Ai ra xứ Huế
Huế - 200 năm trước
15:14 | 11/06/2013

PHẠM HUY THÔNG

Đầu năm 1986, nghĩ rằng năm nay là một năm có nhiều sự kiện trọng đại diễn ra trong nước ngoài nước, tôi e rằng kỷ niệm mùa hè 200 năm trước của Phú Xuân và của dân tộc, dù không phải là không có tầm vóc, có thể chỉ được chú ý có mức độ, - nếu có được nhắc đến.

Huế - 200 năm trước
Giáo sư tiến sĩ Phạm Huy Thông - Ảnh: sachxua.net

Cho nên, ở số đầu năm của báo Nhân Dân, ngay sau tết, tôi có nhắc đến, để dù sao, thế cũng là được nhắc đến.

Nhưng tôi đã lầm. Sự việc 200 năm trước, mà Phú Xuân thời đó, Huế ngày nay, là một trung tâm trọng yếu bậc nhất, nhân dân cả nước không coi nhẹ. Đặc biệt là Huế không quên. Huế coi rất trọng. Huế rất tự hào. Cùng với Huế, nhân dân cả nước tự hào, niềm tự hào đáng tự hào của dân tộc.

Đó là niềm tự hào của người Việt Nam chúng ta về tình cảm truyền thống thiết tha đối với nền thống nhất của Tổ quốc.

Bởi kỳ công của Nguyễn Huệ 200 năm trước là hai chiến công, hai chiến dịch chớp nhoáng lẫy lừng liên liếp trong số cả loạt chiến dịch rực rỡ của Nguyễn Huệ, biểu hiện một tài năng quân sự phi thường. Nhưng kỳ công của Nguyễn Huệ hai lần chiến thắng vang dội năm Bính Ngọ 1786, mở đầu là chiến dịch Hải Vân - Phú Xuân, còn quan trọng hơn nhiều. Chiến thắng Phú Xuân là màn mở đầu cho công cuộc thu về một mối toàn bộ đất nước sau 250 năm đã bị chia cắt.

Cho nên hôm nay Huế tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày Phú Xuân được nghĩa quân Tây Sơn giải phóng, xảy ra tháng 6-1786 (thường được nghĩ là ngày 15-6), - mà, cùng những nhà nghiên cứu lịch sử trong cả nước, tôi cảm tạ Huế, cảm tạ Phú Xuân, đồng tình với sử học đánh giá cao sự trọng vọng của sử học Việt Nam, ít ra của số đông những nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam ta hiện nay, đối với công cuộc có ý nghĩa trọng đại của anh hùng dân tộc "Nguyễn Văn Huệ", 200 năm trước. Đó là: đã dẫn nghĩa quân Tây Sơn, mà, theo những con số có thể nắm quân số có thể chỉ bằng 1/3 lực lượng quân sự Lê Trịnh - một vạn chọi với ba vạn- đóng trên đất Thuận Hóa, Bình Trị Thiên ngày nay, giương cao cờ đào giải phóng Phú Xuân khỏi chế độ ruỗng nát của các chúa Trịnh, bắt đầu thực hiện thống nhất dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Đầu năm nay, tôi đã có mấy lời ngắn gọn trên báo Đảng, dựa trên tình hình nghiên cứu khoa học chung lúc bấy giờ biểu dương công trạng hiển hách này, của Tây Sơn và của Nguyễn Huệ. Trong những ngày kỷ niệm trọng thể này trên đất Phú Xuân năm xưa, xin nhường các đồng chí có thẩm quyền thay mặt nhân dân Huế, nhân dân Bình Trị Thiên, ca ngợi Nguyễn Huệ và công đức đối với dân tộc của thế hệ ông cha ta vinh quang thuở đó.

Tôi muốn xin được thay mặt những anh chị em nghiên cứu quốc sử có mặt ở Huế hôm nay, thay mặt giới sử học Việt Nam, đề xuất, hoặc nói đúng hơn lưu ý một số công tác khoa học cần được tiến hành - hay tiếp tục đẩy mạnh - nhằm soi sáng thêm sự kiện lớn mà chúng ta đang cùng nhau ôn lại. Tôi cho rằng công tác nghiên cứu khoa học này càng dứt khoát, vững vàng, sâu sắc, thì giá trị lịch sử của sự nghiệp dân tộc năm xưa càng được tỏ rõ, những bài lịch sử mà chúng ta thấy nên học tập càng được thấm sâu.

Hai loại vấn đề khoa học, theo tôi, cần được quan tâm, để soi rọi ý nghĩa của sự kiện Phú Xuân 200 năm trước, mở đầu từ đó một số trang lịch sử hào hùng bậc nhất, riêng của Phú Xuân - Huế, mà cũng là của cả nước: Phú Xuân, mà dân gian đương thời đã quen gọi là Huế, từ một trấn doanh Nguyễn, rồi Trịnh, tiến đến trở nên thủ đô của Tây Sơn, rồi của nhà Nguyễn.

Xin lần lượt trình bày hai vấn đề, mà mỗi vấn đề gồm một số điểm đáng được chú ý.

Trước hết là ngày tháng chính xác Phú Xuân được giải phóng.

Bởi, hiện chúng ta tưởng đã biết khá chi li về cuộc chiến đấu mà kết quả là Phú Xuân được giải phóng và tưởng đã biết ngày tháng đích thực sự việc đã xẩy ra. Nhưng chưa hẳn thế. Đây là một vấn đề chuyên môn, nói là học thuật hoặc kỹ thuật cũng được, khá phức tạp, xin có một bài nghiên cứu đi sâu, mong để được công bố trên một tạp chí chuyên môn. Ở đây chỉ xin điểm vấn đề đặt ra như thế nào.

Tới nay, công trình nghiên cứu kỹ nhất về sự việc này là của hai đồng chí tác giả Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng: "Tìm hiểu thiên tài quân sự Nguyễn Văn Huệ", do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành đã đúng 20 năm trước. Sách có dẫn, đối chiếu và phê phán sử liệu cũng như có so sánh và bình luận những ý kiến khác nhau trong những nguồn sử và của những người viết sử khác nhau về vấn đề này. Sách cho rằng Nguyễn Huệ đã lấy được Phú Xuân ngày 20 tháng 5 Bính Ngọ, tức 15-6-1786, sau một cuộc chiến đấu ác liệt dưới chân thành.

a) Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng dựa chủ yếu vào "Lê Quý Dật sử" của Bùi Dương Lịch: 20 tháng 5 Bính Ngọ. Các tác giả cho rằng ngày tháng đó đáng tin, bởi được xác nhận bằng một bức thư đương thời của giáo sĩ Pháp Longer (Jacques - Benjamin): 15-6-1786.

Xin mách thêm rằng còn có một giáo sĩ Pháp khác nữa, là Doussain (Jean- André), cũng có nói đến ngày 15-6-1786 như Longer. Nhưng Doussain không nói rõ 15-6-1786, mà nói ngày lễ Thánh Thể Năm 1786, Lễ Thánh Thể nhằm ngày 15-6-1786.

b) Như vậy, phải chăng ngày tháng đã rõ? Khốn nỗi, đối chiếu âm dương lịch thông thường, thì 20 tháng 5 Bính Ngọ là 15-6-1786. Nhưng, năm 1786, thì, ở nước ta, Trịnh - Lê, Nguyễn, cũng như Tây Sơn, đều đang dùng một âm lịch khác với âm lịch Trung Quốc mà nhà Thanh dùng từ giữa thế kỷ 17 và Nguyễn Gia Long cũng dùng từ năm Quý Dậu 1813. Âm lịch của ta lúc bấy giờ, gọi là Khâm Thụ ở Bắc Hà hay Vạn Tuyền ở Nam Hà, thì vẫn theo lịch Đại Thông của nhà Minh. Mà, theo lịch đó dùng ở ta, thì ngày 20 tháng 5 Bính Ngọ là ngày 16-6-1786 (chứ không phải ngày 15)!

c) Tài liệu của Pháp đáng tin cậy nhất lại không phải của hai giáo sĩ nói trên, mà là của giáo sĩ La Bartette (Jean), bấy giờ là giáo sĩ chính ở vùng này, có mặt ở Dinh Cát, tức Cát Doanh (Quảng Trị), không xa Phú Xuân, lại viết báo cáo về Pháp hầu như ngay sau khi sự việc vừa xảy ra: ngày 23-6-1786. Theo La Bartette, thì ngày Tây Sơn đến chiếm đóng Dinh Cát là ngày hôm trước ngày ông viết thư, tức 22-6. Vì đồn Phú Xuân thì thất thủ mới vừa đúng 5 hôm trước. Tức Phú Xuân thất thủ ngày 18-6-1786.

Tài liệu này đã được từ lâu biết đến: L. Cadière trong tập san Trường Viễn Đông bác cổ, năm 1913. Nhưng tập san Nghiên cứu Văn Sử Địa số 14, ra tháng 2-1956, trích dẫn L. Cadière lại dịch lầm chỉ dẫn của La Bartette. La Bartette có một lần nói đến sự việc xảy ra 5 hôm trước, chứ không phải cả ba lần đều nói sự việc xảy ra trong 5 - hay 6 ngày.

Tuy nhiên ngày 18-6-1786 đã là đáng tin cậy nhất chưa? Tôi nghĩ là chưa. Ngày Dinh Cát được giải phóng: 22-6 thì là vững chắc. La Bartette có mặt ở đấy và ngay hôm sau, ghi sự việc xảy ra hôm trước. Còn về trước, thì là nghe tin truyền đến mà thôi.

d) Sự thật thì theo tôi nghĩ là Phú Xuân đã thất thủ đêm 24 tháng 5 Bính Ngọ, tức 20-6-1786.

Vì sao tôi nghĩ vậy?

Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng: dựa trên một số điểm sai lầm của tư liệu và của người trước và dựa trên một số suy luận chưa đúng của bản thân, đã có lúc ngẫu nhiên đi đến chỗ coi ngày 24 tháng 5 Bính Ngọ là có thể hợp lý (nhưng coi 24 tháng 5 Bính Ngọ là 19-6-1786, chứ đáng lẽ phải là 20-6-1786). Song các tác giả đã không chấp nhận, vì cho rằng không có sử liệu nào nói đến ngày tháng đó.

Thật ra có tài liệu nói thế. Và các tác giả đã ghi lài liệu đó trong danh mục tài liệu tham khảo của mình. Đó là "Lịch triều tạp kỷ" của Ngô Cao Lãng (hay Cao Lãng), bấy giờ chưa dịch ra quốc văn, cho nên có thể là đã được ghi nhưng chưa được sử dụng thật sự. Trong những năm 50 của thế kỷ này, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm đã sử dụng những niên đại của Cao Lãng: từ 18 đến 24 tháng 5 Bính Ngọ, không biết có phải dựa trên Cao Lãng hay dựa trên một tài liệu nào khác. Và Hoa Bằng biểu rằng đó là thời gian, từ ngày xuất quân ở Quy Nhơn đến ngày tới Hải Vân. Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng phê phán quán điểm đó, và vạch ra, rất đúng, rằng ngày "xuất sư" đã được các tài liệu nhất trí chỉ ra là ngày 28 tháng 4 Bính Ngọ, tức 25-5-1786. Nhưng các tác giả, cũng như Hoa Bằng, đều không nhận thức rằng, theo Cao Lãng, thì đó là thời gian Tây Sơn đã tiến từ Hải Vân đến Phú Xuân. Ngày 24, Nguyễn Huệ dốc toàn bộ lực lượng tấn công Phú Xuân và trong đêm đã hạ thành.

Sử liệu ta thống nhất nói rằng: hôm trước Phú Xuân thất thủ, thì hôm sau Động Hải (tức Đồng Hới), ở giáp ranh Nghệ An, cũng bị chiếm. La Bartette cũng nói vậy. Vậy đó là ngày 25 tháng 5 Bính Ngọ, tức 21-6-1786. Có điều là sử gia ta, ở đoạn này, có chỗ hàm hồ khi nói rằng Tây Sơn chiếm Phú Xuân hôm trước, thì hôm sau chiếm Động Hải: thủy binh Tây Sơn chiếm Động Hải không thể là cùng một bộ phận đêm trước chiến đấu ở Phú Xuân, mà hôm sau lại đã tiến vào Động Hải, ở tận phía sông Gianh. Đây phải là một bộ phận khác, xuất phát từ chính Nam Hà, chắc do Nguyễn Lữ chỉ huy.

Riêng binh sĩ đồn Động Hải từ xa thấy bóng tinh kỳ thuyền chiến Tây Sơn, với chỉ huy là vị Phái hầu (khuyết danh), cùng Ninh Tốn, phó tướng, đã bỏ chạy về Bắc Hà và trốn thoát được. Còn quân tướng giữ các đồn ải khác từ Phú Xuân đến Động Hải cũng đều tan rã, đều bỏ chạy, nhưng đều bị bắt. Sau trận chiến đấu ác liệt ở Phú Xuân, mà chi tiết phù hợp nhau được nhiều sách khác nhau ghi lại khá thống nhất, thì quân Tây Sơn đã làm chủ toàn bộ Thuận Hóa, mà không phải chiến đấu trận nào, - bắt đầu từ Động Hải ở cực Bắc.

Kiểm tra kỹ tư liệu để soát xét ngày tháng chính xác, chúng ta nhân đó khám phá một thiếu sót khác trong nhận thức lịch sử tới nay. Đó là biến diễn của chiến cuộc từ Hải Vân đến Phú Xuân, tới nay được ngộ nhận là một quá trình rất giản đơn và rất mau chóng. Trận đánh Phú Xuân được kể tả tỉ mỉ, từ đàn chay bảy ngày đêm ở chùa Thiên Mụ, đến sự nghi ngờ nhau giữa chánh phó trấn tướng, đến Nguyễn Huệ chờ tối đến nước triều dâng mới nã đại bác lên thành từ thuyền, đến Phạm Ngô Cầu thất thế tự trói mình, đẩy áo quan, ra hàng... Thế nhưng lại thường tưởng như Tây Sơn đã đánh chiếm Hải Vân rất dễ dàng, đến nỗi thường hiểu rằng ngày đánh chiếm Phú Xuân. Thật ra, không phải thế.

Phần lớn các sử liệu của ta đều nói đến viên tướng Trịnh giữ đồn Hải Vân. Đó là Quyền Trung hầu Hoàng Nghĩa Quyền (hay Hoàng Nghĩa Hổ), và các sách đều ghi rõ Quyền tử trận. Nhưng không mấy tài liệu nói được ít nhiều rõ cuộc kháng cự của Quyền quyết liệt nhường nào, từ khoảng ngày 18 cho đến ngày 24 tháng 5 Bính Ngọ: 6 ngày. Hẳn là sáu ngày ác chiến! Tuy vậy, lại không phải như ta dễ nghi, cái khó khăn lớn trước Phú Xuân chẳng phải là đồn Hải Vân chót vót trên "Đỉnh Lũy" - như nhân dân hay gọi Hải Vân ở thế kỷ trước, thời Cao Xuân Dục. - Hành quân từ chân đèo ở phía Nam lên, chứ đừng nói chiến đấu, nhất định là không dễ. Nhưng chính chiếm đồn đó thì lại không có đánh chác gì cả. Vì Hoàng Nghĩa Quyền đã rút quân vào phía trong, lấy một đồn gọi là An Nông làm căn cứ chính mà chiến đấu. Quyền đã chiến đấu thế nào, không đâu ghi rõ, nhưng sử liệu nói rõ là Quyền đã đánh đến "lực tận", thuốc đạn hết sạch, rồi tự sát trên mình voi. Vậy cái khó khăn chính đối với Tây Sơn trước Phú Xuân, là An Nông. Đồn An Nông ở chính chỗ nào, còn cần định rõ. Nhưng chắc hẳn không xa Phú Xuân, nên cùng ngày chiếm được An Nông, Nguyễn Huệ đem bộ binh đến phối hợp với thủy binh đánh ngay Phú Xuân được. Giáo sĩ Pháp, thấy thuyền chiến Tây Sơn trùng trình ngoài khơi một thời gian để chờ bộ binh, với Nguyễn Huệ, rồi sau đó lại hay tin chỉ huy Phú Xuân tranh cãi nhau kéo "cờ bạc" hay "cờ điều" - hàng hay đánh? - nghĩ, cũng không phải sai, rằng Tây Sơn để thì giờ cho quân tướng Trịnh mất tinh thần, mở cổng thành ra hàng, khỏi nhà đánh...

Trận đánh chiếm toàn bộ Thuận Hóa, thế là, đúng như các tác giả Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng đã viết, đã diễn ra mau chóng: chỉ khoảng mươi hôm, nếu không kể thời gian từ khi Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ cầm quân đến khi quân Nguyễn Huệ áp sát đèo Hải Vân - khoảng 20 ngày. Bản thân chiến dịch lấy Thuận Hóa gồm ba khâu, mà trung tâm là ngày và đêm hôm 24 tháng 5 Bính Ngọ (20-6-1786), hôm hạ Phú Xuân. Sau đó, ngày hôm sau, Tây Sơn đóng ở Động Hải - Đồng Hới. Rồi từ đó, trong mấy ngày, Tây Sơn đóng khắp Thuận Hóa, từ Phú Xuân đến Động Hải và từ Động Hải đến Phú Xuân, thì không quan trọng lắm: Tất cả đồn lũy đều là đã bỏ không. Đứng về mặt lịch sử chiến sự, khâu Tây Sơn tiến từ Hải Vân đến Phú Xuân dài hơn là ta nghĩ và có nội dung cần được tìm hiểu. Hãy ghi chú ba điều:

1. Ngày 18 tháng 5 Bính Ngọ (14-6- 1786) được coi như mở đầu chiến dịch, là thế nào? Longer có nói thuyền Tây Sơn đã xuất hiện ở Thuận Hóa từ 13-6-1786. Điều đó không mâu thuẫn: xét kỹ "Lịch triều tạp kỹ", thì phải hiểu rằng ngày 14-6-1786 là ngày Phạm Ngô Cầu đang cúng lễ ở chùa Thiên Mụ chợt nghe tin Tây Sơn đã đến Hải Vân như vậy Tây Sơn đã xuất hiện từ ít ra hôm trước, là hợp lý.

2. Cần nghiên cứu kỹ hơn, nhưng nay ta đã biết: Thủy quân Tây Sơn kéo đến đâu, các đồn thủy Trịnh ven biển bỏ chạy đến đấy. Song phía bộ, có một sự cầm cự mãnh liệt, khiến cho bộ binh Tây Sơn - mặc dầu được Nguyễn Huệ đích thân chỉ huy - không đến Phú Xuân nhanh chóng hơn được.

3. Cả một thời gian khá dài chiến cuộc náo động Thuận Hóa, mà Tây Sơn đã ngay từ đầu nắm chắc phần thắng. Khiến cho ngày tháng chính xác Phú Xuân được nghĩa quân Tây Sơn giải phóng có nhiều khả năng là ngày 24 tháng 5 Bính Ngọ (20-6-1786), nhưng nhân chứng không trực tiếp mà gần gũi được thông tin và ghi chép lại dễ sớm hơn đôi ba ngày, vì mọi người đã tin chắc Phú Xuân đã bị bao vây từ mấy hôm trước sớm muộn sa vào tay Tây Sơn ngày một ngày hai, không biết ngày nào, ngày nào cũng tin được...

Qua một cuộc điểm sơ bộ sử liệu, ta thấy lịch sử chiến dịch Phú Xuân năm 1786 hấp dẫn nhường nào. Chiến dịch ấy cần được thực sự nghiên cứu khoa học, để tiến đến chúng ta biết được đầy đủ hơn biến diễn lịch sử của năm trọng đại 1786 trong toàn bộ lịch sử của phòng trào Tây Sơn cũng như hành vi trong chiến dịch của nhân vật anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Tất cả đều còn cần được sử học gia công nghiên cứu, chứ thông thể coi rằng thế là đã được biết đủ, hoặc không thể biết hơn, nay chỉ còn suy ngẫm, bình luận, mà thôi.

Một vấn đề quan trọng nữa cần được sử học xúc tiến nghiên cứu, là soi thật sáng một vấn đề quan trọng đã được soi sáng. Đó là: công lao thống nhất lại Tổ quốc từ ngày Mạc - Lê, rồi Trịnh Nguyễn phân tranh. Tây Sơn ở cuối thế kỷ 18 hay Nhà Nguyễn ở đầu thế kỷ 19?

Về cơ bản, đối chiếu những ý kiến trái ngược nhau còn tồn tại sau Cách mạng tháng Tám, giữa những nhà nghiên cứu gán công lao đó cho nhà Nguyễn (như Trần Trọng Kim) hay cho Tây Sơn (như Jean Chesneaux), và tổng kết cuộc thảo luận giữa Lê Thành Khôi, chủ trương là phải chờ đến Gia Long, năm 1802, đất nước mới thống nhất, vì chỉ khi đó mới chỉ còn một chính quyền, và Văn Tân, phản bác lại, khẳng định rằng, năm 1787, sau lần Bắc tiến thứ nhất. "Nguyễn Huệ đã thực sự thực hiện nền thống nhất của nước Việt Nam", - Phan Huy Lê, trong cuốn sách nhỏ của mình "Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn", năm 1961, đã phân tích đúng đắn lịch sử và kết luận:

"Tây Sơn chưa hoàn thành được việc thống nhất quốc gia, nhưng quả thực đã có nhiều công lao, nhiều cống hiến quan trọng vào việc khôi phục lại quốc gia thống nhất... Nguyễn Ánh thừa hưởng những thành quả đấu tranh thống nhất của phong trào nông dân Tây Sơn, nhưng không tiếp tục bồi dưỡng và phát triển được nền tảng thống nhất vốn có ấy, mà ngược lại chỉ làm cho cơ sở kinh tế, xã hội của quốc gia thống nhất bị hao mòn, suy yếu thêm. Công lao và sự nghiệp đấu tranh thống nhất quốc gia là công lao và sự nghiệp của nhân dân, gắn liền với phong trào nông dân Tây Sơn và triều đại Quang Trung tiến bộ".

Về cơ bản, tôi nhấn mạnh, những kết luận này là chấp nhận được. Chính vì vậy mà tôi đã có nhận xét rằng ý nghĩa chủ yếu của năm 1786 đã được soi sáng. Nhưng mặt thứ hai của vấn đề, là ý nghĩa đó còn cần được soi sáng thêm.

Xét sơ bộ, tôi thấy có ít ra bốn phương diện này cần được những nhà nghiên cứu đi sâu thêm, nhằm nhận thức được những sắc thái đặc biệt của công cuộc thống nhất đất nước của Tây Sơn năm 1786:

1. Rời Phú Xuân ra Bắc Hà "phù Lê diệt Trịnh", Nguyễn Huệ đã giao quyền bính cai quản Thuận hóa cho em là Nguyễn Lữ. Nhưng sau khi cùng Nguyễn Nhạc từ Thăng Long trở về Nam, trước cuối năm đó, Nguyễn Huệ đóng tại Phú Xuân. Phú Xuân trở nên đại bản doanh của Nguyễn Huệ, Bắc Bình vương, rồi từ cuối năm 1788, kinh đô của Nguyễn Huệ, Quang Trung hoàng đế.

Nguyễn Huệ đã nhiều năm muốn rời đô đến Nghệ An, nhưng chung quy, đến lúc mất, năm 1792, vẫn đóng ở Phú Xuân. Và, sau đó, Quang Toản nối ngôi tiếp tục đóng ở Phú Xuân.

Nguyễn Ánh: đánh bại Quang Toản ở Phú Xuân, rồi ở Thăng Long, lên ngôi vua ở Phú Xuân. Từ đó, triều đình Nguyễn 11 đời vua cho đến Bảo Đại đều đóng ở Phú Xuân - Huế.

Nguyễn Huệ năm 1786 giải phóng Phú Xuân, rồi đóng tại đó, mở đầu một giai đoạn lịch sử mới cho Phú Xuân - Huế. Gần trọn một thế kỷ, Phú Xuân là trung tâm của đất nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau, rèn rũa cho người Huế một niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ. Để đến năm 1885, khi quân đội thực dân đến uy hiếp, hạ uy thế vua để làm nhục quốc thể, Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đã vùng dậy, phát động phong trào yêu nước Cần Vương sâu đậm trong quần chúng nhân dân cả nước. Và từ đó, mặc dù thực dân đè nén, mặc dù vua quan khi chống đối khi chịu lép một bề, nhưng người dân đất Huế thì luôn luôn quật cường.

2. Khẳng định rằng công lao thống nhất lại Tổ quốc ở cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 là của nhân dân, nhưng gắn liền với phong trào nông dân Tây Sơn, là đồng thời chấm dứt một cách dứt khoát luận điểm của thực dân đã bày đặt ra. Đó là huyền thoại về Nguyễn Ánh đã chiến thắng Tây Sơn, thống nhất nước nhà, nhờ Ánh đã cõng rắn cắn gà nhà, dựa vào lực lượng quân sự, hoặc ít ra kỹ thuật quân sự của Pháp, mà đánh Tây Sơn.

Sự thật là Nguyễn Ánh đã có cõng rắn cắn gà nhà, đã qua Pigneau de Béhaine, giám mục Adran, ký kết với triều đình Pháp của Louis 16, năm 1787, một hiệp ước chịu bước đầu lệ thuộc Pháp, để nhờ vả quân sự nước ngoài đánh thắng trong nội chiến. Nhưng hiệp ước đó đã không thực hiện được, do Cách mạng Pháp nổ ra năm 1789. Và, sau đó do sự tan rã nội bộ của phong trào Tây Sơn sau Nguyễn Huệ là chính, chứ không phải do trang thiết bị quân sự ít nhiều hiện đại hóa của Nguyễn Ánh, nhờ được giáo sĩ Pháp và bọn quân nhân lưu vong Pháp giúp giập, mà Tây Sơn đã sụp đổ.

Thời Napoléon 3, thực dân Pháp muốn dựa vào pháp lý để giành "quyền" chiếm đóng Lục Tỉnh, đã cho sứ thần De Montigny lục lại hiệp ước Versailles giữa Louis 16 và Nguyễn Ánh. Nhưng một hội đồng luật gia Pháp đã phải công nhận rằng hiệp ước đã có ký kết hẳn hoi nhưng về mặt pháp lý là vô giá trị đối với Pháp, vì đã không được Pháp thực hiện.

3. Sự nghiệp thống nhất năm 1786 có tầm vóc lịch sử lớn, lại có những sắc thái của thời đại cần được nhận thức. Nhận thức rõ để không hiểu lầm lịch sử qua lăng kính của ngày nay. Với quan điểm lịch sử khoa học đúng đắn đó, thấy được hạn chế của thời đại. Và, chính qua cái hạn chế đó, mà ta lại có thể có cách nhìn biện chứng, là nhìn nhận được càng đúng hơn đánh giá được càng cao hơn công lao của người xưa.

Nhân dân ta trước sau tha thiết thế nào với nền thống nhất của đất nước, gắn liền với quyền tự chủ, lịch sử đã từng phen cho biết rõ. Là một sự kiện lớn lao bậc nhất đối với cộng đồng người Việt ở thời người Việt cổ, khi 15 bộ vùng sông Hồng đã hợp nhất quanh bộ Văn Lang thành nước Văn Lang, dưới quyền quản trị của "người lạ" (dị nhân) đứng đầu bộ Văn Lang, khi đó tự xưng là "Hùng" thứ nhất. Công lao Ngô Quyền chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938, giải phóng đất nước to lớn nhường ấy, nhưng các sử gia ta, từ Vũ Quỳnh đến Phạm Công Trứ và Lê Hy, coi như chưa bằng công lao của Đinh Bộ Lĩnh, thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, 30 năm sau. Với họ Đinh và, năm 968, loạn sứ quân đã chấm dứt, quốc sử mới được coi là chính thức bắt đầu. Bấy giờ, sử biên niên mới được coi là "bản kỷ", trước đó, chỉ là "ngoại kỷ". Vì sao như thế? "Đại Việt sử ký toàn thư" được in chính thức lần đầu tiên cuối năm Chính Hòa thứ 18 (1697) giải thích: "dĩ minh kỳ đại nhất thống dã" (để làm sáng cái lớn của sự nghiệp thống nhất vậy).

"Nhất thống" ở đây rõ ràng là "thống nhất đất nước", như chúng ta nói ngày nay. Nhưng khi ra Bắc năm 1786, Nguyễn Huệ ba lần triều yết vua Lê, bấy giờ là Cảnh Hưng Duy Diêu, mỗi lần một trọng thể hơn, để báo cáo nghĩa "nhất thống", thì nhất thống ở đây mang một ý nghĩa riêng, gắn liền với chủ trương tôn phù nhà Lê khi đó. Đó là đêm chính quyền đã bị chúa Trịnh tước đoạt, trả lại cho vua Lê, hợp quyền cai quản đất nước vào một mối.

Nhà nghiên cứu lịch sử, bằng vào những bản dịch sử liệu cũ tìm hiểu nhận thức của giới nghiên cứu lịch sử xưa và nay, tưởng đâu như người đương thời không nhận thức rõ thực tế lịch sử. Hoặc, nhận thức được thì đã dùng từ mới "thống nhất" để chỉ thực tế lịch sử này, - phân biệt nó với từ cũ "nhất thống" mà sử gia lớp trước dùng để chỉ sự thống nhất đất nước, như chúng ta nói ngày nay.

Nhưng kiểm tra sử liệu, tôi thấy không phải thế. Tất cả sử liệu xưa mà tôi có dịp kiểm tra nguyên bản, đều dùng từ "nhất thống" với nghĩa tôn phù vua Lê:

- "Lê quý kỷ sự": "ban nhất thống chiếu văn vu thiên hạ"…

- "Hậu Lê thời sự kỷ lược": "tất kiến nhất thống chi sự..."

- "Tây Sơn ngoại sử": "dĩ tôn phù nhất thống vi danh".

"ban hạ nhất thống chiêu thư"…

- "Lịch triều tạp kỷ": "thụ triều hạ nhất thống lễ"!

"hữu tôn phù nhất thống chi mưu"...

- "Khâm định Việt sử thống giám cương mục": "dĩ minh nhất thống tôn phù chi nghĩa"…

Song nhiều người dịch không nghiêm túc: hoặc tự ý đổi thành "thống nhất", vì hiểu văn xưa như mình nói ngày nay; hoặc vẫn dùng từ "nhất thống", nhưng không ngại ghi thêm thành "nhất thống đất nước"... Cả hai cách đều thực sự là đã xuyên tạc người xưa, ít ra là hiểu lầm, vì quen nghĩ theo cách nghĩ của mình ngày nay.

Những việc hạ bệ nhà Trịnh không phải chỉ có ý nghĩa đó mà thôi.

4. Là rất có ý nghĩa câu chuyện giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh, sau khi Huệ chiếm lĩnh Thuận Hóa xong ra lệnh cắm mốc ở La Hà - sông Gianh theo ranh giới Trịnh Nguyễn cũ. Nguyễn Huệ biết rằng đem quân ra Bắc Hà sẽ không được Nguyễn Nhạc đồng tình. Song cuối cùng, đã không ngại "kiểu mệnh". "Kiểu mệnh": cứ chuẩn bị Bắc phạt, rồi phái Nguyễn Hữu Chỉnh cầm quân tiên phong đi, mãi đến khi bản thân mang đại quân đi sau mới báo tin cho Nguyễn Nhạc hay. Vì Huệ chắc chắn rằng nếu đặt vấn đề xin phép, thì sẽ bị cản trở.

Bởi thực tế khách quan là Tây Sơn diệt được nhà Trịnh, mà chúa Nguyễn thì lại đã phiêu bạt sang tận Vọng Các, thì đất nước, dù về danh nghĩa chưa thu về một mối, chính quyền toàn quốc đã nằm trong tay chỉ một quyền lực duy nhất: Tây Sơn. Về danh nghĩa, là Nguyễn Nhạc ; về thực chất, là Nguyễn Huệ, người nắm quân đội.

Nguyễn Huệ đã nhận thức rõ điều ấy khi tuyên bố "Hịch xuất quân đánh nhà Trịnh". Từ chiến thắng Phú Xuân mà trong lời nôm mộc mạc và trang trọng, Huệ vời trông Tổ quốc Bắc Nam cả hai miền:

"Quảng Nam đà quét sạch bụi trần
Thuận Hóa lại đem v
bờ cõi.
Nam một dải tăm kình phẳng lặng, cơ thái bình đứng đợi đã gần
Bắc mấy thành tin nhạn chưa yên, bề cứu viện ngồi trông sao tiện
?

Đất nước là một mối, có thể điều đó là phù hợp với tham vọng riêng của Nguyễn Huệ, ở vị trí của mình mà đã được tài năng chưa đến. Trong khi đó thì vua Lê mới, Chiêu Thống Duy Kỳ, non trẻ, bất tài bất lực, lại nho nhoe muốn làm chủ thật sự, dĩ nhiên là chỉ trên đất Bắc, mặc dầu đã được người ông khôn ngoan căn dặn, trước khi lìa trần, là nên đặt mình dưới sự bảo trợ của Nguyễn Huệ. Và vua anh, Tây Sơn Nguyễn Nhạc, thì không muốn phiêu lưu, không muốn vói đến Bắc Hà xa lạ, nhất là không muốn binh quyền nằm lâu dài, lại rộng cả nước, trong tay người em thiên tài. Cho nên bó tầm tham vọng ở phần Nam của nước cũ thôi, và cũng can tâm, như Chiêu Thống, chia đôi đất nước.

Khách quan mà xem xét, đất nước đã thống nhất, nhưng, cả Lê, cả Tây Sơn, đang trên ngôi báu ở hai miền, đều không muốn nắm, sợ nắm ngọn cờ. Nguyễn Huệ đã nắm lấy ngọn cờ thống nhất Tổ quốc đó. Nắm lấy và thực hiện điều đã công bố trước trong một hoàn cảnh nơi khác:

Bỗng xui thế nước tranh ba, tôi nhà Hạ phải thu hồi hai nước.

Từ thế chính trị tạo ra năm 1786, Nguyễn Huệ đã tiến đến bảo vệ đất nước thắng lợi chống quân Thanh xâm lược năm 1788-1789, đặt cơ sở cho một Nhà nước mới tiến bộ, ra sức củng cố và phát huy mầm mống đang ngày càng vững chắc của nền thống nhất.

P.H.T
(SH26/8-87)






 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Tình đất (22/04/2013)