Ai ra xứ Huế
Gác Trịnh - cánh bướm và hoa hồng
08:26 | 27/06/2013

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Buổi sáng, tôi ngồi trong Gác Trịnh nhìn ra ngoài cửa sổ. Bên ngoài trời đang se sắt chuẩn bị mưa, sự se sắt nằng nặng.

Gác Trịnh - cánh bướm và hoa hồng
Vị khách đầu tiên của Gác Trịnh là 2 đóa hoa hồng!

Gần như những tháng ngày này, cái gì tôi nhìn thấy cũng như nằng nặng, cả bầu không khí mà chúng tôi đang hít thở. Áp thấp nhiệt đới trong những ngày cuối xuân sang hè đã khiến những chiếc lá xanh như đang cố mỉm cười giữa không gian ẩm mục mà ngay hơi sương cũng có vẻ dày hơn.

Tôi nhìn những vòm lá long não xanh tươi mươi như những giấc mơ phiêu bồng còn sót lại. Những giấc mơ có thể đưa ta đi đến cuối cuộc đời, nhưng những giấc mơ giờ đây với tôi như thể đang chết đuối. Chúng bất lực bởi không thể làm cho cõi sống thực tế bớt đi sự trần tục thô lậu. Cuộc sống ám màu lạnh lẽo của tâm lý vụ lợi, hưởng thụ vật chất đang làm đảo lộn các thang giá trị và khiến cho nhiều người cảm thấy khó thở. Sự tinh tế cuối cùng, sự thanh thoát cuối cùng, sự lãng mạn cuối cùng, những huyền thoại cuối cùng... hình như cũng đã và đang biến mất. Một khi thế giới không còn chỗ cho những huyền thoại được sống, sự trống rỗng hoang vắng sẽ lên ngôi. Và như thế thì thế giới sẽ buồn bã biết bao nhiêu!

Đó là một điều thật khó lòng chấp nhận. Càng khó lòng chấp nhận nếu sự hoang vắng đó xuất hiện ở xứ Huế - mảnh đất đầy tâm linh và huyền thoại, những tâm linh huyễn hoặc luôn xanh ngắt và luôn khước từ những toan tính vị kỷ và những giả hiệu.

*

Sự không chấp nhận đó, như một ám ảnh vừa tiếc nuối day dứt vừa hy vọng cứu vãn. Để rồi kéo dài những trưa tươi nắng nào đó ở vỉa hè Trương Định có những gánh cơm hến, bún bò nổi tiếng, những chiều xanh ngắt và vàng vọt nào đó ở Hắc Mộc Nhai bên con đường “phượng bay mù không lối vào” đối diện cửa Hiển Nhơn kinh thành, ý tưởng sửa sang lại căn nhà Trịnh Công Sơn cứ như tiếng tích tắc của kim đồng hồ kiên nhẫn gõ vào thinh không rằng, thời gian đã trôi đi mà những ấp ủ vẫn cứ như nằm kẹt cứng bên trong những khối bê tông lì lợm phức tạp của cuộc sống.

Cho đến một chiều đầy gió bên sông Hương trên đường Trịnh Công Sơn, Lê Huỳnh Lâm thông báo đang có cơ hội để sửa sang lại căn nhà Trịnh Công Sơn thành không gian lưu niệm như tâm nguyện của mấy anh em lâu nay. Tất cả ồ lên vui mừng. Chúng tôi chọn cho căn nhà cái tên Gác Trịnh là bởi không thể gọi đó là “Quán Trịnh” bởi không ai có ý định biến nơi đây thành cái quán, không thể là “Không gian Trịnh” bởi căn nhà rất nhỏ, không thể là “Nhà Trịnh” vì những lý do này khác... Cuối cùng, khi tên “Gác Trịnh” được nêu lên. Mọi người tán thành, đúng rồi, “một đêm bước chân về gác nhỏ”...

Buổi chiều, tôi gửi email cho họa sĩ Đinh Cường, báo tin một nhóm anh em văn nghệ sĩ Huế đang sửa sang lại căn nhà xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sống ở Huế làm nơi lưu dấu để cho những ai yêu mến Trịnh có thể đến thăm. Sáng hôm sau, khi mở email, tôi đã rất xúc động khi nhận ngay bài thơ của anh:

“Gác Trịnh”, thầm mơ…

Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đoá hoa tường vi

                         (TCS - Đêm thấy ta là thác đổ)

Cành dạ lý hương năm nào bên cửa sổ (1)
để chiều nay mưa bay nhớ Sơn
khi nhận được tin căn nhà thuê ấy
nay thành Gác Trịnh cho bạn bè thăm

nhóm bạn Huế nói vừa thuê lại
tôi thầm mơ như nhà Hemingway
cái tẩu thuốc vẫn còn nguyên đó
trên bàn còn tập truyện Ngư Ông…(2)

Ôi nhớ lại một thời quần tụ
căn gác sau nằm say bên nhau
bức tường dán chân dung bè bạn
phác thảo từ đêm khuya lên men

Bửu Chỉ vẽ xong rồi tôi vẽ
và Sơn giành vẽ, đẹp vô cùng
chiếc ghế gỗ cây còn không ở đó
chiếc ghế nếu còn ôi bao nhiêu năm…

                        Virginia, 15 March 2013

          ------------------
          (1) Bích Diễm ghé cắm cành dạ lý hương hái ở vườn nhà.
          (2) Hemingway home tại Key West - Florida. Ngư ông và biển cả - The old Man and the Sea - giải Nobel văn chương 1954.


Chiều 1/4/2013. Lễ khai trương, cũng là dịp tưởng niệm 12 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Giáo sư Bửu Ý rưng rưng thắp nến cho người bạn của mình. Chương trình âm nhạc không cần nhiều tiết mục và chủ trương hát mộc. Tiếng đàn của danh cầm guitare Trần Văn Phú, giọng ca đặc biệt của Camille Huyền (Huyền Tôn Nữ Cẩm Hồng) thật sự đã truyền hồn nhạc Trịnh đến công chúng. Một người đàn ông giấu tên mang hai bó hoa đến nhờ Gác Trịnh tặng cho Camille Huyền và Trần Văn Phú. Người ta nhận ra trong số những người bạn của Trịnh Công Sơn năm xưa, còn có nghệ sĩ violon Trương Văn Thanh.
 

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc giới thiệu về Gác Trịnh trong ngày Khai trương


Một điều kỳ lạ là tại lễ khai trương, trong khi tôi giới thiệu về căn nhà này, một cánh bướm đã bay vào căn phòng lúc ấy đông chật người. Cánh bay của bướm thật vui và rộn ràng. Mọi người cùng ồ lên: “Anh Sơn về! Anh Sơn về!”... Nghệ sĩ violon Trương Văn Thanh kêu lên: “Sơn về trong ngày ni vui quá!”. Tôi im lặng nhìn cánh bướm bay rồi tiếp tục câu chuyện. Chợt cánh bướm sà xuống đậu lên tay áo của tôi, rồi bay đậu lên má tôi. Lúc đó tôi chợt nhận ra mình vừa thấy một hào quang màu thiền chợt lóe lên ngoài ô cửa, từ phía những kẻ lá của vòm long não ngoài kia, rọi vào Gác Trịnh...

Những hôm sau, cộng đồng facebook xôn xao về chuyện cánh bướm xuất hiện trong buổi khai trương Gác Trịnh. Rất nhiều người tin là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bay về trên cánh bướm. Nhà thơ Phạm Anh Nga cũng kể: Hồi mình làm sách cho họa sĩ Bửu Chỉ, buổi giới thiệu sách cũng có cánh bướm như thế này bay đến, đậu một lúc lên những cuốn sách thơm rồi bay đi. Các anh linh thiêng ghê lắm!

*

Hôm sau, 2/4/2013, người tình nguyện trực Gác Trịnh để đón khách tham quan là một nhà thơ thân thuộc của Sông Hương. Tôi vừa đến Tạp chí Sông Hương đã nghe anh điện thoại: “Biết chi không? Vị khách đầu tiên của Gác Trịnh là hai đóa hoa hồng! Ai đó đã cắm hai đóa hoa hồng lên cửa sổ Gác Trịnh từ rất sớm”.

Tôi đứng lặng giữa phòng làm việc. Ít ra vẫn còn ai đó đang tiếp tục kể cho tôi nghe câu chuyện cổ tích mà từ lâu, tôi cứ ngỡ sự khô cằn bởi cuộc sống đương đại mà người ta chăm chăm đổ xô đi kiếm tiền, sẽ không còn ai kể nữa.

Trong gần sáu trăm ca khúc để lại cho đời, rất ít khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắc đến hoa hồng. Nhưng chỉ trong bài “Tuổi đá buồn”, nhạc sĩ lại ba lần nhắc đến hoa hồng: “Đóa hoa hồng cài lên tóc mây... Đóa hoa hồng vùi quên trong tay... Đóa hoa hồng tàn hôn lên môi”. Có lẽ hoa hồng từ độ đó đã có thêm một cái tên: hoa tuổi đá buồn.

Tôi và Lâm đến ngay, chụp hình lưu lại hai đóa hoa hồng tuyệt đẹp ấy. Chúng tôi đặt hai đóa hoa hồng lên chiếc ghế và nói rằng: Xin mời hoa hồng ngồi lên chiếc ghế kỷ niệm, đó là một vị trí xứng đáng. Chúng tôi rất vinh dự khi được các nàng hoa ghé thăm...

Chiếc ghế đó, như họa sĩ Đinh Cường kể lại trong đoạn cuối bài thơ “Gác Trịnh, thầm mơ...”, từng có lúc ba người bạn Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bửu Chỉ thay nhau leo lên vẽ một bức tranh chung.

Hoa hồng - đó quả là những vị khách tuyệt vời.

*

Ít ra thì cánh bướm chiều khai trương Gác Trịnh cũng đã nhắc nhở những người chứng kiến, về lẽ vô thường. Như ngày xưa Dao Ánh đã từng viết cho Trịnh Công Sơn trong một hôm nhìn thấy màu hoa dạ lan sắp tàn ở khu vườn cách Gác Trịnh hiện giờ không xa lắm “Ôi màu mắt rồi có ngày cũng đổi màu như thế”.

Bút ký “Căn nhà của những gã lang thang” của Hoàng Phủ Ngọc Tường kể rằng từ trên ban công căn nhà này, Trịnh Công Sơn thường đứng ngắm người con gái qua cầu Phú Cam đi học dưới vòm long não ấy. Và chính Trịnh Công Sơn cũng đã từng nhắc đến trong hồi ức từ Gác Trịnh: “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng long não xanh mướt để đến trường Đại học Văn Khoa ở Huế. Nhiều ngày, nhiều tháng của thuở ấy, người con gái ấy vẫn đi... Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa xuân mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa... Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận (...). Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng mình là một nhan sắc”.

Những bước chân thiên di ấy đã đi vào nhạc Trịnh, đi vào huyền thoại, đi vào những tâm thức ẩm ướt của bao thế hệ.

Chủ nhân của những bước chân huyền thoại ấy, là của “người con gái rất mong manh” Ngô Vũ Dao Ánh. Khu chung cư nhà Trịnh Công Sơn ở ngày xưa là nhà số 11/3 (nay là 203/19) thì nhà Dao Ánh ở bên kia cầu Phú Cam, số 3/11 Nguyễn Trường Tộ. Lạ chưa, hai nhà đổi số cho nhau. Ngày đó, vào những đêm khuya Huế lạnh tê lòng, Dao Ánh chong đèn ngồi viết thư rồi hái và ép trong thư những chiếc lá dạ lan còn ướt sương, gửi cho chàng Trịnh. Đến năm 1966, Dao Ánh rời Huế vào Sài Gòn, bỏ lại cho ai con đường có vòm long não, cây cầu bắc qua dòng sông An Cựu “nắng đục mưa trong”... Và để lại xứ Huế một huyền thoại khói sương huyễn hoặc phủ đầy một trời thương nhớ.

*

Nhưng dưới vòm long não ấy, từ chỗ Gác Trịnh hiện nay nhìn xuống, không chỉ có những bước chân huyền thoại thục nữ, ở đó vẫn còn vang vọng những bước chân siêu thực của những người bạn Huế một thời: Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường... Đó thật sự là những phiến vàng ròng của văn nghệ xứ Huế. Nhóm bạn đó thường có những cuộc rong ruỗi Huế bắt đầu từ nhà Trịnh Công Sơn, sau đó ra bờ sông Hương, sang cầu Trường Tiền... Họ đi và hát nhạc Trịnh trong vòm cây xôn xao gió lá, nghe Ngô Kha đọc thơ dưới những ánh đèn vàng: “Những người bạn của tôi đội nến đi trong đêm tối”... Cho đến bây giờ chúng ta nhận ra ca từ của nhạc Trịnh Công Sơn cũng rất siêu thực như thơ Ngô Kha, và nhiều khi rất gần nhau, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Ví như một câu thơ Ngô Kha hay đọc trong những đêm lang thang ấy: “Lần hồi sinh trên con tàu cuối cùng/ Chung quanh anh phù sa cát đỏ/ Anh hỏi thầm về đời mình/ Gỗ đá có buồn không?”, và một câu trong ca khúc của Trịnh “Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau”, sao mà như đang khoác vai nhau đi, người hô kẻ ứng làm vậy! Và cái cách Trịnh Công Sơn nhìn người đẹp “vai em gầy guộc nhỏ”, “ngón tay em gầy nên mãi ru thêm ngàn năm”, “đóa hoa hồng tàn hôn lên môi, em gầy ngón dài”... sao mà khi xem tranh của Đinh Cường, lại rất hay gặp cái nét gầy và dài, phong thanh đài các và tài hoa của người con gái đến thế!...

*

Mỗi lần đến Gác Trịnh, tôi thường hay nhìn xuống phố từ ban công, thầm nhủ rằng đừng mơ mộng sẽ tìm được một bóng dáng người con gái như Diễm hay Dao Ánh năm xưa, hay một nhóm con trai với những bước chân siêu thực. Thế nhưng tôi vẫn cứ hay nghĩ rằng giá mà có thể... Việc dính đến quá khứ kiểu như thế này thường làm tôi bất giác trống vắng. Rất may là tôi sẽ trở vào trong, tìm giở lại những hình ảnh của hai đóa hoa hồng như vẫn còn tươi nguyên trong buổi sáng đó, và mỉm một nụ cười.

Vâng, cánh bướm, hoa hồng và Gác Trịnh, còn quá nhiều câu chuyện huyền thoại trên quê hương thần thoại mà chúng ta chưa khám phá hết, vậy thì tôi ơi, buồn để làm gì?...

H.Đ.T.N
(SDB9/6-13)






 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Tình đất (22/04/2013)