Những nẻo đường đất nước
Lượm lặt quanh ghè rượu cần ở Plei-Breng
10:30 | 15/01/2012

PHẠM XUÂN PHỤNG (Ghi chép)

Ngày 02 tháng 5 năm 2011, Ban tổ chức Trại sáng tác văn học Quy Nhơn (do hai tạp chí Văn nghệ Quân đội và Sông Hương đồng tổ chức dưới sự tài trợ của Binh đoàn 15) đã tổ chức một chuyến đi thực tế tại Đức Cơ-Gia Lai, nơi có 3 công ty lớn của Binh đoàn đang làm ăn tại đó. Nhân tiện, tôi rẽ ngang vào Plei-Ku, nơi có 3 người đồng nghiệp cũng là học trò của tôi.

 

Lượm lặt quanh ghè rượu cần ở Plei-Breng
Nhà rông của người Jrai - Ảnh: baogialai.com.vn
[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 [endif][if gte mso 9] [endif][if !mso] [endif][if gte="" mso="" [endif] p="" align="justify" class="MsoNormal"Sau gần hai ngày chìm trong tiếng hát và những cốc bia chung vui tình thầy trò, tôi ngỏ ý muốn đi đến một buôn làng của dân tộc Jrai, một trong hai dân tộc sinh sống chủ yếu ở tỉnh Gia Lai và có dân số đông nhất. Bác sĩ Bình hăng hái đèo tôi vượt qua nhiều đồi dốc, chừng gần 30 phút chạy xe máy đến làng Breng, một làng của người Jrai ở huyện ngoại thành Plei-Ku... mà viết theo đúng chữ của người Jrai phải là Plei-Breng.

Jrai và Bahnar là hai tộc người có số dân đông nhất, đồng thời cùng cư trú gần như trọn vẹn trong địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay, một tỉnh rộng nhất Tây Nguyên với hơn 15.000 km2, dân số hơn 1 triệu người. Người Jrai gọi núi là Chư. Gia Lai có những ngọn núi nổi danh và được lấy làm địa danh các huyện, chẳng hạn Chư Sê, Chư Pả. Do thời gian hạn chế, tôi không thể đi đến các nơi ấy để xem thế nào. Cũng vì thế, không tham quan được nhà máy thủy điện Ayun Hạ nổi tiếng ở huyện Ayun Pa (A-zun-pả).

Dân tộc Jrai (J’arai hay J’rai, đều đọc là Gia-rai, hơi ngả sang âm Giá-rai)) có 8 họ, trong đó có 5 họ cư trú tại các plei (làng) quanh Plei-Ku, gồm: Puih (đọc là Pui, h là hư từ, không phát âm), Rmah (đọc là Rơ-ma, trong đó ơ là âm đệm, đọc lướt nhanh), Ksor (Kơ-so), Siu (Xiu), R’Com (Rơ-chăm. Xin lưu ý: trên chữ o có dấu móc như dấu của chữ ă trong tiếng Việt, không viết sai như một số văn bản lưu hành, chẳng hạn viết R’Chăm), và 3 họ cư trú ở các huyện khác, nhất là ở huyện Ayun Pa, gồm: Nay (đọc là Nê), K’Pă (Kơ-pả) và Rah Lan (Ra-hơ-lan).

Người Jrai theo chế độ mẫu hệ (con lấy họ mẹ, con trai lớn lên lấy vợ phải ở nhà vợ) đã hàng ngàn năm nay. Nhiều gia đình được học hành đàng hoàng, sử dụng tốt tiếng Việt. Gia đình mà chúng tôi đến có người con dâu là y sỹ Rmah H’Lở (Rơ-ma H.Lở), làm việc tại Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh Gia Lai, hiện đang theo học năm thứ hai Bác sĩ đa khoa hệ chuyên tu (4 năm). Đây là trường hợp cá biệt của người Jrai: con gái lấy chồng ở nhà chồng. Chồng của Rmah H’Lở là Ksor An (Kơ-so An), giáo viên tiểu học. Cha ruột của Ksor An là R’Com Ơih (Rơ- chăm Ơi), gần 60 tuổi, đang là giáo viên dạy môn văn THCS. Anh ruột của R’Com Ơih là R’Com Ur (Rơ-chăm U), trước từng làm chủ tịch xã, nay đang làm chủ tịch MTTQ, một người rất vui tính và nói chuyện rất có duyên. Cơ thể rắn rỏi, da ngăm đen, tóc bạc phơ, giọng cười rổn rảng càng làm cho cái tuổi trên 63 của ông thêm… trẻ duyên hay còn gọi là đẹp lão. R’Com Ur khi biết tôi sắp về hưu liền cười sảng khoái và tự xưng là anh, gọi tôi là em: Mày nhỏ hơn anh, nên anh gọi bằng em! Tôi cười và dạ. Suốt buổi uống rượu cần, R’Com Ur không gọi sai lần nào, lần nào cũng “em uống đi!”. R’Com Ur có người con rể là Ksor Huar (Kơ-so Hua) đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm hệ chính quy ba năm, nay đang chờ việc làm, hơi mỏi cổ. R’Com Ur cười nhẹ, nụ cười không thể nói là vui nhưng cũng không thấy rõ nét buồn: Mình không biết xã giao nên con rể mình chưa có việc làm(!). Có lẽ, đại gia đình này thuộc tầng lớp trí thức quý hiếm ở đây, hầu như ai cũng được học lên cao đẳng, đại học, sử dụng tốt tiếng Việt như người Kinh, trừ R’Com Ur phát âm còn nặng.

Khu vực ngày nay là thành phố Plei-Ku (theo người Jrai, địa danh này thường được người Kinh viết… sai là Pleiku) vốn là một vùng rộng gồm nhiều plei của người Jrai, trong đó Plei-Ku là rộng và đông dân nhất. Theo tục lệ người Jrai, trong dịp cúng Giàng, plei nào giành được cái đuôi (ku) của con vật tế sống (trâu, bò) được coi là một vinh dự lớn. Cuối cùng, plei đông dân nhất giành được, từ đó plei này được đặt tên là Plei-Ku (làng được cái đuôi hay làng đuôi).

Plei-Breng nơi chúng tôi đến là một ngôi làng nhỏ nhưng quang cảnh trong làng rất thoáng đãng, đường lối ngay ngắn, thẳng tắp, rộng rãi, hầu hết là đường cấp phối, chỉ có các trục đường chính được láng nhựa. Nhà dân xây không cao, hầu hết lợp tôn (tole), vườn trồng cây cà phê, cây tiêu. Ở đây, cà phê và tiêu là hai loại nông sản chủ lực của bà con dân tộc Jrai. Nhờ vậy, theo R’Com Ur, đời sống vật chất tạm ổn. Về y tế và giáo dục, khu vực các plei gần Plei-Ku đều được phát triển, thuận lợi cho việc học hành và chăm sóc sức khỏe thanh thiếu niên con em đồng bào Jrai. Ở Plei-Breng còn có một đội công tác cơ sở của Bộ đội biên phòng tỉnh về nắm tình hình và giúp dân ổn định cuộc sống, chăm lo công tác y tế, vệ sinh môi trường. Dọc các con đường chúng tôi đi, hầu như không có rác thải hôi hám, bẩn mắt, bẩn mũi, chứng tỏ bà con rất chú trọng vấn đề môi trường sống, vệ sinh chung. Nếu so với hè phố ở các đô thị dưới miền xuôi thì nơi đây sạch hơn nhiều.

Về tín ngưỡng, đa số bà con theo Công giáo hoặc Hội Thánh Tin Lành chính thống được Nhà nước ta thừa nhận, theo R’Com Ur, một cán bộ lâu năm và là tín đồ Công giáo cho biết. Tại Plei-Breng có một nhà thờ lớn của Công Giáo và một nhà nguyện nhỏ của Hội Thánh Tin Lành khá đẹp về kiến trúc bên ngoài.

Tiếc rằng ngôi nhà rông được xã cho dựng lên lại chỉ có cái dáng nhà, mà chưa thấy cái hồn chứa đựng bên trong nó. Nhà rông của người Jrai xưa nóc cao, dốc đứng, mái rất xuôi, lợp bằng lá mây, lá buông, lá trung quân hay lá nón gì đó nói chung là lá rừng, có nơi lợp bằng nứa. Làm gì có mái lợp bằng tole hiện đại thế? Tôi không xin được mở cửa nhà rông vì lúc đó không có đại diện dân làng, tiếc quá! Cũng chưa có dịp vào sâu trong các làng khác ở xa Plei-Ku hơn hoặc ở gần biên giới nên chưa rõ cảnh quan và đời sống, tập tục dân cư ở đó thế nào. Đành phải hẹn Ksor An và Rmah H’Lở một dịp khác. Đôi khi cái sự dở dang lại giúp ta thêm khát khao khám phá, tìm hiểu chứ đã biết hết rồi thì còn chi hứng thú!


[if gte mso 9]> Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 [endif][if gte="" mso="" [endif][if gte="" mso="" [endif]

Biết tin chúng tôi đến chơi, vợ chồng Ksor An rất vui mừng, bắt nhốt ngay một con gà chuẩn bị cho một bữa tiệc nho nhỏ đầm ấm. Lúc đầu tôi rất ngại vì biết nếu ngồi lại sẽ phải hết bụng với bà con, bởi lúc ban chiều đã lỡ cụng ly hăng hái với vợ chồng bác sĩ Sô Song Hương Ly-Lê Văn Nhung, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Ngô Xuân Hòa, bác sĩ Phạm Minh Bình và hai người em của Lê Văn Nhung (một là kiến trúc sư, một là Phó Viện trưởng VKSND huyện) từ 10 giờ đến 15 giờ, sau đó lại thi đấu giọng ca vàng với nhau tại quán Karaoke Hương Nga đến tận 17 giờ thì công lực đã giảm nhiều rồi, còn đâu để chiến đấu tiếp với các tửu sĩ đang vẹn nguyên khao khát, đầy khí thế. Chần chừ mãi, cuối cùng ngại mất lòng hai vợ chồng đồng nghiệp, tôi và bác sĩ Bình chấp nhận vào cuộc, nghĩa là ở lại vui chung một bữa nhậu với bà con. Một lúc sau, bác ruột của Ksor An cùng người con rể-Ksor Huar (Kơ-so Hua) - hào hứng bưng sang một cái ghè rượu cần do chính gia đình tự làm để uống nên chất lượng chắc chắn đảm bảo. Phải là khách quý mới được mời uống loại rượu đặc sản tự sản tự tiêu này. Nhưng như thế có nghĩa là uống say chết bỏ.

Tôi đã từng uống rượu cần Tây Bắc và vài nơi khác nhưng chưa có nơi nào uống giống như ở đây. Thứ nhất, người Jrai gọi cái đựng rượu là ghè, như cách gọi của dân Thừa Thiên quê tôi (lu, ghè, ve, hũ), chứ không gọi là ché hay chóe rượu (ngỗng lồng rượu ché là hai trong những món sính lễ bắt buộc của nhà trai đem đến nhà gái khi rước dâu là con gái nhà giàu ngày xưa, tục này hầu như ở Huế đã bỏ). Thứ hai, chỉ có một cái cần ngắn chừng 50 cm, khác với ché rượu cần nơi khác có nhiều cần dài cả mét. Thứ ba, mỗi người khi đã nhập cuộc đều phải tuân thủ luật uống theo ngấn (cách nói của tôi). Để định mức ngấn mỗi lần uống cho mỗi người, gia chủ hay chủ xị, theo cách gọi của người Kinh - dùng một dụng cụ gọi là Kang. Uống hết ngấn tức uống hết kang (cách nói kết hợp tiếng Kinh và tiếng Jrai).   

Kang gồm một thanh tre nhỏ cỡ lóng tay, dài hơn miệng ghè, chẻ giữa một đoạn, ở đó lắp vào một que tre nhỏ vuông góc với thanh ngang, tôi gọi là que đo. Trước khi uống, người chủ nhà dự kiến độ cao mức rượu cần mời khách - và cũng là thử sức khách - uống hết để lắp que đo vào. Phần que đo dư ra bên dưới thanh ngang là độ cao mức rượu mà mỗi người tham dự phải uống. Khi uống, dùng miệng hút rượu từ cần sao cho mức rượu hạ xuống để lộ hẳn phần dưới của que và phải dứt hẳn với mức rượu bên dưới. Nếu còn dính dấp tý chút với rượu trong nghè là không được. Tôi phải xin phép chủ nhà cho hạ độ cao que chỉ còn gần 2 cm, vậy mà vẫn… lật. Anh R’Com Ur uống đầu tiên, sau đó đến lượt tôi được mời, không chỉ vì tôi là khách mà còn vì là người lớn tuổi thứ hai trong cuộc nhậu gia đình. R’com Ur cười khà khà nhìn tôi ráng hết sức hút cho hết mức rượu. Mới một lần đã xoay nòng rồi. Tôi ráng ăn vội hai chén cơm để mong dằn bụng mà chơi đến cùng, nhưng cũng chỉ được đến lần thứ tư là đầu hàng. Đành năn nỉ anh R’Com Ur: Bác tha cho thằng em đi! Đuối quá rồi. Người em trai, R’Com Ơih, cha của Ksor An chỉ tủm tỉm cười, không uống vì có bệnh. Nghe tôi xin tha, chú chàng cũng chỉ tủm tỉm cười nhìn anh cả. Giả bộ làm khó một lúc, R’Com Ur làm mặt nghiêm tuyên bố: Thôi, anh miễn cho em. Anh vỗ vai tôi cười khà và dặn: Lần sau!

Tất nhiên, không thể để mất mặt anh hùng, sau khi đã được sự đồng ý của anh R’Com Ur, tôi giục Bình về gấp... Dù vậy, về đến phòng trọ sau khi nhét thêm hai ổ bánh mì cho chắc bụng, đầu óc tôi vẫn cứ lâng lâng cho đến sáng. Trong cái lâng lâng bồng bềnh ấy không chỉ có men rượu cần mà còn do ngấm cái tình đơn sơ nhưng rất đỗi nồng say của chủ nhà, những người đồng bào dân tộc Jrai mới lần đầu gặp gỡ mà tưởng như thân thiết tự bao giờ. Hẹn gặp lại nhé, Plei-Breng!                                      

P.X.P

(SH275/1-12)










[endif][if gte="" mso=""[endif][if gte="" mso=""

 

![endif][if![endif][if![endif]![endif][if
Các bài mới
Các bài đã đăng