Những nẻo đường đất nước
Mật mía Văn Giang và kẹo lạc chợ Gôi
15:19 | 26/08/2014

Chợ Gôi ở xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh có tự bao giờ? Câu hỏi thật khó và cũng chưa thể có câu trả lời đầy đủ. Mà cái tên nôm “Gôi” còn được dùng  để chỉ địa danh của nhiều nơi khác ở Việt Nam.

Mật mía Văn Giang và kẹo lạc chợ Gôi

Tỉnh Nam Định có núi Gôi, ga Gôi và cả… chợ Gôi nữa. Ca dao nói về chợ Viềng ở Nam Định có câu: “…Mồng bốn chơi chợ Quả Linh. Mồng năm chợ Trình, mồng sáu chợ Gôi…”. Lại còn có chợ Gôi ở xứ Kinh Bắc ven sông Đuống, chợ Gôi của Hà Đông trước kia, nay thuộc Hà Nội nữa ….

Có điều chắc chắn là chợ Gôi ở xã Sơn Hòa ngày nay lấy tên của Kẻ Gôi xưa kia làm tên chợ. Kẻ Gôi cùng với các vùng lân cận như Kẻ Trúa, Kẻ Trảy, Kẻ Đọng, Kẻ E, Kẻ Sét… là những  làng cổ đã có lịch sử hàng ngàn năm. Khi những địa danh Việt cổ của các Kẻ này được đổi tên ghi vào văn tự Hán thành các giáp, về sau là các thôn (làng) như Bạch Sơn, Hàm Lại, Lệ Định Xuân Trì, Ninh Xá… cùng thuộc tổng An Ấp (nay là 6 xã Sơn Hòa, Sơn Ninh, Sơn Thịnh, Sơn An, Sơn Lễ  và Sơn Tiến thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) thì các tên nôm đều biến mất, duy chỉ còn Kẻ Gôi vẫn còn được giữ lại địa danh “Gôi” trong tên làng là Gôi Mỹ.Về sau làng Gôi Mỹ và làng Bình Hòa hợp lại thành xã Mỹ Hòa. Xã Mỹ Hòa sau đó lại được đổi tên thành xã Sơn Hòa ngày nay. Kẻ Gôi biến mất trong tên gọi đơn vị hành chính hiện nay nhưng chợ Gôi thì vẫn còn tên gọi như từ thuở khai sinh người Việt cổ ở đây đã đặt tên cho nó vậy. Chợ Gôi là một trong các chợ cổ nổi tiếng của Đức Thọ, Hương Sơn mà một vế đối cổ còn ghi lại: “Thượng, Hạ, Gôi, Choi, Nầm. Trị, Phố”. Trước năm 1945, tại khu vực họp chợ còn có đình của hàng tổng, tức là trung tâm hành chính của tổng An Ấp gồm cả 6 xã kể trên thuộc vùng hạ Hương Sơn nằm bên tả ngạn sông Ngàn Phố, và được gọi là đình Chợ Gôi. Như vậy, trước khi có đình, tức là trước khi có đơn vị hành chính là tổng An Ấp và làng Gôi Mỹ, thì đã có chợ Gôi. Ngày nay, chợ Gôi cũng là chợ phiên lớn nhất của vùng này, còn chợ Trùa ở Sơn Lễ, chợ Cơn Bàng họp chiều (nay không còn), chợ Cồn Bại họp đêm (nay cũng không còn) ở Sơn Thịnh chỉ là chợ xép so với chợ Gôi.

 Họp cách nhật vào ngày lẻ theo âm lịch nhưng lúc nào chợ Gôi cũng đầy ắp các thứ thực phẩm, hoa quả địa phương, các loại hàng hóa, nông lâm sản và luôn nườm nượp người đi chợ. Không chỉ có người dân trong 6 xã nói trên, mà cả bà con từ các xã vùng thượng Hương Sơn như Sơn Bằng, Sơn Thủy, Sơn Trung… hoặc bên hữu ngạn sông Ngàn Phố như Sơn Hà, Sơn Mỹ, Sơn Châu…. và cả những  “ngài bên tê”, tức là những người dân của các xã thuộc  Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên ở phía bên kia của dãy núi Thiên Nhận hầu như phiên nào cũng  vượt Truông Thành, Truông Mèn, Khe Su…sang mua các sản vật của chợ Gôi. Còn những  “ngài dới Thượng, dới Hạ”, tức là dân các xã nằm hai bên bờ sông La thuộc huyện Đức Thọ như Đức Trường, Đức Sơn, Đức Phong, Đức Yên… thì đem các loại hàng tạp hóa, vải lụa lên bày bán. Thậm chí, cá bể (hải sản), ruốc (mắm tôm) từ  cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Lò, nồi bù (nồi đất nung) từ Yên Thành cũng đến được chợ Gôi, trước kia được chở bằng  gánh chạy bộ, nay thì thồ bằng xe máy và có khi bằng xe tải nhẹ. Bên cạnh các thứ nông sản phong phú của  đất vườn Hương Sơn như cau, trầu, chè xanh, mít, chuối, cam, bưởi, đậu, lạc… thì chợ Gôi còn có nhiều thứ đặc sản nổi tiếng như thịt dê thui, bánh gói ấp, bánh đúc làm bằng  gạo ré đỏ ăn với bánh độ làm bằng đỗ xanh (bánh đúc bánh độ, ai chộ cụng sèm là một câu vè mà các bà các chị đi chợ Gôi thường kể), bún lá chấm ruốc, bánh phỏng, bánh tráng quạt than, bánh mướt, kẹo lạc chặt… Bánh gói ấp được làm bằng bột gạo ré đỏ nhào với nước vôi trong, từng viên bột được nặn bằng quả cau đặt vào mảnh lá chuối cắt hình vuông. Cho ít hành tăm đập dập, thoa mỡ lên và chập hai viên bột vào nhau đem hấp chín là có bánh. Bánh gói ấp là một loại bánh đặc sản của chợ Gôi, có vị đậm và thơm mùi hành mỡ,  màu đỏ sẫm như màu rượu vang rất hấp dẫn, bánh khá dai và chắc chứ không mềm và nhão như bánh gói, bánh đúc, lại rất rẻ. Các bà các o đi chợ thường mua hàng chục bánh mang về làm quà cho trẻ. Chẳng biết có phải do hai viên bột đặt trên hai mẩu lá chuối ấp vào nhau nên bánh được gọi là bánh gói ấp hay không, thế nhưng bánh gói ấp chợ Gôi đã đi vào âm nhạc với những ca từ da diết: “Bao đời bánh Ấp chợ Gôi. Tiếng đồn chi, để muôn nơi tìm về” hay như “Nhớ bến nước chợ Gôi vai gầy áo mẹ. Mỗi sớm về bánh Ấp tỏa hương quê” trong ca khúc “Về đi anh” của nhạc sĩ Trịnh Chung.

Còn quán thịt dê bà Đào ở chợ Gôi thì ngày nào cũng đông đúc thực khách từ  các thị trấn Phố Châu, Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh và cả từ thành phố Vinh. Nhiều đoàn khách  Hà Nội nhân đi nghỉ mát ở  bãi biển Cửa Lò, bãi biển Xuân Thành cũng đánh xe ô tô lên chợ Gôi để được thưởng thức món dê thui ở quán bà Đào và tìm mua các thứ kẹo bánh đặc sản chợ Gôi mang về Hà Nội làm quà cho người thân.  Trong các loại bánh kẹo được bày bán ở chợ Gôi thì kẹo lạc là thứ kẹo có nguồn gốc lâu đời của vùng đất này. Kẹo lạc chợ Gôi cũng chính là phiên bản gốc của “kẹo cu đơ” nổi tiếng hiện nay.

Nói đến kẹo lạc của chợ Gôi cũng như phiên bản gốc của “kẹo cu đơ” thì phải là “kẹo lạc chặt”. Kẹo thành phẩm khi đã cô đủ độ lửa được đổ ngay vào khuôn và dàn mỏng . Khuôn được ghép bằng bẹ chuối có hình chữ nhật, chiều rộng khoảng vài ba chục phân, chiều dài khoảng bốn năm chục phân. Đáy khuôn được lót bằng lá chuối khô hoặc lá chuối tươi đã được hơ qua lửa. Các tảng kẹo sau khi nguội được tách khuôn và xếp vào thúng, phủ lá chuối khô để giữ cho kẹo không bị “chảy nước” và mang ra chợ. Dụng cụ được người bán kẹo mang theo là một con dao chặt thật sắc, một cái chày gỗ và một cái thớt. Khi có người mua, một phần của tảng kẹo sẽ được chặt thành miếng kẹo có kích thước to, nhỏ, lượng kẹo ít hay nhiều …tùy theo yêu cầu của khách hàng. Tay trái giữ và ấn nhẹ lưỡi dao chặt lên mặt tảng kẹo đã được đặt ngay ngắn trên cái thớt gỗ, tay phải dùng chày gõ lên sống dao, thế là kẹo được chặt thành các miếng kẹo quân cờ vuông vắn rồi gói vào lá chuối trao cho khách mua. Người Hương Sơn chẳng ai là không nhớ đến tuổi thơ với những gói kẹo lạc chặt của chợ Gôi  ngọt đậm vị mật, béo bùi vị lạc và thơm cay vị gừng, những đùm bánh gói ấp ngậy mùi hành mỡ lẫn mùi thơm của gạo ré đỏ đầu mùa… Những thứ thôn quê dân dã này mãi vẫn là những đồng quà tấm bánh thanh bần nhưng thấm đẫm tình mẹ con, tình bà cháu, tình quê hương.

Nói đến kẹo lạc chợ Gôi thì không thể không nhắc đến mật mía Văn Giang. Câu chào mời của các o bán kẹo lạc chặt trước đây ở chợ Gôi thường là “Mời ôông, mời bà, mời o, mời eeng mua kẹo đi!. Kẹo nhà con nấu bằng mật Văn Giang và lạc cúc đò, chơ khung phải mật pha và lạc sen mô…”. Nếu khách mua hỏi lại: “O cò chắc là mật Văn Giang khôông?” thì sẽ được o hàng kẹo giảng giải: “Eeng coi nì! Khung phải mật Văng Giang thì mần răng mặt kẹo sáng choang và vàng óng được ra ri?”. Rồi o ta lấy một miếng kẹo đã chặt, bóc mẩu lá chuối ở mặt dưới, chỉ cho cho khách và tiếp: “Eeng chộ chưa? Khung phải mật Văn Giang thì mần răng mà kẹo troong vắt ra ri được”. Mật Văn Giang trước đây nổi tiếng không chỉ ở Hương Sơn. Những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỉ trước, ở chợ Gôi, mật Văn Giang không những đắt hơn các loại mật khác, có khi gấp rưỡi, mà người đi buôn mật xuống bán ở chợ Thượng, chợ Hạ ở Đức Thọ cũng như chợ Vinh ở Nghệ An cũng chỉ tìm mua mật Văn Giang. Có điều là hồi đó, mật cũng là một mặt hàng bị cấm lưu thông. Bà con đi buôn mật xuống Vinh chỉ dám mang theo mỗi lần dăm ba lít, nhưng phải dùng vải mưa ni lông đổ mật vào buộc túm lại, dấu diếm dưới thúng, dưới đúa… và chất các bó chè xanh, mít, chuối.. lên trên rồi gồng gánh đi bộ vượt núi Thiên Nhận xuôi chợ Vinh. Làng Văn Giang “kéo che” và nấu loại mật này nằm ở chân núi Thiên Nhận, chỉ cách chợ Gôi non hai cây số. Trong làng Văn Giang hồi đó có hàng chục nhà có “che” kéo mật. Mùa “kéo che”, bã mía trắng cả đường làng và tỏa mùi ngọt nồng  vào tận từng nhà. Âm thanh réo rắt của những mộng răng cưa gỗ de, gỗ mít được đục gọt khéo léo trên những “cột ông”, “cột  bà” từ hàng chục bộ “che” cọ xát vào nhau cùng rền vang phá tan sự yên tĩnh thường ngày  của xóm làng. Tối đến, khắp nơi  đỏ lừ những ngọn lửa cháy bập bùng của các lò nấu mật. Mùi “mật chè” quyện với mùi bã mía  cho ta cảm giác vừa ngầy ngậy, vừa quyến rũ lại vừa no nê . Văn Giang cũng là một làng cổ thuộc tổng An Ấp. Trong sáu năm trời vào đầu thế kỉ XV, khi nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi đóng đại bản doanh ở Lục Niên Thành trên núi Thiên Nhận thì Văn Giang là cửa ngõ phía Nam, là hậu cứ trực tiếp của Lục Niên Thành. Chắc chắn những anh hùng, những nhân vật kiệt xuất của lịch sử Việt Nam như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn … đã từng không chỉ một lần dừng chân hoặc đóng quân ở làng này. Phải chăng vì thế mà mật mía ở làng này được làm rất cẩn thận và đã tạo nên thứ mật ngon nổi tiếng đến vậy. Trong khi các lò mật dùng mía chặt từ ruộng mang về đưa ngay vào che để ép mật thì ở làng Văn Giang, mía ép mật được kén chọn rất kỹ và trước khi ép phải được “lau mắt” và  “lau vỏ”, tức là dùng dao sắc thảy hết các gờ nhô ra và rễ mọc ở các “mắt” của đốt mía cũng như thảy hết lớp rêu bám trên vỏ cây mía. Nhờ vậy, khi nấu mật, bọt bẩn rất ít, các chất bẩn không bị hòa tan vào“mật chè” nên mật rất trong và tinh khiết. “Mật chè” là sản phẩm nước mía đun sôi, đã vớt hết bọt và tạp chất nhưng chưa nấu cô thành mật, uống rất ngon, nhất là pha với nước chè xanh.  Khi nấu “mật chè” để cô thành mật, người Văn Giang tuyệt đối không cho thêm chất gì. Do vậy, mật Văn Giang rất đặc sánh nhưng vẫn trong vắt, màu vàng sáng như mật ong, ngọt thanh, không có vị lạ. Cũng có thể các lò mật ở Văn Giang còn có những bí quyết khác nữa cho nên ngày trước mật Văn Giang mới nổi tiếng khắp vùng như vậy. Trong khi đó, nhiều lò mật khi cô nước mía thành mật thường thả các giỏ khoai vạc (củ mỡ), khoai từ (củ từ), hoặc khoai đao (dong riềng), khoai tinh (củ huỳnh tinh) vào chảo cô mật để mật có độ đặc sánh hấp dẫn (các loại khoai này khi đã “deo” lại sẽ được vớt ra, là một loại mứt tuyệt vời). Nhiều người khi  nấu mật còn cho vào một ít nước vôi trong để mật có màu vàng sáng bắt mắt. Tuy nhiên, các loại “mật pha” này chóng bị chua, có độ kiềm lớn nên khi nấu kẹo dễ bị “lại đường”, tức là mật có xu hướng kết tinh nên kẹo bị xốp và không mềm, không dẻo, kẹo bị bở và vỡ ra, không chặt được thành miếng kẹo vuông vắn theo ý muốn. Vào những năm sáu mươi của thế kỉ trước, kẹo lạc kẹp bánh tráng (giống như kẹo cu đơ bây giờ nhưng hồi đó chưa dùng “thương hiệu” này)  được bán ở Vinh, nhất là ở ga Vinh, do dùng các loại mật này, thậm chí người nấu kẹo còn cho thêm thuốc muối như kiểu dùng bột nở làm bánh mỳ  để làm phồng xốp kẹo, nên loại kẹo này thường nồng mùi vôi, có vị nhẩm đắng, xốp và dòn cứng, ăn vào thường bị rát lưỡi. Đáng buồn là ngày nay, mật Văn Giang không còn và cái tên “mật Văn Giang” nổi tiếng một thời này cũng không còn tồn tại và cũng không được khai thác như thương hiệu “kẹo cu đơ” mà chính mật Văn Giang đã góp phần quan trọng tạo ra nó trong buổi ban đầu.

Đúng vậy. Kẹo cu đơ nguyên sơ là “kẹo lạc chặt” của nhà ông Cu Hai và được nấu bằng mật Văn Giang .  Ông Cu Hai vốn có tên là ông Vi, người họ Đinh Nho, một dòng họ nổi tiếng danh gia vọng tộc ở làng Gôi Mỹ. Ban đầu, người ta gọi ông là Cu Hai vì ông là con trai thứ hai. Cũng có người kể rằng vì các đĩa kẹo lạc của ông đều có giá hai tiền nên mọi người gọi ông là Cu Hai. Ban đầu, nhà ông cũng bán kẹo lạc chặt ở chợ Gôi. Về sau, do nổi tiếng kẹo ngon và được nhiều khách ăn biết đến, ông nấu kẹo bán ngay tại nhà. Nhà ông Cu Hai chỉ cách chợ Gôi khoảng vài trăm mét. Đó là một ngôi nhà gỗ bình thường như bao ngôi nhà khác của người dân Hương Sơn, có thềm, có sân đất rộng rãi  với mấy bụi hoa bông trang đỏ thắm, cúc vạn thọ vàng tươi trồng chung quanh, còn hai bên lối đi từ sân ra cổng là hai hàng cây chè mạn hảo được cắt xén chỉn chu. Có nghĩa nhà ông không phải là quán nước hay quán ăn thông thường. Không phải “nhà mặt tiền”, không có biển hiệu. Khách tìm đến là khách quen và là khách “ẩm thực” đúng nghĩa, tức là vừa ăn kẹo vừa uống nước chè xanh ngay trong nhà. Chỗ ngồi là những chiếc tràng kỷ bằng tre, mạy, được đục đẽo, cắt gọt tỉ mỉ. Các đĩa kẹo, ấm tích đựng nước chè xanh và điếu hút thuốc lào được bày trên những chiếc bàn làm bằng gỗ dổi, gỗ mít lâu ngày lên nước bóng loáng. Mảnh vườn nhà ông nằm cạnh con đường chính trước kia đi từ chợ Gôi qua Cầu Chợ, Bãi Côi ra Bãi Bè. Bãi Bè trước đây là một thị tứ sầm uất có chợ Bè họp  3 phiên trong một tháng, có  bến tập kết bè nứa của những người sơn tràng ngược ngàn về bán các thứ lâm thổ sản, có bến đò dọc cho khách xuôi chợ Vinh, có bến đò ngang nối hai bờ sông Phố, nối chợ Bè, chợ Gôi với chợ Choi, có cả sân vận động. Cách nhà ông chưa đến vài trăm mét, trước năm 1945 là trường Tiểu học Hương Sơn, ngôi trường duy nhất cho cả vùng hạ Hương Sơn hồi đó. Vào những năm năm mươi sau đó, rất đông học viên trường Thiếu sinh quân về đóng quân ở các xã Mỹ Hòa, Thịnh Văn (nay là Sơn Hòa, Sơn Thịnh) gần nhà ông. Sau năm 1954, trường cấp 2 Hương Sơn, trường cấp 2 quốc lập duy nhất hồi bấy giờ của toàn bộ các xã hai bên sông Ngàn Phố vùng hạ Hương Sơn, được xây dựng ngay ở Bãi Côi. Dạo đó trường này còn tiếp nhận hàng trăm học sinh miền Nam nội trú. Cũng vì thế nên nhà ông lúc nào cũng đông khách vào ăn kẹo. Cái tên“kẹo cu đơ” ngồ ngộ nôm na nửa ta (cu) nửa Tây (đơ: deux: hai) xuất hiện gây sự tò mò và thích thú của thực khách nhưng cũng không ai để ý chính xác là do ai đầu tiên nói ra và vào thời gian nào. Bây giờ, có người cho rằng đó là cách gọi tinh nghịch của các cậu học trò trường tiểu học từ thời Pháp thuộc, cũng có người cho rằng đó là do các học viên trường Thiếu sinh quân nói vui với nhau, lại còn có người kể rằng là do những thanh niên trong làng biết tiếng Pháp đùa trêu ông Cu Hai và thậm chí, lúc đầu ông còn tỏ ra tức giận với những người gọi kẹo lạc của ông là kẹo cu đơ.

So với kẹo lạc chặt được nhiều người bày bán ở chợ Gôi lúc bấy giờ  thì kẹo lạc chặt Cu Đơ của nhà ông Cu Hai ngon hơn hẳn. Ông cho biết là ngoài việc dùng mật mía Văn Giang, gừng giã nhỏ làm gia vị và phải nấu “đúng độ lửa”, thì loại lạc nấu kẹo phải là lạc cúc. So với lạc sen là loại lạc thông thường, hạt lạc cúc tròn hơn và bé chỉ bằng nửa, béo bùi hơn, dễ dòn thơm hơn khi thả lạc vào chảo mật đang sôi. Chỉ có điều năng suất thấp nên lạc cúc cũng như các loại gạo đặc sản ngon nổi tiếng của Hương Sơn như gạo ré đỏ, nếp rồng…  ngày nay ít được gieo trồng. Lạc phải được phơi  khô khén đến mức cho hạt lạc vào lòng bàn tay xoa nhẹ là lớp vỏ lụa dễ dàng bong ra. Phải tẩn mẩn loại bằng hết các hạt  bị lép, bị sâu, bị mốc.Tuy vậy, bí quyết tạo nên hương vị đặc biệt hấp dẫn và ngon miệng của kẹo lạc chặt nhà ông Cu Hai là vỏ chanh. Gọi là bí quyết nhưng ông Cu Hai cũng không hề dấu nghề. Đây là hương liệu không thể thiếu, nhưng liều lượng sao cho vừa đủ để kẹo thơm mùi tinh dầu chanh, có vị đặc trưng của vỏ chanh nhưng  không bị đắng  thì vẫn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nấu kẹo. Lớp vỏ chanh có chứa tinh dầu  được gọt thật mỏng và thái thật nhỏ, cho cùng một lần với gừng giã nhỏ và lạc sống còn nguyên lớp vỏ lụa vào chảo mật đã được cô đặc đủ độ lửa cần thiết. Độ lửa cần thiết được xác định bằng cách nhỏ mật đang sôi trong chảo vào một bát nước lạnh, nếu các giọt mật không bị tan ra và khi dùng hai ngón tay bóp nhẹ thì giọt mật vẫn bị vỡ ra thành vệt mềm dính vào ngón tay là được. Sau khi cho lạc vào phải khuấy thật đều, thật nhanh rồi đổ ra khuôn. Khuôn của nhà ông Cu Hai lót bằng giấy có đủ độ dai cần thiết để khi ăn, chỉ cần xoa ít nước chè xanh vào mặt giấy, giấy sẽ dễ dàng được bóc ra khỏi miếng kẹo. Kẹo lạc chặt của ông Cu Hai dẻo mềm, không dai nhưng khi cầm miếng kẹo vẫn không bị bết mật ra tay. Ông Cu Hai mất vào những năm đầu của cuộc leo thang ném bom miền Bắc và cho đến tận thời điểm đó, kẹo cu đơ của nhà ông vẫn là kẹo lạc đổ khuôn, chặt thành miếng chứ không phải đã kẹp bằng bánh tráng như một số người đã kể lại. Sau năm 1975, cả hai người con tai và ba cô con gái nhà ông Cu Hai, người thì xuống Vinh, người thì vào Nam làm ăn sinh sống. Quán kẹo lạc chặt cu đơ tại nhà ông không còn nhưng kẹo cu đơ nguyên sơ, kẹo lạc chặt nấu tại ngôi nhà cũ của ông vẫn được một o hàng kẹo bày bán ở chợ Gôi cùng với loại kẹo cu đơ đời mới kẹp giữa hai lớp bánh tráng vừng quạt than. Phải công nhận là kẹo cu đơ kẹp bánh tráng, cu đơ đời mới bày bán ở chợ Gôi bây giờ nhiều hơn hẳn kẹo lạc chặt. Nhưng  người Hương Sơn xa xứ về quê đi chợ Gôi vẫn thích tìm mua thứ kẹo chặt ngày xưa như muốn tìm lại những kỉ niệm của tuổi học trò luôn in đậm trong ký ức.

Ngày nay, chợ Gôi vẫn ồn ào tấp nập kẻ bán người mua nhưng tiếng chặt kẹo lạc lốc cốc, lạch cạch ngày càng ít dần. Phiên chợ Tết vào ngày mười chín tháng chạp hàng năm cũng không còn tiếng te te của những con gà đất được nặn bằng đất thó trắng đục, tô vẽ xanh đỏ nguệch ngoạc trên đôi cánh mà đứa trẻ nào đi chợ Tết cũng mua một con rồi cho cái mỏ gà làm bằng ống sậy vào mồm vừa đi vừa thổi vang cả chợ. Những cái lều chợ xơ xác ngày trước bằng tre lợp lá kè, lá mía được thế chỗ bằng ngôi đình chợ to cao, mái lợp ngói, nền lát gạch và những dãy lều chợ lợp mái tôn, mái xi măng chắc chắn. Vẫn còn những hàng bán mật mía nhưng mật Văn Giang đâu còn nữa. Mật Văn Giang không còn thì kẹo lạc cu đơ chợ Gôi liệu còn nguyên hương vị trước đây? Liệu mật Sơn Thọ ngày nay có được như mật Văn Giang ngày xưa?

Thật là vui buồn lẫn lộn. Vui vì cái thương hiệu “kẹo cu đơ”  đã trở thành nổi tiếng ngày nay với sản phẩm kẹo lạc kẹp bánh đa nướng của hàng trăm lò nấu kẹo  mỗi ngày sản xuất và tiêu thụ hàng chục tấn ở thành phố Hà Tĩnh. Giỗ Tổ năm nay, 2013, Hà Tĩnh là một trong tám tỉnh thành có vinh dự được dâng lễ vật lên các vua Hùng. Mừng vì  chỉ có kẹo cu đơ và rượu nhung hươu, cả hai sản vật đều có xuất xứ từ mảnh đất Hương Sơn, đã được chọn làm làm lễ vật dâng lên Quốc Tổ. Lại thấy day dứt vì sao mảnh đất quê hương có những người con đã tạo ra những đặc sản nổi tiếng như vậy nhưng con cháu họ lại phải ly hương kiếm sống đất người. Nhưng rồi lại thấy vui khi biết được các nhà sản xuất kẹo cu đơ ở thành phố Hà Tĩnh  hiện nay đã bắt đầu tính chuyện đăng ký bản quyền, bảo hộ thương hiệu.  Rồi lại chợt buồn vì đã bắt đầu xuất hiện cu đơ giả và buồn vì câu hỏi liệu đã có ai trong số những người sản xuất và tiêu thụ hàng chục tấn kẹo cu đơ mỗi ngày nói trên đã từng nghĩ đến việc tri ân người đã tạo ra thương  hiệu “kẹo cu đơ’ nổi tiếng hay ít nhất tôn thờ ông Đinh Nho Vi, ông Cu Hai ở Hương Sơn là ông tổ của nghề như bao làng nghề khác ở nước ta đã từng thờ phụng ông tổ của nghề mình? Và còn buồn hơn khi nghĩ đến sự giàu có của nhiều ông chủ bên trời Tây thật ra cũng chỉ bắt đầu từ những bí quyết chẳng khác gì bí quyết nấu kẹo lạc bán chợ Gôi của ông Cu Hai hay bí quyết làm nên thương hiệu mật Văn Giang của người dân Văn Giang trước đây. Cũng là chuyện một ông bố và hai người con trai làm nghề nấu kẹo, nhưng ở Thụy Sĩ. Trước năm 1845, sô cô la được sử dụng trên thế giới chỉ dưới dạng đồ uống như chè, cà phê hay ca cao. Ba bố con người Thụy Sĩ này nhờ tìm ra bí quyết làm đông đặc sô cô la thành bánh, thành thỏi nên đã phát triển thành mộtcông ty sản xuất sô cô la. Người em sau đó còn tìm ra cách pha chế để làm thành loại "kẹo mềm sô cô la". Danh tiếng của sô cô la Thụy Sĩ nhờ đó trở nên nổi tiếng toàn cầu. Năm 1899, hai anh em  cùng thành lập hãng  Lindt & Spruengli AG. Doanh số năm 2012 cuả hãng sô cô la này là 2,47  tỉ phờ răng Thụy Sĩ  (khoảng 2,6 tỉ đô la Mỹ). Trong các cửa hàng bánh kẹo của thế giới cũng như ngay cả ở Việt Nam, sô cô la Lindt của Thụy Sĩ là một thứ hàng cao cấp, đắt tiền và cũng là thời thượng hiện nay, nhất là vào các dịp lễ tết.  Hay như cái lưỡi dao cạo râu do ông Gillette nghĩ ra cũng thế. Khi công ty Gillette được thành lập ở Mỹ vào năm 1903, chỉ có 168 lưỡi dao cạo râu được bán ra nhưng ngay năm sau đã có đến 123.000 lưỡi và 90.000 dao cạo theo kiểu Gillette được tiêu thụ. Năm 2004, công ty Gillette có gần 3 vạn nhân công với doanh số trên 10 tỉ  đô la và lợi nhuận lên đến 2,3 tỉ đô la. Lại còn ông William Painter ở xứ Scotland, sau khi  phát minh ra cái nắp chai bia, cái mở nút chai… đã thành lập công ty "Crown Holdings, Inc" vào năm 1893 trên đất Mỹ và giờ đây, doanh số hàng năm của công ty này xấp xỉ 9 tỉ đô la. Hiện nay Crown Holdings, Inc chuyên sản xuất nắp chai bia, vỏ đồ hộp bằng nhôm siêu mỏng … và đã có mặt tại Việt Nam từ vài ba năm nay, mỗi năm cung cấp hàng tỉ lon đựng đồ uống bằng nhôm có dung tích 33cl cho ngành công nghiệp giải khát ở nước ta.

Biết bao giờ và làm thế nào để  những sản phẩm như  kẹo lạc chợ Gôi, kẹo cu đơ, mật mía Văn Giang  hay rượu nhung hươu … và nhiều thứ khác của Hương Sơn, của Hà Tĩnh cũng của nhiều vùng miền khác ở nước ta  có thể tạo ra được những thương hiệu và thị trường để phát triển như các sản phẩm  đơn giản của mấy ông Tây, ông Mỹ kia? Có lẽ chỉ khi nào xã hội thực sự coi trọng các đặc sản truyền thống nổi tiếng, các thương hiệu, các phát minh, sáng chế dù nhỏ nhưng đem lại giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế rõ rệt và pháp luật có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền sở hữu cũng như quyền lợi của những người tạo ra các sản phẩm, các thương hiệu, các phát minh sáng chế này thì câu hỏi trên mới có thể được giải đáp. Còn như hiện nay, hàng năm ngân sách chi ra một số tiền không nhỏ cho nghiên cứu khoa học nhưng  liệu đã có được bao nhiêu kết quả nghiên cứu, bao nhiêu phát minh, sáng chế đem lại giá trị gia tăng thực sự cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt phục vụ kinh tế xã hội và chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu? Trong khi đó thì hàng nhái, hàng giả tràn lan không kiểm soát được. Câu chuyện mật mía Văn Giang và kẹo lạc chợ Gôi vẫn còn đó những hoài niệm, những mong ước chen lẫn những day dứt,  những  buồn vui lẫn lộn.

Nguồn: Tống Trần Tùng - VHNA

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng