Những nẻo đường đất nước
Lựa chọn đường đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
09:36 | 10/10/2013

(SHO). Nhiều ngày qua, báo chí và cộng đồng dân cư mạng đã bày tỏ lòng kính yêu Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những tin tức, đề xuất về việc lựa chọn đường đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Lựa chọn đường đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, ở thị xã Đồng Hới (nay là TP Đồng Hới, Quảng Bình) từng có đường mang tên Võ Nguyên Giáp. Ông Thái Hải, một người dân sống ở xóm Câu (thị xã Đồng Hới xưa), cho hay đường Võ Nguyên Giáp đó chính là quốc lộ 1A trước đây chạy qua trung tâm Đồng Hới, nay là các đoạn đường Quang Trung, Hùng Vương và Lý Thường Kiệt. Đoạn đường này bắt đầu từ cầu Dài cho đến cầu Hải Thành dài khoảng hơn 2km. Sau đó, chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra, Đồng Hới bị đánh phá nặng nề. Vì thế từ đó cho đến năm 1990 ở Đồng Hới không còn có tên đường phố nào cả.

Khi Quảng Bình tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên (1989), Đồng Hới mới lại có tên đường phố, sau khi nơi đây được xây dựng thành tỉnh lỵ. Ở huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình), cũng có đường bêtông dài 7km từ trung tâm huyện lỵ là thị trấn Kiến Giang về xã Lộc Thuỷ (quê hương đại tướng), lâu nay dân vẫn gọi là "đường về nhà Đại tướng". Ông Phạm Hữu Thảo - phó chủ tịch UBND huyện - cho biết huyện có dự định đặt tên đường này là đường Võ Nguyên Giáp, sau khi Đại tướng mất. 

Đường phố chính đi qua Quảng Bình Quan

Đường phố chính đi qua Quảng Bình quan

Ngày 9-10, nói về việc đặt tên đường Võ Nguyên Giáp ở Đồng Hới, ông Nguyễn Văn Quyết - giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình, cho biết hiện ở thành phố này đang có hai đường phố lớn đang chờ đặt tên, đó là đường rộng 36m, dài hơn 1km ở phường Đức Ninh Đông và đường rộng 60m, dài hơn 3km ở xã Bảo Ninh. "Tuy nhiên, tỉnh sẽ bàn bạc kỹ càng trước khi quyết định lựa chọn là đường nào để đặt tên Đại tướng trong hai đường đó. Cũng có thể là một con đường lớn khác nữa sẽ được mở" - ông Quyết nói.

Báo Giao thông vận tải đưa tin:  Bà Thu Thủy - Văn phòng công ty Taisei tại Hà Nội đề xuất đổi tên phố Bắc Sơn thành Võ Nguyên Giáp: Con đường hay tuyến phố được chọn để mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ phải là con đường ở trung tâm Thủ đô, sạch đẹp, thanh bình nhưng vẫn cao quý. Sau khi xem xét và bằng cảm nhận của chúng tôi, chúng tôi sẽ đề xuất đổi tên phố Bắc Sơn thành Võ Nguyên Giáp. Có nhiều lý do để lựa chọn con phố này vì phố Bắc Sơn đối diện với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp giáp với các con phố trong khu vực trung tâm. Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đặt trên con phố này.
 


Phố Bắc Sơn

Phố Bắc Sơn hiện nay là một trong những tuyến phố đẹp của Thủ đô, là nơi mà tất cả mọi người đều đến để thưởng ngoạn và thư giãn với những hàng hoa ban rất đẹp. Hoa Ban cũng sẽ nhắc nhở mọi người nhớ về vùng Tây Bắc, nơi có Chiến thắng Điện Biên lịch sử. Căn nhà 30 Hoàng Diệu nơi Đại tướng ở, một mặt nhìn ra phố Bắc Sơn, là nơi rất thân thuộc với Đại tướng và gia đình ông.

Báo Đất Việt đưa tin: ông Phan Đăng Long - Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội - thành viên Hội đồng đặt tên đường phố Hà Nội khẳng định: "Hà Nội chắc chắn sẽ có đường mang tên đại tướng". Ông Long cho hay, việc nghiên cứu lựa chọn, đặt tên đường mang tên đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Hà Nội dự liệu từ rất lâu. Đại tướng là một vị tướng đặc biệt có những cống hiến, công lao to lớn xuyên suốt bề dày lịch của Việt Nam.

Theo quy chế đặt tên đường đối với danh nhân phải sau khi mất 10 năm mới được đặt tên, nhưng trong trường hợp đặc biệt có thể ngoại lệ mà không phải theo quy chế này. Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một ví dụ.  

"Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là nhân vật lịch sử đặc biệt, được Hà Nội quan tâm, dư luận quan tâm. Việc dành một con đường hiện đại, xứng đáng, có ý nghĩa nhất hiện nay mang tên đại tướng là điều chắc chắn.  

Hà Nội đang nghiên cứu để đưa ra quyết định lựa chọn con đường nào để đưa ra quyết định trong thời gian sớm nhất", ông Long cho biết. 

Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng đặt tên đường phố Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chia sẻ mong muốn được lấy tên Đại tướng để gắn với một tuyến đường phố của thủ đô. 

Bà Ngọc cho hay, “Với một người có nhiều đóng góp cho đất nước như Đại tướng, nếu nhận được đề xuất TP sẽ nghiên cứu ngay. Và ngay cả khi không có đề xuất, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu và nếu điều kiện cho phép sẽ lựa chọn những con đường xứng tầm để xin ý kiến đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thận trọng và nghiêm túc về việc này”. 

Hội Sử lựa chọn tuyến Nội Bài - Nhật Tân 

Trước sự quan tâm của dư luận cũng như mong muốn của nhiều nhà khoa học và người dân thủ đô, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển cũng đưa ra mong muốn lựa chọn tuyến đường cao tốc từ Nội Bài – đến cầu Nhật Tân, nối sân bay vào trung tâm Thành phố để đặt tên đường mang tên Đại tướng.

"Đó là phương án lựa chọn tối ưu nhất" - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định. 

Đồ án quy hoạch chi tiết hai bên đường tuyến Nội Bài - Nhật Tân

GS Ngọc cho biết thêm, Hội sử học Hà Nội và Hội khoa học lịch sử Việt Nam chắc chắn sẽ có đề xuất, đề xuất ngay. Tinh thần các thành viên Hội sử học hiện đầu ủng hộ phương án này. 

Theo GS, việc đề xuất tên đường mang tên danh nhân, bao giờ cũng phải tuân thủ theo quy trình, từ đề xuất từ phía các hội khoa học, các nhà khoa học lịch sử rồi Hội đặt tên đường phố Hà Nội mới họp bàn và đề xuất lên HĐND thành phố thông qua.  

Quy trình là như vậy, nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không thể so sánh với những trường hợp khác. Đây là vị anh hùng dân tộc có những đóng góp, ghi những dấu ấn đặc sắc nổi bật trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc ta (từ 1945) vì vậy, đối với Đại tướng thì không cần phải tuân theo quy định đó. Những cống hiến, công lao, đóng góp của Đại tướng với dân tộc là không thể chối cãi, được lịch sử ghi nhận, cả dân tộc ghi nhận vì vậy không cần phải lùi lại 10 hay 20 năm để đánh giá lại nữa. 

"Việc đặt tên đường phố mang tên Đại tướng rất cần được thành phố quan tâm và hoàn toàn ủng hộ. Hà Nội nên nghiên cứu đặt tên đường mang tên cụ ngay, việc đặt tên này là làm đẹp thêm cho Thủ đô  Hà Nội.  

Không nên vì bất cứ lý do gì mà phải lùi lại, đặt tên đường mang tên Đại tướng hoàn toàn có đủ lý lẽ, đủ cơ sở, và phải được thực hiện ngay trong năm nay", GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh. 

Đó cũng chính là đề xuất của Giáo sư sử học Phan Huy Lê. GS Lê cho rằng, trong quy chế đặt tên đường của Hà Nội, các nhân vật hiện đại sau khi mất 10 năm, mới xem xét đặt tên đường. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ, đặc biệt không cần chờ đến 10 năm, sau khi mất có thể đặt tên phố ngay. Các nhân vật lịch sử như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... là tiền lệ. 

Theo GS Phan Huy Lê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cần đặc cách như vậy. Vấn đề là chọn con đường nào xứng đáng, khang trang tiêu biểu cho công lao cống hiến của Đại tướng đối với đất nước, Thủ đô. 

Với tư duy như vậy, các nhà khoa học đưa ra lựa chọn tuyến đường cao tốc từ Nội Bài – đến cầu Nhật Tân, nối sân bay vào trung tâm Thành phố để đặt tên đường mang tên Đại tướng. 

Theo các nhà khoa học, đây là con đường xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, hạ tầng cơ sở hiện đại. Cầu Nhật Tân đang gấp rút xây dựng, con đường sắp hình thành, lấy tên Đại tướng đặt tên có vẻ hợp lý. 

Hà Nội nên đặt tên Đại tướng ngay

TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp UBTVQH - Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng, "không chỉ lựa chọn đặt tên đường mà còn phải tạc tượng Đại tướng đặt ở 3 nơi ghi dấu của Người". 

Theo ông Thảo, đối với tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi lựa chọn tuyến đường phải lựa chọn đó là trục đường mới, hiện đại, xứng tầm với Đại tướng. Tuyến cao tốc Nội bài - Nhật Tân cũng là một lựa chọn tốt.  

Ông Thảo cho rằng, với sự cống hiến của Đại tướng thì Hà Nội không chỉ lựa chọn đặt tên đường ngay trong năm nay mà còn phải đúc tượng để người dân ghi nhớ công lao của người. 

"Tôi cho rằng, cần phải có một nhà tưởng niệm ở Quảng Bình, hoặc quảng trường Đồng Hới cũng cần có tượng Đại tướng. Hà Nội thì nên đặt ở công viên hoặc vườn hoa lớn. Và một tượng nữa nên đặt ở Điện Biên Phủ. Ít nhất cũng là 3 nơi có ghi nhiều dấu ấn với đại tướng", TS Thảo bày tỏ. 

GS-TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh-thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội cũng nhận định việc đặt tên đường mang tên Đại tướng là điều  Đó là điều rất hay, rất tốt.  

Trước nguyện vọng của đông đảo nhân dân, Hà Nội nên lựa chọn một con đường xứng đáng với danh tiếng, tên tuổi của Đại tướng.

P.V

Các bài mới
Các bài đã đăng