Ai ra xứ Huế
Niệm khúc cho mưa Huế
15:18 | 19/11/2008
VÕ NGỌC LANNếu cuộc đời người là một trăm năm hay chỉ là sáu mươi năm theo vòng liên hoàn của năm giáp, thì thời gian tôi sống ở Huế không nhiều. Nhưng những năm tháng đẹp nhất của đời người, tôi đã trải qua ở đó. Nơi mà nhiều mùa mưa lê thê cứ như níu giữ lấy con người.
Niệm khúc cho mưa Huế

Là người Huế, tôi cảm nhận xứ sở mình có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông khá rõ. Dầu sao Huế cũng chỉ là vùng đất có hai mùa mưa - nắng nhưng cảm nhận về thời khắc đôi lúc lại khá mơ hồ. Bởi lẽ đang giữa mùa nắng, tự nhiên mưa từ đâu kéo đến, mà không phải mưa rào để đến rồi đi mà mưa dai dẳng, rả rích từ ngày này qua ngày khác. Có ai ví mưa Huế khó hiểu như một o con gái Huế và thâm trầm, khó hiểu như bản tính của người dân Huế. Nói đáng tội, mưa làm răng giống người mà đem so sánh, chi lạ rứa?
Với Huế, một cơn mưa kéo dài đôi ba ngày vốn rất bình thường. Vì có lúc mưa cả tuần, cả tháng, có khi mưa cả... hai năm, từ năm cũ bước sang năm mới. Huế không mưa mới là chuyện lạ. Mưa Huế là tổng hợp của những con mưa lâm thâm của miền Bắc hay ào ạt trút nước của miền , chỉ khác chăng mưa Huế kéo lê thê như mái tóc của nhiều o con gái. Những lúc Huế mưa mới thấy nhà thơ Nguyễn Bính phải than thở quả thật không sai, khi màn mưa giăng kín và bầu trời chỉ một màu xám đục. Tưởng như những cơn mưa ấy không bao giờ dứt hạt.

Mưa thì bao giờ cũng lạnh. Cái lạnh của Huế không chỉ đến trong mùa Đông mà do những cơn mưa kéo dài, có điều mưa mùa thu hay mùa hạ thì là những đợt lạnh để làm duyên con gái. Mưa mùa Đông hoặc giêng hai mới gọi là rét ngọt, rét cắt, lúc ấy “con gái tốt cũng hư”. Người ta gặp nhau trước khi cất tiếng chào là tiếng xuýt xoa, hít hà vì lạnh. Nhiều năm Huế mưa, kèm theo đợt lạnh kéo dài có khi nhiệt độ ngoài trời xuống 8 độ C hay 7 độ C. Lúc ấy mọi hoạt động của con nguời đều diễn ra âm thầm trong mưa. Có những lúc mưa đêm, rét như cắt da vẫn nghe trong đêm khuya tiếng rao của những người bán hàng rong lầm lũi trong mưa.

Cái sự mưa của Huế rất cắc cớ. Mưa không ai biết tại sao đến, có khi cần nó lại biệt tằm tăm. Có khi nó như một kẻ phá bĩnh dễ gai đến không chịu được. Như rứa mới là mưa Huế. Như khi trời đang ngày Tết Nguyên Đán, chợt u ám rồi mưa. Thà mưa phùn cho thiên hạ có cớ để khoe áo da áo kép, đây lại mưa tầm tả như trút hết nước từ trên trời xuống. Lúc ấy mọi nguời chỉ biết bó gối ngồi trong nhà làm khách của chính mình trong ba ngày Tết. Quan trọng lắm, thân tình lắm người ta mới mặc áo mưa sù sụ đến nhà chúc Tết nhau. Người Huế đã quá quen với cảnh mưa tới không đúng lúc đó, có người an ủi đầu năm mưa móc như vậy thì may cho cả năm, người bàng quan thì “có rứa mới thấy món mứt gừng, nước trà là tuyệt cú mèo”. Chỉ có bọn con nít là buồn vì mưa không mặc được áo mới, không được chạy ra ngòai để đánh bài vụ và cả không được lì xì vì ít khách đến thăm. Chuyện “mưa lâu thấm đất” thật ra chẳng ăn nhập chi với người dân Huế và mưa Huế cả. Bởi mưa Huế làm đất thấm lâu ngày đến mức trả về số 0, bao nhiêu mưa xuống là cứ ào ạt để chảy, chảy xuống chỗ trũng, chỗ thấp. Không có chỗ để chảy nữa thành ra nước ứ. Mưa úng ngập cả cây cối là vậy. Mưa quật tới tấp vào cây lá. Mưa xói từng bờ đá. Mưa vuốt mặt không kịp.

Người già có kinh nghiệm nhìn nước mưa có màu hơi đục hay ngả sang sắc tím, là biết mưa còn kéo dài và trời sẽ rất lạnh. Những vũng nươc mưa trước sân mỗi nhà, lúc đầu làm bọn trẻ háo hức làm thuyền giấy để thả hay thi nhau ra lội làm các bậc cha mẹ phải lo lắng vì sợ con mình cảm lạnh. Chơi chán rồi thì thôi, chúng rủ nhau ra đường lớn đi lội mưa hoặc xem người ta cất rớ. Trời mua dọc các bờ sông đều có người rớ cá, họ sắp một hàng dài từ sông Hương đến vào sông Đông Ba hay chạy dọc theo sông Bạch Yến, trông rất vui mắt. Hồi ấy, sao cá đâu mà nhiều vậy không biết? Hình như mùa mưa, cá sông cá hồ lại có dịp sinh sôi nẩy nở hơn nhiều. Lúc ấy, mấy chị nữ sinh tha hồ ăn diện. Áo len màu, áo mưa màu, trông mấy chị không khác gì mấy viên kẹo chanh xanh xanh, đỏ đỏ trong mấy cái thẩu, rất ngộ. Nhiều bữa mưa, được nghỉ tiết sau, bọn học trò con gái không thích về nhà lại ưa đi dầm mưa, rồi kéo nhau vô Đại Nội nhìn mấy chiếc Cửu Đỉnh xem người ta nấu vạc dầu hồi xưa như thế nào. Sau đó thì kéo nhau ra rạp hát Bà Tuần để xem hát bội. Nghe nói trời mưa coi hát bội rất thú. Tôi chưa hề có được cái cảm giác ấy, bao giờ cũng về sớm vì rất sợ bị la và nhất là mẹ tôi rất trông. Với chút ngỗ nghịch rất con trai, lúc nào đi học về gặp mưa tôi cũng xắn quần lên cao không như bạn bè chung quanh hay các chị nữ sinh khác, cứ để hai ống quần che kín mít chân. Vừa ướt, vừa dơ vì bùn bám vào. Hơn nữa, họ lại rất sợ bày chân ra cho người khác thấy, dị lắm. Bởi rứa trời mưa, trường Đồng Khánh cho học sinh mặc áo dài tím, cái màu rất hiền và buồn như những cơn mưa Huế ấy, hóa ra đã tạo cho nữ sinh trường Đồng Khánh một nét rất riêng thật khó quên. Cũng như nhiều người dân Huế quen đi dưới mưa rồi nghiện, khiến mưa Huế trở thành một biểu tượng gắn bó thân thiết vì “chưa ướt tóc nghĩa là chưa yêu Huế” (Văn Công Toàn).

Mưa đã đành lại kéo theo lũ lụt. Có lẽ mưa nhiều quá nước tràn đầy sông Hương, sông chảy ra biển không kịp nên ào về thành phố. Lúc ấy, nước cuồn cuộn chảy vào từng xóm, từng đường. Quái ác thay trời mưa lại nặng hạt thêm “Ông tha mà bà chẳng tha”. Rõ ràng là ông bà chằng nào đó đã hợp đồng với nhau để làm nên lũ lụt rất ai oán, để nước mỗi lúc một dâng cao. Ngày trước, chưa có hệ thống dự báo khí tượng thủy văn thông báo chính xác như bây giờ, nhân dân đoán biết lũ lụt qua kinh nghiệm dân gian như kiến làm tổ trên cao, cỏ gà trắng mọc ngoài đồng nhiều... còn thông thường mưa lâu, nước sông Hương dâng cao là biết sắp có lụt. Bởi vậy nhà nào cũng kê thêm giường, ghế, trừ khi lũ quá cao như lụt năm 1953, 1999, thì chịu.

Mỗi năm Huế chịu hai ba cái lụt cũng là chuyện hàng năm. Cứ điểm sơ sơ qua mấy cái lụt đã mang tính quy luật của Huế như “tháng bảy nước nhảy lên bờ”, lụt tiểu mãn, lụt hai ba tháng mười... chứ chưa kể lụt do áp thấp nhiệt đới, do ảnh hưởng của mấy cơn bão mang tên mấy cô đào Holywood... đủ thấy Huế mưa ơi là mưa, lụt ơi là lụt. Lúc mưa nhà nào mái tranh, mái bằng còn hạn chế tiếng mưa rơi, nhà tole, nhà ngói thì nghe tiếng mưa đồm độp, rào rào. Mưa mùa lũ gió quật mạnh vào vách, vào cửa sổ, tưởng như nhà cửa sắp rung rinh đến nơi. Ban đầu người ở vùng cao lụt nước chưa tới thì thích được đi lội lụt, thích tụm năm tụm ba vọc nước cho thỏa thích. Cá nước lụt bán đầy nơi chân cầu Gia Hội, thế là nhiều người đi lội lụt để mua được cá rẻ. Sau đó thì lụt mỗi lúc mỗi cao và lụt cả làng, hơn nữa nước cao quá cũng không đặt chân xuống đất được. Lúc này mọi sự giao thông đều giải quyết bằng ghe bằng đò, hoặc bằng mấy cái bè chuối kết được. Mỗi lần mưa, vùng Đập Đá bao giờ cũng ngập trước, nên vùng này chỉ cần ở hai đầu con đập là đã qua lại bằng đò. Học trò các trường mà ở vùng Đập Đá là được cho về trước, đứa nào cũng rất khoái. Sau đó các vùng như Kim Long, Đò Cồn, Bãi Dâu đều chìm trong nước lụt. Đây là những khu vực ngập sớm nhất ở Huế, càng lúc cả thành phố ngập trong lũ và mưa, chẳng biết sông Hương nơi đâu là bờ nữa. Khi ấy, cầu Trường Tiền như một tiêu điểm để xác định vị trí thành phố.

Thường lụt ở Huế ngâm từ ba ngày đến bốn ngày, mấy ngày lụt nhiều khi có chuyện óai ăm là mưa bỗng ngưng và mặt trời lại lên rất rực rỡ, cứ nghĩ như ông trời đang đi hỏi thăm sức khỏe từng nhà vậy. Lụt mà có nắng thì an tâm hơn là bị mưa, nó làm con người như lạc quan hơn một chút. Thường lụt đi rồi, vẫn còn một vài trận mưa lớn mà các bậc cao niên gọi là “mưa xối bùn” rất chi là chí lý. Như vậy làm người Huế chỉ cần hiểu mưa Huế dai dẳng nhất nước. Mưa Huế là Huế mưa không diễn tả được, mưa “vô hậu”, mưa thúi đất thúi đai. Mưa quất từng sợi nước vô mặt đến rát mắt, mưa làm móp cả hai tay vì lạnh và mưa làm người đi trong mưa phải bám hai bàn chân vào mặt đường kẻo ngả. Có khi đi đối diện với nhau mà cũng không thấy mặt người vì màn mưa xối xả. Vậy mà người Huế vẫn có cái thú đi dạo trong mưa, có lẽ họ muốn chiêm nghiệm hoặc giải tỏa một suy nghĩ dưới mưa chăng? Đừng ước ao “anh lạy trời mưa phong tỏa đường về” vì ở Huế mưa người ta cũng về, cũng đi ra đường, trừ phi người ta muốn mượn danh nghĩa một cơn mưa nhưng chuyện đó ở Huế thì “xưa nhất Diễm”. Tại sao những cơn mưa kỳ diệu của Huế quyến rũ như thế, người ta lại không đưa nhau đi dạo dưới mưa để có thêm một kỷ niệm, khi những cơn mưa đã gắn bó thiết thân với con người Huế?

Có một lần ở Cali, Trần Kiêm Đoàn lái xe chở Lưu Trần Nguyễn và tôi đi uống cà phê nhằm lúc trời mưa, làm tôi nhớ Huế đến kỳ lạ.
Phải có những người đồng hương, đồng điệu và cùng “đồng tha hương” cùng đi với nhau trong mưa, cùng nhấp nháp tí ca - phê mà nhìn mưa bay để nhớ cảnh trời mưa Huế thì mới hiểu được nguồn cơn của niệm khúc.
Mùa mưa. Dòng sông của Huế như in đậm vào tâm khảm của tôi. Tôi ao ước được tắm mình mãi trong những cơn mưa dai dẳng của Huế. Tôi phổ nhạc bài thơ Mưa Huế của Hồ Đắc Thiếu Anh bằng một tình yêu Huế, yêu những mùa mưa Huế. Chứ với vốn nhạc lý ít ỏi, tôi nào dám mong mình sẽ làm được chút gì góp mặt với Huế. Bởi vậy khi nghe Vân Khánh hát thành công, tôi đã không kìm được những giọt nước mắt vui sướng. Những giọt nước mắt của tôi, có đủ làm nên một sợi mưa Huế không? Tôi vẫn ao ước như thế.
V.N.L

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng