Những nẻo đường đất nước
Chiếc bánh chưng của La Sơn Phu Tử
15:45 | 18/03/2008
"Sang Xuân ta sẽ ăn Tết khai hạ vào ngày mùng 7 tháng Giêng".     Vì sao vua Quang Trung dám tuyên bố cả quyết như trên trước mặt ba quân? Tất cả bí mật của cuộc hành binh khôi phục Thăng Long đều được "gói trọn" trong một chiếc bánh chưng.
Chiếc bánh chưng của La Sơn Phu Tử

"Sang Xuân ta sẽ ăn Tết khai hạ vào ngày mùng 7 tháng Giêng".
Vì sao vua Quang Trung dám tuyên bố cả quyết như trên trước mặt ba quân? Tất cả bí mật của cuộc hành binh khôi phục Thăng Long đều được "gói trọn" trong một chiếc bánh chưng.
Năm 1788, lấy danh nghĩa phò Lê diệt Tây Sơn triều Thanh huy động 200.000 quân Hoa Nam chia làm ba đạo kéo vào nội địa nước ta.
Quân Tây Sơn, theo một kế hoạch định sẵn, liền bỏ Thăng Long kéo về núi Tam Điệp đóng thẳng đến hải phận Biện Sơn, thành mặt trận ngăn đôi Nam Bắc.
Ngày 21-11/âm lịch quân của Tôn sĩ Nghị tràn vào Thăng Long. Tin cấp báo về tới Phú Xuân ngày 24. Bắc Bình Vương vẻ rất bình tĩnh nói với các tướng sĩ : "Chúng đến đây là để mua lấy cái chết mà thôi!".
Hôm sau, Vương làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế, cải niên hiệu Quang Trung. Lễ chính vị xong đâu đấy, ngày hôm ấy Bắc Bình Vương tự thống lĩnh đại quân, hai mặt thủy bộ cùng tiến ra Bắc Hà. Ngày 29 tới Nghệ An. Tại đây Vương tuyển thêm một vạn quân binh số lên được 10 vạn với một đạo tượng binh được vài trăm con.
Đồng thời với việc tăng cường quân đội, Vương cho mời nhà ẩn sĩ nổi danh là La Sơn phu tử, đến bàn luận về mưu cơ tất thắng. Sau đó Vương cỡi voi ra ngoài dinh trước toàn thể quân đội cất mấy lời hiểu dụ: "Quân Thanh sang xâm lăng, hiện đã chiếm thành Thăng Long, các ngươi đã hay tin ấy chưa? Người phương Bắc không phải nòi giống ta, tất khác lòng khác dạ. Từ đời nhà Hán họ cướp đất đai ta, tàn hại nhân dân, vét sạch của cải, nông nổi ấy không sao chịu được. Người trong nước ai cũng mong đánh đuổi chúng đi.
Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ. Các vị ấy không chịu bó tay ngồi nhìn quân tàn bạo, nên phải thuận lòng người, dấy nghĩa quân đuổi chúng về phương Bắc.
Nay người Thanh không noi gương Tống, Nguyên, Minh, lại kéo quân qua mưu chiếm nước ta, đặt làm quận huyện. Vậy ta phải vùng lên mà tiêu diệt chúng đi. Các ngươi là hạng có trí, có tài, phải cùng ta đồng lòng gắng sức, làm nên việc lớn.
Đoàn quân Bắc tiến, ngày đi, đêm không nghỉ qua nghìn dặm núi rừng. Ngày 20 tháng chạp, Bắc Bình Vương cùng toàn quân tới Tam Điệp. Ở đây, Vương cho mở tiệc khao quân và tuyên bố:
"Chỉ nội 10 ngày nữa ta sẽ đuổi hết giặc Thanh. Hôm nay hãy ăn Tết Nguyên Đán trước. Sang xuân, ta ăn Tết Khai hạ vào ngày mùng 7 tháng giêng ở Thăng Long".
Do đâu Bắc Bình Vương tuyên bố cả quyết như thế trước mặt tướng sĩ? Dĩ nhiên Vương dã nắm được nhiều yếu tố tất thắng trong tay mới dám tuyên bố như trên để nung lòng phấn khởi của ba quân. Nhưng xác định được ngày vào Thăng Long, hẳn phải nhờ một yếu tố đặc biệt mới được. Bây giờ ta thử trở lại cuộc hội ngộ giữa Bắc Bình Vương với La Sơn phu tử.
La Sơn phu tử tên thật là Nguyễn Thiếp, người xã Mật Ao, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, Nghệ An. Lúc thiếu thời ông theo học với Nguyễn Nghiễm (thân sinh cụ Nguyễn Du), được bổ tri huyện Thanh Chương. Sau một thời gian thấy không thích hợp, ông từ quan về ẩn ở núi Thiên Nhận cũng trong tỉnh Nghệ An. Có lần chúa Trịnh Sâm mời ông ra để trọng dụng, nhưng ông từ chối. Lần này, nghe nói quân Tây Sơn ra Bắc Hà diệt quân Thanh, vì đại nghĩa ông mới chịu tới, và lúc đó là lúc ông vừa mới ở Thăng Long về Nghệ An, nên hiểu rõ tình trạng quân giặc. Bắc Bình Vương hỏi: - Quân Thanh sang xâm lăng, ta nay phải làm tướng thân chinh, mưu đánh hay giữ, xin nhà thầy nói cho nghe. La tướng phu tử đáp:
- Nay ngoài Bắc Hà thế nước chông chênh, lòng người tan nát. Quân Thanh từ xa kéo đến, không rõ tình hình mạnh, yếu, không biết phương thế đánh giữ gì đâu. Chúa công ra chuyến này chẳng qua 10 ngày thì dẹp xong. Bắc Bình Vương nghe nói mừng lắm, và trong dịp này La Sơn phu tử có hiến cho Vương một mưu kế, và tổ chức nội gián.
La Sơn phu tử xin Vương hãy thảo một tờ mật dụ bảo Đinh Đề Lĩnh (Vị võ quan này thường ngỏ ý với bạn thân rằng: - Vua ta mượn quân Thanh khác gì rước voi về dầy mồ...) giúp sức, rồi chính phu tử mang ra  Thăng Long lấy thân tình kêu gọi họ Đinh làm nội ứng.
Bấy giờ, các cửa thành Thăng Long đều do quân Thanh canh gác, việc khám xét rất nghiêm ngặt. Sáng mùng 3 Tết, Đinh Đề Lĩnh đang ngồi trong gian phòng , bỗng có tên lính hầu vào bẩm có một người ở xứ nghệ đem biếu cặp bánh chưng. Ngạc nhiên, ông cho mời ngay vào xem ai. Thoạt nhìn ông đã nhận được ngay là ẩn sĩ Nguyễn Thiếp trước đã dạy học ở nhà ông, Đình Đề Lĩnh vồn vã hỏi: - Năm mới sao thầy không ở quê ăn Tết cho vui, chịu vất vả ra đây chắc hẳn có chuyện gì? Nguyễn Thiếp đáp: - Tôi e năm nay tại kinh đô không thể vui Tết được nên vội thân hành ra mừng Ngài. Vừa nói ông vừa đặt cặp bánh chưng lên bàn đồng thời đưa mắt nhìn ông Đề Lĩnh và nhìn tứ phía. Ông Đề Lĩnh hiểu ý ngay, liền đuổi mấy tên lính hầu ra ngoài. Nguyễn Thiếp lấy một chiếc bánh cắt làm đôi rồi chỉ vào nhân bánh mà nói: - Anh hùng nên thức thời mà lập công. Vận mệnh nhà Lê đã đến ngày tàn, mới rước quân Thanh về dày xéo đất nước. Vua Quang Trung là bậc anh dũng khác thường, nay đem quân ra Bắc Hà diệt kẻ xâm lăng. Ta nên sớm biết đường giúp nước. Để chóng thành công nhà vua cậy ông giúp sức. Ngài tự thảo tờ mật dụ này ủy tôi đưa tới ông. Thấy quân Thanh khám xét quá nghiêm nhặt tôi phải giấu tờ dụ vào chiếc bánh chưng này, và may mắn lọt tới đây. Xin ông gắng sức thi hành đúng theo lời dụ, ắt nên công lớn. Đây là một cơ hội rất tốt để giúp nước trừ giặc xin ông chớ bỏ lỡ... Dứt lời, Nguyễn Thiếp rút tờ dụ trong nhân bánh đưa cho Đinh Đề Lĩnh xem. Được lời như cởi tấc lòng, viên Đề Lĩnh vui mừng nguyện sẽ thi hành đúng theo mật kế.
Tôn Sĩ Nghị kéo quân vào chiếm đóng Thăng Long với khí thế kiêu căng ngạo nghễ. Hắn nói với Võ Trịnh, quan Tham tri của Lê Chiêu Thống: - Tự ta coi thì Tây Sơn chỉ như giống dê chó mà thôi. Rồi đây ta sẽ sai người lấy thừng trói cổ chúng lôi ra hẳn không khó gì, các ngươi cứ giương mắt mà xem! Rồi Sĩ Nghị sai đóng đồn ở mé bờ sông Nhị cùng chia quân ra giữ các mặt. Bắc cầu phao qua sông để tiện quân sĩ qua lại. Sáng hôm sau, Nghị làm lễ phong cho Lê Duy Kỳ làm An nam quốc vương, lấy niên hiệu Chiêu Thống. Từ đó Nghị cứ lo phè phỡn ăn chơi không nghĩ tới việc binh nữa.
Lệnh xuất quân của Quang Trung truyền ta vào ngày 30 Tết. Quân Tây Sơn vượt qua sông Giản Thủy (Ninh Bình), đám nghĩa quân của vua Lê hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Đến Phú Xuyên, quân do thám Tàu bị bắt trọn, những đồn ở gần đó chẳng được tin tức gì.
3-1/âl giặc Thanh đang ngủ ngon giấc trong đồn Hà Nội. Bỗng tiếng trống, tiếng chiêng rền vang cùng với tiếng gào thét của thiên binh vạn mã tràn tới. Giặc kinh hồn bạt vía, kéo ngay cờ hàng. Quân Tây Sơn liền tiến vào đồn thu hết quân nhu, khí giới.
Mùng 5-1, mờ mờ sáng, người anh hùng của dân tộc quấn chiếc khăn vàng ở cổ, xắn áo cởi voi thúc quân tiến sát đến đồn Ngọc Hồi. Binh xung phong là một đạo tượng binh hùng hậu. Quân Thanh xua ky  binh ra ứng chiến, ngựa gặp voi hoảng sợ, nhảy lồng lên tán loạn. Địch quân liền rút vào đồn cố thủ. Đoàn quân thừa thế phá cửa lũy tràn vào như nước vỡ bờ, đánh giáp lá cà, hậu quân cũng dồn tới tử chiến với giặc. Quân Thanh tán loạn dày xéo lẫn nhau mà chạy, thây chết nằm ngổn ngang. Đồn Ngọc Hồi tan vỡ. Đoàn quân chiến thắng liền kéo thẳng về phía Thăng Long hạ luôn hai tiền đồn Văn Điển và Yên Quyết, các tướng lãnh của chúng đều phơi thây trên chiến địa.
Trong mấy ngày đầu năm (Kỷ Dậu-1789), Tôn Sĩ Nghị ở trong thành Thăng Long không được tin tức gì, nên cứ yên tâm. Đến ngày mùng 4 mới được cấp báo của quân đồn Ngọc Hồi chạy về, Nghị vội lên kỳ đài quan sát và được tin đồn Điền Châu thất thủ, quân Tây Sơn đang kéo tới Kinh thành. Hắn không kịp mặc áo giáp, và không đợi thắng yên ngựa, đem một số quân kỵ dưới trướng chạy qua sông sang Bắc Ninh, rồi lại nghe tin có quân Tây Sơn từ phía đông đổ đến chận đường, khiếp đảm quá cùng với đám tàn binh tìm đường chạy trốn, quăng cả sắc thư, ấn tín, cờ hiệu, chỉ mong được thoát thân mà thôi.
Thấy Tôn Sĩ Nghị chạy trở về tơi tả lại nghe tin quân Tây Sơn đuổi theo, dân Tàu ở mấy tỉnh giáp giới Việt hoang mang kinh hãi bồng bế dắt dìu nhau mà chạy. Sử chép: "Từ cửa Ải về mé Bắc hơn vài trăm dặm, không nghe thấy tiếng người nào".
Trận chiến ở Thăng Long chấm dứt vào giờ Thân (4,5 giờ chiều) ngày mùng 5. Chiếc hoàng bào của Quang Trung đã ngã màu đen sẫm qua 5 ngày đêm xông pha trong khói lửa, và đúng như lời hẹn, đoàn quân giải phóng Bắc Hà đã hân hoan ăn Tết Khai Hạ tại Thăng Long Thành.
NGÔ TUỆ

(nguồn: SH 3.1999)

Các bài mới
Các bài đã đăng