngăn chận lại. Về sự kiện này, Quốc sử Quán triều Nguyễn tường thuật như sau:

"Bọn hàng tướng ở thành Bình Định là trưởng chi Hậu đồn quân Ngự lâm Võ Văn Sự và trưởng chi Hữu chi Nguyễn Bá Phong đem đồ đảng làm phản, giết quân ta, mở cửa thành phía bắc để đầu hàng giặc. Võ Tánh sai vệ úy vệ Nhuệ Phong là Ngô Văn Sở chiếm giữ cửa, bọn quân phản đã ra trước thành hơn 400 người, còn dư thì không dám ra. Tánh liền xét bọn đồng mưu đem giết hết, phòng giữ nghiêm mật hơn (3).

2. Vào tháng 7 năm 1802, sau khi xưng đế ở Phú Xuân và mở cuộc bắc phạt dẹp yên các lực lượng Tây Sơn, bắt được hết vua tôi Cảnh Thịnh; tại thành Thăng Long, Gia Long đã:

"Bàn sai các quan văn võ, chia trị các trấn Bắc thành. Mỗi trấn đặt một trấn thủ...

"Lấy Ngô Văn Sở làm trấn thủ Thanh Hoa ngoại..." (4).

Như vậy, từ chức vệ úy trước đó 2 năm, Ngô Văn Sở đã nhờ các chiến công khi khôi phục kinh thành Phú Xuân và ra đánh lấy Bắc Hà, cho nên ông đã được liệt vào hàng tướng lãnh của Gia Long.

3. Tuy nhiên, mấy năm sau, vì ông phạm một tội lỗi gì đó, nên bị triều đình Gia Long cách chức. Và, cuối cùng, ông chết, có lẽ vào năm 1822 dưới triều Minh Mạng, vì vào tháng 6 năm đó vua này đã:

"Truy phục nguyên hàm cho Ngô Văn Sở làm chưởng cơ trấn thủ Thanh - Hoa ngoại, cho thụy là Trung tráng. Sở trước có lỗi bị cách. Vua nghĩ là có công, nên đặc ân khai phục lại cho gia đình 200 phương gạo" (5).

Theo thể chế quan chức của nhà Nguyễn, chức chưởng cơ mang hàm Tòng nhị phẩm.

4. Sở dĩ ông được hưởng đặc ân Khai phục nguyên hàm như thế là vì trưởng nữ của ông đã được vua Minh Mạng "tuyển vào hậu cung phong làm Hiền Phi" như gia phả họ Ngô cho biết. Thật vậy, Đại Nam Thực Lục ghi rằng vào tháng 5 năm 1836, vua Minh Mạng đã cho:

"Tấn phong hiền tần Ngô Thị làm Hiền phi..." (6)

Ngoài ra, trong bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, ở tập Kinh sư có một đoạn nói về đền thờ bà Hiền Phi ấy:

"Đền Hiền Phi ở xã Phú Xuân huyện Hương Trà, dựng năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), chính đường 3 gian 2 chái, tả hữu đều 3 gian, thờ Hiền Phi Ngô thị tiền triều" (7).

"Tiền triều" đối với thời Thiệu Trị (1841 - 1847) tức là thời Minh Mạng (1820 -1840). Dưới thời vua này, trong nội cung, ngoài bà Hoàng Quý Phi (vợ chính của vua), còn có hàng trăm bà phi tần, cung nữ được chia ra làm 9 bậc (cửu giai), trong đó bậc phi là đứng ở trên hết (nhất giai phi, nhị giai phi...)

Trong khi chưa tìm ra ngôi đền thờ bà Hiền Phi Ngô Thị, chúng tôi may mắn bắt gặp một từ đường đang thờ bà ấy.

Đó là Phủ thờ Vĩnh Tường Quận Vương, tọa lạc tại 42A đường Nguyễn Chí Thanh, thuộc phường Phú Cát, Huế (8). Phủ thờ này hiện đang được một người cháu đích tôn của bà Hiền Phi là anh Bảo Thái coi sóc và phụng tự. Anh đã vui vẻ cho chúng tôi đọc các bài vị đang thờ trong phủ và đọc quyển gia phả mà anh đang giữ gìn.

Gian chính giữa của tòa nhà, chỗ quan trọng nhất, dành để thờ bà Hiền Phi. Bài vị trong khám thờ ghi:

"Sanh mẫu tiên triều Hiền Phi thụy Tuê Khiết Ngô Thị thần chủ".

Gian bên trái có bài vị thờ Vĩnh Tường Quận Vương, người con trai thứ 2 của bà, nhưng là người con trai thứ 5 trong số 78 người con trai của vua Minh Mạng. Ông tên thật là Miên Hoằng. Gian bên phải thờ cháu nội của bà Hiền Phi, là ông Hường Duy. Tính theo thứ tự các chữ trong bài "Đế hệ thi" của vua Minh Mạng (Miên Hường Ưng, Bửu, Vĩnh, Bảo, Quý, Định, Long, Trường...) thì anh Bảo Thái là cháu nội 7 đời của bà Hiền Phi. Quyển gia phả ghi rõ rằng bà Hiền Phi tên thật là Ngô Thị Chánh, thùy hiệu là Tuệ Khiết; lấy vua Minh Mạng sinh được 5 hoàng tử và 4 hoàng nữ. Năm hoàng tử là Miên Chính (chết sớm), Miên Hoằng (tức Vĩnh Tường Quận Vương), Miên Áo (Phú Bình Công), Miên Quần (Hòa Quốc Công), Miên Uyển (Quảng Hóa Quận công). Bốn hoàng nữ là Ngọc Tôn, An Phú, Lộc Thành và Đoan Thục.

Ngoài ra, chủ nhân phủ thờ còn cho chúng tôi xem mấy tờ sắc, trong đó có một tờ do vua Minh Mạng ban cho bà Hiền Phi nhân dịp tấn phong bà vào năm 1836. Đây là phần cuối bản dịch tiếng Việt trong gia phả:

"Đoái tưởng Hiền Tân họ Ngô, con dòng của giống, xứng trang nghi phạm trong sáu cung. Nàng theo trẫm từ lúc tiềm để đến bây giờ, hơn ba mươi năm, khi phòng tiêu, khi viện quế, khi gối phụng, khi màn loan, đỡ trắp nâng khăn, đoan trang nét ngọc, thức khuya dậy sớm, chầu chực vén màn. Càng sủng quyến chừng nào, lại càng khiêm thuận chừng nấy. Vậy nên, lệ ban giai mới định, liền chiếu luật gia phong.

"Nay tấn phong làm Hiền Phi, nàng đã chước lấy quốc ân, phải hết sức lo toan nội chính. Trau dồi nết tốt, chữ trinh ghi lấy làm lòng, nhuần thấm ơn sâu, cội phúc giữ cho phỉ dạ".

Anh Bảo Thái cho biết thêm rằng bà Hiền Phi khi mới mất, chôn ở làng Cư Hóa (tức Cư Chánh), sau chỉ vì từ ngữ "Cư Hóa" nói lái lại là "Quá hư", sợ không tốt, cho nên dời qua chôn ở làng Châu Chữ (!) mộ nay vẫn còn.

Như vậy, gia đình anh Bảo Thái là cháu ngoại của tướng Ngô Văn Sở ấy, vì bà Hiền Phi Ngô Thị Chánh là con gái của ông. Thế mới hay được rằng gia đình này có bà con, dù là bà con hơi xa, với dân họ Ngô ở làng Thuận Nhơn và Thuận Đức mà xưa nay không ai biết. Họ đều là cháu nội và cháu ngoại của tướng Ngô Văn Sở thuộc triều Nguyễn chứ không phải là cháu của danh tướng Ngô Văn Sở Tây Sơn.

Hơn nữa, cách đây 10 năm, trong một bài nghiên cứu khá công phu về quê hương và gia thế của danh tướng Ngô Văn Sở đăng trên Tạp chí nghiên cứu lịch sử, Tạ Ngọc Liễn đã đi đến nhận định "ông chính là người quê ở Trảo Nha, Thạch Hà, Nghệ An, gia đình dòng dõi võ tướng lâu đời, cựu thần của Lê - Trịnh"(9). Cuối cùng, tác giả bài báo "khẳng định (danh tướng) Ngô Văn Sở là một sĩ phu tiến bộ ở Bắc Hà đi theo Tây Sơn đầu tiên".(10)

Tóm lại, căn cứ vào tất cả các tài liệu thành văn và các quyển gia phả nêu trên, chúng tôi có thể kết luận rằng:

- Đã có hai nhân vật lịch sử cùng họ, cùng tên, cùng chữ lót, và đều làm tướng trong cùng một thời kỳ lịch sử (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19), nhưng hai người phục vụ cho hai thế lực chính trị khác nhau, hai vương triều đối kháng nhau: tướng Ngô Văn Sở của nhà Nguyễn, người gốc Gia Định, và danh tướng Ngô Văn Sở của nhà Tây Sơn, người gốc Nghệ An. Đây là một trường hợp trùng hợp hy hữu trong lịch sử Việt Nam và thế giới.

- Nhưng, đừng nên vì sự trùng hợp tình cờ ấy mà "bắt râu cha nọ đặt cằm mẹ kia". Sự ngộ nhận, dù là không cố ý của dân làng Thuận Nhơn trong mấy thế hệ vừa qua, nay không còn lý do gì để tồn tại nữa. Một số bài viết về danh tướng Ngô Văn Sở đăng trong các sách báo miền Nam trước đây, đã được đánh máy lại và đang kẹp vào trong gia phả của chi thứ nhất họ Ngô, nay cần phải tách ra khỏi chỗ đó để tránh di hại cho con cháu các thế hệ sau này.

Huế, tháng 10-1986
P.T.A
(SH25/6-87)


--------------------------
(1) Quả thật trong Gia Định có làng Thuận Nghĩa. Xem Gia định Thành Thống chí của Trịnh Hoài Đức, bản dịch của Nguyễn Tạo, nhà văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972, tập trung, trang 42 tham khảo thêm nguyên bản chữ Hán in kèm, tờ 35 b.
(2) Đại Nam Nhất Thống Chí, tinh Ninh Bình, bản dịch của Nguyễn Tạo, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1969, trang 11.
(3) Đại Nam Thực Lục, bản dịch đã dẫn, tập II, Hà Nội, 1963, trang 350.
(4) Đại Nam Thực Lục, bản dịch đã dẫn, tập III, Hà Nội, 1963, trang 43-44.
(5) Đại Nam Thực Lục, bản dịch đã dẫn, tập VI, Hà Nội, 1963, trang 63
(6) Đại Nam Thực lục, bản dịch đã dẫn, tập XVIII, Hà Nội, 1967, trang 130.
(7) Đại Nam Nhất Thống chí, Kinh sư bản dịch của Nguyễn Tạo, Sài Gòn, 1960 trang 50.
(8) Tôn Thất Cổn, Constitution de la Famille impériale d'Annam, Imprimerie A.J.S. Huế,1942, trang 25.
(9) Tạ Ngọc Liễn, Đại Tư mã Ngô Văn Sở - một danh tướng của Tây Sơn.
Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 4 (169), tháng 7-8-1976, trang 56.
(10) Tài liệu vừa dẫn, trang 57.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng