(SHO). Bộ VHTTDL đã có công văn gửi UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước về việc phối hợp hoàn thiện hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh.
Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước rà soát các điểm di tích được Binh đoàn 12 đề xuất lập hồ sơ Hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh.
Đồng thời, đề nghị khẩn trương chỉ đạo các Sở VHTTDL, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cung cấp đầy đủ các tài liệu gồm: Địa điểm và đường đến di tích; Khảo tả di tích; sơ đồ phân bố di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích…
Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh nằm trên dãy Trường Sơn. Dãy núi này kéo dài qua lãnh thổ ba nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia. Riêng tại Việt Nam, đỉnh cao nhất là 2.178m. Những con đường trên dãy Trường Sơn được khai phá vào các thời vua như Lê Đại Hành (thế kỷ 10), Quang Trung (thế kỷ 18), Hàm Nghi (cuối thế kỷ 19)…
Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đường Trường Sơn được mở nhiều ở phía Bắc và các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi… kể từ tháng 2 năm 1942 đến đầu năm 1945.
Trước ngày mở chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đường Trường Sơn có 6 trục dọc với tổng chiều dài là 7.710 km + 5.980 km đường ngang và 5.020 km đường vòng tránh. Tổng cộng đường Trường Sơn có độ dài 18.710 km.
Năm 1973, đường vận tải Trường Sơn chính thức được Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đổi tên là đường HỒ CHÍ MINH.
Phủ Cam