Những nẻo đường đất nước
Tạp chí văn nghệ các tỉnh miền Trung - những điểm sáng của tính độc đáo văn hoá
14:49 | 20/08/2008
PHẠM TIẾN DUẬT1.Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, khi nghiên cứu về dân tộc học, có luận điểm cho rằng, trong quá trình định cư dần dà từ Bắc vào Nam, các cộng đồng, một cách tự nhiên, hình thành từng vùng thổ âm khác nhau.

Giọng Nghệ Tĩnh không giống với giọng Thanh Hoá, giọng Quảng Bình không giống với giọng Thừa Thiên. Việc chuyển dịch cư dân từ Bắc vào chủ yếu diễn ra với người Kinh. Mỗi địa phương từ xưa đã sẵn có cư dân của các dân tộc thiểu số với những bản sắc riêng. Và sự hoà trộn văn hoá ở mỗi vùng đất cũng diễn ra theo những chu trình không hoàn toàn giống nhau. Chính bởi vậy, các tỉnh Miền Trung không chỉ là những đơn vị hành chính Nhà nước mà còn là những khu vực văn hoá, đến mức, các độc giới hành chính có biến dịch thì các khu vực văn hoá ấy vẫn tồn tại một cách vững bền. Có thể coi đây là đặc điểm thứ nhất về văn hoá các tỉnh Miền Trung.
Đặc điểm thứ hai về lịch sử văn hoá Miền Trung cũng gắn liền với địa lý và lịch sử. Đây là con đường nối Bắc và và hầu hết các biến động lớn, các cuộc chiến tranh lớn đều thổi qua Miền Trung. Miền Trung là sự kết dính bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt , đặc biệt là thông qua chiến tranh. Dãy Trường Sơn chạy dọc phía tây các tỉnh Miền Trung là một ví dụ lớn.
Đặc điểm thứ ba về văn hoá Miền Trung gắn liền với vị trí địa lý kinh tế. Hình khe, thế núi thất thường quá, thời tiết khắc nghiệt quá. Cái nghèo, cái khổ của bất kỳ nơi nào trên hành tinh đều là các mảnh đất sinh thành các triết nhân và các thi sĩ.
Chúng ta nói tới việc xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nói đến cả các giải pháp cụ thể, trên những địa bàn cụ thể và trong những hoàn cảnh cụ thể. Bởi vậy, khi nghĩ đến văn nghệ của mỗi tỉnh Miền Trung, chúng tôi thấy dâng lên trong lòng mình niềm tự hào và nhận ra rằng, ở mỗi quần cư ở mỗi vùng, còn tồn chứa biết bao kho báu với tính độc đáo văn hoá mà không thể lấy gì thay thế được.
2.
Tạp chí văn nghệ của mỗi một tỉnh là cơ quan văn hoá và ngôn luận hàng đầu về văn nghệ của địa phương. Tạp chí là nơi chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hoá văn nghệ tới các đồng nghiệp và bạn đọc. Đó là nơi công bố tác phẩm nhanh nhất cho mỗi tác giả công tác tại địa phương, đặc biệt là các tác phẩm phản ảnh đời sống của chính địa phương. Đó là nơi thử tài của các cây bút mới. Đó là cơ quan ngôn luận hàng đầu công bố các công trình nghiên cứu về văn hoá học, nghệ thuật học, văn học và đặc biệt là các nghiên cứu văn nghệ địa phương mang tính “đặc sản”. Tạp chí văn nghệ các tỉnh còn là nơi đào tạo, bồi dưỡng và tập hợp lực lượng, thường xuyên bổ sung vào đội ngũ của địa phương và văn nghệ cả nước những nhân tài mới.
Chính vì những lẽ trên đây mà tạp chí văn nghệ các tỉnh Miền Trung nói riêng và tạp chí văn nghệ các địa phương trên cả nước nói chung là những cơ quan văn hoá và ngôn luận mà không có gì thay thế được.
Trên nhận thức ấy, với tư cách là một đồng nghiệp, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng cuộc gặp gỡ bàn bạc lần này giữa 6 tạp chí Miền Trung: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Có lẽ chính các nhà lãnh đạo của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và chính các đồng chí đã nhận ra rằng, bên cạnh những điểm riêng biệt, các đồng chí có vô số điểm giống nhau, cái thuận giống nhau và đặc biệt là các khó khăn phải tháo gỡ cũng nhiều điểm giống nhau. Bên cạnh đó, việc liên kết về sáng tác, trao đổi người viết, trao đổi bản thảo, liên kết tuyên truyền văn nghệ, liên kết phát hành, liên kết quảng cáo và nhiều việc khác, hoàn toàn có thể bàn bạc và đi đến khả thi.
3.
Như đã có nhận xét rằng, đất Bắc là đất của tiểu thuyết, Miền Trung là của thơ ca và Nam Bộ là đất của báo chí. Đến nay cũng vậy, sáng tác thơ là mặt mạnh nhất của các tạp chí văn nghệ Miền Trung. (Cũng xin được nói rằng, chúng tôi được đọc đều đặn tạp chí của các đồng chí trừ tạp chí Xứ Thanh của Thanh Hoá, chúng tôi không có để đọc). Mặt mạnh thứ hai mới đến văn xuôi. Cũng như tờ Tuần báo Văn nghệ mà thực chất là tuần báo văn học; tờ tạp chí Văn nghệ quân đội nội dung chính cũng là văn học. Tỉ lệ văn học trên các tờ tạp chí Miền Trung hiện nay chiếm gần hết số trang. Điều này đã hợp lý hay chưa, chúng ta cũng cần tiếp tục suy ngẫm. Điều đáng nói nhất là việc đầu tư cho khảo cứu nghệ thuật, sưu tầm, phân loại, phê bình nghệ thuật của ta còn quá yếu kém. Ơ các hội chuyên ngành ở Trung ương việc này còn yếu kém, huống hồ ở các tỉnh Miền Trung còn biết bao khó khăn. Gặp những bài viết như các bài về hát Phường Vải Nam Đàn trên tạp chí Sông Lam, hay bài nghiên cứu Đám rước linh hồn của người Bru – Vân Kiều trên tờ Nhật Lệ, một bài viết sâu về triển lãm tượng trên Sông Hương, chúng tôi và có lẽ các bạn đọc khác của cả nước rất chăm chú đọc và tham khảo được nhiều. Chúng tôi muốn có được thông tin nhiều hơn về văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số của mỗi tỉnh. Tôi nghĩ rằng đây là một kho tàng lớn chưa khai thác được nhiều. Chúng tôi cũng muốn biết chân dung các nghệ sĩ nhân dân (nếu có), nghệ sĩ ưu tú, các nghệ nhân, nghệ sĩ của mỗi địa phương, các tiết mục và hoạt động biểu diễn của các đoàn nghệ thuật. Nếu mở rộng sang phía nghệ thuật, các đồng chí sẽ đề xuất được nhiều vấn đề hơn, số cộng tác viên và bạn đọc cũng đa dạng hơn. Không được đều kỳ lắm, nhưng trên cả 5 tờ mà tôi theo dõi, thấy các anh các chị có làm các trang văn học cho các em, các trang văn học cho nhà trường. Đây là điều quan trọng có tầm chiến lược, vì đấy chính là môi trường hôm nay và môi trường tương lai của văn học nghệ thuật. Có lẽ không chỉ là thơ, học sinh vẽ thế nào, học sinh học hát thế nào, khuôn thẩm mỹ của các em, các cháu ra sao, các tạp chí văn nghệ cũng có phần trách nhiệm. “Đưa hệ thống nhà trường vào cuộc” là bài toán đúng trên rất nhiều phương diện.
Bên cạnh việc nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề làm báo, nâng cao chất lượng sáng tác và phê bình văn nghệ, ở mỗi tỉnh, chúng tôi nghĩ rằng, tìm cho ra, khảo cứu cho giỏi, tuyên truyền cho rộng tính độc đáo văn hoá của mỗi một vùng đất là thiên chức rất quan trọng của mỗi tờ tạp chí với tư cách là mỗi điểm sáng trên dọc dài đất nước. Xin kính chúc mỗi tờ tạp chí ngày càng giàu về bài, giàu về lực lượng và giàu có về tài chính. Chúc sự hợp tác giữa chúng ta ngày một thêm tốt đẹp.
P.T.D
(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

Các bài mới
Các bài đã đăng