Những nẻo đường đất nước
Một làng 900 năm có nghề nuôi bắt rắn
09:35 | 23/04/2008
Đó là làng Lệ Mật thuộc xã Việt Hưng, (thị trấn Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Làng này có nghề nuôi bắt rắn, tới nay đã qua 900 năm.

Mùa xuân, nếu chúng ta đến làng Lệ Mật, sẽ thấy tận mắt sự sinh sản của các loài rắn; quy trình làm rượu rắn, và thưởng thức món ăn đặc sản rắn. Nghề nuôi bắt rắn ở làng này được bí truyền lại qua các gia đình nội tộc. Chủ yếu tập trung trong tay hai dòng họ chính là: họ Nguyễn và họ Trần.
Các cụ già làng kể lại rằng: Muốn bắt được rắn, trước hết phải thông thạo các lá thuốc thiên nhiên như: móc diều, sần sận, bù tên, bản hạ... để trị nọc độc của rắn mỗi khi chúng cắn vào người. Các cây thuốc trên dùng để đẩy nọc ra rồi sẽ dùng kháng sinh điều trị. Theo người làng Lệ Mất cho biết, rắn ở nước ta hiện có 140 loài, trong đó có 32 loài có nọc độc, tập trung vào bốn họ: rắn hổ, rắn ráo, cạp nong, chân đèn. Có ba loài rắn sống ở đồng bằng nguy hiểm nhất: hổ mang bành, cạp nong, hổ mang chúa. Ở rừng, có loại rắn lục - màu xanh như lá cây - thường gọi là rắn “mù” vì ban ngày chúng không nhìn thấy gì nhưng ban đêm rất tinh. Sơ ý bị chúng cắn, không có thuốc trừ ngay, thì chỉ vài giờ sau có thể chết.
Nghề bắt rắn rất mạo hiểm, nên phải bắt thật nhanh. Mặt khác phải phân biệt rõ các bộ phận trên cơ thể chúng. Rắn sợ nhất là đụng vào bộ phận sinh dục của chúng (đực hay cái cũng vậy). Hình như bộ phận này có liên quan đến hệ thần kinh ở não. Nếu bắt nó ngay từ đầu chịt vào bộ phận ấy là bước đầu ta đã “trấn áp” được nó, tiếp theo vuốt nhẹ theo chiều dài thân rắn rồi khéo léo bẻ gãy nanh (hàm trên) tuyến ống chủ yếu dẫn nọc độc. Ở làng này, nhà nào cũng xây từ 10 đến 15 hồ chứa rắn, chưa kể bãi có hang động tự tạo để chúng sinh trưởng. Hồ to chứa đến gần nửa tấn rắn sống, hồ nhỏ chứa vài chục ký để giải quyết trong ngày. Người ta lại cho nhốt riêng từng loại rắn, mỗi ngày dùng máy bơm phun nước tắm rửa cho chúng từ 3 đến 4 lần, để đỡ mùi tanh hôi, phòng trừ bệnh nấm ngứa.
Du khách đến Lệ Mật ngồi thưởng thức chén rượu “kiện nam tử”, loại rượu “tráng dương bổ thận” của giới mày râu, nghe những người lâu năm trong nghề của làng nói chuyện về bắt rắn, lấy nọc rắn, ai nghe cũng say sưa không chán.
Từ xưa, sản phẩm rắn đã quý. Nay, do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, sản phẩm rắn càng trở nên có giá trị trên thị trường thế giới, một con rắn hổ chúa có thể bán với giá từ 50 đến 60 đô la. Các loài khác thì từ 25 đến 40 đô la một con. Còn giá trong thị trường ở nước ta thì rắn hổ chúa trên dưới 130.000đ/con, rắn ráo 25.000đ/con. Một bộ tam xà dùng ngâm rượu thường gồm: rắn ráo, cạp nong, cạp nia, có thể bán tới 200.000đ/bộ. Nếu bạn cầu kỳ muốn kén một bình rượu “trường sinh tửu” gồm ngũ xà (5 rắn) cộng thêm một con chim bìm bịp - loại chim chuyên ăn rắn - giá mua có thể trên nửa triệu đồng. Sản phẩm rắn ngoài cách thông thường là ngâm rượu, còn được chế biến thành dược phẩm và các món ăn đặc sản khác. Xương rắn dùng nấu cao, mỡ rắn bôi vết thương, mật rắn làm thuốc giải cảm, tiêu đờm. Da rắn thuộc kỹ làm túi, ví trang trí, giày dép, thắt lưng, quần áo...
Trong những sản phẩm trên, nọc rắn quý và đắt nhất. Giá một gram nọc rắn khoảng 500.000đ, vì nọc rắn chữa được nhiều căn bệnh hiểm nghèo như động kinh ác tính, hen, suyễn, rong huyết, và những bệnh về xương cốt, tính dục... Vì tính hấp dẫn của sản phẩm này, nên ngày nay người ta đã đua nhau bắt rắn và nuôi rắn, thuần dưỡng rắn để sinh lợi với quy mô lớn. Nghề nuôi, bắt rắn thực sự là một nghề hái ra vàng...
Ở làng Lệ Mật, còn có vườn rắn của một tư nhân có rất nhiều loại rắn độc như: cạp nong, hổ mang, hổ chúa... chúng được nằm trong các mô đất trên có phủ rơm rạ, cành cây, rác rưởi. Ước tính trong vườn này có đến trên 500kg rắn sống. Rắn được nuôi bằng các loại thức ăn như chuột, ếch, nhái; có loại như hổ chúa thì thức ăn lại là đồng loại như rắn ráo, rắn săn chuột, rắn hổ trâu. Nuôi rắn phải đảm bảo kỹ thuật để rắn được mập, béo, khoẻ mạnh. Rắn rất nhiều loại để đáp ứng mọi nhu cầu của khách. Sau khi thăm vườn, chủ nhân lôi từ trong mô đất ra một con rắn hổ mang dài khoảng 1,2mét, nó đang bành mang, thở phì phì như chực bổ vào người. Sau khi dùa bỡn với con hổ mang, chủ nhân cắt rời những cái răng nọc của nó ra và cho vào một cái bao, còn con rắn thì được rửa sạch bằng nước nóng và làm sạch bằng cồn cao độ. Rắn được kéo dãn ra và mổ thịt. Tiết rắn nhỏ vào một chén sành đã có sẵn rượu tốt, quả tim còn đập cũng được thả vào đó. Đấy là rượu “ông uống bà khen”, và chỉ ít phút sau bạn có thể dùng lần lượt các món ăn chế biến từ rắn còn nóng hổi. Thịt rắn thơm lạ.
Con rắn gần như được sử dụng tất cả các bộ phận, chỉ trừ đầu. Tuy nhiên, để chế biến các món ăn từ rắn đòi hỏi phải có tay nghề cao. Ở làng Lệ Mật có trên dưới 50 nhà hàng, quán ăn về rắn, nên số rắn nuôi không đủ cung cấp, họ phải thu gom rắn ở các nơi khác mới đủ sức phục vụ. Làng Lệ Mật với nghề đặc sản rắn không chỉ giải quyết việc làm ổn định cho dân địa phương mà còn là một làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm chế biến từ rắn...


THUỶ TẬP
(nguồn: TCSH số 144 - 02 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng