Những nẻo đường đất nước
Một góc trời bình yên
10:22 | 14/01/2023


NGUYỄN VŨ TUẤN

Một góc trời bình yên
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Cuộc thi bút ký “Di sản, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, diễn ra từ tháng 3/2022 đến tháng 10/2022, Tạp chí Sông Hương là nơi nhận và đăng tải tác phẩm dự thi.

Cuộc thi đã kết thúc vào tháng 10/2022, song với mục đích của cuộc thi là quảng bá, tôn vinh những giá trị di sản, truyền thống văn hóa và con người Thừa Thiên Huế, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; vì vậy trong các số tới Tạp chí Sông Hương sẽ tiếp tục đăng tải các tác phẩm của các tác giả đã gửi dự thi (từ tháng 3 đến tháng 10/2022) nhằm quảng bá về vùng đất và con người Thừa Thiên Huế.

Một góc trời bình yên


Rời Huế cuối thu, tạm biệt Trường Tiền mờ ảo trong một buổi sáng se se lạnh đầu mùa. Gió luồn qua hàng cây cổ thụ làm đổ những trận mưa lá ngợp trời. Men theo con đường Lê Lợi đến quốc lộ 49A lên A Lưới, mảnh đất mà tôi đã gắn bó cả tuổi thanh xuân.

Đường lên A Lưới nay đã khác, những thảm lụa mềm mại uốn lượn qua núi rừng đèo dốc, không còn con đường lổm nhổm ổ gà ổ voi như ngày trước. Hôm nay cuối thu, trời trong xanh đến lạ. Xe tôi phăng qua dãy rừng già mà dường như không muốn đi thêm chút nữa. Nơi đây như  là một thế giới khác, nơi dành riêng cho những tâm hồn phiêu diêu muốn được hòa mình cùng thiên nhiên, hòa theo cơn gió đi khắp đất trời. Tôi dừng lại giữa cung đèo A Co tuyệt đẹp, phóng tầm mắt bên kia là dãy rừng già. Giữa mướt mắt màu xanh non của những cây chuối rừng là màu xanh thẫm của những cây cọ cổ thụ, chúng như được sinh ra cùng thời với những chú khủng long nguyên thủy. Một vạt nắng mơ màng thả xuống trộn lẫn giữa những sắc xanh của núi rừng, đâu đó ánh lên một vài lá đỏ trên cành ươi cao chót vót. Đất trời như khoác lên bộ trang phục đa sắc màu của thiếu nữ đồng bào đang nao nức dự hội Aza Koonh.

Tôi tiếp tục lên đường, phía trước là những con đường đèo dốc uốn một bên là núi cao, bóng cây cổ thụ phủ xuống mặt đường, một bên là vực sâu thăm thẳm, thỉnh thoảng nghe tiếng nước róc rách, một vài tiếng chim inh ỏi giữa rừng sâu.

Sau những năm dài bộn bề công việc, tôi trở về A Lưới thân thương để tham dự đám cưới con của cô chú đồng bào mà tôi coi như bố mẹ. Trước kia cô chú ở ngoài Nông trường giờ đã chuyển vào A Roàng sinh sống. Từ trên dốc A5 nhìn xuống, thung lũng A Roàng mơ màng trong sương khói. Những mái nhà sàn nhỏ nhắn nép mình giữa những tán cây xanh mướt. Về chiều, bếp đỏ lửa, khói bốc lên len lỏi qua những mái tranh hòa quyện với màn sương mờ ảo. Một vài đứa trẻ lùa đàn dê núi trở về. Một vài người đi rừng về gùi trên  lưng  một  ít rau, khoai sắn, măng rừng… Con người nơi đây sống giữa đại ngàn hít thở khí trời Trường Sơn nên tâm hồn phóng khoáng, nhân hậu và nghĩa tình. Đi qua một con suối nhỏ, leo lên một ngọn đồi xa xa là ngôi nhà sàn nhỏ nhắn của cô chú. Mấy năm trời không gặp, cô chú cũng đã khác, tóc bạc hơn, da hằn những nếp chân chim, nhưng dưới đôi mí sâu là đôi mắt sáng và nụ cười vẫn như xưa: phúc hậu, hiền lành và ấm áp.

Tối hôm đó sau khi gia đình làm xong phong tục, tặng quà hồi môn, dặn dò đôi vợ chồng trẻ, mọi người quây quần bên bếp lửa, dưới nhà Gươl. Những người đứng tuổi chế biến món cà lèng không lẫn vị. Nguyên liệu chính của món này là ruột non của dê trong hỗn hợp sánh nước màu xanh rêu. Phải những người có kinh nghiệm mới làm được món đặc sản này. Nếu lần đầu thưởng thức phải là người rất dũng cảm, nhưng khi đã biết ăn xem ra lại say đắm không khác gì bị cuốn hút bởi ánh mắt người tình.

Khi đã chuẩn bị xong, mọi người quây quần bên bếp lửa thưởng thức sản vật quê hương, nồng say với men rượu đoác. Đôi má đậm màu của những thiếu nữ sơn cước bắt đầu ửng hồng, nhạc vừa lên từ phía nhà Gươl. Những chàng trai, cô gái đồng bào trong bộ trang phục truyền thống với màu đen và đỏ chủ đạo toát lên vẻ khỏe khoắn, mạnh mẽ bắt đầu nhảy múa. Thấy trai gái đắm say trong ánh mắt xao xuyến, rộn ràng với những nhịp chân, cô dâu chú rể cũng hòa vào đám đông tưng bừng nhảy múa. Khi đám đông đã đẫm mồ hôi, ngọn lửa chỉ còn lại đám than hồng rực rỡ cũng là lúc ánh trăng bắt đầu nhô lên khỏi núi, tỏa ánh vàng giữa thung lũng mênh mông. Đám thanh niên trở về nhà với cõi lòng xao xuyến, cô dâu chú rể cũng trở về nghỉ ngơi, còn lại tôi với cô chú.

Trời A Lưới về đêm, hơi lạnh thấm vào cây cỏ. Một vài tiếng dế vút lên giữa đêm sâu thăm thẳm. Tôi trò chuyện với cô chú rất lâu. Vẫn giọng nói ấy, vẫn ánh mắt ấy ấm áp và thẳm sâu. Những năm qua, tôi cũng chênh vênh giữa cuộc đời, bận rộn với những mưu sinh nhiều lúc không có thời gian để trở về kỷ niệm, nhưng lúc nào cũng da diết nhớ, nhớ đến lại nôn nao trong lòng. Tôi và cô chú rời nhà rông về nhà của chú trên cao ngọn đồi. Đêm về ngọn đồi như thảm lụa vàng óng ả, nghe tiếng suối róc rách giữa núi rừng bình yên.

Nghe chú kể những năm qua xuôi ngược, cũng vất vả mưu sinh, cũng nhiều lần thất bại. Nay cô chú làm nông trại kết hợp với phát triển du lịch nên kinh tế khấm khá. Trân trọng hơn, hai đứa con của cô chú đều thi đỗ trường công an, giờ là những chiến sĩ công an rường cột của huyện nhà.

Ngọn đồi về đêm đẹp đến nao lòng, nằm hiên ngang giữa rừng già, nhìn sang bên kia là những cánh rừng sâu hun hun, bên này ngọn đồi nhìn xuống là cả một cánh đồng mênh mang. Trời đêm, không đủ cho tôi ngắm nhìn tường tận, nhưng chính cái mơ màng đó làm cho ngọn đồi trở nên huyền ảo hơn. Chú rọi đèn dắt tôi đi dạo nông trang một vòng. Lũ trâu, bò, gà, dê đã ngủ. Vườn hoa vẫn khoe sắc dưới bàng bạc trăng vàng. Vườn rau xanh mướt, những chiếc lá non kịp nhú lên để hít khí trời. Tôi và chú ngồi bên một dòng suối nhỏ trong khuôn viên. Dòng nước bò mình qua đám sỏi, những chú cá nhỏ ngơ ngác nhìn người khách lạ. Nước ở đây trong suốt làm cho những ánh trăng vàng bao phủ cả những hòn sỏi dưới đáy suối tựa hồ như không có sự xuất hiện của nước. Chao ôi cả một vạt sỏi vàng long lanh trong đêm vắng. Nếu được sống giữa chốn này thì cần gì tiền tài địa vị, cần gì danh vọng ở đời. Tôi khát khao một chốn bình yên sau những tháng ngày dầm mưa dãi nắng. Khổ nổi cuộc đời còn nhiều thứ lo toan, nó không làm cho ta được như ý muốn.

Tôi tiếc từng khoảnh khắc này nên không dám trở về ngủ, tôi theo chú vào nhà rồi trốn chú ra ngồi một mình ở suối. Cứ ngồi nơi này lặng ngắm đất trời và suy nghĩ miên man. Thiết nghĩ, rồi mai đây tôi trở lại thị thành chốn đất chật người đông nếu có nhiều tiền cũng đâu dễ mua khoảnh khắc này.

Đám cưới xong, ít ngày sau, đôi vợ chồng trẻ trở về thị trấn công tác, còn lại cô chú giữa nông trang. Sáng hôm ấy, tôi theo chú và mấy thanh niên trong bản vào rừng sâu. Rừng như là ngôi nhà thứ hai của dân bản, rừng là mẹ của người dân nơi đây. Những cánh rừng nối tiếp điệp trùng che chở cho bản làng giữa cuồng phong bão tố, giữ đất cho làng tránh xói mòn, rừng cung cấp không khí trong lành thứ mà giới thượng lưu thị thành có thể mua được bất cứ thứ gì nhưng không thể mua được chúng. Theo lời kể của chú, trước đây dân bản thường vào rừng đốn gỗ, về sau chính quyền tuyên truyền vận động, đặc biệt khi dân bản tiếp xúc nhiều với mạng xã hội, họ hiểu vai trò hơn của rừng nên không bao giờ họ làm hại rừng như trước. Dẫu vậy rừng vẫn là người mẹ nuôi nấng dân bản. Mỗi mùa mỗi sản vật đồng bào nơi đây vào rừng lấy mật ong, nhặt hạt ươi, bứt lá nón, khai thác rượu đoác, hàng ngày bắt cá, hái măng… Chỉ có con người đôi lúc vì hám lợi nên không yêu rừng, còn rừng thì muôn đời thủy chung với con người.

Đi một quãng đường khá dài, đoàn chúng tôi đã vào tận rừng sâu. Chúng tôi dừng chân bên một cái lán đã làm sẵn dưới chân thác. Trưa hôm đó, đoàn đốt lửa ăn vội một ít đồ ăn đã mang sẵn. Cuối thu giữa rừng già trời khá lạnh. Tôi không thấy mặt trời, khó tìm ra một khoảng sáng, bởi bóng cây cổ thụ hiên ngang che chở. Những cây cổ thụ nơi đây có tuổi đời hàng trăm năm, da sần sùi như anh chàng lực lưỡng và từng trải. Tôi ngước nhìn lên bầu trời chỉ thấy hun hút màu xanh của lá. Những tán lá xếp chồng lên nhau của nhiều tầng thực vật bí hiểm, tất cả như một mê cung. Tôi say đắm dưới một gốc cây cao to nhất khu vực đó. Những bộ rễ tỏa ra tựa như móng chân của người khổng lồ. Thân cao vút, vỏ sần sùi màu ghi bạc. Anh bạn khổng lồ đó ước chừng cao cả gần trăm mét. Tôi cố nhìn để thấy được ngọn cây nhưng không tài nào nhìn thấu. Trên những cành thấp nhất, những cây lan rừng kí sinh mọc trên những ngón tay khổng lồ. Anh thanh niên bên cạnh tiếc nuối, cây này lớn quá không thể dùng dây quấn tròn mà trèo lên, chỉ có một cách là đóng đinh vào thân cây để trèo nhưng già làng không cho. Già làng  đã nói đóng đinh vào thân cây khác gì các con đóng đinh vào thân thể mình. Bông hoa phong lan khoe sắc tím, màu tím lịm ngọt lành xứ Huế kiêu hãnh trước những ánh mắt thèm thuồng.

Về chiều đoàn chia ra từng toán nhỏ tỏa ra khắp các con suối nhỏ và bắt đầu đánh cá bằng nhiều phương cách người dùng lưới, người dùng xúc, người dùng giáo nhọn… Mấy giờ sau chúng tôi tụ họp tại lán mang về thành quả của mình. Trong giỏ xách của mỗi người đều đầy cá tươi, phần nhiều trong số đó là cá lúi, cá bống, cá chình... Những con cá được sống cuộc đời hoang dã, bơi lội tung tăng giữa suối rừng, tự kiếm thức ăn tự nhiên nên da khỏe khoắn, thịt rắn chắc. Đoàn nghỉ ngơi, một số thanh niên đi kiếm ít tiêu rừng giã muối, còn lại bắt đầu chuẩn bị buổi tối. Vẫn món cơm lam truyền thống làm bằng gạo rẫy. Hạt gạo không trắng muốt nuột nà đầy đặn như gạo đóng trong bao bì. Gạo rẫy da lốm đốm thâm nâu, hạt đầy, hạt vỡ lộn xộn nhưng nướng trên lửa tầm năm phút đã nức dậy mùi thơm làm xao xuyến hồn người. Cá suối sau khi được chọn những con ngon nhất, đám thanh niên cho trộn với gia vị một ít lá rừng rồi cho vào ống tre nướng đều.

Chúng tôi ngồi dưới chân thác. Dòng nước hùng vĩ dường như được rót thẳng từ trên trời dội xuống, những luồng âm thanh dữ dội vang lên liên tiếp. Thác nước say sưa độc thoại không cho bất cứ âm thanh nào lọt vào, nó như một sứ giả nhà trời diễn thuyết về câu chuyện núi rừng mà bất cứ ai ngồi nghe cũng phải đều nín lặng. Ngồi dưới thác, tôi có dịp hiểu hơn sức mạnh bản năng của thiên nhiên chỉ thấy ngậm ngùi khi nhiều người anh em hao hao giống nó bị người ta chặn dòng, cấm được tự do giữa núi rừng, không còn cho hát bài ca hoang dại. Nhưng trong lúc này còn gì thú vị hơn khi được ngắm con thác dữ dội và thưởng thức vị  ngọt của núi rừng.

Đêm xuống rừng già càng trở  nên bí hiểm, một vài âm thanh lạ chen vào giữa bài ca hoang dại của thác dữ. Một ít hạt trăng nhỏ nhoi rơi xuống tán lá làm cho lá lốm đốm màu vàng của trăng, màu đen của lá. Chợt nghe âm thanh xào xạc của những cành cây va đập vào nhau, thỉnh thoảng có một ít cành cây khô bị gãy rơi xuống những tán cây ở tầng thấp rồi rơi xuống đất. Đi rừng ban đêm phải tinh mắt, thính tai và nhanh chân vì nguy hiểm luôn rình rập. Đoàn người tiếp tục chia ra để đi soi ếch núi và bắt chuột rừng. Những chú ếch da xanh hòa mình trong đám rêu nằm trên tảng đá, phải tinh mắt lắm mới thấy chúng, và phải nhanh tay lắm mới bắt được nó. Những chú chuột rừng thoăn thoắt trên những cây ở tầng thấp, chúng nhảy nhót chuyền cành để kiếm ăn. Đám thanh niên Cơ Tu đầy kinh nghiệm, dọi đèn một vùng và đi đến nơi nhiều chuột nhất, họ lấy cây gậy nhỏ đã chuẩn bị sẵn cứ thế bắt đầy giỏ.

Chúng tôi dự định ở lại rừng mấy ngày chừng nào đánh bắt đủ mấy gùi thì về, nhưng rừng dạo này thơm thảo chỉ một ngày đêm đoàn đã đề huề chiến lợi phẩm. Chúng tôi ngủ lại một đêm giữa rừng. Với tôi lại là một đêm khó ngủ, tiếng thác vẫn dữ dội giữa rừng sâu, màn đêm đen huyền bí. Trước mắt tôi giờ là một khối đen khổng lồ, thác nước đen, rừng cây cổ thụ đen, bầu không khí cũng đen. Tôi nằm nghĩ miên man cho đến khi trời sáng. Chúng tôi trở về bản một vài thương lái đã đợi sẵn, họ kì kèo và ngả giá. Chuyến đi đó mỗi người chia nhau cũng khấm khá, đám trai bản khoe nhau có tiền chở người yêu ra thị trấn tung tăng.

Tôi trở về bên căn nhà sàn trong nông trang của chú, từng bước một, từng bước một tôi bước lên bậc cửa nhìn qua cánh đồng bằng phẳng mướt màu xanh. Chốc nữa thôi tôi trở về với thị thành nơi con sông Hương thủy chung muôn đời với Huế. Tạm biệt núi rừng, tạm biệt cô chú, tạm biệt bản làng Cơ Tu thân thương này.

Đâu đây có tiếng hát vút cao từ phía nhà Gươl. Đâu đây có cánh cò chờn vờn lưu luyến. Rồi tôi phải từ biệt nơi này nhưng làm sao quên được bản làng ẩn mình trong sương trắng, điệu nhảy mê đắm của chàng trai cô gái bản làng, sự yên bình của nông trang xa vắng, sự quyến rũ của rừng già hun hút đêm sâu.

N.V.T
(TCSH406/12-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng