Những nẻo đường đất nước
Xẻ dọc biển Đông đi cứu nước
09:26 | 21/10/2011
NGÔ MINH Kỷ niệm 50 năm Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2011)
Xẻ dọc biển Đông đi cứu nước
Tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển - Ảnh: tienphong.vn
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Ông già Phan Thắng (tên Hoàng tộc Triều Nguyễn là Vĩnh Mẫn, chắt nội của vua Hiệp Hòa) năm nay 81 tuổi, ở Huế, là cựu Trưởng Ban Tuyên giáo của D759, tức Đoàn tàu Không số xưa. Ông gọi tôi đến nhà ông ở Đập Đá, bên bờ Sông Hương chơi rồi say sưa kể chuyện về những con tàu Không số.

Ông nói năng minh mẫn, hoạt bát, giọng vang như chuông khánh. Một lần ông bảo, có nhà báo Đức nổi tiếng tên là Hellmut Kapfenberger sang Việt Nam muốn viết về đoàn tàu Không số thời chống Mỹ. Ông ấy nêu mấy câu hỏi nhờ cán bộ lãnh đạo Lữ đoàn 125 Hải Quân (tức D759) trả lời. Anh em ở Lữ Đoàn 125 mới điện vào tham khảo ý kiến ông Phan Thắng, là người cũ của Đoàn tàu Không số - người am hiểu nhất về từng con tàu trên biển. Theo trình tự những câu hỏi của nhà báo Đức, ông Phan Thắng đã kể cho tôi nghe lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông vô cùng hấp dẫn và xúc động.

Lịch sử ghi rằng: Tháng 1 năm 1959, Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) đã ra nghị quyết 15 xác định rõ: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân...”. Muốn khởi nghĩa giành chính quyền thì phải có quân đội, vũ khí, lương thực. Thực hiện Nghị quyết 15, ngày 2/5/1959, Tổng Quân ủy quyết định thành lập Phòng nghiên cứu hoạt động chi viện quân sự cho miền Nam. Và ngày 19/5/1959, “Đoàn quân sự đặc biệt” được thành lập với nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, vận chuyển tiếp tế cho cách mạng miền Nam và tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội vào Nam và từ Nam ra Bắc.

Đường biển Đông là đường mạo hiểm, là “hải tử”, nhưng lại nhanh hơn và vận tải được nhiều súng đạn hơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người ra lệnh mở đường vận tải trên biển từ năm 1959 mà sau này thường gọi là “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Những con tàu không số suốt 14 năm thu hút tâm trí của ông. Đó cũng là một sáng tạo tuyệt vời của trí tuệ quân sự thiên tài Võ Nguyên Giáp. Sở dĩ Đại tướng dám mở đường vận chuyển vũ khí vào miền Nam trên biển vì trong kháng chiến chống Pháp ông đã từng chứng kiến năm 1946, từ cửa sông Hàm Luông, Bến Tre, một chiếc thuyền buồm nhỏ đã nhổ neo vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí cho miền Nam đánh Pháp. Trong thuyền đó có bà Nguyễn Thị Định. Bà Nguyễn Thị Định sau này trở thành một nữ tướng của miền Nam đánh Mỹ. Thực tế, trong kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta đã từng tổ chức những con thuyền vượt biển để chuyên chở vũ khí từ Khu 5, miền Bắc, từ Thái Lan, Cămpuchia vào chi viện cho Nam Bộ đánh giặc.

Từ thực tế đó, Đại tướng đã nhận ra lợi thế và hiệu quả của đường biển. Vì thế, tháng 7-1959, Đại tướng, bí thư Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu thành lập Tiểu đoàn Vận tải thủy 603 làm nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam, mang biệt danh “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”, đóng quân ở thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngay cửa Sông Gianh. Đại tướng dặn đi dặn lại: “Việc mở đường không được ai biết... Không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Sau này Đoàn tàu không số gọi là D759, tức lấy tên ngày thành lập đầu tiên tháng 7-1959.

Sau gần nửa năm chuẩn bị, Tiểu đoàn 603 đã đóng được bốn chiếc thuyền trọng tải 20 tấn theo kiểu “ghe bầu” Quảng Nam và sắm được 8 vàng lưới. Anh em chiến sĩ toàn người miền Nam tập kết. Có cả những người như anh Huỳnh Ba được điều từ Quảng Nam vượt tuyến Hiền Lương ra Bắc để bổ sung về “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Anh em phải đi đánh cá để nghi binh và làm quen dần với sóng gió biển khơi.

Chuyến tàu đầu tiên của Tiểu đoàn 603 đưa hàng vào đèo Hải Vân lúc 18 giờ 30 Tết Canh Tý gồm 6 thủy thủ do đồng chí Nguyễn Bất làm thuyền trưởng, xuất phát từ cửa Sông Gianh, mang theo 5 tấn vũ khí, thuốc men vào bến Hố Chuối ở chân đèo Hải Vân để chi viện cho Khu 5. Tỉnh ủy Quảng Nam cử đồng chí Nguyễn Chơn, lúc đó là Trưởng ban quân sự tỉnh đi đón, sau này là Phó Tổng Tham mưu trưởng. Chờ đợi cả tháng trời không thấy thuyền đâu. Sau này mới biết, trên đường đi thuyền gặp gió mùa, sóng lớn, mặc dù anh em hết sức chèo chống, nhưng thuyền bị trôi dạt vào Cù Lao Ré (Lý Sơn, Quảng Ngãi). Nhằm giữ bí mật, thuyền trưởng quyết định thả hàng xuống biển để phi tang. 6 thủy thủ trên thuyền bị tàu địch bắt mặc dù giấy tờ hợp lệ. Thế là chuyến vận tài đường biển Bắc - Nam đầu tiên không thành.


Chuyến đi không thành, nhưng qua đó Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đã rút ra được bài học lớn là không thể dùng thuyền buồm để vận chuyển chi viện cho chiến trường, vì đường đi thì xa, sóng gió bất thường, thuyền chở nặng lại hoàn toàn phụ thuộc vào sức đẩy của gió và khả năng bơi chèo của các thủy thủ, thì chuyến đi khó có thể thành công. Đại tướng Tổng Tư lệnh giao cho Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục nghiên cứu đề án mới về xây dựng và tổ chức lực lượng vận tải chi viện chiến trường Nam Bộ và Khu 5. Trung tướng Trần Văn Trà, lúc đó là Phó Tổng Tham mưu trưởng được Quân ủy phân công trực tiếp phụ trách việc mở tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam trên biển.

Ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra quyết định số 97/QP do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Văn Thái ký, thành lập Đoàn 759 đặt dưới sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Bộ Tổng Tư lệnh, làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược theo đường biển chi viện cho cách mạng miền Nam. Trụ sở của Đoàn 759 đặt tại 83 - Lý Nam Đế, Hà Nội. Từ đây, ngày 23/10 trở thành cột mốc lịch sử, là ngày truyền thống thành lập đơn vị Đoàn 759, sau này là Đoàn 125 và Lữ đoàn 125 Hải Quân. Sau hơn một năm chuẩn bị, bí mật đóng mới được 4 con tàu gỗ hai đáy, trọng tải 30 tấn. Và 22 giờ ngày 11 tháng 10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên, gọi là tàu không số, là không số ghi tên mũi tàu, chứ trong sổ sách tàu có ký hiệu “Tàu 41”, được anh em gọi là “Phương Đông 1”. Tàu gồm 13 chiến sĩ do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dìa chỉ huy.

Tàu 41 chở hơn 30 tấn hàng hóa rời bến Vạ Sét, Đồ Sơn 10 giờ đêm 11/10/1962, lên đường đi Cà Mau. Sau 9 ngày đêm vượt biển, tàu Phương Đông 1 đã vào đến bến Vàm Lũng, Cà Mau, trước sự vui mừng khôn xiết của mọi người. Ngày 19/10, đồng chí Phạm Thế Bường, Bí thư Khu ủy Khu 9 đã điện cho Quân ủy Trung ương: “Tàu Lê Văn Một - Bông Văn Dìa đã về đến nơi an toàn...” Tiếp theo Phương Đông 1, Phương Đông 2, Phương Đông 3, Phương Đông 4 lần lượt vượt biển thắng lợi. Đoàn tàu không số đã mưu trí, quả cảm, vượt qua bốn năm ngàn hải lý sóng gió biển khơi, vượt qua sự tuần tra, kiểm soát gắt gao của địch, để vận chuyển cho Miền Nam một khối lượng vũ khí lớn, tạo nên những thắng lợi to lớn của quân dân ta trên chiến trường. Từ năm 1962 - 1972, đã có gần 200 chuyến tàu không số vào Nam, vận chuyển được gần 7000 tấn vũ khí, hàng ngàn lượt cán bộ công tác. Cùng với Lữ đoàn 125, bằng phương thức hoạt động hợp pháp bất ngờ, từ đầu năm 1972 đến cuối năm 1973, Đoàn 371 (Khu 9) đã cho 37 chuyến tàu ra Bắc, chở 600 tấn vũ khí vào chiến trường Nam Bộ an toàn. Trong chiến dịch Tổng tấn công Mùa Xuân 1975, Đoàn 125 Hải Quân đã vận chuyển 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng, xe bọc thép và pháo lớn cùng 18.741 cán bộ chiến sĩ vào chiến trường. Đặc biệt đã góp phần chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo phía Nam Tổ Quốc.

Các đoàn tàu không số không chỉ chở vào cho miền Nam vũ khí, khí tài, đạn dược để chiến đấu, mà còn chở vào hàng vạn cán bộ có chuyên môn cao trong các lĩnh vực quân sự, kinh tế, cơ khí, y tế, văn hóa, văn nghệ... để phát triển vùng giải phóng; và chở vào rất nhiều chủng loại hàng hóa như điện, đài, kỹ thuật thông tin, dụng cụ tiểu - đại phẫu, cùng y cụ, thuốc men, dược liệu, hóa chất, các loại sách chính trị xã hội, văn học nghệ thuật, máy chiếu phim, các bộ phim truyện, phim tài liệu cách mạng của miền Bắc, Liên Xô, Trung Quốc v.v.

Trong quân sự, người ta tính hiệu quả của một trận đánh hay một chiến dịch hành quân bằng hai yếu tố: Thứ nhất thực hiện được mục tiêu nhiệm vụ đề ra, thứ hai là số thiệt hại về con người và phương tiện ít nhất. Xét trên hai góc độ đó, Đường Hồ Chí Minh trên biển là con đường hiệu quả nhất. Tỷ lệ số chuyến tàu đến bến vượt quá những dự ước ban đầu mà những người vạch ra nó tính toán. Theo tài liệu lịch sử lưu tại Bảo tàng Hải Quân Việt Nam, từ tháng 10/1962 cho đến 4/1975, Đoàn tàu Không số D759 và sau này là Đoàn 125, Lữ đoàn 125 Hải Quân đã vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam 16.300 tấn vũ khí, 50 xe tăng, xe bọc thép và pháo lớn, nhiều loại hàng hóa quân sự, cùng 18.741 cán bộ chiến sĩ vào chiến trường.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một con đường chiến lược thực sự, đã từng bước làm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường ngày càng có lợi cho cách mạng.

Riêng từ năm 1962 - 1973, chỉ có 9 chuyến tàu phải nổ mìn phá hủy, 2 tàu bị địch bắt, tỷ lệ tổn thất như thế là rất nhỏ.

Mỗi con tàu và hàng chục tấn vũ khí chở trên tàu là một tài sản lớn, giá trị có khi lên đến vài ba triệu đô-la. Nên việc phá hủy tàu chỉ xảy ra khi tàu bị tàu địch bao vây, tấn công, không thể tiếp tục hành trình, để giữ bí mật của con đường. Mỗi con tàu hai đáy khi lên đường đều có gắn một khối bộc phá lớn, từ 500 đến 1500 cân tùy theo trọng tải tàu. Khi điểm hỏa tàu sẽ nổ tan thành khói bụi. Địch không thể xác định được tung tích con tàu. Theo quy định thì thuyền trưởng và chính trị viên là người lãnh đạo, chỉ huy đánh bộc phá phá hủy tàu. Thuyền trưởng chỉ huy chung, nhân viên hàng hải lái tàu, còn máy trưởng chịu trách nhiệm điểm hỏa. Ba người này phải chịu trách nhiệm thay thế nhau để đánh bộc phá hủy tàu bằng được.

Xin dẫn ra sự kiện người chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đã một mình hủy tàu để cứu sống 16 đồng đội. Con tàu V645 gồm 20 thủy thủ, chở 70 tấn đạn cối và 1 tấn thuốc nổ TNT vào Khu 9. Lúc đến vùng biển cách Phú Quốc 60 hải lý, tàu bị tàu khu trục của địch bao vây. Chúng bắn xối xả. Tàu ta nổ súng đánh trả. Đã có một số anh em thủy thủ hi sinh. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu và thuyền trưởng Lê Hà động viên anh em quyết tâm chiến đấu. Một quả đạn địch rơi trúng bánh lái tàu. Thế là tàu cứ chạy vòng tròn. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu ra lệnh cho thuyền trưởng Lê Hà và tất cả anh em rời khỏi tàu bơi ra xa, để anh vừa điều khiển tàu vừa điểm hỏa phá hủy tàu. Nhìn 16 anh em dìu nhau bơi trên biển, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu lo điểm hỏa tàu nổ khi tàu gần anh em thì nhất định sẽ không còn ai sống sót. Nên anh Hiệu chờ tàu vòng ra vị trí xa anh em nhất mới điểm hỏa. Tàu nổ tan tành, anh Hiệu hy sinh. Còn 16 anh em thủy thủ thì bị tàu địch bắt giam ở nhà lao Phú Quốc, sau Hiệp định Paris mới được trao trả. Nguyễn Văn Hiệu quê ở xã Thăng Phương, Thăng Bình, Quảng Nam. Anh có vợ và 4 con. Anh đã 13 lần chỉ huy tàu không số đưa hàng vào miền Nam, chuyến này là chuyến thứ 14. Anh Nguyễn Văn Hiệu được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1970. Tin vui là sau 39 năm anh Hiệu hy sinh, các chiến sĩ Hải quân vùng 5 đã tìm thấy một bộ phận hài cốt của anh trên bãi biển Phú Quốc. Gia đình đã bằng tâm linh và khoa học xác định được đây đúng là hài cốt của anh, đem về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hải Phòng.

Xẻ dọc biển Đông đi cứu nước. Con đường chiến lược tàu Không số trên biển Đông đã ra đời và thành công ngoài mong đợi như thế đấy. Ở trong rừng đước tại rạch Xẻo Già, có một con tàu không số đang nằm lại đây từ tháng 2-1967 đến nay, đã 44 năm rồi. Đây là con tàu C69 chở vũ khí từ Bắc vào bến Bồ Đề từ tháng 4-1966. Hàng hóa đến bến an toàn nhưng con tàu bị hỏng chân vịt, sửa chữa đến 9 tháng sau mới rời bến về miền Bắc. Nhưng đi được ra biển 30 hải lý thì bị tàu chiến, máy bay địch chặn đánh, tàu bị cháy, bị hỏng nặng, nhưng vẫn cố tiến sâu vào rừng đước âm u Cà Mau. Có thể đây là dấu tích còn lại duy nhất của những con tàu không số. Rồi tàu sẽ bị thời gian làm rỉ rét.

Có những con đường không còn ai đi nữa. Có những câu ca không còn ai hát nữa
(thơ Nguyễn Khoa Điềm). Biển cả mênh mông đã nhấn chìm tất cả xuống vô cùng. Nhưng hình ảnh những con tàu không số sẽ tồn tại vĩnh viễn trong tâm trí và lịch sử đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

N.M
(272/10-11)







Các bài mới
Các bài đã đăng