Những nẻo đường đất nước
Thuốc và thầy thuốc chữa rắn cắn bản Lúng
09:39 | 23/04/2008
Anh tôi đang giàu lên với nghề nuôi rắn độc, bị con hổ mang hỏi thăm vào tay. Mấy tiếng đồng hồ cáng tắt qua các cánh rừng đến bệnh viện huyện được cứu sống, nhưng vết thương bị hoại tử, hơn tháng sau mới xuất viện, tiêu tốn hơn chục triệu. Năm sau anh tôi lại bị chính con hổ mang ấy hỏi thăm ở tay kia. Lần này thì tôi đánh xe đi mời thầy thuốc rắn bản Lúng.

Bản Lúng là một địa phương heo hút tận miền rẻo cao Như Xuân, Thanh Hoá, trước ngày chưa có ông An nổi tiếng chữa rắn độc cắn, người ngoài bản, chưa mấy ai nghe tên. Sau 40 năm quân ngũ, với quân hàm đại tá, về hưu trí ở địa phương, với nghề bắt rắn, ông An nổi tiếng là thầy thuốc nam chữa rắn độc cắn. Bằng những bài thuốc gia truyền sưu tập từ nhiều miền Tổ quốc và thêm nghiên cứu thực nghiệm, thầy An đã cứu sống 30 người bị rắn độc cắn, trong đó có anh tôi. Có nhiều người tím tái, thoi thóp, thầy còn cứu được.
Đầu xuân Tân Ty , tôi có cuộc phóng vấn ngắn với thầy:
- Xin thầy vui lòng cho biết phác đồ điều trị rắn độc cắn?
- Khi bị rắn độc cắn, người bị nạn và người xung quanh phải bình tĩnh, tìm cách giải độc càng nhanh, càng tốt bằng phối hợp sau: Ga rô để ngăn chặn không cho nọc độc rắn lan toả. Lấy tóc rối, nhúng vào rượu hội, rửa vết cắn. Nặn cho máu tống nọc độc ra khỏi vết cắn hoặc dùng cục nọc để hút độc. Chuyển bệnh nhân đến viện để bác sĩ xử lý tiếp bằng huyết thanh chống nọc độc rắn hoặc cho bệnh nhân uống các bài thuốc nam gia truyền như một trong các bài sau:
Bài 1: Lá bồ cu vẽ tươi 40g, giã nhỏ, pha ít nước, vắt lấy nước cốt, mài hùng hoàng uống, bã đắp lên vết cắn. Bài 2: Dùng 100-150 gam lá tươi cây lưỡi rắn, một điếu thuốc lào, hai thứ giã nát, bỏ một bát nước, đun sôi để nguội, vắt nước uống, bã đắp lên vết cắn. Ngày đầu uống 2 liều, mỗi liều cách nhau 2 giờ. Ngày thứ hai và ba uống tiếp mỗi ngày 2 liều, mỗi buổi một liều. Bài này dùng cho cả phụ nữ có mang mà không độc hại. Cây lưỡi rắn có thể dùng phối hợp như sau: cây lưỡi rắn 50g, lá phèn đen 30g, nghể răm 20g, lá găng 20g, rễ cây cúc áo 20g, các vị này sao vàng hạ thổ, cho 3 bát nước sắc lấy 1, chia bốn lần uống trong ngày. Dùng liên tiếp 4 thang là khỏi hẳn. Bài 3: Một cục thuốc lào bằng đốt ngón tay trỏ, nhai nuốt nước, lấy bã đắp lên vết cắn.
Nguồn dược liệu trị rắn độc cắn thường sẵn ở quanh ta. Có khi là cây cỏ như cây cóc mần, cây thuốc hút, rau dệu... có khi là con vật như rệp hoặc bộ phận của con vật như máu rùa, mật lợn, mật rắn hổ, xương hổ tán thành bột... có khi là khoáng vật như hùng hoàng...
Hùng hoàng là chất kỵ rắn, giải nọc độc rắn. Người xưa đã biết chế thuốc bắt rắn từ hùng hoàng, tỏi, củ nén, nước điếu... Khi bị rắn độc cắn người bắt rắn bình tĩnh ga rô, nặn máu độc, lấy dăm viên thuốc mang theo tiêu với nước, dăm viên nữa nhằn thú nước thành bột dẻo đắp lên vết thương là yên tâm. Thuốc viên này thường được chế theo công thức: tạo giác một phần, bạch chỉ hai phần, tán thành bột, trộn với cơm dẻo giã nhuyễn, viên thành viên tròn bằng hạt đậu, lăn qua bột hùng hoàng làm áo, hong khô bảo quản trong lọ dùng khi cần.
- Thưa thầy, phác đồ trên có nói đến rượu hội và cục nọc, xin thầy cho biết thêm về tác dụng và sản xuất hai thứ ấy?
-1- Cục nọc có tác dụng hút độc nọc rắn, được dùng từ xưa ở nhiều nước, chẳng hạn ở Bỉ, có cả một cơ sở sản xuất cục nọc là những miếng xương bò nung trong môi trường khử rất cao, nên có sức hút mạnh. Đồng bào miền núi ta, dùng gạc hươu nai, cắt từng đoạn 4cm, chẻ thành dăm, đốt tồn tính bằng cách bọc đất sét ra ngoài dăm, nung trấu một đêm, để nguội gỡ đất ra. Sau khi đốt thành than hoạt tính, than xương có nhiều lỗ hổng nhỏ, máu độc sẽ bị các lực hút mao dẫn. Để thêm tác dụng màu nhiệm của cục nọc, người ta tẩm rượu hội, sấy khô để dùng. Nhân dân miền núi Hoà Bình, Thanh Hoá, dùng hạt đậu nọc già, khô bổ đôi làm cục nọc. Cách dùng cục nọc: đặt cục nọc lên vết cắn. Cục nọc dính vào vết cắn nhờ lực hút. Khi đã hút no, cục nọc tự bong ra. Nếu còn máu độc thì đặt cục nọc mới vào. Rượu hội đã được báo cáo ở hội nghị khoa học ngành dược Trung ương và được sản xuất ở Xí nghiệp dược phẩm Hà Nội từ năm 1962. Sau đây là một công thức sản xuất rượu hội: hoàng kỳ 2 chỉ, tế tân 3 chỉ, bạch chỉ 3 chỉ, châu thần 2 chỉ, ngũ linh chi 2 chỉ, bối mẫu 2 chỉ, tất cả tán nhỏ bỏ vào túi vải ngâm với 1/3 lít rượu tốt trong một tháng.
- Thưa thầy, nếu không thấy, không bắt được con rắn vừa cắn thì phân biệt rắn lành, rắn độc như thế nào?
- Theo kinh nghiệm dân gian, rắn lành như rắn ráo cắn để lại 4 hàm răng như mũi kim châm, khoảng cách đều nhau, hai hàng trong và hai hàng ngoài. Rắn độc cắn, chỉ có hai hàm răng, hai răng cái ở phía trước, dấu rõ hơn. Rắn lành cắn, vết thương có cảm giác hơi ngứa, có thể mẩn đỏ hoặc rớm máu, da xung quanh không tê tái, không nhức buốt, không phù nề, vết thương sẽ khỏi sau vài ngày. Rắn độc cắn, cũng có trường hợp vết thương không tấy đỏ, không sưng đau, chỉ hơi tê, làm ta dễ lầm với rắn lành cắn, nhưng lại nguy hiểm. Vài giờ sau, triệu chứng độc sẽ xảy ra, đó là trường hợp rắn cạp nia hoặc rắn biển cắn. Rắn hổ cắn, vết thương nhức dữ dội, lan nhanh, sưng tấy phía trên, có dấu hiệu hoại tử xuất huyết dưới da, có nhiều nốt bỏng xung quanh, các hạch huyết lân cận cũng sưng to. Khi bị rắn độc cắn, không chỉ chịu độc tố của nọc rắn mà nọc độc vào cơ thể kết hợp với các chất trong cơ thể làm phát sinh độc tố mới. Nguyên nhân gây ra tử vong cũng tuỳ thuộc vào khả năng chống đỡ của cơ thể và tình trạng cấp cứu của thầy thuốc. Có trường hợp không chét vì nọc rắn độc, mà chết vì nhiễm khuẩn.
- Thưa thầy, xin thầy cho biết về miễn dịch tự nhiên và miễn dịch mắc phải?
- Tất cả các loại rắn độc đều có khả năng miễn dịch với nọc độc của chúng. Rắn hổ mang lúc đói, nuốt cả con cái đồng loại mà vẫn bình thường. Một số loài động vật máu nóng như nhím, cày móc cua, ăn cả rắn hổ. Một số loài chim như chim ưng núi, bìm bịp, ó biển ăn rắn, cũng có khả năng miễn dịch tương tự, gọi là miễn dịch tự nhiên. Còn miễn dịch mắc phải, như một số ít người, có thể tai qua nạn khỏi, tuy liên tiếp nhiều lần bị rắn độc cắn. Có thể những người này không nhạy cảm với nọc độc rắn hoặc họ có bí quyết nào đó chữa khỏi khi bị rắn độc cắn. Cũng phải kể đến cả những người làm xiếc rắn, những người say mê làm nghề dụ rắn có từ thời cổ ở Ấn Độ nữa.


DƯƠNG KIM ANH
(nguồn: TCSH số 144 - 02 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng