LÊ THỊ MÂY
1
Hơn mười ba năm về trước, kỳ vừa ngưng bom đạn, thường từ sớm chủ nhật, tôi đã về quanh quẩn với phố đổ rậm rì cỏ dại. Nhiều lần đếm đi đếm lại, cũng chỉ còn sót có mười bốn cây dừa, thân bị băm kín miểng bom. Tàn lá xơ xáp, đỏ cháy.
Người Đồng Hới và Quảng Bình nói chung, hẳn không ai quên "hũ gạo Bình Trị Thiên" những năm sáu mươi. Nhà nhà, cứ đến bữa đổ gạo vào nồi đều lặng lẽ xúc động vốc lại một nắm to bỏ vào hũ, đến kỳ cuối tháng, dốc ruột đổ ra, gởi vào đồng bào Trị Thiên Huế kháng chiến. Thời đó, ngoài hũ gạo Bình Trị Thiên, rặng dừa kết nghĩa Bình Trị Thiên chạy dọc bờ Nhật Lệ cũng được ươm trồng lên tươi tốt. Nơi mỗi gốc cây, được cắm một tấm biển được mang tên những học sinh trường Đào Duy Từ, làm người bảo vệ, chăm sóc cây. Cây dừa trước góc chợ, cạnh nhà lục giác, cắm biển mang tên tôi, bom Mỹ giết hại từ bao giờ?
Ngoài bấy nhiêu cây dừa, Đồng Hới qua khỏi chiến tranh còn sống sót. Một cây đa chùa Ông trăm tuổi, bom giật cụt ngọn của làng Hướng Dương. Một cây sung lùn như chú tiểu bị suy dinh dưỡng vì háp hơi na pan của chùa Hồng Bang. Một tháp nước bốn chân, bom phạt gẫy mất một. Một giếng nước Chàm, thành giếng vuông sạt lở. Một nhà thờ Tam Tòa của làng Lệ Mỹ nơi tuổi thơ Hàn Mặc Tử đã từng quỳ gối cầu xin ơn Chúa điều tốt lành. Trước chiến tranh, Đồng Hới là thị xã, tỉnh lỵ của Quảng Bình, có gần bốn vạn dân, ít ra cũng có tới bảy tám nghìn ngôi nhà? Vậy mà, bom đã nuốt hết, chỉ sót có hai. Đây là nhà ông Hội và nhà bà Bê. Nhà ông Hội nằm trên trục đường quốc lộ IA, từ sân bay Bờ Hơ đi vào, đến cống phóng thủy, cách độ chừng vài trăm mét nữa. Đấy là một tòa nhà hai tầng mang dáng dấp kiến trúc thời Pháp, đứng khiêm nhường, tách hẳn những tòa hai tầng mới xây cất, kiểu đầu vuông, vai vuông với những vòm cầu thang chênh vênh, cầu kỳ ở bên hông. Gia đình ông Hội đã lưu tán không ai trở về, nay thành nhà may của một tổ hợp may mặc. Đôi ba cô thợ trẻ vô tình, đâu có biết chủ nhân xưa kia của ngôi nhà là ai? Cũng như đất Đồng Hới bây giờ đang ở trong tình trạng không có "quyền làm chủ" và "không có dân", kể cũng đã mười mấy năm rồi còn gì? Nhà bà Bê cũng là một tòa hai tầng, với những đường nét kiến trúc mềm mại, nhẹ nhõm cách cây đa chùa Ông chỉ hai lối phố xưa. Kỳ cải tạo công thương, nhà bà Bê trở thành nhà ngân hàng tỉnh. Phải nói, kỳ cải tạo công thương những năm sáu mươi, đã thay đổi sâu xa gương mặt thị dân của Đồng Hới một cách đáng buồn. Nhưng hẳn nhiên, bấy giờ và có thể ngay cả bây giờ chúng ta chưa nhận ra, chưa đủ can đảm để thừa nhận cái bước đi đầu tiên, lại lạc phách nhịp ấy, đẩy chợ Đồng Hới vào phía đầm lầy thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, teo cứng vào những năm sau chiến tranh, và cực kỳ bế tắc vào những năm tám mươi này.
Nhiều người nói, sở dĩ nhà bà Bê trụ được sau hàng ngàn tấn bom đạn, nhờ cách xây tường rỗng, có vô khối những vỏ chai bia, kết chồng lên cùng với đá lô. Một trung úy công binh lại giải thích khác. Tòa nhà không bị bom đánh đáo, bởi lũ giặc lái lấy tòa nhà làm mốc tọa độ, lao bom đánh phá Đồng Hới. "Tương kế tựu kế", trung đội phá thủy lôi lập tức biến nó thành "chiến hạm" chốt cửa Nhật Lệ, mở thông tuyến vận tải thủy, nối đường Mười, đường Mười Lăm, nhập hồn với tim đường Trường Sơn vào Nam. Có những ngày khốc liệt, tòa "chiến hạm" ôm trong lòng tới sáu bảy thi hài chiến sĩ phá bom. Sau bảy hai, tòa "chiến hạm" có kỳ trở thành kho lương thực. Mãi đến đầu tám mươi mới được trùng tu trở thành văn phòng của chủ tịch Nguyễn Xuân Chàm, người đã có công trong cuộc đấu tranh nội bộ chuyển dời các cơ quan cấp thị từ nơi sơ tán về phố cũ...
Đồng Hới là một Hyrôsima về tính hủy diệt, là một Lêningrát về tính kiên cường, pháo đài thép. Đi qua chiến tranh, đất nước ta không chỉ một Đồng Hới bị bom đạn khỏa trắng, mà còn Thành Cổ Quảng Trị, Vinh, Nam Định và trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, thị xã Lạng Sơn, thị xã Cao Bằng cũng bị hoang tàn, thảm khốc như vậy. Với bấy nhiêu thứ đếm trên đầu tay, Đồng Hới được hồi sinh, tái kiến thiết thế nào đây là một câu hỏi nhức nhối trong lòng người. Vacsava của Ba Lan sau khi chiến thắng phát xít Đức được phục sinh theo hướng "bảo tồn", trùng tu tỉ mẩn cho đến từng búng rêu nơi những di tích đền đài, cung điện xưa. Hyrôsima của Nhật bại chiến, được hồi sinh với một thế đi hai chân. Một chân là lòng căm thù lên án chiến tranh hạt nhân của nhân loại, và một chân nữa là lòng tự tôn thần kỳ của nước Nhật thua đau, mất trắng cả về danh dự lẫn tiềm năng kinh tế quốc dân. Và Lêningrat được hồi sinh thế nào sau chiến lược phong tỏa của Hítle? Bánh mì đen đã cõng trên lưng cả một nhân dân anh hùng bước vào công cuộc tái kiến thiết, có phải bắt đầu từ sự hồi sinh của tổ ấm và căn hộ gia đình? Sau mới đến đường phố công viên. Và sau nữa, mới đến sự phục chế thần kỳ những công trình và di tích văn hóa, lịch sử... Thật khủng khiếp, nếu trong lúc nhân dân đang đói cái ăn cái mặc, mà buộc dồn hết sức tàn lực cho việc "phục chế đánh giá quá khứ"...
Cái nước Mỹ giàu sụ đã đem bom hủy diệt Đồng Hới nọ nghĩ gì khi muốn lập quan hệ "hòa bình" với ta? Hay họ chỉ nhăm nhăm lật bản đồ tìm những địa danh quanh Đồng Hới mà họ hồ nghi còn lẫn quất những hài cốt các phi công bất hạnh trong cuộc chiến vừa qua?
2
- Thưa bác, bác có nhớ Đồng Hới xưa thế nào không?
- Này. Cháu hỏi thế, bằng như ném lửa vào mặt bác.
- Cháu xin lỗi. Nhưng cháu muốn bác kể cho nghe đôi điều... về những con đường... Chẳng hạn như cái ngõ phố nhà bác ở xưa...
- Hừm? Đường hử? Đường gió nồm. Cháu đã nghe ai nói về những con đường gió nồm chưa? Tụi Pháp sành vị gió nồm Đồng Hới có hạng...
Bác ta vừa nói vừa nhổ nước bọt đánh bẹt vào lòng tay, vung mạnh mái chằm, tỏ ý khó chịu một điều gì đó vừa gợn lên trong lòng bác. Có lẽ bác đã ngoài bảy mươi, nhưng vóc dạc còn cường tráng, vai vuông, lưng thẳng, bắp chân, bắp tay cuộn màu đồng nung. Và giọng nói mới đặc biệt trẻ trai làm sao. Những âm cuối hơi chao sánh như thể đang say lừ đừ trên mặt sóng, mỗi khi bác ngừng nói để đệm một tiếng cười khà ngắn, bất chợt bắn ra không phải vì vui, mà có lẽ mỉa mai sự đời chăng?
Gió nồm thường thổi từ buổi xế trưa, mát hây hẩy, lại nồng nàn mùi bọt sóng, mùi cánh buồm chằm bằng đệm cừa xứ Nghệ, xứ Thanh khô nẻ, dính đầy vẩy cá chợt lóa chói trong ánh mặt trời. Thành Đồng Hới, đường quốc lộ 1A chạy "xuyên tâm", chia hai nửa bán nguyệt không đều. Có cổng Bắc, cổng Nam, cổng Đông, nhưng không có cổng Tây, lại có cổng Quảng Bình Quan, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, gắn liền tên tuổi với nhà "chiến lược quân sự nội chiến" Đào Duy Từ. Quanh vòng tường thành cao chẳng kém mấy tường thành kinh đô Huế, là hào sâu. Nghe đâu xưa, chiến thuyền tuần tra hằng đêm thường lướt như mũi tên, cơ hồ khác gì Nhị Hà? Những con đường gió nồm, cắt từ bờ Nhật Lệ lên thẳng hướng tây, cổng Quảng Bình Quan.
Tôi níu đằng con xuồng của bác ta lại.
- Bác không nhớ tên những con đường gió nồm à? Bác ở đường gió nồm à? Bác ở đường Cô Tám hay đường Lâm Úy?
Thực ra, tôi muốn trò chuyện với bác ta, thăm cho tới cái nỗi niềm phố cũ bị vùi sâu trong hồn người đã tàn lụi chưa, hay còn đau đáu như một tình yêu đã mất? Mà tình yêu, yêu hết mình, yêu cho cả một đời người, tình yêu ấy sao có thể mất?
Vẫn giữ nguyên cây dầm trong tay, bác ta huơ lên bờ.
Nhà cửa quay lưng ra với sông nước thế kia, bác hoa mắt, tìm đâu thấy những con đường gió nồm? Phố xá Đồng Hới mà mất ngọn gió nồm quý hồ như con gái mất...
Tôi cúp mắt nhìn xuống, vờ không hiểu cái từ cuối cùng bác không định ném ra cộc lốc như vậy. Bác ta có một chiếc rớ giàn cắm sâu giữa vời sông. Đang khi con triều xuống, cá ăn móng nổi mòi lam nham từng đám.
Giữa hoang tàn này, mọc lên bất kể nhà cửa gì đều cũng phải mừng cả. Tôi cố bám vào cách ngụy biện ấy cho lòng vơi bớt cái cảm giác chênh vênh mà bác ta vừa gợi nên. Xây dựng lại Đồng Hới, có phải bắt đầu từ những đồ án quy hoạch, từ phố xá, nhà cửa, hay bắt đầu từ việc chữa lành những vết thương trong lòng dân, biến ý nguyện dân thành hiện thực?
Lẽ nào Đồng Hới đang lúng túng, tay trắng từ nhiều phía?
Thật khó tin, có ai đó về Đồng Hới với cái nhìn đếm xét, Đồng Hới lấy đâu ra tiền của mà nhà cửa mọc lên rầm rộ? Những đến mười sáu tòa hai tầng. Quanh mười sáu hai tầng công sở ấy, không được đùm bọc trong hơi thở của dân phố. Giá anh ta thông minh, hẳn câu hỏi phải đặt cho vế thứ hai, hoặc cho "nội thất" của nó...
Chợt trong tôi bật thắp lên những ngọn đèn ký ức, rọi về những lối phố xưa đầy ắp tiếng trẻ con. Tiếng mõ phách đèn lồng hội trải. Bánh bèo tôm chấy Đồng Hới, nổi tiếng có hàng thím Cày. Cháo bành canh bột gạo nấu tôm cua của o Ruốc. Mùi rượu dâu ông Chẩn. Mùi tiệm thuốc bắc bà Hợp Lợi. Mùi tàu buôn gạo mụ Bác Viếng. Mùi bến xe xóm Câu. Mùi đò dọc Lệ Thủy. Mùi chùa miếu phố Thiệp Lũy. Mùi Quan viên đất Đồng Phú. Mùi cậu Ấm ông Nghè đất Đồng Đình. Mùi chúa về kinh kệ xứ Tam Tòa nơi những hẻm cụt đầy phơi bào chạm mộc. Mùi rạp chiếu bóng Nhật Lệ. Mùi thư viện. Mùi diễn giả đọc thơ Maia "Bên trái" thuở tiếp quản Đồng Hới năm năm tư...
Chao ôi, mùi hồng từ bi, hồng nhung, hồng dại nơi gót cỏ mùa xuân thuở con gái Đồng Hới chuộng mặc áo dài... Phải. Ngọn đèn ký ức thắp lên tôi tìm kiếm cả mùi cứt mèo nơi gác xép, mùi cứt chó ỉa hoang theo gót chân trẻ chơi rong...
Nỗi bất bình lắng xuống. Có lẽ chỉ có một anh ta thôi, không thể có đến người thứ hai tị nạnh với Đồng Hới, hay với cả Quảng Trị, Đông Hà những phố xá đã bị bom làm cỏ. Tất cả chúng ta, những ai đã biết, và dù không biết Đồng Hới trước và trong chiến tranh đều đau đáu rằng: bao giờ được trở về với phố xá, Đồng Hới thực sự được hồi sinh? Công bằng mà nói mười sáu năm nay, dân được trở về vùng ven phố cũ, đã hơn tám trăm hộ. Ngôi nhà đầu tiên phải kể đến là cái lán của đội xe Huế chạy tuyến phía Bắc tỉnh cất lên từ mùa hè 1976. sắp tới, lô phố xóm Câu cũ, bắt đầu từ múi chân cầu Dài cũng sẽ cho dân về. Và biết đâu, dăm mươi năm nữa, nhà máy Đông Lạnh sẽ phải chuyển dời…? Những năm tám mươi này, vùng ngoại ô, với những phố sơ tán trong chiến tranh nhà cửa xây cất lên với một tốc độ chưa từng thấy. Dân phố chỉ quen "cày đường nhựa" trồng hoa chơi, trồng cây kiểng ngắm, vậy mà giờ lập vườn trồng tiêu, trồng cây ăn quả, dân Đức Ninh, Lý Ninh... khó bề theo kịp. Sự khởi sắc của các phường ngoại ô gần như đối lập với vẻ đơn điệu, đồ sộ của khu nội ô công sở.
- Tôi đã rót bốn triệu dựng ào lên cái hàng rào ngay sau khi các anh gật cho chúng tôi cái ngã ba Đồng Phú. Thế là ổn. Còn bây giờ, các anh ủng hộ chúng tôi trang bị thêm cho Đồng Hới đủ ba trăm máy. Các anh cắt màng lưới máy điện thoại về phường xã là sai lầm...
Giám đốc Bưu điện nói giọng khiêm nhường, với một cái nhìn cau mày mệt mỏi. Thực ra ông khó chịu bởi, để bào chữa sự sai lầm đó, người ta thuyết phục ông rằng, Đồng Hới có một tổ xung kích truyền tin mười bốn người. Hễ có những công vụ khẩn, những cấp báo về bão lụt, động đất, mười bốn con chim đạp xe đạp đó sẽ phóng đi còn nhanh hơn cả việc đứng quay máy điện thoại chờ những cô nhân viên khó tính ở bên kia đầu giây trả lời...
- Máy điện thoại hả? Xong rồi... Nhưng nhà bưu điện phải lên ba tầng, Đồng Hới phải hiện đại. Phải ba tầng...
Không. Đồng Hới trước kia không hợp gu nhà ba bốn tầng đâu. Chỉ có mỗi ông Thái Đức Hạnh, chủ hãng máy bay sân bay Bờ Hơ mới cất lên tầng thứ ba thôi. Nhà tầng thấp, ẩn kín trong những vòm cây xanh rì là vẻ đẹp bí ẩn cổ kính của Đồng Hới, Phải chăng, vì tư tưởng sính cao tầng hiện đại, mà lãnh đạo Đồng Hới ra điều kiện cho dân, nếu muốn trở về phố cũ, phải đăng ký làm nhà thấp nhất là hai tầng mới được cấp đất. Tôi muốn tin đây là những lời đồn nhảm. Ngày bom đạn, Đảng hô hào dân bám trụ quyết đánh thắng giặc Mỹ. Hóa ra những tấc đất nhuốm máu xương giờ bị "công sở hóa", dần chỉ "kính nhi viễn chi". Tôi buộc mình phải can đảm đi vòng quanh cho hết các bờ rào đủ cỡ hạng bạc triệu, với một câu hỏi ngắc ngứ trong đầu, cuộc chạy đua hàng rào nầy xẩy ra từ bao giờ? Nhưng còn khủng khiếp hơn, khi tôi chợt hình dung tới những thứ hàng rào vô hình, oan khuất trong lòng người của tư tưởng cục bộ hủ lậu...
3
Hình như ở Đồng Hới hoàng hôn xuống chậm hơn. Ráng chiều quầng lên với những cơn gió xao xuyến, đằm đằm hơi thở biển sâu. Đã sang tháng mười. Trời đất hết mưa lụt. Sương giá xuống từ hôm mười ba âm. Cây đèn biển đứng thu mình trong mùa đông thoắt ẩm ướt đấy, đã hanh hao đấy. Cửa sông Nhật Lệ xôn xao phù sa, loi thoi thuyền câu đi thả bóng rập tôm hùm bằng mồi cóc. Cóc đáy, rớ giàn nhao ra giữa vời sóng đón luồng cá nước sĩa từ nguồn về. Có điều, ngẫm ra mới kinh hãi rằng, cái nguồn nước sĩa ấy, ngoài các giống loài cá bị dại nước bạc ra, không có gì hơn. Chứ ngày xưa, thời tôi còn bé, gặp những kỳ trận "lụt năm ba", từ nguồn sĩa về không biết cơ man nào những trái rừng, gỗ súc lớn đen chũi như bầy trâu lĩa - Rồi rắn rết, cầm thú trôi lụt đen nghịt từng bè. Dân Bảo Ninh, dân phố thị, dân cửa sông dưới chân cây đèn biển táo tợn xô thuyền ra giữa dòng xiết quằng vớt đến chóng mặt, vẫn còn ham, vẫn còn thú vị trước sự cường phóng của rừng vàng... Thế mà, nhìn trận lụt bữa tháng chín nay, sông Nhật Lệ nước bạc thếch, tôi thêm giật mình trước sự nghèo kiệt của rừng vàng và biển bạc. Sự nghèo kiệt thầm lặng ấy, phải đâu không do cái đức ăn xổi ở thì của con người sinh ra, để rồi đến khi phải trả giá?.
Hơi mưa ủ trong những cuộn mây rách rưới hình cánh buồm làm cho vòm trời thấp xuống, nặng nề và ảm đạm. Thị trấn Đồng Sơn, các cụm làng công nhân, vành đai đất ruộng ngoại ô, nhà nhà hớt hả trồng màu ăn giáp hạt. Đôi mươi chục mẫu phố không dân trơ cằn cỏ dại, rùng mình lật đật hiến thân cho chiến dịch trồng khoai ngắn ngày như cái thời "chặt vườn cà phê trồng sắn"... Những đụn khói đốt cỏ làm đắng ngọn cỏ hanh heo, chảy nước mắt những tốp học sinh trường Đào Duy Từ tan tầm học chiều rong xe về dọc đường Võ Nguyên Giáp... Những đống lửa cỏ dại chốc chốc bùng lên rồi chợt tàn lắng trong hồn người long đong lo cái sống.
Cánh đồng Đức Ninh, Lý Ninh bữa tháng bảy gặp hạn giờ loi hoi chẽn xép, dầm mình trong cơn nước đục. Đồng muối Cống Mười, đầm rong sau lưng hông cổng Quảng Bình Quan giờ thành bãi tôm nước bạc. Ban đêm, đèn đuốc đơm nò bì bùng như một cánh đồng sao mênh mông. Ông Morin, một nhà tư sản Úc, mê cánh đồng này lắm, với dự định đầu tư nuôi tôm. Ông đến Đồng Hới trước cơn bão mười một và gặp kỳ hanh dài. Tuy thế. Đồng Hới với tiện nghi "hiếu khách" của khách sạn du lịch mới khánh thành đã níu chân ông thực hiện một chương trình làm việc lý thú với nhà máy Đông lạnh. Nhà tư sản Úc sành ăn món tôm hùm Đồng Hới, qua ướp đông lạnh đã, rồi mới đem nướng ấy yêu Đồng Hới từ một góc nhìn bên kia Bảo Ninh - quê Mẹ Suốt - hòn non bộ của phố biển nhìn sang. Chao ôi, mà từ Đồng Hới ngắm nhìn Bảo Ninh vào những buổi bình minh, vào những khi trăng thượng tuần chớm mọc, mới đẹp diệu vợi làm sao? Trăng sõng soài trong hồn thơ Hàn Mạc Tử, còn ở đâu ngoài sõng soài nơi lũy cát ngọc ngà của Cừ Hà, vàng đẫm điệu hò đưa lịnh, khuấy vọng mái chèo khuya?
Người xưa đồn: Nếu thả một quả bưởi xuống Bàu Tró, thế nào quả bưởi cũng nổi bênh ra biển, hoặc nổi trong Bàu Sen Lệ Thủy. Quả bưởi huyền thoại ấy, cho phép Bàu Tró thông với Bàu Sen và biển sâu. Không những thế, Bàu Tró còn thông hồn với Động Phong Nha. Những dự cảm bí ẩn ấy, khoa học chưa khám phá. Với trữ lượng hơn triệu khối, Bàu Tró thừa sức uống cho cả Đồng Hới thuở phố chợ mới ra đời. Trước ngày Mỹ ném bom, quanh bàu xanh rì những rừng dương liễu, đã năm bảy chục tuổi cây, chồn thỏ, chim vạc tìm về quanh mép bàu líu ríu. Sau chiến tranh, cái thiên nhiên diệu vợi ấy gần như đã bị cướp mất. Cái đức hy sinh chặt cây vườn hạ rừng già lát đường, ngụy trang cho xe pháo, ai ngờ trở thành thói tàn bạo vị kỷ của con người trong thời bình đối với cây. Bây giờ quanh Bàu Tró cát mù mắt người. Đội trồng cây lừng danh của mẹ Nghèn Quang Phú, với sự trợ lực của quỹ Pam vẫn chưa đủ sức đặt bàn chân thánh thiện đến mép bàu.
Giá Đồng Hới đã có công trình thủy lợi Phú Vinh? Bấy giờ Bàu Tró sẽ được trả lại chức năng danh lam thắng cảnh, là ánh mắt tâm hồn của người Đồng Hới, của người Việt Cổ, của chim thú muôn loài, cỏ cây muôn tán. Phải tỉnh so xét, cân nhắc Phú Vinh mãi, đâm quên đã nhiều năm nay, bởi nông nghiệp mũi nhọn, dù Đồng Hới vừa có thêm mấy xã lúa, tách khỏi nách "hai huyện" về làm vành đai ngoại ô? Tám ba, Pam rót viện trợ cho một trăm hai sáu ngàn "đô" để sắm con kè che chở Bàu Tró sau cơn bão số Mười. Số "đô" ấy không được rót ngay cho Đồng Hới, mà cơ quan nhận ngoại tệ đã tranh thủ quay vòng vốn, biến thành tám mươi tấn bột ngọt, thứ bột đạm cho bữa ăn con người ấy, ném như vỗ mặt vào thị trường nội địa. Trong lúc đó, ngư trường cá và tôm hùm Đồng Hới nói riêng, Việt Nam nói chung, chưa bị nhiễm bẩn kiểu "biển đen" phương tây, là một tiềm năng đạm thiên nhiên biệt đãi, Úc, Nhật Pháp Mỹ đều thèm được, mà không được.
Thế mới biết thương dân mình, khi ai cũng gật gù ăn cái thứ bột sừng ấy, trong lúc Morin mua tôm hùm Đồng Hới, chuyên chở sang tận bên Mỹ bán, giữ nguyên cả mình lẫn râu. Mỗi cân hơn mười "đô"...
Thôi thì nhịn ăn, dành hết những thức ngon vật lạ để xuất khẩu, đặng có đô la mua sắm những máy móc tốt cần thiết cho nền kinh tế là một đức hy sinh của toàn dân. Nhưng sao công cụ, máy móc cho nông nghiệp nghèo nàn đến mức ngoài các thứ phân hóa học, chỉ đến những số ít những máy cày...? Đồng Hới là trung tâm công nghiệp của tỉnh. Thử gọi tên các mặt hàng, lập tức nó sẽ ném cho ta cái thông tin thực chất của vấn đề. Rượu đất đèn. Bát sứ. Cơ khí 3-2. Năm mười hợp tác xã thủ công nghiệp của thị. Bằng ấy cơ sự công nghiệp đang lâm cảnh bế tắc trong ngõ cụt vốn tự có và vay vốn ngân hàng. Nhưng sự tháo gỡ hiện nay đâu chỉ là sự tháo gỡ nguồn vốn, lẫn cơ cấu các mũi nhọn kinh tế? Phải chăng cuộc cải tạo công thương thời xưa đã hãm phanh triệt để vai trò thị trường của chợ Đồng Hới, linh hồn kinh tế cho toàn Quảng Bình. Chợ là cái kho bếp cho nông dân, cho ngư dân, cho hết thảy mọi đối tượng lao động khác. Từ cái ăn, cái mặc, cái vui sắm ngày lễ hội, cái thông dụng đời thường của mỗi tổ ấm. Sự biến tướng của chợ búa thả nổi theo nhu cầu "thị dân kém phát triển" hiện nay đã đạt đến điểm cực thịnh của hành vi móc chênh lệch giá, đức tính tốt đẹp của con người bị đẩy tới trước vực thẳm không có quá khứ, không có gì cả, chỉ có hàng tiêu dùng mác ngoại. Đồ vật đứng cao hơn con người, với quy trình công nghệ: từ trái tim đến cái đầu và kết cục là...? Đồ vật đã tiêu diệt dần cây xanh, cầm thú? Cơ sở cây xanh và cầm thú cho bình quân nhân loại đã tụt, "phóng xuống số âm hiểm họa"? Một tỉ số nghịch chiều lũy thừa với nền công nghiệp hóa. Chiến tranh "người máy" xẩy ra trước, hay chiến tranh hạt nhân nổ ra trước?... Ôi nền văn minh đồ vật giết chết nền văn minh tâm hồn?
Một nhà lãnh đạo than phiền, vì Đồng Hới xa Huế, nên hồ sơ thủ tục cho con em đi xuất khẩu lao động kỳ nào cũng bị chậm, bị thiệt thòi. May mắn lắm, mới được đôi ba suất lấy lệ. Tình trạng này, đến như đi nghiên cứu sinh cỡ cấp Bộ vẫn còn xẩy ra đầy rẫy, than trách mà làm đổi được tình huống sao? Ông thở dài gởi gắm tâm huyết và ước mong, giá mười triệu lao động xuất khẩu hàng năm được tổ chức thành đội quân trồng rừng, chăm dưỡng cầm thú với qui mô xuất khẩu toàn quốc gia...? Một chân trồng lúa, một chân trồng rừng, với cái "đầu cầm thú chim muông", sẽ mở ra một tương lai tráng kiện đủ sức cõng trên lưng một nền công nghiệp nhân bản, cho phép con người rút chân ra khỏi đầm lầy hằn thù của thiên nhiên, đòi con người phải trả giá cho hành vi bạo ngược không tự ý thức của mình đã tích tụ hàng chục thế kỷ nay...
Dẫu sao, sau gần năm năm, con kè đã ra đời, khuôn lên một đường nét hiện đại của bộ mặt Đồng Hới. Rặng dừa Bình Trị Thiên được trồng lại trước mặt phố xóm Câu, chạy về giáp chợ cũ đã xanh năm bảy tuổi cây, nghiêng bóng ôm ấp thân kè còn chưa ráo mạch vữa. Mới cách hơn tuần, rặng dừa được trồng thêm, nối dài về tận vườn Dương cũ, bất chấp cả ngọn gió heo, đưa bàn tay ngỡ ngàng vươn về với thân kè đùa nghịch, cầu Dài sắp được khánh thành, Sông Lũy Thầy sau hơn mười lăm năm bị lấp nghẽn bằng nửa vòng thành cổ và hàng ngàn khối gạch vữa của không biết cơ man nào nhà cửa, phố chợ bị bom đánh sụp; để thông đường quốc lộ 1A kỳ chiến dịch vận tải, với tinh thần "tất cả cho miền Nam ruột thịt và Trị Thiên Huế yêu thương" hồi 73; rồi sẽ được khơi thông, trả hồn chảy cho con sông nhỏ, vỗ sóng dạt dào với bên kia bờ Bảo Ninh...
4
Cái eo lưng chữ "S" của đất nước, chỗ vòng thắt Đồng Hới, từ biển lên rừng không quá mười bốn cây số đường chim bay. Bởi vậy, Đồng Hới là chỗ gầy nhất, nóng nhất nên vô cùng nhạy cảm với vũ trụ, với nhân tình thế thái, với tình yêu trong trái tim người. Cách đây hơn cả thế kỷ, Đồng Hới là một thương cảng sầm uất, tự tin hơn cả Hội An thời ấy. Bởi Hội An quá gần Đà Nẵng. Đồng Hới, có cung độ bờ biển với Vinh - Đà Nẵng, với Hải Phòng - Gia Định lý tưởng cỡ quốc gia, lại bên nách có phụ cảng Gianh. Ôi, vậy mà cảng Đồng Hới từ sau ngày nhập tỉnh, vắng hoe dần, bởi tỉnh đã ôm cảng Đồng Hới về làm "của riêng", tách ra khỏi Bộ; thế rồi ôm không xuể, đành bỏ rơi, trở tay xây dựng quy mô cảng Thuận An? Những vấn đề tương tự vậy ai chịu trách nhiệm? Tỉnh là ai?
Chợ Đồng Hới bao đời xưa là cho cả toàn Quảng Bình, từ chân đèo Ngang tới đồng hai huyện Lệ Thủy - Quảng Ninh. Chính vì thế, Đồng Hới không riêng cho Đồng Hới.
- Thím tiếc chợ Đồng Hới xưa lắm phải không?
- Chớ sao không tiếc? Chợ Tréo, chợ Hôm, chợ Côộc, cả chợ Ba Đồn cũng không thay được chợ Đồng Hới, chớ nói gì đến chợ Cộn, chợ ga Thuận Lý. Cháu xem, chợ chẳng ra chợ, phố chẳng ra phố, nên dân Đồng Hới nay như kẻ không có máu mặt. Thật khổ. Thật tội phải không? Đến cái món kiệu thính cá đỏ lự, cay chảy nước mắt e rồi cũng tàn.
Kiệu thính cá chợ Đồng Hới ngon thơm có tiếng. Đàn ông ăn, muốn được vợ ghen. Đàn bà ăn muốn được trai xứ lạ chọc ghẹo. Có phải ăn thứ kẹo cay ấy, mà con gái Đồng Hới thời nào cũng xoan thì nồng thắm?
- Nhưng sao món kiệu lại tàn, thím Xự?
- Bữa nay người ta muối kiệu lối ăn xổi ở thì, chừng một đôi tháng đã mở ra ăn vội. Lại kiệu chay, không có cá, cháu bảo không tàn là gì? Nào tắc bưởi cam quýt cũng tàn theo, cháu nghĩ không nguy à?
Thím Xự ngừng lời, đưa mắt nhìn ra bến đò mẹ Suốt tênh hênh đôi ba hàng cá chợ chiều chưa có khách mua. Phải hơn mười mấy năm rồi tôi không gặp thím. Tóc thím đã bạc trắng, nhưng còn đầy cả một búi nặng sau gáy. Tuy đã có tuổi, nhưng ánh mắt đẹp của một thuở xuân thì vẫn vời vợi hồn sông nước phố biển. Thời Pháp, thím là một cây buôn chuyến, bằng đường máy bay, ra tận Hà Nội, vào tận Chợ Lớn Sài Gòn... Nhà thím ở đường Huỳnh Côn hay đường Linh Quang mà gần chùa Linh Quang, khốn thay tôi đã nhầm lẫn, đã quên...
Nỗi nuối tiếc cảnh trên bến dưới thuyền xưa của chợ Đồng Hới lắng vào tôi một nỗi đồng cảm sâu xa. Tiếc thay, mười mấy năm nay, Đồng Hới chưa đủ sức xây lại chợ. Hay nói đúng hơn, chợ phải nằm trong lòng dân, trong lòng phố xá. Phố không dân, làm sao sinh được chợ búa? Nhà truyền thống, nhà văn hóa dù đã có kia, nhưng nào có ai tìm đến nó? Vả lại, sao những người làm bảo tàng không nghĩ đến việc lấy hai tòa nhà sống sót sau chiến tranh làm nhà bảo tàng, lại tốn kém xây một khu mới đầy vẻ phô trương?
Ban đêm, Đồng Hới vắng ngắt, thèm một cốc cà phê, khách về Đồng Hới cũng bấm bụng nhịn. Khách sạn Nhật Lệ và khách sạn Du Lịch nằm trên đường Hương Giang, với một trang bị nội thất rất hiếu khách, nhưng thiếu dân, thiếu quán xá, liệu du khách có được hút về, để ngành du lịch sớm trở thành một nguồn kinh doanh không? Nghe đâu có một phi công ngụy, đã từng bay ném bom Đồng Hới, tình cờ dừng chân trọ lại một đêm, buột kêu lên với nỗi ân hận tự thú. Anh ta thức trắng đêm vì quá khứ và tội ác, hay chính vì cơn xúc động của lương tâm trước một Đồng Hới thiếu trẻ con chơi phố?
- Rõ ràng dân Đồng Hới bị tước quyền làm chủ. Không đúng sao? Để tôi chứng minh cho chị thấy. Quyền cấp đất tỉnh ôm lấy. Đến như quyền đặt tên đường, tỉnh cũng giành ôm vào. Tờ trình xin đặt tên đường hơn cả năm rồi, tỉnh đâu đã duyệt...
Thật khó tin nổi.
- Lại còn những ngắc ngớ đồ án quy hoạch nữa chứ. Chị có nhớ năm bảy ba gì đấy Cu Ba giúp ta làm quy hoạch Đồng Hới không? Luận chứng quy hoạch đó đẩy trung tâm Đồng Hới về phía tây, kiểu đô thị triền đồi của Châu Mỹ ấy mà. Xứ mình, là phải ôm lấy các ngã ba sông, các cửa biển kia. Đồng Hới hứa hẹn trở thành một siêu đô thị Thái Bình Dương của thế kỷ hai mốt. Hà...? Tôi cho đồ án quy hoạch ấy còn khập khểnh, cần phải xem xét lại. Có thể chị không đồng tình. Sự đời bao giờ cũng bất như ý. Sau đấy, là chiến tranh biên giới xẩy ra. Đôi giọng quân sự nhảy vào bảo, nếu vội chuyển các cơ quan cấp thị về phố cũ là sai lầm chiến lược trước âm mưu của giặc bành trướng. Nhưng trước khi có chiến tranh biên giới, là sự kiện nhập tỉnh... Đấy. Cứ luẩn quẩn thế mà mất hơn mười mấy năm rồi Đồng Hới chưa đâm da, lành thịt, chứ đâu phải dân đi sơ tán lập vườn giàu to rồi không muốn về với đất cha ông...
Tôi nhìn người nói chuyện, lòng cuộn lên một cơn đau thầm lặng. Trước khi trò chuyện, anh cho tôi xem lại một tập thơ còn tươi dầm nét mực, nói lên những điều oan khuất, những ước nguyện bị tàn lụi, của một người bạn già. Xưa lắm, thời mười bảy tuổi, là con gái Bảo Ninh, tôi đã thầm mơ, giá đời mình sau nầy yêu được một người con trai bên phố. Con trai Đồng Hới, hẳn nhiên là đẹp, lịch lãm và có học hơn mọi xứ. Anh tránh cái nhìn tinh quái của tôi nhớ thời anh bị vợ bạc tình trước ngày cưới. Bây giờ vợ anh chỉ mới ngoài hai mươi mà đã hư hỏng, bị ông già đáng bằng tuổi bố hứa hẹn cưng nựng và... Cái thời ấy anh vùi đầu vào thư viện đọc sách, thế mà giờ anh hờ hững với báo chí xiết bao. Mà có đọc nữa, hễ gặp tôi anh chất vấn, bẻ vặn dồn tôi vào thế bí với nỗi than phiền thư viện Đồng Hới bấy nhiêu năm không mở, không hoạt động là một tình trạng "Đồng Hới không có đầu..." Quả thật, đã ngoài năm mươi, nhưng dáng vóc anh trai trẻ còn thua. Gồ lông mày ngang ngạnh nhô cao, với ánh nhìn cương trực, nóng nảy.
Ngắm nhìn anh, sao tôi lại nghĩ vơ vẩn, so kè tới những điều có trong đầu của những vị lãnh đạo. Có nhiều vị, cái đầu đã rỗng, hình thức bên ngoài lại bụng phệ chẳng hạn, hẳn là đối với dân, các ông ấy chẳng được điểm nào. Nhìn ngắm họ dân càng thêm mất lòng tin. Tiếc là, anh không có số làm lãnh đạo. Ý nghĩ đó như sét đánh băng qua đầu tôi, làm tôi bật một tiếng cười ngoài ý muốn. Anh khó chịu lặng im đốt thuốc. Thực ra, đấy là nỗi khó chịu thâm căn cố đế, trong cái nhìn của anh với nỗi bất bình nhân tình thế sự.
Cái người bạn già làm thơ, chép đầy cả mấy cuốn sổ tay ấy bảo. Lẽ ra, sau cách mạng dân chủ nhân dân, là phải tiến hành cuộc cách mạng dân chủ pháp luật. Chứ chưa phải vội làm cải cách ruộng đất và cải tạo công thương… Chúng ta vô sản đến mức quên cả thân mình, quên cả số phận từng con người, quên cả nhân dân... mà chỉ biết chú trọng tới những hình thức xã hội với những cụm danh từ, thuật ngữ chủ nghĩa Mác Lênin mới khốn chứ?
Đồng Hới có một thiên nhiên bất tranh chấp để sinh thành một phố biển với hồn thơ Nguyễn Du, hồn thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi nhà Hàn Mặc Tử ra đời nơi phố Tam Tòa đã bị bom xóa vết. Nhưng cửa biển của Nguyễn Du "Buồn trông cửa biển chiều hôm. Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa" mãi là sự hứa hẹn tìm thấy chân trời bí ẩn của hồn người yêu hoa hồng và mê chuộng rượu dâu, cất nấu bằng bếp củi, chứ không phải thứ rượu quốc doanh ngày nay. Phải chăng người Đồng Hới trải qua chiến tranh chống Mỹ quá nhiều li tán, đã vô tình đánh mất, hoặc cũng có thể đã tự tước đi cái sức mạnh phố thị, không chỉ riêng cho Đồng Hới, mà ở cấp tỉnh lỵ, của cả Quảng Bình xưa... Chỉ có nhân dân mới tự hàn gắn được vết thương chiến tranh. Chối bỏ điều đó, vết thương không lành sẹo đã đành, mà tinh hoa hồn người vẫn còn bị tiếp tục chảy máu. Cái sắc đỏ thắm của nỗi cô đơn ấy, giá Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử còn sống lại, thơ có đem đốt cháy rực cả một trời, hẳn cũng chưa đủ ấm cho một đêm đông thức trắng của những cụ già tóc bạc chống gậy về thăm nền phố xưa bị chèn lấp dưới những tòa công sở đồ sộ chưa ấm hơi thở trẻ con, hơi thở chợ búa sầm uất và cây xanh đùm bọc.
Phải cả ngàn năm ta mới có một Đồng Hới Hoa Hồng, vậy mà Mỹ đem bom giết hại có một ngày. Đấy là ngày mồng hai Tết trồng cây năm sáu lăm. Đấy là ngày 4-4 bom ném xưởng cưa Bình Trị Thiên, chết và bị thương gần trăm người. Đấy là ngày bom ném bệnh viện, trường học, chợ búa. Đấy là ngày bom ném Đình Đồng Hải, chùa Linh Quang. Đấy là ngày bom ném sập cổng Quảng Bình Quan, chèn lấp dưới cống những phụ nữ và người già. Đấy là ngày bom ném sập cầu Ngắn, cầu Dài. Để đánh sập một cầu Dài chúng phải đổi mạng bốn máy bay và giặc lái. Hẳn nhiên bởi cái ngày định mệnh khốc liệt đó, mà không dễ nôn nóng tái kiến thiết Đồng Hới trong ngày một ngày hai, một cách mù quáng, khi chưa tìm thấy sức mạnh của chính mình. Tình trạng lấy cát sạt đến nửa phần động để san lấp chân kè Pam vì làm cát vật liệu xây dựng là một tai họa. Động cát trước cửa biển Nhật Lệ chính là tấm kiếng che đỡ gió bấc cho Đồng Hới kia mà. Cả gió bấc trong lẫn gió bấc ngoài. Thế mà giờ nó sạt đi như người bị chém sả nửa vai. Cây đèn biển có nguy cơ bị lún, người đi biển sợ lắm. Chuyện này ai chịu trách nhiệm?
- Cái hội trải rằm tháng bảy vừa rồi không phải tổ chức quay phim đâu... Là để dân chài thuyền đưa rước linh hồn phố biển bị chết bom về lại trong lòng người đấy thôi.
Tôi nhìn ra giữa vời sông tìm kiếm chiếc rớ giàn của bác già đã từng trò chuyện vào cái buổi con nước xuống của tuần trăng trước. Tưởng đâu những lời của bác ta nói về ngày hội trải đã bị gió bấc đánh bạt, nào ngờ nó lại gieo bám vào trang viết, khi tôi hạ bút khép những dòng bút trằn vặt trước hơi thở của biển sâu, còn chưa qua khỏi những cơn bão cuối năm...
Đồng Hới, trong cơn bão mười một năm Mậu Thìn.
L.T.M.
(SH35/01&02-89)