[if gte mso 9]>
Normal
0
false
false
false
MicrosoftInternetExplorer4
Có nhiều lý do, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tôi thường đi theo các sư đoàn chủ lực ngoài hậu phương miền Bắc vào tham dự các chiến dịch lớn ở Khe Sanh, đường 9, thành cổ Quảng Trị v.v… Sau năm 1975, đi theo các đơn vị bộ đội giải phóng đến tận Sài Gòn và miền Tây rồi tôi lại quay trở ra thâm nhập Bình Trị Thiên để viết những cuốn tiểu thuyết “Miền cháy” và “Những người đi từ trong rừng ra”.
Những số phận con người ở đây, những nỗi vất vả đói no, gian khổ ở đây, cả sắc trời và sắc những dòng sông xanh chảy giữa những cồn cát trắng phau ở đây - đối với tôi như chính đời sống đích thực của mình.
Có lẽ vì tôi cũng là một người gốc gác ở miền Trung chăng? Điều tôi nhớ đến trước tiên, lúc này là những khuôn mặt bạn bè - Ở Huế, mỗi lần đi dạo với các anh chị cầm bút ở chi hội Bình Trị Thiên dọc dòng sông Hương, tôi lại nhớ những ngày mình khoác ba lô cóc leo qua con đường tàu bỏ hoang cao như một con đê - để tìm đến với các anh chị ở trong cái xóm sơ tán Phú Vinh. Hoặc những ngày nóng như rang người giữa phố xá đổ nát của thị xã Đông Hà, tôi đã chung sống với các anh chị viết văn, làm thơ, vẽ tranh của Ty văn hoá Quảng Trị - từ đấy đi xuống tuyến cắm cờ, dự trao trả tù binh, hoặc thăm thú Cửa Việt.
Tôi nghĩ rằng cái thực tế đời sống Bình Trị Thiên đầy da diết nó ngấm vào tâm hồn và những trang viết của chúng ta như một chất gừng cay muối mặn hàng bao đời người ngấm vào trong câu hát miền Trung.
Bình Trị Thiên - mảnh đất với dòng sông Bến Hải, thành cổ Quảng Trị, với những xóm làng Gio Linh mà đến giờ tôi vẫn giữ được một mảnh bản đồ một phần trăm nghìn của Mỹ với hàng chữ lớn bằng tiếng Anh “tự do bắn phá” in đè lên suốt chiều dài của huyện.
Bình Trị Thiên - mảnh đất của những người đàn bà có dáng dấp như một người mẹ Đất nước, những người đàn bà sinh ra để nuôi nấng cách mạng, cả một đời sinh con, nuôi con và khóc con bằng những giọt nước mắt cô đặc lại bởi cát bụi. Bình Trị Thiên - mảnh đất của tất cả những gì đã đi đến tột cùng của đời sống con người: từ sự hủy diệt của chiến tranh cho đến sức hồi sinh của sự sống, từ nỗi khổ đau do tội ác của giặc gây nên đến niềm sung sướng, hạnh phúc được sống trên miếng đất giải phóng. Những giá trị nhân bản, những tầm vóc con người, cho đến nghị lực của cháu bé ở đây cũng đều mang một kích thước lớn.
Cuộc đời to rộng mà vạt áo nhà văn chúng ta dường như lại quá ngắn hẹp, chẳng nói được bao nhiêu. Mà thời gian lại đi nhanh quá! Thế mà trong cuộc sống hàng ngày, một đôi khi chúng ta lại có động tác thừa khiến tiêu phí sức lực và thì giờ.
Quả thực mỗi lần trở lại vùng đất này, cái điều khiến tôi ao ước là giá có một nhà văn đầy tài năng để viết về nó.
Trên những triền đất như một chân trời vỏ đạn đang trôi chảy những dòng sông xanh mang tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn kia, những con người hôm nay vẫn như bao đời. Không bao giờ ngừng cuộc chiến đấu với địch họa và thiên tai.
Bên dưới tầng lớp đất dưới bàn chân chúng ta là những lớp thời gian, và gói kín trong những lớp thời gian là tầng tầng lớp lớp ký ức của nhân dân.
Tôi đã sống ít nhiều trong bom đạn ác liệt ở đây, nhưng sau chiến tranh mỗi lần trở lại thung lũng Khe Sanh hoặc thành cổ Quảng Trị, đứng một mình lắng nghe cái im lặng thẳm sâu và mênh mông - tôi mới sực hiểu thế nào là ký ức của đất cát, là cái lớn lao cùng sự huyền nhiệm của đời sống. Đời sống quanh ta cứ mới mãi, và bao giờ cũng dấy lên, chính vì thế?
Thành cổ Quảng Trị bây giờ đã sầm uất, đông vui lắm! Nhưng có một thời ở đây là một khu rừng hoang mạc đầy lau lách và chuối dại. Không biết bao nhiêu lần, tôi đã đến đây; lang thang giữa rừng lau và những dãy phố đổ sập im vắng đến rợn người. Bỗng nghe một tiếng hót rụt rè. Quái nhỉ, vẫn cái tiếng chim ấy, tôi đã nghe trong quang cảnh đầy vắng vẻ giữa sân bay Tà Cơn, trên các điểm cao 544, Động Toàn, Ba Hồ, hoặc ngoài cánh đồng hoang suốt hàng chục năm dưới chân Ba Dốc. Đâu đâu cũng vẫn cái tiếng chim ấy, đầy rụt rè và ngập ngừng, và giá lắng nghe kỹ, mới thấy cái tiếng hót của con chim bay ra từ trong khói lửa chiến tranh mới bình thản và trong trẻo làm sao!
Chỉ một lần, giữa một triền rừng chuối dại mọc lan tận mép nước bờ sông Thạch Hãn, tôi trông thấy một con chim bỗng nhiên bay vụt lên như có bàn tay của một người lính tinh nghịch nào đó ném thia lia lên giữa trời xanh một hòn cuội màu xám.
Có lẽ đã ngoài mười năm, ngày nay mỗi lần trở lại thị trấn Thành Cổ, đi giữa phố xá, hiệu giải khát, tiệm may, hiệu ảnh, nhà hàng đóng giày, và chợ búa, bến đò tấp nập những người, tôi lại thấy con chim bé nhỏ của ngày nào bay vụt lên, từ trên vùng cao xanh gieo xuống mặt đất vất vả vẫn còn đầy rẫy vết tích chiến tranh những tiếng hót thanh mảnh, đầy bình thản và trong ngần.
N.M.C
(16/12-85)