Những nẻo đường đất nước
Đèo Hải Vân
16:15 | 03/09/2008
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG Đất nước ta, miền Bắc và miền nối liền nhau bằng một dải đất dài và hẹp gọi là miền Trung. Dãy Trường Sơn chạy dọc biên giới phía Tây như một cột sống vươn những chi nhánh dài ra tận biển Đông, làm thành những đèo, trong đó hiểm trở là đèo Hải Vân.
Đèo Hải Vân

Ca dao xưa còn lưu lại tiếng tăm của đèo Hải Vân:
- Đi bộ thì khiếp Ái Vân
Đi thủy thì khiếp sóng thần hang Dơi
- Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Chim kêu ghềnh đá ngẫm thân thêm buồn.
Những bài khác dù không gọi thẳng tên đèo Hải Vân nhưng tôi nghĩ vẫn chính là đèo ấy như một ám ảnh trên đường tiến của dân tộc:
- Đã sinh ra kiếp đàn ông.
Đèo cao, núi thẳm, sông cùng quản chi.
Điệu hát Lý Qua Đèo có lẽ sinh ra từ nỗi ám ảnh ấy.
Đèo Hải Vân quả nhiên là một trái núi đứng sừng sững trên mặt biển; người lữ hành nghe biển ngầm réo dưới chân đèo. Sách Hải Ngoại Kỷ Sự (vào cuối thế kỷ thứ XVII) cho biết rằng xưa đèo Hải Vân có tên là núi Ngãi Lãnh: ''Từ Thuận Hoá vào Hội An, đường bộ tức nhờ Ngãi Lãnh. Sách Dư Ký bảo rằng: khoảng tháng hai tháng ba, hoa ngãi nở trôi ra biển, cá ăn hoa ấy, hóa rồng, tất hoa ngãi ở núi này vậy". Hồi đó, người ta phải sử dụng một con đường tắt qua núi để tránh đèo Hải Vân: "Trong đó có đường voi đi, một lối đường tắt để thông hành khi có việc cần kíp, có thể một ngày đi đến Thuận Hóa". Thế đủ biết, thế hiểm trở của đèo Hải Vân ngày xưa trên con đường xuyên Việt, nghĩa là trên đường tiến của dân tộc. Ngay cả bây giờ, khi tôi đang viết bài này, cũng có tin vừa xảy ra tai nạn giao thông trên đèo Hải Vân.
Sử cũ chép rằng vào năm 1402, khi nhà Hồ chiếm được đất Chiêm Động, bèn chia làm bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; Ai ở châu nào thì khắc tên vào cánh tay châu ấy, hàm ý giữ đất đến cùng. Đất Nam Ô phía đèo Hải Vân (phía Nam Châu Ô) có lẽ cũng được gợi ý từ việc này chăng? Thế mới biết quyết tâm giữ đèo của người Việt. Về phía người Chàm, thì từ đời Đông Hán, trải qua 1000 năm Bắc thuộc, người Chàm đã dời đổi biên giới của quốc gia nhiều lần; nhưng nghĩ cho kỹ, thì biên giới phía Bắc của nước Chiêm Thành chưa bao giờ lùi quá "bến Ôn Công", tức là mũi Chân Mây (phía Bắc đèo Hải Vân, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế). Cả phía Chàm và phía Việt, ai cũng muốn chiếm lấy đèo Hải Vân. Thế mới thấy tính chiến lược của đèo Hải Vân. Sách Ô Châu Cận Lục (viết giữa thế kỷ XVI) nhắc lại lời Nguyễn Hoàng, cho biết rằng chính Trịnh Kiểm đã nhìn thấy vai trò chiến lược này. Trịnh Kiểm cho rằng "Đèo Hải Vân bền vững như chiếc khóa vàng là chỗ đầu não của non sông, chỗ yết hầu của miền Thuận Quảng". Hình như trên những đỉnh núi cao chất ngất nhìn ra biển như thế này, người ta thường bị kích thích bởi một nguồn mỹ cảm đông phương hàm chứa hai yếu tố tương phản gọi là Sơn Thuỷ, vốn sinh thành nên cái đẹp của thế giới. Vào cuối thế kỷ XIX cụ Tam Nguyên, Trần Bích Sơn (bạn cùng lớp với Nguyễn Khuyến) đã viết bài thơ "Tam thướng Hải Vân đài" trong đó có hai câu nổi tiếng:
... Văn phi Sơn Thủy vô kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài
Nhưng người ta mô tả đèo Hải Vân kỹ nhất là Thích Đại Sán. Trong cuốn Hải Ngoại Kỷ Sự của ông (in vào cuối thế kỷ XVII), lúc đó chưa có đường qua đèo, ông viết:
"... Đi ngựa không được, phải đổi sang võng. Dân ở dưới đèo rất khổ, quan binh đi đông, bắt phu không đủ, người ta phải vào lùng bắt từng nhà, nếu không có người, thì trong nhà có mâm nồi gì, quan đều tịch thu hết". Đây là một cảnh bắt phu ở chân đèo Hải Vân:
"Ngày ấy bắt được mấy người dân nghèo gầy gò giơ xương, người nào cũng bới tóc đứng kêu vang rất thảm thiết ".
Trên đỉnh đèo, do mây mù phong kín suốt năm lại còn ẩm ướt như mưa, nên sớm muộn gì, người ở Thuận Quảng cũng phải nghĩ đến việc làm nhà trọ trên đỉnh đèo Hải Vân:
"Một quán nhà ba gian, vừa thắp đèn. Khách trong quán thấy đai võng đến đều bỏ chạy vào rừng trốn, vì sợ bắt phu"
Thích Đại Sán bèn nghĩ ngay đến việc quyên góp để làm một con đường thông đèo Hải Vân. Bài phú mở đèo này được chép ra thành nhiều bản và phát không cho mọi người, trong đó có câu:
"Kẻ giúp của, người giúp công, đông tay vỗ nên bộp - anh tấm gạch, tôi viên đá, muôn trượng đắp thành đường".
Chính vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ kêu gọi dân đến làm nhà sống trên đỉnh đèo Hải Vân. Nhà vua còn ban bố một loạt chính sách nhằm dân cư hóa đèo Hải Vân:
"Phủ Thừa Thiên và tỉnh hạt Quảng Nam đều dụ khắp cho nhân dân trong hạt có người nào chịu đến ở hai bên đường núi đèo Hải Vân làm nhà để ở thì tất cả thuế thân, binh lính, giao dịch, được miễn hẳn; còn ruộng vườn khai khẩn được, trồng trọt hoa lợi lúa thóc, cũng cho miễn thuế; trong đó xét ra hễ người nào không có vật lực dời nhà làm ở chỗ khác được, thì quan liêu cấp vốn cho, để cho từ đầu núi đến chân núi, từng đoạn nhà nối tiếp, cho người đi đường đói ăn khát uống, có chỗ nghỉ ngơi, như thế, người ở đây cũng được nhờ vả, mà người đi đường lại bớt tình trạng mệt nhọc". (Minh Mạng năm thứ 19 - 1838), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ).
Nhà vua còn nghĩ đến việc trồng cây để lấy bóng mát cho người đi đường; theo nhà vua, đó chính là cây mít, vì mít cho: 1. Bóng mát để nghỉ ngơi; 2. Gỗ để làm nhà; 3. Trái để ăn (có lẽ vết tích còn lại của chủ trương này, là trong Đại Nội, người ta tìm thấy nhiều cây mít gốc bị đổ trong trận bão 1985). Nhưng đèo Hải Vân vắng người qua, vì vẫn còn nhiều nỗi nguy hiểm dọc đường. Theo truyền thuyết thì mãi cho đến trước Cách mạng tháng Tám, ở hai bên chân đèo, có hai bãi đất trống cắm những cây sào nhọn dành cho người đi đường. Người ta sẽ mang theo một chiếc sào bịt sắt nhổ ở bãi đất bên này và cắm trả lại ở bãi đất phía bên chân đèo, để tránh cọp.
Mãi đến nay, nghĩa là hơn 700 năm sau đám cưới của Huyền Trân Công Chúa, đèo Hải Vân vẫn là một vấn đề thời sự đối với ngành giao thông Việt Nam.
Người Pháp có công mở đường quốc lộ I qua đèo. Người Mỹ đến sau, vẫn giữ đường cũ, chỉ biến thành đường hai chiều.
Vừa rồi, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì lễ khởi công làm đường qua đèo Hải Vân lại. Theo dự án mới này, thì đường qua đèo sẽ thấp hơn, đường quốc lộ IA chạy qua đèo sẽ ngắn hơn và hai thành phố Đà Nẵng - Huế sẽ được xích lại gần nhau bằng một con đường hầm đục xuyên đèo Hải Vân.
Điều tôi lấy làm tâm cảm, trong dự án này, là thái độ kính trọng đối với thiên nhiên của dự án. Người ta đã không bạt núi và cũng không giết hại cây rừng, vốn là môi trường sống của bao nhiêu loài động vật hoang dã. Đúng vậy thôi, nếu người ta tàn hại thiên nhiên một cách không hợp lý, thì sớm muộn cũng bị thiên nhiên giáng trả bằng những đòn trừng phạt.
Huế,18/09/2000
H.P.N.T

(nguồn: TCSH số 163 - 09 - 2002)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng