Mơ hồ bởi nó là một thứ hoài niệm xa xăm hơn ba mươi năm trước, nồng ấm bởi nó là cả khoảng thời gian đầy nhiệt huyết, hồn nhiên tươi mươi của cả thời trai trẻ, gian khổ cay chua bởi nó dày đặc những ngày cơ cực đói khát, nằm rừng ngủ núi, đối mặt với thú dữ, với từng cơn sốt rét rừng ác tính. Nhẩm đếm trên đầu ngón tay. Đã gần ba mươi mấy năm dài, tôi mới có dịp về lại ngã ba này. Chính tại cái ngã ba có cái tên không thuần Việt nằm lưng lửng giữa trục lộ 20 nối liền thành phố Sài Gòn - Đà Lạt. Chúng tôi, hơn một ngàn thanh niên nam nữ đang độ tuổi ham chơi, ham học đã mạnh dạn làm một cú rẽ ngang, từ giã cái náo nhiệt tươi vui của phố phường, để dấn thân lên miền đất hoang sơ, trùng điệp núi rừng với ý tưởng khai phá thêm một miền đất mới. Sự ra đi đã dự cảm được sẽ có muôn vàn gian khổ mà trong hành trang mang theo chỉ đơn giản là niềm hy vọng mở ra một vùng sinh cơ đầy đủ, no ấm hơn so với cái eo miền Trung thời tiết khắc nghiệt đầy mưa bão, nắng gió thất thường. Con đường nối từ ngã ba MaDaGui để đến vùng kinh tế mới Hương Lâm. Cái tên Hương Lâm được hình thành sau nhiều cuộc họp bàn đầy ngẫu hứng. Hương là tên của dòng sông, là biểu tượng bất biến của cố xứ, là tất cả những tâm tình nặng trĩu của những người vì cuộc sống phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đến một miền đất xa lạ, và Lâm đơn giản chỉ là chữ đầu của tỉnh Lâm Đồng, miền đất đang và sẽ rộng lòng cưu mang hàng ngàn dân Huế ly hương. Chiếc xe bây giờ cũng đang làm một cú rẽ. Như những chiếc xe đò đủ loại đủ màu sắc do thành phố trưng dụng nối đuôi nhau ì ạch gầm rú trên nhánh đường đất đá gồ ghề đầy bụi đỏ chạy xuyên qua nhiều dốc núi cheo leo hiểm trở. Quãng đường cũ ấy chừng như chẳng còn dấu tích gì, thay vào đó là một con đường nhựa rộng lớn mới toanh dẫn qua nhiều khu dân cư sầm uất, ồn ã những dòng xe dòng người xuôi ngược. Nhanh, có lẽ do vận tốc chiếc xe khách chất lượng cao, phóng vun vút trên con đường nhựa láng coóng, có lẽ do những ngôi nhà tầng khang trang, những ngã ba, ngã tư đường tấp nập người lưu thông cứ nối tiếp lướt qua khung cửa kính nhỏ hẹp của chiếc xe, đã đánh lừa cảm quan nên tôi quên khuấy đi cái khoảng cách thời gian quá dài, quá dư đủ cho cuộc biến dạng ấy, cũng đủ để tôi không thể nào nhận ra một chút quen biết nào trên một đoạn đường dài non ba mươi cây số, đã hàng chục lần gùi ba lô, cõng lương thực lết bộ qua những địa danh nghe sởn gai ốc đầy mình như Ma Thiên Lãnh, Mạ Ơi… Những dốc đèo còn chìm đắm trong cái hồn nhiên sâu thẳm của núi rừng. Ma Thiên Lãnh, cái tên không biết từ lúc nào và do ai đã đặt mà quá đúng cái diện mạo của nó. Một con dốc vắt ngang sườn một ngọn núi cao, um tùm những cánh rừng nguyên sinh già cỗi, thỉnh thoảng xa xa trong cái hoang vu lạnh người ấy lại vang lên những tiếng gầm gào của thú dữ, đánh thức hàng vạn cánh bướm đa màu đa sắc chấp chới bay lên che khuất cả tầm nhìn, khuấy động những bầy khỉ đột to tướng chạy nhảy ào ào trên những tàn cây rậm rì. Cứ mỗi lần tôi phải qua con dốc này, dù đi một mình hay với nhiều người. Cũng đều mang theo một cảm giác lạnh lẽo, sợ hãi, nhưng lẫn trong đó vẫn có chút thán phục cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, kỳ bí diễm lệ của nó. Xe dừng lại bến cuối, vùng Hà Lâm. Đây cũng là điểm cuối chúng tôi dừng lại của ba mươi hai năm trước. Đó là một dải đất hẹp chạy dọc theo thượng nguồn sông Đồng Nai, song song với dãy núi đồi lúp xúp. Hồi ấy, khi chúng tôi, đơn vị đầu tiên của Trung đoàn thanh niên xung kích số 2 của Thành đoàn Huế đặt chân lên vùng đất mới. Những ánh mắt cố dấu đi vẻ mệt mỏi, nhìn nhau thầm hỏi “ở đây sao”. Một miếng đất hẹp chạy dọc theo con sông đục ngầu. Thắc mắc ấy chỉ được giải toả khi những người đi tiền trạm báo cho chúng tôi biết đây chỉ là trạm nghỉ cuối cùng, ngày mai mới hành quân bộ vào nơi đã được phân để làm khu kinh tế mới dành cho dân Huế. Đa phần là thanh niên sinh ra, lớn lên ở thành phố, nên đứa nào cũng rất bỡ ngỡ, lúng túng khi lần đầu giáp mặt với núi rừng, với nếp sống tập thể. Ngay cả việc dựng tạm một cái lều tạm trú qua đêm cũng khó khăn không tưởng. Thôi thì đủ loại âm thanh. Tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng cãi cọ loạn xị, tiếng phân công cắt việc, rồi kẻ chặt cây, người kiếm củi phá vỡ sự yên tĩnh cố hữu của núi rừng. Những tấm ni lon đủ màu đủ cỡ che không đủ kín sương đêm cứ trầy trật mãi rồi cũng dựng xong, nếu nhìn chúng bằng ánh mắt lãng mạn một chút, thì khu lều trại của chúng tôi rực rỡ, sặc sỡ chẳng thua chi một vườn hoa đang mùa mãn khai. Cũng ngay đêm đầu tiên trên xứ lạ, chúng tôi đụng độ với cơn mưa rừng của cao nguyên. Mưa ào ạt như thác đổ, quăng quật hết cái thứ lều trại bát nháo ấy. Hàng trăm thanh niên, đứa nào đứa nấy ướt như chuột lột, thương nhất là mấy cô gái chỉ biết túm tụm vào nhau mà khóc, mà tìm chút hơi ấm. Nói vui vui theo kiểu rất lạc quan của dân Huế. Là vẫn còn may… May mà cơn mưa tuy rất lớn nhưng chóng tạnh, chứ không rỉ rích, dạt dài như mưa ở Huế. Cái lạnh, cái sợ, cái cơ cực khiến chúng tôi gần như thức trắng đêm. Nhưng sáng ra dù trời còn tù mù ướt sương, đơn vị đã phải tập họp, điểm danh, chuẩn bị lên đường đi tiếp. Con đường mòn ngoằn ngoèo, chon von, trơn ướt chạy vắt qua cái dốc núi sừng sững bị che kín dưới tán lá rừng và lớp sương dày đặc, càng lúc càng lên cao. Chúng tôi miệng mũi cứ tranh nhau thở, cứ lầm lũi bám theo dấu chân nhau mà đi. Những đôi chân mỏi nhừ vẫn cố sải bước thật nhanh, bởi lũ sên vắt lúc nhúc ngo ngoe chờ chực trên từng ngọn lá cành cây. Tội nghiệp những cô gái thành phố, muốn chết khiếp vì thân hình rằn rện uốn éo của chúng, nên mặt cô nào cũng trắng bệch ra, thỉnh thoảng lại nghe vài tiếng nấc nghẹn trong cổ họng. Chợt có một ai trong số mấy nàng thất thanh la lớn “Mạ ơi…”. Thế là cái dốc rừng vô danh ấy có tên Mạ Ơi từ buổi đó. Đó là cuối tháng 12 năm 1977, hơn hai năm sau ngày giải phóng Huế, Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định thành lập một loạt vùng kinh tế mới từ Bình Điền, Lương Miêu, Đắc Lắc và lúc này là Bảo Lộc, Lâm Đồng. Những anh chàng, những cô nàng tội nghiệp đó, giờ đây hầu như đã bạc trắng cả mái đầu, đang đèo nhau trên những chiếc xe mô tô chạy bon bon qua cái dốc Mạ Ơi ấy, và tranh nhau kể những tao ngộ của mình với con dốc trời ơi này. Ừ thì có biết bao nhiêu là kỷ niệm vẫn lắng sâu, dồn nén trong lòng từ thời hồn nhiên tuổi trẻ cho đến lúc là ông ngoại, bà nội. Chừ được dịp gặp nhau thì phải tha hồ kể lể, tâm sự. Chuyện những cô nàng bị vắt bám quên cả thẹn thò e ấp con gái, sẵn sàng kéo áo vén quần nhờ bọn con trai bắt giùm, bọn con trai thì đứa nào cũng quỷ quái cứ thích chơi trò đuổi hơn là bắt vắt. Và hệ quả cùng qua dốc Mạ Ơi hồi ấy là có khá nhiều cặp tình nguyện “ra dân” (Một từ dành riêng cho anh em thanh niên xung kích xin rời đơn vị để lập nghiệp ở đây). Chuyện những thằng con trai đi tải lương thực ngang qua lán trại của mấy nàng nữ thanh niên xung phong của tỉnh Hà Sơn Bình, thấy một lô áo lót ngực trắng tinh phơi phong đầy dãy hàng rào, mỗi thằng vớ đại một cái đem cắm trắng cả con dốc dài… Xuống hết dốc Mạ Ơi là một bình nguyên bao la hiện ra trước mắt. Những cánh đồng lau lách còn tươi nguyên dấu chân thú dữ dài ngút mắt, xen lẫn từng cụm rừng nguyên sinh cao ngút. Chúng tôi đã đến nơi phải đến. Một góc nhọn của dải đất hình tam giác được khép góc bởi hai con sông Đồng Nai và Đalây, mảnh đất cuối cùng của huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng giáp ranh với vùng rừng Nam Cát Tiên. Về đứng lại nơi cái doi đất này, giữa những tiếng lao xao kể lại chuyện xưa, những chuyện không bao giờ kể hết được. Tôi tách rời nhóm lặng lẽ trượt dần xuống phía dòng sông, nơi này trước kia là cái bến phà của công trường, Thõng cả hai chân xuống khuấy từng vòng sóng trên con nước ngầu đục rồi nhắm mắt lại, tôi cố hình dung lại cái quang cảnh xưa cũ. Dù đã quá lâu nhưng những gì nơi đây đã trở thành ám tưởng không thể phai nhoà trong tâm thức, tôi vẫn nhớ khá rõ ràng. Nơi kia, cái bãi bắp đang trổ cờ chính là dãy lán của ban chỉ huy công trường. Chỗ nọ là kho lương thực. Dưới mấy tán cây lâu niên ấy là ban nông nghiệp, là khu trạm xá, xa hơn nữa phía bên kia sông Đa Lây là nơi trú đóng của C nữ, cái khu vườn thiên đường trong mộng mị của bọn con trai thời đó… Cũng ở tại cái doi đất hẹp này, chúng tôi đã mượn cồn pha với nước sông để uống, để thức, để lấy lại tinh thần bàn thảo cho một chiến dịch mà hầu như tất cả anh em thanh niên Trung đoàn xung kích số 2 hồi ấy phải nhớ đời. Một chiến dịch mang tên Năm Mươi Ngày Đêm Vì Huế Ruột Thịt Thân Yêu, bắt buộc trong vòng năm mươi ngày lẫn đêm phải phát quang, mở đường và dựng tạm một ngàn hai trăm cái lán tạm che mưa che nắng cho những người dân của Huế được đột xuất đưa vào, lúc công trường chưa có một sự chuẩn bị gì để đón dân. Cả vùng đất lúc này vẫn chỉ là rừng rú hoang thiên, ngoài những nơi các đơn vị đóng quân là có phát dọn sơ sài. Vậy là công trường quớ quýt cả lên, đa số cán bộ điều hành phải bỏ lán trại chỉ huy, kéo nhau ra cái doai đất được cách ly bởi dòng Đalây. Dưới sự chủ trì của Trung đoàn phó Nguyễn Độc Đạo, chúng tôi bàn bạc giải pháp đối phó với tình huống hoàn toàn bị động này, và cũng để tránh sự bức xúc, phẫn nộ của hàng ngàn người dân. Sự tức giận của họ cũng phải thừa nhận là rất chính đáng, bởi khi lên kế hoạch đưa dân vào các phường, xã ở Huế đã nói với họ rằng trong này đã “ngon” lắm rồi, vào là có sẵn nhà cửa, vườn tược đàng hoàng. Năm mươi ngày đêm đầy mồ hôi nước mắt. Ban quy hoạch xẻ đường, phân lô đến đâu, thì các đơn vị thanh niên tranh thủ dựng lán đến đó. Thật ra sức người là có hạn, đã ăn uống thiếu thốn lại phải lao động cật lực nên rất nhiều anh chị em thanh niên kiệt sức ngã quỵ, nằm la liệt ở trạm xá vùng. Nhưng rồi nhìn hàng ngàn bà con Huế của mình, đủ hạng nam, phụ, lão, ấu phải chịu cảnh chun đụt dưới những tấm ni lon đi mưa che san sát ở vạt đất mới cày làm nơi trú tạm, lại cố gượng dậy... Cứ chiến dịch này nối tiếp chiến dịch khác, bất kể nắng mưa chúng tôi cứ chạy đua với thời gian. Vật chất thì thiếu thốn đủ mọi thứ. Thèm từ cọng rau đến khúc sắn, củ khoai. Thèm đến độ bất chấp lệnh ăn bậy quả rừng, nên không thiếu lần cả hàng chục người bị ngộ độc. Có lẽ lần ngộ độc hàng loạt thảm hại nhất là lần một số thanh niên đóng quân tại hiện trường C, đốn nguyên cả cây bứa rừng và ăn, loại trái này ngon chẳng kém chi trái bứa vườn nhà, nhưng một hai trái thì được, đằng này chơi nguyên cả cây đang mùa trái chín. Vậy là non trăm vị cả nam lẫn nữ bị ngộ độc. Nửa đêm ban chỉ huy phải tức tốc huy động toàn bộ Trung đoàn 2 sắp một hàng dọc đốt đuốc, soi sáng gần chục cây số đường mòn để gánh bệnh từ hiện trường C ra đến bệnh xá công trường. Cùng với sự bổ sung thêm Trung đoàn 3, các đơn vị thanh niên mấy xã vùng ven cùng với những đợt đổ dân ào ạt. Rừng bị đẩy lùi dần. Vùng đất hoang vu đầy dấu chân thú dữ cũng biến dạng thành làng mạc, thôn xóm. Những cánh đồng lau lách biến mất dần thay vào đó là hàng trăm héc ta ruộng nước, đồi núi thành nương rẫy khoai, sắn. Đời sống, sinh hoạt của đa phần cư dân mới vào cũng bắt đầu đi vào ổn định. Ban chỉ đạo vùng thành lập thêm bộ phận giáo dục, xây dựng trường học. Tuyển dụng đội ngũ giáo viên đã cùng gia đình vào đây lập nghiệp, động viên một số thanh niên xung kích có trình độ học vấn đủ khả năng dạy học tình nguyện ở lại. Ngôi trường đầu tiên là một gian nhà tranh tre nứa lá được mang tên Võ Thế Yên - một thanh niên xung kích bị chết vì tai nạn lao động. Cùng với sự nghiệp giáo dục, ban chỉ đạo cũng đã chọn lựa từ C Hương Lâm (đơn vị mới thành lập của anh chị em thanh niên tình nguyện ở lại) để đưa ra huyện, lên tỉnh để đào tạo cán bộ làm nòng cốt cho vùng sau này. Bù trừ lại bao điều gian khổ ấy là cuộc sống tinh thần chúng tôi khá phong phú. Dù là một tổ hợp đủ loại thành phần trong xã hội, có người đã tốt nghiệp đại học… có kẻ là dân giang hồ, mù chữ… Nhưng vui vẻ hoà đồng cùng sinh hoạt, cùng ăn ở dưới một mái nhà lớn, luôn sẵn sàng chia sớt cho nhau từng hạt muối, từng cọng rau rừng. Tình bạn tự nhiên nở lớn vòng tay, những khuôn mặt xa lạ dần thành thân quen, dù là hàng ngàn thanh niên, hàng chục đơn vị, ban ngành đóng rải rác khắp một vùng rộng lớn đi cả mấy ngày trời không hết, vậy mà hầu như ai cũng quen mặt và biết tên nhau. Và từ lúc đặt chân xuống mảnh đất này cho đến lúc, kẻ ở lại Hương Lâm, người trở về Huế, là một quãng thời gian khá dài vẫn không có một sự xô xát, ẩu đả đáng tiếc nào xảy ra. Hai trung đoàn, 14 đại đội, gồm hơn một ngàn hai trăm thanh niên thành phố Huế đã đến đây. Bây giờ. Sau ba mươi mấy năm, ngồi lại bên nhau, đếm không đầy hai chục mống. Những khuôn mặt, những cái tên từng í ới gọi nhau thời thanh xuân như Ni, Mỹ, Lưu, Ngọc, Hồng, Vui, Thụy, Yến... có kẻ trở về sau khi mãn hạn nhiệm vụ, có người đăng ký ở lại để sản sinh ra thế hệ thứ hai, thứ ba trên vùng đất mới. Nhìn quanh những cái đầu bạc trắng, những nếp nhăn mang đầy đủ tuổi già để làm ông nội, bà ngoại, đang hào hứng vỗ tay hát lại những bài ca mang tính truyền thống của thanh niên xung kích hồi ấy...!! Ta đi lên sức trẻ mùa xuân… Hương Lâm ơi Hương Lâm ơi… ta đi xây đời đẹp tươi… Trông vừa ngộ nghĩnh, buồn cười, vừa cảm động đến rưng rưng nước mắt. Buổi chiều, chúng tôi đến thăm khu nghĩa trang. Đốt nén nhang, nhìn lại từng gương mặt trẻ trung hồn nhiên, đọc lại từng cái tên quá quen thuộc trên mấy tấm bia đá, nào Trương Thị Tuyết Nhung, Nguyễn Đôn Minh, Trần Minh Thành… Sinh quán Thừa Thiên - Huế… từ trần tại Hương Lâm… lòng bỗng buồn vô hạn. Buồn vì vùng đất chúng tôi đặt hết nhiệt huyết, cạn sinh lực để vật lộn với từng cơn sốt rét, từng cơn lũ quét, từng đêm thức trắng dập lửa để bảo vệ rừng, bảo vệ dân, từng bữa ăn đôi khi chỉ là mấy khúc sắn bị xâm đắng ngét. Vậy mà bao nhiêu năm qua vùng đất này vẫn còn nghèo lắm, còn vật vã trong bao thiếu thốn kham khổ. Ngoài chúng tôi, chưa đầy hai mươi đứa, đang cúi đầu hoài niệm, tưởng nhớ số anh em thanh niên xung kích Huế đã nằm lại dưới những nấm mộ khang trang sạch sẽ luôn thấm đẫm mùi hương khói do số anh em lập nghiệp ở Hương Lâm gom góp công sức, tiền bạc để xây nên, để gìn giữ. Thì còn ai, trong số những người cùng chúng tôi đưa dân vào những vùng đất được đặc tả bằng thơ mà một người trong nhóm đang khe khẽ ngâm… Bầy thú dữ gầm vang đêm núi/ Tìm mô ra một dấu chân người... Họ có lúc nào chợt nhớ đến những giọt mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả mạng sống của hàng ngàn thanh niên, hàng vạn người dân của Huế đã đổ ra trên những vùng kinh tế mới để nói, dù chỉ một lời cám ơn. N.H.Y (266/4-11) |