Những nẻo đường đất nước
Gặp những người tù SPCO đục Thành Cổ
09:54 | 11/06/2010
NGUYỄN VĂN VINHCuối năm 1953, Pháp thực hiện kế hoạch Na-Va, chúng tổ chức nhiều cuộc càn quét có quy mô đánh sâu vào vùng hậu cứ nước ta. Quân dân ta đánh trả quyết liệt. Pháp thua to, dẫn đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, vị trí chiến lược quan trọng vào bậc nhất của giặc Pháp bị tiêu diệt.
Gặp những người tù SPCO đục Thành Cổ
Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: hoangtuden.com
Trong cơn ngắc ngoải ấy, giặc Pháp dã man phá hoại mùa màng, giết hại dân lành vô tội. Trong nhà lao tại Thành Cổ Quảng Trị, com-măng-đô Pháp bắt những tù nhân trẻ của ta đè ngửa thọc kim vào hút máu tươi cung cấp cho thương binh Pháp.

Cũng tại đấy, trong những ngày tháng khẩn trương cho chiến dịch Đông Xuân ấy, những người tù đặc biệt (spéciaux) gọi là SPCO tổ chức đào hầm địa đạo, đục Thành Cổ Quảng Trị: thủ tiêu 10 m3 đất, 15 gánh gạch vồ trước mắt giặc Pháp. Họ làm được cuộc vượt ngục thần kỳ!

Vừa qua, ngày 26 tháng 4 năm 2000, Thị ủy Quảng Trị đã tổ chức họp mặt những người tù SPCO làm cuộc vượt nhà lao năm ấy tại thị xã Quảng Trị. Họ được dịp ngồi lại bên nhau sau 47 năm xa cách để ôn chuyện cũ...

Trung tá Nguyễn Xuân Dược, nguyên Hiệu trưởng trường Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên, ở khu tập thể quân đội phường Tây Lộc, Huế là cựu tù SPCO vui vẻ tiếp tôi. Bác Dược năm nay 70 tuổi, chất “bộ đội” giản dị và chân chất còn chan chứa trong mỗi cử chỉ, lời nói, động thái của bác. Bằng giọng nói ấm vang người quê Phong Điền, Thừa Thiên Huế bác Dược “tường thuật”:

“Trong Thành Cổ lúc bấy giờ địch (Pháp) xây nhà lao lớn, căn ngoài giam thường dân từ 1000 đến 2000 người; căn trong chúng giam cấm cố tù đặc biệt nguy hiểm là bộ đội, công an, cán bộ ta từ 100 đến 200 người. Nơi đây, tường cao, rào kín; trên giăng thép gai giàn mướp, quanh quéo bùng nhùng. Phía trong Thành Cổ có thành đất dày 9m, trên thành cứ 40m một vọng gác, ngày đêm lính pạc-ti-dăn canh phòng cẩn mật, xung quanh thành bao bọc hồ rộng 6m, sâu 2m, ven hồ có đường xe ô tô tuần tiễu, sát đường là sân vận động Trí Bưu có 2 lô-cốt ngầm đèn sáng suốt đêm. Chúng chia tù SPCO thành 10 tổ, toán sau cử một người biết tiếng Pháp làm xếp-đờ-căn.

Tôi bị bắt vào, anh Huy tin tưởng tôi là bộ đội, bí mật bàn với tôi biên chế những người tin cẩn cho vào tổ 10 và đưa những người khả nghi ra khỏi tổ vì đã chọn tổ 10 là nơi đào thoát, đợi tháng chạp mưa thấm đất mềm dễ đào và quyết ra trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Chọn miệng hầm ngay cửa, vì Tây phong nhì thường vào điểm danh 5 - 7 giờ; 21- 22 giờ và thường cầm ba-toong đứng ngay cửa quan sát. Chọn hai người đào là đồng chí Luyện và Nghê cùng quê tôi. Hai anh xác định cảm tử, nếu địch phát hiện được là bắn ngay! 10 người chuyển đất, 6 người canh gác và phục vụ 2 người đào.

Hầm có đường kính 0m8, sâu 1m5, từ tâm đào ra một địa đạo dài 9m, sâu 0m8, rộng 0m6. Thời gian đào từ 24- 4 giờ sáng phải nghỉ đào để kịp ngụy trang. Ngụy trang bằng cách chắn một tấm ván không cho đất lọt vào địa đạo, bỏ nửa bao tải đất xuống, tiếp bỏ nửa bao thứ hai xuống. Sở dĩ bỏ hai bao đất để bưng lên bưng xuống cho dễ. Trên cùng lấp 0m5 đất, nện thật chặt rồi mới lấy tro rải lên, phun nước và lấy chai lăn cho giống nền cũ. Khi đào tuần tự giở lên làm ngược lại.

Đào đất dùng xẻng tự chế bằng đai thùng tô-nô. Hai người xắn đất cho vào bao chuyền lên, người ngoài chia nhau giả đi cầu đổ đất vào thùng tô-nô hố xí, nhưng không thể trộn đất vào nhiều được, nên mỗi đêm chỉ đào được 0,2m3 đất. Vấn đề tiêu thụ đất rất nan giải, anh em bàn với bác Huy đề nghị xếp-đờ-căn xin Tây nhà lao cho đào hào thoát nước quanh sân vì người đông đi lui đi tới bùn nhão nhoét. Tây đồng ý, nhờ vậy ta trộn đất mới vào địch không phát hiện.

Đục thành cũng sợ gây tiếng động thằng lính gác trên thành biết, nên buộc dây vào tay người đục, thằng lính đi xa, giựt một cái, báo đục; thằng lính quay về giựt liên tiếp, báo ngưng.

Thời kỳ này ta đánh mạnh, địch thương vong nhiều. Bởi vậy vài ba bữa có đoàn bác sĩ cùng lính vào nhà lao nói là kiểm tra sức khỏe tù, nhưng thực ra chúng cốt ý lấy máu tù ra tiêm cho thương binh nó. Hai anh đào đất giả ốm nằm vùi ở tổ khác, đắp bao tải kín bưng để giấu thân thể bị bọc bạc vì đất, dù đã lau bằng khăn ướt nhiều lần nhưng cũng không hết bạc người. Chuyện bồi dưỡng cho hai anh cũng phải đưa xuống 1 dĩa cháo không dùng thìa sợ gây tiếng động. Anh Nghê có lần nói đùa: “lưỡi anh Luyện dài quá, cứ va lưỡi tôi hoài, anh quơ một cái vét sạch cháo phần tôi hoài”.

Khi gạch nhiều, anh em thảo luận tìm cách thủ tiêu gạch. Có sáng kiến giấu gạch ngay dưới địa đạo, khi đào chuyền đem lên, khi nghỉ đào đem xuống giấu trở lại.

Chúng tôi thực hiện được nửa chừng thì địch ra lệnh tháo tơi che mưa, che gió ra vì tù dân thường chuồi gạo cơm qua lỗ tường giúp tù SPCO không được đi ra ngoài tạp dịch. Toàn sam SPCO tuyệt thực đấu tranh, địch mới cho che tơi lại, có che tơi anh em mới đào được. Đúng lúc ấy, anh Huy và một số đồng chí khác bị địch đưa vào lao Tòa Khâm, Huế. Trước khi đi, anh Huy chỉ định tôi phụ trách cuộc đào thoát.

Đúng ra, chúng tôi tổ chức ra 50 người, nhưng đào gần xong, địch xây hố xí, nước thoát hố xí dẫn ra hồ gần miệng địa đạo của ta. Trước tình hình như vậy, sợ lộ anh em nhất trí ra sớm và cho ra 18 người.

Mấy đêm trước thoát ra, tổ trinh sát gồm tôi, anh Luyện, anh Tảo, anh Nghê ra nghiên cứu địa hình. Tổ trinh sát thấy lối thoát qua hồ phải lợi dụng một vũng tối nhỏ dưới vọng góc Tây Nam nhà lao vì ngọn đèn pha trên đó bị vọng gác che. Anh em lẻn qua được nếu không có lính gác trên đó. Anh em tôi ra mấy đêm nắm quy luật vọng góc phía Tây Nam vì gần hố xí nên thằng gác vọng nầy thường đi tới vọng gác phía Đông ngồi hút thuốc Gô-loa với thằng lính gác ở vọng đó.

Đêm chui ra trời rét đậm, mưa dầm, gió bấc, nhưng anh em chỉ mặc độc cái quần xà lỏn. Mật khẩu, hỏi: xê; đáp: ô. Nhờ gần Tết, tụi lính trong hai lô cốt ngầm ở sân vận động Trí Bưu đưa gái vào vui chơi đánh bạc, chúng lơi lỏng canh gác. Anh em chia hai toán đi sát lô- cốt đến tập kết ở bãi tha ma Công giáo.

Đoàn tù SPCO đào thoát khỏi nhà lao do anh Tảo dẫn đường ở lại Hải Đạo một ngày. Bộ đội và Công an huyện cấp áo quần, cơm nước. Đoàn họp ưu khuyết điểm có Công an huyện Hải Lăng tham dự cấp giấy tờ cho anh em về đơn vị cũ.

Đoàn Quảng Trị gồm có 8 đồng chí: Minh, Hướng, Nuôi, Tảo, Thuyên, Mỹ, Sắt, Huỳnh.

Đoàn Thừa Thiên 10 đồng chí: Dược, Luyện, Nghê, Mao, Nghiệp, Hào, Phú, Lợi, Cự, Thùy.

...”

Cụm tượng đài vinh danh những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong 81 ngày đêm bảo vệ Cổ thành Quảng Trị- Ảnh: Báo ảnh Đất Mũi Online

Ngồi lắng nghe bác Dược kể, tôi thầm cảm phục lần vượt ngục công phu và thần kỳ ấy. Các bác sẵn sàng xả thân cho tập thể. Nhất là các bác đã trốn khỏi nhà lao trong mấy đêm ra nắm tình hình đã chui vào ở tù lại! Chỉ có những người cách mạng trung hậu, kiên cường, dũng cảm mới làm được như thế. Người bình thường khác đã sổ lồng bay xa.

Tôi ra Quảng Trị tìm gặp bác Huy, người đầu tiên lãnh đạo cuộc vượt nhà lao Pháp cuối năm 1953.

Quảng Trị là quê hương thơ ấu của tôi, nơi ấp iu dòng sông ký ức trong xanh, mát ngọt của thời tôi là cậu học trò lớp Nhì trường Nam tiểu học, sáng chiều bốn bận ôm cặp vở lóc cóc đi về ngang qua Thành Cổ. Thành Cổ hồi đó đối với tôi uy nghi và khó gần. Nay, Thành Cổ đang vươn lên từ tro bụi chiến chinh để hóa thân thành nơi thiêng liêng và còn là đất thánh của sự hy sinh. Tôi quỳ giữa đất trời Thành Cổ lạy các liệt sĩ với tấm lòng biết ơn vô hạn... Nắng trưa lấp lóa bỗng dịu mát chở che...

Bác Lê Thanh Huy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban thanh tra Nhà nước huyện Triệu Hải. Năm nay 80 tuổi, ở phường I, Quảng Trị. Với những bước đi khập khiểng của một người thương binh già râu tóc phơ phơ bạc, bác dẫn tôi ra Thành Cổ, chỉ cho tôi thấy trong đám lau sậy nhuốm màu hoang sơ ấy chỗ các bác bị giam cầm. Và với âm giọng Quảng Trị mặn mòi sóng gió, bác Huy kể:

“Đầu năm 1953, tôi đi từ Ngô Xá lên thị xã rải truyền đơn bị địch phục kích. Địch bắn tôi thủng ruột, tôi ôm ruột chạy, chúng bắn tiếp, tôi bị gãy chân. Rồi chúng kéo tôi về vất trước đồn Tây, để mấy thằng Tây đá qua đá lại một chặp mới chích thuốc tê băng bó cho tôi. Ba giờ sáng, tôi vừa tỉnh dậy, tinh thần chưa ổn định thì một thằng Tây, một thằng Việt gian vô hỏi cung tôi:

- Từ trước đến chừ anh làm chi chúng tôi biết cả rồi, anh khai hết ra đi, tôi báo cáo cấp trên chữa trị cho anh.

Tôi gượng đau nói:

- Các ông biết thì hỏi tôi làm chi nữa.

Tôi cứ một mực trả lời như vậy, riết thằng Tây nổi cáu nhảy vô thụi tôi, chúng vất bộ mặt đạo đức giả khi hồi chừ. Khi tôi tỉnh dậy lần nữa thì tôi thấy tôi nằm trong trạm xá nhà lao Thành Cổ này. Chúng để tôi nằm liệt gần 6 tháng không thuốc men, chữa trị. Nhờ anh em tù trong trạm xá lén lút rửa vết thương cho tôi và nhịn một ít phần thuốc của họ cho tôi uống. Nhưng vì tôi được uống không đều, tôi bị thúi thịt lòi xương sống ra”

Nói ngang đấy, bác Huy vén áo cho tôi xem mấy lườn sẹo nổi thâm tím dọc xương sống bác. Bác kể tiếp:

“Anh em tù đấu tranh với bác sĩ quan hai Pháp, khi thấy không khám chữa cho tôi quá lâu:

- Một là đưa anh Huy vô nhà xác

- Hai là chữa trị cho anh

- Ba là cho chúng tôi ở chỗ khác, anh Huy thúi quá chúng tôi chịu không nổi.

Địch đành đưa tôi đi viện cắt bột, khi cắt ra rệp đen cả tấm ra trắng...”

Vừa đi vừa trò chuyện với tôi, bác Huy tâm sự:

“Tiêu thụ đất ở đâu hồi đó chúng tôi nghĩ nát óc anh ạ. Khi xin đào hào được rồi, chúng tôi lại lo 120 tù SPCO chỉ đào mấy bữa là xong, thì làm sao tiêu thụ hết đất dưới địa đạo được, bởi vậy tôi đề nghị anh em làm ít thôi và cứ gây gổ, lấy đất chọi nhau làm ồn để xếp-đờ-căn cho nghỉ sớm dành đất ngày khác đào tiếp.”

Khi chia tay với bác Huy, tôi được biết địch trao trả bác ở Cửa Hội Nghệ An năm 1954.

Tôi theo con đường đất đỏ tìm nhà bác Cáp Doãn Tảo. Từ thị xã về đầu tiên qua Trí Bưu, nơi đây dưới thời Pháp thuộc dân Công giáo ròng, “theo đạo có gạo mà ăn”. Hồi đó ở Trí Bưu có một nhóm giáo dân tích cực làm tay sai cho Pháp. “Con sâu làm rầu nồi canh”, đã làm ảnh hưởng xấu, gây tai tiếng cho giáo dân Trí Bưu hiền lành. Nay, Trí Bưu mang dáng dấp nửa chợ nửa quê, giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, vui vầy trong phố quê thôn dã. Qua nương thủy lợi hun hút, tít tấp là gặp dòng sông Vĩnh Định. Tôi nghe nói, nước dẫn từ đập Trấm về tưới lúa bắp luôn được xanh tươi. Chính vậy, dưới “nắng tháng tám nám trái bưởi” lúa ven đường vẫn ngun ngút xanh vươn. Và tre pheo đôi bờ sông Vĩnh Định tỏa bóng mát la đà.

Bác Cáp Doãn Tảo năm nay 76 tuổi, khi bị bắt cóc là Công an xã Hải Bình. Giải phóng Quảng Trị 1973 là Chủ tịch xã Hải Xuân... Nay bác nghỉ hưu sống trong ngôi nhà vườn cha mẹ để lại ở xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng. Cũng như các bác tôi đã gặp, bác Tảo được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương và cả bác Dược, bác Huy và bác Tảo đều đã vinh dự nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Mới gặp bác Tảo, tôi đã mến cái cốt cách nông dân chất phác của bác, bác thân mật ôn lại thời cùng đồng đội cật lực làm cuộc vượt ngục giáp Tết Quý Ty. Bác khen tinh thần nhất quán và quyết tâm của anh em, tài tổ chức chu đáo, cẩn trọng và sáng tạo của bác Huy, bác Dược và bác tấm tắc khen bác Luyện, bác Nghê, hai người chịu cực và gan dạ cùng mình. Tôi sực nhớ hôm trước bác Dược và vừa rồi cả bác Huy đều có lời khen ngợi bác Luyện, bác Nghê. Bác Dược còn cho biết, hồi mới giải phóng miền Nam bác Luyện đã là Bí thư huyện Phong Điền, nay bác đương kim Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế. Còn bác Nghê đang vui vầy cùng con cháu hưởng tuổi già ở Phong Điền.

Những người tù SPCO đã đào hầm, địa đạo và đục tường Thành Cổ thoát khỏi nhà lao Pháp tết Quý Ty tại Quảng Trị nếu không có lý tưởng cách mạng, óc khôn khéo, sáng tạo, tính kỷ luật quân đội và lòng trung hậu, dũng cảm thì họ không thể làm được.

Tôi nghĩ, nhân dân Quảng Trị nên từng bước đưa Thành Cổ trở về đúng vị trí lịch sử của nó. Việc khôi phục lại hầm, địa đạo của những người tù SPCO ngay bên trong Thành Cổ, để thêm một di tích lịch sử là việc nên làm.

Tôi đi qua Thành Cổ trong tiết trời đêm tháng chín, rất nhiều ảnh điện tỏa sáng ấm cúng từ những dãy nhà khang trang, kiên cố chung quanh. Thị xã chìm trong đêm bình yên và hạnh phúc. Tôi nghĩ, Quảng Trị được như hôm nay là bắt nguồn từ sự hy sinh của những người vì nước vĩnh viễn nằm xuống đất này và những đóng góp công sức to lớn của lớp lớp cha anh trước sau son sắt một lòng một dạ theo cách mạng.

Huế, ngày 6 tháng 9 năm 2000
N.V.V
(142/12-00)



Các bài mới
Các bài đã đăng
Về cội nguồn (09/04/2010)
Miền gái đẹp (01/03/2010)