Những nẻo đường đất nước
Ai trong đời chẳng có một Khâu Vai [*]
10:34 | 08/08/2011
LÊ THỊ BÍCH HỒNG Ghi chép Đến hẹn lại lên cứ đến ngày 27/3 (âm lịch) hàng năm, mảnh đất Mèo Vạc - nơi “phên dậu” của Tổ quốc lại rạo rực không khí đón Lễ hội chợ tình Khâu Vai - phiên chợ tình nổi tiếng có một không hai ở nước ta, thậm chí còn độc đáo và hiếm có trên thế giới, mà từ lâu đã trở thành huyền thoại.
Ai trong đời chẳng có một Khâu Vai [*]
Chợ tình Khâu Vai - Ảnh: internet
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Đây là ngày hội của tình yêu, của những mối tình dang dở, khiến cả đời tìm kiếm mòn mỏi. Nhưng phiên chợ đặc biệt ấy vẫn có một ngày dành cho những lứa đôi để nhớ, để thương, để có phút “xao lòng”, “ngoài chồng, ngoài vợ”, để một ngày như nơi hẹn hò của “Ngưu Lang Chức Nữ” gặp gỡ… rồi lại xa nhau… và lại hẹn vào mùa Khâu Vai tới.

Khâu Vai
là tên gọi của một xã thuộc huyện Mèo Vạc - huyện xa nhất của tỉnh Hà Giang, nằm ở điểm cuối cùng của Con đường Hạnh phúc và cũng là huyện biên giới đặc biệt khó khăn. Người Nùng thường gọi Khâu Vai là Khau Vai (nghĩa là rừng mây, hoặc đèo mây, cũng có ý nói tình cảm của đôi trai gái gắn bó, quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núi quanh vùng) và người ta lấy tên này đặt cho tên thôn. Thôn Khâu Vai trước đây là bản của người Nùng tụ cư từ lâu đời, sau có thêm người Giấy, người Mông, người Dao đến sinh sống. Quần thể di tích Khâu Vai có tổng diện tích 11.169m2.

Nơi đây, gần một trăm năm nay đã diễn ra phiên chợ “phong lưu”, mà n
gười Nùng, người Giấy gọi là “Pày hửa liu” (nghĩa là đi chợ phong lưu); người Mông gọi là “Mù cửa khư phông lìu” (cũng có nghĩa là đi chợ phong lưu) và sau gọi là Chợ tình Khâu Vai. Chợ họp trên một quả đồi tại xã Khâu Vai mang nét đặc sắc văn hóa bản địa của các dân tộc sống trên cao nguyên đá Đồng Văn và người dân Bảo Lạc (Cao Bằng). Gọi là chợ phong lưu, nhưng không có kẻ mua người bán, duy chỉ có một vài hàng ăn thắng cố và rượu ngô phục vụ những người đến chợ. Nhưng Khâu Vai thời hội nhập có khác hơn. Không ít người băn khoăn, trăn trở bởi “Sao Khâu Vai lại thế này? Những giá trị nguyên bản của phiên chợ đã đi đâu?”. Việc hình thành chợ tình Khâu Vai, cũng như tên gọi đến nay vẫn còn nhiều giả thuyết, ý kiến khác nhau cần được tiếp tục “giải mã”. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là Chợ tình Khâu Vai đã có mặt trên cao nguyên đá này hàng trăm năm. Ý nghĩa nhân văn của phiên chợ “phong lưu” vẫn tạo nên sức hấp dẫn đến lạ kỳ, đi vào tâm thức bền lâu với ấn tượng khó phai, không chỉ với chủ nhân của cao nguyên đá “độc nhất vô nhị” này.

Khâu Vai như nơi hẹn hò của “Ngưu Lang Chức Nữ” mỗi năm chỉ một lần
vẫn giữ nét nguyên sơ, bản địa về câu chuyện tình dang dở của đôi trai gái yêu nhau mà không lấy được nhau. Chuyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, trên địa bàn Khâu Vai ngày nay có một gia đình nông dân nghèo, dân tộc Nùng có 3 người con trai. Cả 3 chàng trai đều khoẻ mạnh, khôi ngô tuấn tú, giỏi việc nương, săn bắn... Hàng ngày, các chàng trai theo cha vào rừng săn bắn, khai thác song mây đem sang vùng Bảo Lạc để đổi lấy vải, dầu, muối. Chàng trai thứ 3 có tài thổi sáo và có giọng hát rất hay. Tiếng sáo, giọng hát của chàng làm xiêu lòng biết bao cô gái trẻ. Nhà nghèo, nhưng chàng rất tốt bụng, thấy ai gặp khó khăn, chàng đều sẵn lòng giúp đỡ. Dân làng yêu quý gọi chàng bằng cái tên trìu mến là chàng Ba.

Nhà Tộc trưởng người Giấy có một cô con gái út xinh đẹp vừa độ tuổi trăng tròn. Nàng Út thích ra bờ suối soi bóng mình. Đôi mắt nàng trong như dòng suối, đôi môi hồng như nụ đào mới nhú, làn da trắng mịn như hoa lê, hoa mận. Càng lớn, nàng càng rực rỡ như chim nộc hang, nộc phầy vào mùa kết bạn. Giọng hát của nàng tựa như chim họa mi hót... Là con nhà giàu, nhưng nàng Út rất tốt bụng, thường giúp đỡ người khó khăn và chơi cùng chúng bạn nghèo, khi chăn trâu, lúc lại ra bờ suối hát. Đã có bao chàng trai con nhà giầu, con tộc trưởng người Giấy ở các bản trong vùng ngỏ ý muốn hỏi nàng làm vợ, nhưng nàng đã khước từ vì trái tim nàng đã  rạo rực, thổn thức bởi tiếng sáo của chàng Ba. Mỗi lần nghe tiếng sáo dìu dặt ấy, cái chân của nàng lại muốn xuống cầu thang chạy đến bên người thổi sáo tâm tình. Chàng Ba cũng vậy, mỗi khi nghe tiếng hát của nàng Út trái tim chàng lại bồi hồi xao xuyến... Mối tình của hai người như suối lửa âm ỉ đến một ngày bùng cháy thành ngọn lửa, đó là vào đêm lễ hội Lồng Tồng.

Tiếng hát của nàng bay xa đã quyện hòa trong tiếng sáo của chàng Ba. Nghe tiếng sáo của chàng Ba réo rắt ngay chân cầu thang, nàng Út ra mở cửa, đón chàng lên nhà ngồi bên bếp lửa cùng hát đối. Thấy vậy, cha mẹ nàng lấy trộm gạo, muối đem ra cầu thang ném để đuổi chàng đi, khi biết chàng là con nhà nghèo, lại khác dân tộc... Sự cấm đoán gay gắt của gia đình, họ hàng càng làm cho mối tình của họ ngày càng thắm thiết, tình yêu càng bùng cháy như ngọn lửa gặp gió. Nàng Út đã nhiều lần trốn gia đình ra bờ suối cùng chàng Ba gặp gỡ tâm tình. Nhưng lần nào cũng bị cha mẹ sai người bắt về và nhốt trong buồng. Không còn cách nào khác, chàng Ba và nàng Út đã dùng tiếng sáo, lời hát. Hiểu được ngôn ngữ hò hẹn ấy, họ cùng bỏ nhà, tìm gặp nhau trên núi Khâu Vai. Mối tình của họ ngày càng thắm thiết thì cũng là lúc từ chuyện ngăn cấm của hai gia đình đã biến thành xô xát, hiềm khích, thù hận giữa hai bộ tộc. Một ngày kia tình nồng đang bén, từ trên núi cao, đôi uyên ương chứng kiến cảnh tượng đau lòng với gậy gộc, cung tên, đánh nhau đổ máu giữa 2 dân tộc Nùng và Giấy. Biết tình yêu của mình là nguyên nhân gây nên hiềm khích đó, thương cha mẹ, anh em, họ tộc phải đổ máu, hai người đành gạt nước mắt chia tay nhau về lại bản của mình. Bỏ lại tình riêng, họ thề nguyền kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng, còn kiếp này không lấy được nhau và phải lập gia đình với người khác, họ hẹn nhau nhớ ngày chia tay này để hàng năm sẽ trở lại núi Khâu Vai gặp lại nhau, kể cho nhau nghe nỗi nhớ nhung phải chôn chặt tận đáy lòng. Ngày ấy là ngày 27/3 âm lịch. Và cũng ngày ấy lần hẹn gặp sau, họ đã cùng nhau về thế giới bên kia để không phải sống trong nỗi mòn mỏi, nhung nhớ, chờ đợi suốt cả năm trời đằng đẵng.

Không thấy con trở về, gia đình, dòng tộc hai bên đã đi tìm khắp non cao, rừng thẳm bầm dập đá tai mèo, nhưng vẫn không tìm thấy. Vài ngày sau, xác chàng Ba và nàng Út được tìm thấy dưới chân vách đá. Họ vẫn đang ôm chặt nhau như không muốn rời xa. Thương xót và ân hận, gia đình họ đã làm lễ mai táng, dựng lên 2 miếu thờ, nay gọi là miếu Ông, miếu Bà.


Câu chuyện tình cảm động được nghe tại Khâu Vai vào thời điểm này, bỗng làm lòng tôi nao nao đến lạ về một vùng văn hóa bản địa độc đáo đến bất ngờ, thẫm đất chất thơ, nồng nàn chất tình và có cả chút bùi ngùi về một phiên chợ tình dành cho những đôi trai gái lỡ duyên, yêu nhau mà không được sống bên nhau, và chỉ một ngày duy nhất trong năm về đây tìm gặp lại người xưa, tình cũ. Không biết tự bao giờ người dân ở đây đã quen với lời hát khi đến Khâu Vai:

Không được làm ruộng thì làm nương
Không được làm vợ thì làm người tình


Đến hẹn mỗi năm một lần, những đôi lứa dẫu mỗi người đều có duyên phận riêng mình, nhưng vẫn nhớ nhau, mong chờ gặp lại:

Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào
Vượt đỉnh Mã Pì Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai…


Cái đặc sắc nhất của chợ tình chính là sự hoang sơ, độc đáo hiếm thấy và tính nhân văn. Trước đây, đến chợ chủ yếu là người có mối tình ngang trái, yêu nhau mà không lấy được nhau, bởi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến và những tập tục lạc hậu. Mỗi người với mỗi hoàn cảnh khác nhau, phần lớn đã có gia đình riêng; có người đã thành ông, thành bà; có người hàng năm gặp nhau đều đặn, có người vì nhiều hoàn cảnh xa nhau đã 3 năm, 5 năm, 10 năm và cả mấy chục năm, thậm chí không bao giờ gặp lại; có người một mình đến chợ; có khi cả cặp vợ chồng cùng rủ nhau đi gặp người tình cũ. Người ở bản xa đến chợ từ chiều hôm trước, có thể ngủ trọ ở gần chợ, nhà người quen trong đêm.

Có lẽ chỉ đến tận Khâu Vai mới cảm nhận thực sự đầy đủ ý nghĩa của câu ca dao: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo - Thất bát sông cũng lội, thập nhị đèo cũng qua”. Có người đã liên tưởng ngọn nguồn của câu ca bất diệt này gợi lên từ chính chợ tình Khâu Vai. Có yêu đến quặn lòng, nhớ nhung đến mòn mỏi, đau đớn chà xát trái tim đến rớm máu… của những người đã trót khổ vì yêu mới đủ sự can đảm, bất chấp tất cả, kể cả nguy hiểm rình rập có thể đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào, mới có thể vượt qua đèo dốc gập ghềnh, độ cao thăm thẳm, sự hiểm trở của đá tai mèo sắc nhọn như những mũi chông thép đâm lên tua tủa, sơ xảy một chút có thể hất ngay xuống thấu miệng vực.

Không biết phiên chợ Khâu Vai đã bao nhiêu tuổi
Để những mối tình thức ngủ với thời gian


Tôi lạc giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực, ngất ngây trước những âm thanh réo rắt của tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương, tiếng khèn lá du dương như gọi mời, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giấy... với tiếng trống đồng ngân vang trong Lễ hội Cầu mưa của người LôLô, với những làn điệu hát phươn mang âm hưởng của tiếng nhạc rừng, vang lên qua tiếng hát của đôi trai gái người Dao, và cả làn điệu hát lượn của người Tày trong lễ hội Lồng Tồng, trong những hội hát giao duyên của lứa đôi đi tìm tình yêu và kết duyên hạnh phúc. Hình như ai cũng muốn trở về một thời rạo rực của con tim căng tràn sức sống ở tuổi hai mươi.

Đôi bạn tìm thấy nhau có thể mời nhau uống rượu, ăn cơm nắm, cơm lam, mèn mén, ăn bát thắng cố, uống rượu ngô… và chọn một nơi nào đó tâm sự, kể cho nhau nghe về những vui buồn trong cuộc sống, hát cho nhau nghe những làn điệu dân ca quen thuộc và gửi vào trong đó tình thương, nỗi nhớ và có cả chút giận hờn suốt đêm 26, cả ngày 27/3:

Đêm nay đôi ta ngồi đã muộn
Gà gáy giục chín năm mười sáu tiếng
Đôi ta không có lòng thì thôi
Có lòng thì hãy mau mau cất tiếng lên giọng..
.

Tiếng đáp lại chân thành bởi được cất lên từ trái tim rạo rực, mê say trong đêm huyền thoại quyến rũ và chỉ những đôi lứa “có lòng” với nhau mới cảm nhận được “tín hiệu” ấy:

Giờ này trời đã về khuya
Sao đã lượn vòng đổi ngôi
Sương đã phủ trắng
Em chỉ biết mình anh nhưng chưa biết tim anh...

Ở phiên chợ tình, có khi chỉ chồng, hoặc chỉ vợ may mắn gặp được bạn tình, người còn lại vẫn một mình kiên nhẫn chờ đợi, thậm chí còn chờ cả đêm và hết ngày hôm sau, rồi mới cùng nhau trở về nhà mình. Đến một quán rượu, tôi hỏi chuyện một phụ nữ người Mông trung niên biết nói tiếng Kinh. Chị thật thà kể rằng chồng bảo ngồi đây chờ, đừng đi đâu nên chị không dám “xê dịch” khỏi chỗ này. Tôi hỏi “Chồng chị đã gặp bạn chưa? Nếu gặp được bạn chị sẽ chờ cả đêm nay chứ? Mà chị có tìm bạn của mình không”. Chị nâng một chén rượu ngô lên, rồi thủng thẳng trả lời “Phải chờ chớ. Nó gặp được bạn cũ rồi mới đi lâu vậy. Mình cũng có bạn chớ, nhưng không biết nó có xuống chợ không”. Tôi nhìn thấy nhiều cặp, đôi thì đứng trên mỏm đất, người thì ngồi trên mỏm đá, dưới gốc cây… rì rầm tâm sự. Không riêng tôi mà nhiều người đến đây đều đốt lên một câu hỏi về “cái hậu” của “Những cuộc tình vụng dại - Những cuộc tình khôn ngoan(1) ấy diễn trong đêm trước ngày 27/3 khi họ được sống trong mối quan hệ “ngoài chồng, ngoài vợ”.

Cũng vì thế chăng mà những lứa đôi lỡ làng duyên phận sợ làm mất cái “Đền thiêng” vào đúng cái ngày “giỗ tình yêu”? Tình yêu có sức mạnh vạn năng. Đôi khi người ta cứ tưởng đã ngủ yên, tưởng đã cất giấu, đã nén chặt trong trái tim, yên tâm vì đã chôn chặt “tình yêu trong bia mộ”, nhưng “tình yêu vùng dậy”, xô đổ mộ bia, trách móc và tự nó khẳng định sự bất diệt “Ta đang sống đây mà” (Heinrich Heine). 

Đến hẹn mỗi năm một lần, những đôi lứa dẫu mỗi người đều có duyên phận riêng mình, nhưng vẫn nhớ nhau, mong chờ gặp lại được người tình cũ
:

Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào
Vượt đỉnh Mã Pì Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai…


Vợ chồng rủ nhau về. Ngày xưa thì chồng trên lưng ngựa, vợ cầm đuôi theo sau. Bây giờ thì họ có “ngựa sắt”. Có người khi ra về đã say khướt. Có người trở về vương vất chút tình nhung nhớ. Nhưng không hề có sự ghen tuông, bực bội, tra vấn… khi mỗi người tìm được người tình cũ của mình. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng và coi đó là tình cảm thiêng thiêng, là bổn phận và trách nhiệm làm đẹp cuộc sống tinh thần cho người bạn đời của mình.

Đây là chỗ được em, được khóc
Đây là chỗ dành cho nước mắt
Chỉ có một đêm thôi
Còn lại ba trăm sáu mươi tư ngày

Em lại mím môi cắn nước mắt cho đời(2)
.
Ai mà chẳng có một đời dang dở phía sau

Tình yêu khiến con người có thêm sức lực tinh thần để tìm nhau “Dù là tuổi 20 - Dù là khi tóc bạc”. Cả đời người ta vẫn kiếm tìm không mệt mỏi. Năm này qua năm khác, lời hẹn Khâu Vai được gìn giữ cho đến lúc một trong hai người từ giã cõi đời. Tôi đã có thêm bao câu chuyện tình yêu sống động từ phiên chợ độc đáo này.

Vẫn đó vào phiên chợ tình mấy năm trước đây, có ông cụ 86 tuổi vẫn chống gậy men theo đường mòn tìm về Khâu Vai, tìm về lời hẹn ước năm xưa. Đó là cụ già từ Cao Bằng sang lỉnh kỉnh, một bên là một bi đông rượu, một bên là túi nải, trong đựng xôi nếp, bánh ngô, thịt nướng, như cụ nói là đủ cho cả hai người. Cụ đến từ chiều hôm trước, tha thẩn trong chợ, mắt hướng đầu non chờ mong âm thầm, tìm về Khâu Vai, tìm về lời hẹn ước năm xưa. Từ ngày hôm trước, hết ngày hôm sau, cụ vẫn kiên trì kiếm tìm người phụ nữ của mình. Mệt mỏi, ngồi dưới gốc cây, lúc ấy, cụ mới giở nắm cơm ra, để lại một nửa, lại cất vào trong tay nải, rồi mới ăn, ăn từng miếng nhỏ trệu trạo, mà vẫn hướng mắt xung quanh kiếm tìm. Thấy thế, có người hỏi về phần cơm để lại, lúc đó cụ mới trả lời chậm rãi “Tôi gói nắm cơm này đủ cho 2 người, nhưng chưa thấy bà ấy, nên tôi để phần nhỡ có gặp, bà ấy còn có cơm mà ăn”. Những người chứng kiến đều lặng đi xúc động về một “tình yêu không tuổi”. Rồi trước mắt tôi hiện lên cụ già thẫn thờ khi màn đêm vây phủ và phiên chợ vốn đông đúc đã không còn bóng người. Bước chân nặng nề, chậm rãi trôi nghiêng về con đường đã đưa cụ đến chợ. Và rồi bóng ấy nhỏ dần như hạt bụi lẫn vào đá thẫm và tôi vẫn tin hành trình ấy vẫn tiếp tục nếu như đôi chân của cụ vẫn còn bước được...

Bắt nguồn từ một câu chuyện tình lãng mạn đầy tính nhân văn, chợ tình Khâu Vai hôm nay trong cuộc sống bộn bề ít nhiều đã đổi thay, nhưng cái nét đặc sắc, độc đáo của riêng nó cơ bản vẫn giữ được. Trong cái nhộn nhịp mua bán, trao đổi hàng hoá, ở đâu đó ánh mắt vẫn kiếm tìm mải miết, văng vẳng lời kèn lá nỉ non, những câu hát đối, hát phươn của những chàng trai, cô gái người Tày, người Giấy, người Nùng; tiếng sáo tỏ tình của chàng trai người Dao; tiếng khèn thiết tha gọi bạn của chàng trai người Mông dìu dặt như mời mọc, như chào gọi làm rạo rực, say đắm lòng người hòa trong tiếng gió vi vu như kể lại cho du khách câu chuyện tình ngày xửa ngày xưa không bao giờ trở lại. Khâu Vai bây giờ không chỉ có người Nùng và người Giấy mà còn có người Mông, người Dao cùng sinh sống và còn có cả người Kinh từ nhiều vùng miền đổ về đây thưởng thức sinh hoạt văn hóa độc đáo này và hết sức ngưỡng mộ “Các dân tộc sống trên cao nguyên đá này sở hữu một di sản văn hóa độc đáo và nhân văn thật hiếm thấy”.

Chợ tình Khâu Vai hôm nay không chỉ là chợ của những mối tình trắc trở, trái ngang của người Mèo Vạc, của các dân tộc sống trên cao nguyên đá, mà nó đã trở thành sinh hoạt văn hóa độc đáo, hấp dẫn, là điểm đến của nhiều thanh niên nam, nữ của các dân tộc không chỉ của riêng Hà Giang cùng đến chợ hò hẹn, tìm bạn, để từ đó có nhiều đôi lứa đã nên vợ nên chồng từ phiên chợ “phong lưu” này. Thời gian cùng cuộc sống văn minh hôm nay đã làm chuyển biến chuyện hôn nhân thay đổi theo hướng tích cực. Vì thế, các chàng trai, cô gái được tự do tìm hiểu và quyết định hôn nhân mà không gặp phải sự cản trở của các bậc làm cha làm mẹ như chàng Ba, nàng Út thuở xưa.

Và với những giá trị tự thân của nó, chợ tình Khâu Vai cũng đã trở thành điểm đến mỗi năm của nhiều du khách, nhất là khi cao nguyên đá Đồng Văn được tổ chức UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Dòng người đủ mọi sắc màu của các dân tộc hối hả đổ về bằng nhiều phương tiện hướng về nơi diễn ra phiên chợ “phong lưu”. Người dưới xuôi lên dự phiên chợ tình lãng mạn của vùng cao không khác gì đi đến những điểm tham quan nổi tiếng như: Bà Nà, Mũi Né, Sa Pa. Trong đó, số đông ngưỡng mộ thích thú phiên chợ tình độc đáo và cũng có không hiếm người hiếu kỳ.

Phiên chợ trở thành nếp sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc cao nguyên đá Hà Giang. Chợ tình Khâu Vai từ một truyền thuyết mang tính huyền thoại đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian của các dân tộc huyện Mèo Vạc nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung. Phiên chợ độc đáo này đã ôm trọn cái đẹp của cuộc sống thực, hòa mình giữa con người với thiên nhiên, giữa sự ngưỡng mộ, tri ân của con người với thần thánh, của con người với con người. Trên cái nền vừa đẹp, vừa linh thiêng được lay động bởi những âm thanh hấp dẫn của tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hát; không giang Khâu Vai vừa da diết, dìu dặt, vừa sôi động thiết tha vừa chân thành nồng nàn đến cháy bỏng:

Chàng ơi xuống núi cùng em
Hãy đi cùng ngựa xuống theo một mình

Lễ hội chợ tình Khâu Vai đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng của người dân Hà Giang và cũng là phiên chợ độc đáo hiếm có trên mọi quốc gia. Phiên chợ là ngày hội của tình yêu, của mọi lứa tuổi đi tìm bạn tình, của những người đã từng yêu và cả những ai chưa từng yêu. Khâu Vai vẫn là nơi hò hẹn của tình yêu. Khâu Vai ám ảnh “cứa vào lòng thương nhớ”. Bao người thẫn thờ, xa xót trước “một Khâu Vai trong số phận chúng mình” để tìm kiếm, để chờ đợi “người ấy” của mình: 

Em đến chợ tình rồi, anh có tới Khâu Vai?...

L.T.B.H
(269/07-11)


............
[*] Bài thơ “Khâu Vai” của Trần Hòa Bình
(1) Thơ Trần Hòa Bình
(2) Thơ Võ Sa Hà







Các bài mới
Các bài đã đăng
Làng ươm trái (21/10/2010)