Ai ra xứ Huế
Đi tìm dấu vết ngôi nhà của báo Tiếng Dân
10:14 | 21/06/2012

ĐÀO HÙNG
(Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam)

Hồi còn bé, đôi lần tôi được cha tôi là ông Đào Duy Anh, đưa đi chơi và có ghé thăm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Rồi cũng có lần tôi thấy cụ Huỳnh đến gặp cha tôi ở ngôi nhà trên đường Hương Mỹ (nay là Chu Văn An), thành phố Huế.

Đi tìm dấu vết ngôi nhà của báo Tiếng Dân
Đại gia đình cụ Trần Kiêm Trình. Từ trái sang: Người thứ 2 là ông Phạm Đăng Nghiệp, người thứ 5 là cụ Trần Kiêm Trình

Hai người lớn trò chuyện, còn tôi trẻ con, chỉ ngồi một góc. Khi cụ Huỳnh đến nhà thì hai người vào trong phòng làm việc của cha tôi để đàm đạo, bọn trẻ chúng tôi nếu không được phép thì không bao giờ dám bén mảng vào đấy. Nhưng tôi chỉ chú ý một điều là cụ Huỳnh hay cất cao giọng, hình như họ đang cãi nhau, giọng cụ Huỳnh thường gay gắt. Sau này khi tiếp xúc nhiều với bạn bè Quảng Nam thì tôi mới biết, hóa ra cách nói của người xứ Quảng là vậy, chứ không có chuyện tranh cãi gì cả. Có thể nói cụ Huỳnh lại là người đầu tiên đưa cha tôi vào con đường làm báo rồi từ đó bước vào con đường trước thuật và xuất bản (như ghi nhận của cha tôi khi nói về nghề nghiệp khai trong lý lịch), sự nghiệp mà cha tôi đã theo đuổi suốt đời.

Từ lâu, tôi vẫn băn khoăn không nhớ ngôi nhà của cụ Huỳnh mà cha tôi từng đến bây giờ nằm ở đâu và có còn để lại dấu vết gì không. May sao tháng ba năm nay khi trở lại Huế, tình cờ gặp anh bạn, nhà thơ Phạm Tấn Hầu cho biết, ngôi nhà tòa soạn báo Tiếng Dân hiện nay vẫn còn, và hẹn sẽ dẫn tôi đi tìm. Thế là cuộc đi tìm lại những ký ức xưa được bắt đầu…

Năm 1926, dưới thời Toàn quyền Varenne, đảng viên Đảng Xã hội Pháp, để thực hiện chính sách mị dân, thực dân Pháp cho tổ chức Viện Nhân dân Đại biểu ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ để gọi là cho nhân dân thuộc địa có quyền tham dự vào công việc của Nhà nước. Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với một số cựu chính trị phạm ở Côn Đảo khác ra ứng cử đại biểu ở Trung Kỳ. Cụ Huỳnh nộp đơn ứng cử đại diện cho 3 hạt Tam Kỳ, Thăng Bình và Tiên Phước (Quảng Nam). Tổng số cử tri ba hạt đó là 640, cụ Huỳnh trúng cử với 620 phiếu Trong khi ở Bắc Kỳ, Viện Dân biểu bị bọn tư sản mại bản và địa chủ tay sai của thực dân lũng đoạn, thì ở Trung Kỳ các phần tử tiến bộ lại chiếm đa số, gồm những cựu chính trị phạm, một số công chức và quan lại đã từ chức để ra hoạt động kinh tế và chính trị. Cuộc vận động thành công tốt đẹp như thế là nhờ có sự tham gia của các nhóm thanh niên yêu nước các tỉnh miền Trung, trong đó ở Huế có nhóm của Trần Đình Nam và ở Đà Nẵng có nhóm của Nguyễn Xương Thái là tích cực nhất. Khai mạc khóa họp thứ nhất cụ Huỳnh được toàn thể nghị viên đề cử vào chức Nghị trưởng, tức là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ.

Nhân đà thắng lợi đó, nhóm thanh niên yêu nước ở Đà Nẵng đề nghị cụ Huỳnh đứng ra xin mở một tờ báo để có tiếng nói làm hậu thuẫn cho những yêu sách của các nghị viên tiến bộ trong Viện Dân biểu. Trong những cuộc gặp gỡ ở Đà Nẵng, chủ trương ra báo đã được hình thành. Ban đầu định lấy tên báo là Trung Thanh với hàm ý là tiếng nói ngay thẳng của xứ Trung Kỳ, rồi Dân Thanh, nhưng cuối cùng thấy rằng đã là báo tiếng Việt thì nên lấy tên là Tiếng Dân cho rõ ràng. Suốt một năm trời, từ mùa hè năm 1926 đến mùa hè năm 1927, công việc thành lập tờ báo ở Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm của hầu hết các phần tử tiến bộ ở các tỉnh Trung Kỳ. Ở Đà Nẵng thì nhà ông Nguyễn Xương Thái là nơi cụ Huỳnh Thúc Kháng ở, không ngày nào là không có thanh niên và các nhân sĩ ở Đà Nẵng lui tới thăm hỏi và trao đổi ý kiến xung quanh vấn đề ra báo, mọi người đều háo hức mong chờ. Thỉnh thoảng ở các tỉnh, có những nhóm tiến bộ tự nhiên hình thành và cử người đến Đà Nẵng để thăm và báo cáo với cụ Huỳnh về tình hình ủng hộ của đồng bào ở mỗi nơi. Có thể nói đồng bào đêm ngày chờ đợi báo ra để thực sự có “tờ báo của mình” mà đọc. Ở mỗi tỉnh có những người tự nguyện tuyên truyền cho báo Tiếng Dân.

Để ra tờ báo, những người chủ trương thấy phải thành lập một công ty hợp cổ gọi là “Công ty Huỳnh Thúc Kháng”. Mọi người tham gia khởi thảo điều lệ của công ty và tiến hành việc tuyên truyền cùng huy động vốn. Nhóm sáng lập công ty cũng là nhóm chủ chốt của tờ báo gồm 5 người:

- Cụ Huỳnh thúc Kháng là linh hồn của tờ báo.

- Ông Trần Hoành, tức Cửu Cai, là một bạn tù ở Côn Đảo với cụ Huỳnh, nhận ra giúp cụ làm quản đốc nhà in. Cụ Trần Hoành là chiến sĩ Đông Du, đã ba lần vượt ngục, một lần ở nhà lao Nghệ An, hai lần ở Côn Đảo, đều bị bắt lại và được trả tự do một lần với cụ Huỳnh.

- Ông Trần Đình Phiên là một nhà nho từng tham gia phong trào Duy Tân ở Phan Thiết khoảng trước năm 1908, là sáng lập viên Hội Liên Thành, đã thôi việc để ra Huế giúp cụ Huỳnh quản lý nhà in và tòa báo.

- Ông Nguyễn Xương Thái, vốn là thư ký Sở Thương chính Đà Nẵng, cũng bỏ việc để ra giúp cụ Huỳnh trong việc văn thư.

- Ông Đào Duy Anh, người vừa từ bỏ chân giáo học ở Quảng Bình, giúp cụ Huỳnh trong việc tổ chức bộ biên tập.

Nhưng điều hành một tờ báo phải như thế nào, không một ai trong những người sáng lập có kinh nghiệm về nghề nghiệp, vì vậy mọi người đồng ý cử Đào Duy Anh đi Sài Gòn tìm hiểu công việc làm báo, nhất là cách tổ chức bộ biên tập. Lúc đó là cuối mùa hè năm 1926. Ở Sài Gòn chừng ba bốn tháng, Đào Duy Anh trở lại Đà Nẵng để tiếp tục cùng mọi người tổ chức công ty. Trong năm người sáng lập công ty, thì không ai có đồng nào để góp cổ phần. Thế là những người có nhiều cổ phần, trong đó phần lớn là những người đã tham gia công việc kinh doanh ở Phan Thiết, đã cho năm người này mượn cổ phần của họ để có điều kiện hợp pháp mà đứng chân sáng lập viên.

Mùa đông năm ấy Toàn quyền Varenne (nhiệm kỳ 7-1925 đến 10-1927) về Pháp, Khâm sứ Trung Kỳ Pierre Pasquier được thăng quyền Toàn quyền Đông Dương (Gouverneur général par intérim), phó Khâm sứ Trung Kỳ là d’Elloy nhậm chức quyền Khâm sứ. Đường lối mị dân của Varenne đã được thay thế bằng chính sách bóp nghẹt chặt chẽ hơn của Pasquier, việc cụ Huỳnh được bầu làm Nghị trưởng đã làm cho bọn thực dân cáo già tức tối. Nhân việc thấy cụ Huỳnh có ý định ra một tờ báo, d’Elloy liền gửi một thông tư tháng 11-1926 cho toàn thể nghị viên Viện Dân biểu Trung Kỳ, trong đó dùng lời lẽ trách móc, thậm chí mạt sát khiến cho ai nấy đều bất bình.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng với tư cách Nghị trưởng, bèn triệu tập hội đồng bất thường, kịch liệt phản kháng, chỉ trích thậm tệ từng chi tiết trong thông tư này. Cuộc phản kháng này được báo chí tiếng Pháp cũng như tiếng Việt ở Hà Nội và Sài Gòn hồi đó đăng tải với những tiêu đề lớn “L’affaire d’Elloy-Huynh Thuc Khang” (Vụ d’Elloy - Huỳnh Thúc Kháng). Kết quả d’Elloy bị triệu hồi về Pháp. Toàn quyền Pasquier phải cho mời Hội đồng trị sự Viện Dân biểu để gặp mặt xoa dịu. Tờ báo do cụ Huỳnh chủ trương vẫn được xúc tiến thành lập.

Nhận thấy một tờ báo không có nhà in riêng của mình thì không thể giữ trọn độc lập được. Vì vậy mùa hè năm 1927, cụ Huỳnh cùng với các ông Nguyễn Xương Thái và Đào Duy Anh ra Hà Nội để mua nhà in. Được bạn bè ở Đà Nẵng cho mượn một chiếc xe ô tô, ba người lên đường ra Bắc, qua mỗi tỉnh đều ghé lại ở mấy ngày để tiếp xúc với những người hâm mộ và vận động ủng hộ tờ báo. Đến đâu cụ Huỳnh cúng được hoan nghênh nhiệt liệt. Có những người ở xa tận đầu tỉnh hay cuối tỉnh, thậm chí ở sát miền thượng du, cũng lặn lội tìm về tỉnh lỵ để ra mắt cụ. Đây cũng là một dịp tuyên truyền cho tờ báo sắp ra, tên tuổi của cụ Huỳnh Thúc Kháng vốn đã được đồng bào biết đến, thì nay lại càng có dịp đi sâu vào mọi miền.

Đến Hà Nội đoàn ở lại hai tuần. Trong thời gian đó, mọi việc giao dịch mua nhà in và thuê công nhân, đều có những người nhiệt tình ở Hà Nội tự nguyện đứng ra lo liệu. Lúc bấy giờ ông Mai Du Lân, chủ nhiệm báo Thực Nghiệp tại Hà Nội có nhã ý nhường lại cho cụ Huỳnh một máy in còn mới và nhà in Nghiêm Hàm cũng ở Hà Nội ủng hộ bằng cách đưa thợ nhà in vào Huế trợ lực([1]). Cụ Huỳnh và hai người cùng đi chỉ có việc ngồi nhà tiếp khách. Đây cũng là dịp để cụ Huỳnh tiếp xúc với các danh sĩ Bắc Hà, mở rộng quan hệ xã hội sau này. Mua nhà in xong, ba người về thẳng Huế để bắt tay vào công việc ra báo.

Về  công việc ở Huế, Hồi ký của ông Đào Duy Anh viết rằng: “Nhưng lại có vấn đề khó khăn nữa là trong năm người chúng tôi, trừ ông Trần Đình Phiên là anh ruột ông Trần Đình Nam, bốn người khác không ai có bà con gì ở Huế để có thể đến ở trọ được. May thay trong số những đồng bào có xu hướng tiến bộ ở Huế bấy lâu đã từng giúp cho công việc thành lập công ty có cụ Trần Kiêm Trình, là một nhân sĩ có danh vọng và đức độ, trước kia có tham gia Hội đồng tư vấn hàng tỉnh và người cháu gọi bằng cậu là ông Phạm Đăng Nghiệp, vốn tốt nghiệp trường Quốc tử giám nhưng không ra làm quan, hai cậu cháu ấy giúp đỡ từ chuyện ăn ở của chúng tôi (cụ Trần Kiêm Trình cho năm người ở ngay trong nhà cụ cả mấy tháng trời và lo đi tìm thuê nhà cho mỗi người chúng tôi) đến chuyện mua nhà và sửa sang nhà cửa để đặt nhà in và nhà báo, các vấn đề đều được giải quyết xong xuôi, chúng tôi không phải lo lắng gì cả([2]).

Tôi biết họ Trần Kiêm là một họ lớn ở Huế, nhưng chỉ biết có ông Trần Kiêm Lý vốn là bạn của cha tôi, là cử nhân luật, từng làm thẩm phán ở Tòa án tối cao Hà Nội sau năm 1954, hình như là con cụ Trần Kiêm Trình. Ngoài ra ở Huế tôi chưa gặp người nào quen trong dòng họ này để tìm hiểu thêm về thân thế của cụ. May thay, khi hỏi thăm ông Phạm Đăng Nghiệp, thì biết rằng đấy là thân sinh của một họa sĩ nổi tiếng ở Huế là ông Phạm Đăng Trí mà tôi từng gặp lúc ông còn sinh thời. Từ đó tôi tìm ra ông Phạm Đăng Cảnh, cháu đích tôn cụ Pham Đăng Nghiệp, là người còn lưu giữ gia phả của dòng họ và nhiều ảnh có liên quan đến các nhân vật nói trên, hiện sống ở 55 đường Phan Đăng Lưu. Qua ông Cảnh tôi được biết cụ Phạm Đăng Nghiệp (1891-1972), vốn là cháu gọi đức Thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) bằng bà cô. Cho nên thuở nhỏ cụ Nghiệp đã được tập ấm cho vào cung học tập cùng các ông hoàng, rồi tốt nghiệp trường Quốc tử giám nhưng không ra làm quan, chỉ được một danh hiệu là Hàn lâm viện cung phụng (năm 1939). Chính ông Phạm Đăng Nghiệp là người lo đi thuê nhà để đặt tòa soạn và nhà in báo Tiếng Dân ở nhà số 123 đường Hàng Bè (nay là số nhà 193, đường Huỳnh Thúc Kháng) rồi sẽ trở thành phó quản lý của tờ báo và của Công ty Huỳnh Thúc Kháng. Nhắc lại những chuyện này, ông Đào Duy Anh viết: “Có thể nói rằng tờ báo Tiếng Dân đáp ứng nguyện vọng tha thiết của cả nước mà ra đời được thuận tiện, là nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình vô tư và dũng cảm của bao nhiêu người. Nhắc lại những điều ấy trong khi một số đông những người ấy không còn nữa, tôi không thể ngăn được cảm xúc ngậm ngùi” (hồi ký viết xong năm 1954)[3].

Ở Huế không chỉ có hai người mà còn nhiều nhân sĩ trí thức khác nhiệt tình ủng hộ hoặc bí mật hoặc công khai, chỉ mong cho tờ báo chóng ra mắt. Trong tình hình chính trị lúc bấy giờ, công khai ủng hộ một tờ báo của dân, do một người cựu chính trị phạm chủ trương, bất chấp sự nghi kỵ của nhà cầm quyền phản động, là một thái độ dũng cảm hiếm có. Sau khi tổ chức Đại hội cổ đông của Công ty Huỳnh Thúc Kháng, đến tháng 7 thì báo Tiếng Dân được ra mắt. Từ đây, cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ xứ Quảng, đã trở thành một nhân vật nổi tiếng của đất Thần Kinh, vừa là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (nhiệm kỳ 1926-1928), vừa là chủ bút một tờ báo lớn có tuổi thọ cho đến tận năm 1943.

Lập trường của cụ Huỳnh Thúc Kháng là nhất quán, cụ vẫn kiên trì phương pháp đấu tranh theo đường lối chấn hưng dân khí của cụ Phan Châu Trinh. Báo Tiếng Dân vẫn duy trì tôn chỉ cải cách, không xu phụ nhà cầm quyền, giữ tiếng nói độc lập. Nhưng đến khi quân Nhật vào Đông Dương, rồi năm 1943 lại mở tòa lãnh sự đầu tiên của chính phủ Nhật tại Huế, thì thực dân Pháp thấy lo ngại, không muốn để một tờ báo đối lập với chính quyền lên tiếng chỉ trích nhà nước, lại thấy có dấu hiệu Kỳ Ngoại hầu Cường Để muốn lôi kéo cụ Huỳnh, nên người Pháp ra lệnh đình bản tờ báo ngày 24-4-1943. Tuy nhiên nhà in báo Tiếng Dân vẫn tiếp tục hoạt động. Năm 1945, sau Cách mạng Tháng Tám, khi cụ Huỳnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội tham gia Chính phủ Cách mạng, đại hội cổ đông Công ty Huỳnh Thúc Kháng nhất trí bỏ phiếu cử cụ Trần Kiêm Trình giữ chức quản lý công ty thay thế cụ Huỳnh ([4]).
 

Ngôi nhà được coi là tòa soạn báo Tiếng Dân xưa, vẫn dáng kiến trúc cổ, khác hẳn những cửa hàng xung quanh trên đường Huỳnh Thúc Kháng


Về tòa soạn báo Tiếng Dân cũng như nhà in của báo, tôi chỉ được cha tôi cho biết là tòa soạn của báo nằm trên đường Hàng Bè, nhưng tôi không hề nhớ gì về những lần được cha tôi cho đến đó. Mới đây trong dịp trở về Huế hồi tháng ba, được anh Phạm Tấn Hầu đưa đi tìm lại ngôi nhà đã từng là tòa soạn báo Tiếng Dân mà anh Hầu cũng chỉ nghe người ta nói lại. Sau một hồi hỏi thăm những người dân cùng phố, chúng tôi được đưa đến ngôi nhà số 193, tọa lạc trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Không ai còn biết đến báo Tiếng Dân đã đình bản từ năm 1943, nhưng ký ức người dân vẫn còn nhớ đây từng là trụ sở Hội Đồng châu Quảng Nam, đã được sử dụng làm ký túc xá cho sinh viên đất Quảng ra Huế học. Theo một số người còn nhớ thì năm 1945, ngôi nhà đó đã được cụ Huỳnh Thúc Kháng (hay cụ Trần Kiêm Trình?) giao lại cho ông Võ Như Nguyện quản lý, vì ông này là con cụ Võ Bá Hạp, một người bạn tâm giao của cụ Huỳnh. Còn việc chuyển thành trụ sở của Hội Đồng châu Quảng Nam như thế nào thì ở Huế chưa ai rõ. Nhưng nhiều sinh viên đất Quảng ra Huế học đến nay vẫn còn nhớ đã từng được sống trong ngôi nhà đó. Một bà người Huế sống gần đấy còn cho biết bà có một người con rể vốn là học sinh Quảng Nam vốn trọ học trong ngôi nhà này. Đúng như câu ca dao xưa “Học trò xứ Quảng ra thi…”.
 

Mặt sau ngôi nhà thông ra đường Phan Đăng Lưu


Sau năm 1975, ngôi nhà trở thành tài sản của Nhà nước, được bố trí cho một số nhân viên trường Đại học Y Huế ở. Nay ngôi nhà đã được giao cho thành phố quản lý, vẫn sử dụng làm nhà ở tập thể cho 6 hộ đã từng được bố trí ở đây. Vì là nhà tập thể, nên việc sửa chữa tu bổ không được thực hiện, ngôi nhà đã xuống cấp rất nhiều, nhưng may mắn là vẫn giữ được cấu trúc như xưa với kiểu dáng tương đối cổ khác hẳn với những cửa hàng buôn bán hai bên. Những người dân sống trong ngôi nhà này, có hộ là người miền Bắc về Huế sau năm 1975, chịu sống trong ngôi nhà nhếch nhác, nhiều gian phòng đổ nát, không còn mái, chỉ trơ lại mấy bức tường loang lổ, nhưng không ai đủ khả năng để sửa chữa. Ngôi nhà thông từ đường Huỳnh Thúc Kháng sang đường Phan Đăng Lưu, mà bên phía này đã từng là cửa hàng bán nước mắm của gia đình ông Võ Như Nguyện. Phía bên đường Phan Đăng Lưu, ngôi nhà trông càng xập xệ, không có cửa hàng, chỉ là một cái cổng ra vào, tối tăm khác hẳn những cửa hàng buôn bán xung quanh.

Mong rằng chính quyền thành phố Huế sẽ có chủ trương khôi phục lại hình ảnh xưa của báo Tiếng Dân, một tờ báo không những tiêu biểu của Huế mà của cả miền Trung. Nên chăng, cần chuyển đổi mục đích sử dụng của ngôi nhà này, biến nó thành một nơi lưu niệm những di vật không chỉ của báo Tiếng Dân, mà còn của cả phong trào báo chí yêu nước nửa đầu thế kỷ XX. Và trong việc này, chính quyền và người dân Quảng Nam cũng có phần trách nhiệm. Đó cũng là một việc làm thiết thực để tưởng nhờ tới hình ảnh của một danh nhân xứ Quảng - cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Hà Nội tháng 3-2012
Đ.H
(SDB 6-12)




 



[1] Tùng Chi, “Báo Tiếng Dân và cụ Huỳnh thúc Kháng”, Xưa & Nay, số 42, tháng 8-1997. Tùng Chi là bút hiệu của ông Võ Như Nguyện, đã cho đăng bài này trên báo Tiếng Sông Hương của Việt Kiều tại Pháp.

[2] Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ chiều hôm, tái bản lần thứ ba, Nxb Văn Nghệ, Tp Hồ Chí Minh, 2003, tr. 28.

[3] Đào Duy Anh, sđd.

[4] Tùng Chi, sđd.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng