Ai ra xứ Huế
Núi Ngự sông Hương
14:56 | 11/12/2008
PHAN THUẬN AN            Dạ thưa xứ Huế bây giờ,Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.                                              (Bùi Giáng)
Núi Ngự sông Hương

Từ xưa đến nay, núi Ngự và sông Hương là hai thắng cảnh thuộc vào hàng số một của xứ Huế. Hễ nói đến sông Hương là người ta nghĩ ngay đến núi Ngự, và khi nghe đến núi Ngự, người ta liên tưởng đến sông Hương. Với vẻ đẹp “bẩm sinh” do tạo hóa ban tặng và do “ông tơ bà nguyệt” kết nghĩa xe duyên, núi Ngự và sông Hương trở thành một cặp tình nhân chung thủy keo sơn, luôn luôn hiện hữu bên nhau như hình với bóng. Hai thực thể địa lý tự nhiên này đã đi vào đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương và tồn tại mãi trong tâm thức của họ từ bao đời nay. Sông Hương núi Ngự cũng đã được “nhân cách hóa” để cùng chia sẻ vui buồn với người dân xứ Huế qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Núi sông cũng “khô héo lá gan”, “đầy vơi giọt lệ” khi người Huế bị rơi vào hoàn cảnh đau thương.

Núi Ngự Bình nằm cách bờ nam sông Hương khoảng 3km, ở địa điểm trước kia thuộc ấp Tứ Tây, làng An Cựu; sau đó thuộc xã Thủy An, thành phố Huế; nay lại thuộc phường An Cựu của thành phố. Tuy hòn núi này chỉ cao 104m, nhưng vì nó đột khởi giữa chỗ đất bằng, ở một vị thế đặc biệt, cho nên, ngay từ thế kỷ XVII, nó đã nằm trong tầm ngắm và lọt vào mắt xanh của các nhà quy hoạch và xây dựng đô thị Huế. Thật vậy, trong các bộ sách lịch sử và địa chí của mình, Quốc sử quán triều Nguyễn đều ghi rõ rằng vào năm 1687, khi chúa Nguyễn Phúc Thái cho dời Thủ phủ từ Kim Long về làng Phú Xuân, các nhà kiến trúc bấy giờ đã dùng hòn núi đặc biệt này làm tiền án, một yếu tố phong thủy trong kiến trúc cổ. Bấy giờ, nó đã được gọi là hòn Mô hoặc Bằng Sơn. Bằng là loài chim rất to lớn, như chim đại bàng chẳng hạn. Sở dĩ đặt tên Bằng Sơn là vì hòn núi mang dáng vẻ như một con chim đại bàng dang hai cánh để bay. Đây là một hòn núi tự nhiên, nhưng, từ phía bắc nhìn lại, trông nó cân phân, hai cánh hai bên đông tây đối xứng với nhau một cách đều đặn như do bàn tay con người đắp nên và tạo dáng. Hơn nữa, hai triền núi ở hai bên lại hơi chìa ra phía trước trông giống như hai cánh tay đang dang ra phía trước để chào đón một đối tượng nào đó của mình. Từ trên không trung nhìn xuống, người ta thấy hòn núi có dạng hình cánh cung với phần lưng uốn nhẹ về phía nam. Có lẽ vì thế nên ca dao cho rằng “núi Ngự Bình trước tròn sau méo” đó chăng? “Trước” và “sau” ở đây là nói theo hướng bắc nam của trục chính tổng thể kiến trúc đô thị Huế dựa vào thuật phong thủy từ xưa.

Cũng chính vì hòn núi này có sẵn một hình thế đặc thù như vậy, cho nên, nó vẫn được tiếp tục sử dụng làm tiền án khi chúa Nguyễn Phúc Khoát cho xây dựng Thủ phủ Phú Xuân lần thứ hai vào năm 1783, và nhất là khi vua Gia Long cho xây dựng Kinh đô Huế vào đầu thế kỷ XIX. Đến thời điểm cuối cùng này, vị vua đầu triều Nguyễn đã đặt tên chính thức cho núi ấy là “Ngự Bình sơn”. “Ngự” là một từ dùng để chỉ những gì thuộc về vua. “Bình” là ngăn che, nói tắt từ chữ “bình phong”, vật dùng để ngăn chặn những điều không tốt lành, những ảnh hưởng tâm linh xấu xa gây ra tai họa. Nói một cách dễ hiểu, “Ngự Bình sơn” là hòn núi dùng làm cái bình phong của vua (Do đó, nó được dịch ra tiếng Pháp là Mont Écran Royal, và tiếng Anh là Mount Royal Screen). Nó thường được gọi tắt là “núi Ngự” để đi cặp với “sông Hương” cũng là một địa danh xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX.

Bấy giờ, cây thông đã được trồng phủ khắp từ chân đến đầu núi. Ở đây thường có gió, làm cho thông reo vi vu hầu như cả 4 mùa. Đặc biệt là vào mùa thu, thời tiết êm dịu, khí hậu trong lành, người xưa thường lên đây để được ngắm toàn cảnh của kinh đô và thưởng thức nhiều điều thú vị của thiên nhiên ở chỗ trời cao đất rộng. Triều đình nhà Nguyễn đã cho xây một hệ thống bậc cấp bằng đá từ chân lên đến đỉnh để cho vua quan và dân chúng đỡ hao sức khi leo núi vãn cảnh.

Một năm sau khi đăng quang (1821), chính vua Minh Mạng đã lên đây để “xem khắp hình thế Kinh thành”. Trong dịp này, vua thấy ở hai bên núi Ngự Bình có hai hòn núi thấp hơn, liền đặt tên cho hòn núi bên trái là “Tả Phụ sơn” (dưới thời Tây Sơn từng được gọi là núi Bân, nơi tế trời) và hòn núi bên phải là “Hữu bật sơn” (nay là 1 trong 3 hòn núi được gọi là Tam Thai). Năm 1836, khi đúc Cửu đỉnh, nhà vua đã cho đúc nổi “Ngự Bình sơn” vào Nhân đỉnh. Sau đó hai năm, 1838, nhân dịp “Trùng dương giai tiết”, còn gọi là ngày Trùng cửu (mồng 9 tháng 9 âm lịch), vua cùng các quan lên núi chơi và làm thơ tại chỗ để kỷ niệm. Từ đó, hàng năm, các vua nhà Nguyễn lên đây để thưởng lãm thắng cảnh này. Trong một lần lên đây nhân tiết Trùng dương như vậy, vua Thiệu Trị cũng đã cảm nhận rằng: “Ngắm khói mây mà tấm lòng rộng mở; nhìn phong cảnh tận hưởng thú thiên nhiên”, rồi ngự chế bài thơ “Bình lãnh đăng cao” để ca ngợi và xếp núi Ngự Bình vào trong 20 thắng cảnh của đất Thần kinh. Bài thơ đã được khắc vào bia đá và dựng tại chân núi vào năm 1843, nay vẫn còn tại chỗ, được bảo vệ trong một bi đình xây bằng gạch vồ rất kiên cố.

Trong 30 năm chiến tranh, hầu hết cây thông ở núi Ngự Bình đã bị chặt phá để làm củi. Sau ngày hòa bình (1975), thông đã được trồng lại và rừng thông ở đó lại trở nên xanh tươi, có nhiều cây đã cao hơn 5m.
Dù sao, từ thế kỷ XVIII đến nay, núi Ngự cũng đã gắn bó mật thiết với kiến trúc đô thị Huế và với đời sống văn học nghệ thuật của con người địa phương. Cùng với sông Hương, núi Ngự vẫn luôn luôn là một hình tượng độc đáo, một nét đẹp đặc biệt, đã từng đi vào trong nhiều thơ, ca, nhạc, họa, và cả trong một số chuyện tình.
Người tình của núi Ngự là sông Hương.
Có người đã từng so sánh vẻ đẹp thơ mộng tự nhiên của sông Hương ở Huế với sông Seine ở Pháp và sông Danube ở Châu Âu. Trong nước thì sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long đã được xem là “3 chị em" đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, . Riêng ở Huế thì tất nhiên, sông Hương là sông chính, sông cái, sông mẹ của một hệ thống sông ngòi tự nhiên và nhân tạo trên địa bàn.

Ở thượng lưu, sông Hương do hai nguồn nước Tả trạch và Hữu trạch hợp lại mà thành. Ở trung lưu và hạ lưu, sông Hương còn được tiếp thêm nước của sông Bồ và của khá nhiều sông nhánh ở hai bờ tả hữu ngạn.
Tả trạch phát nguyên từ vùng tiếp giáp giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng , nằm ở cao độ khoảng 1.100m. sau khi đi qua 55 thác ghềnh, đến vùng Dương Hòa thì cao độ chỉ còn 100m, và đến ngã ba Bằng Lãng thì cao độ chỉ còn 33m. Từ đầu nguồn đến đây dài 61km.
Hữu trạch ngắn hơn, khoảng 56km, phát xuất từ biên giới Việt - Lào. Cao độ ở đây cũng thấp hơn, khoảng 900m. sau khi chảy qua 14 thác ghềnh với lộ trình 30km, Hữu trạch giảm cao độ xuống còn 100m ở một địa danh từng được gọi là Mang Cá. Nó chảy tiếp theo hướng đông bắc, vừa qua khỏi lăng Minh Mạng thì kết nghĩa xe duyên với Tả trạch để tạo ra một mối tình rất thơ mộng được gọi tên là Hương Giang.

Sông Bồ phát xuất từ A Roàng gần biên giới Việt - Lào, cũng ở cao độ khoảng 900m. Trên hành trình dài chừng 80km, nó chảy quanh co qua các huyện A Lưới, Hương Trà, Quảng Điền, và đổ nước ra sông Hương ở ngã ba Sình. Từ đây, sông Hương chảy thêm khoảng 5km về hướng đông bắc là gặp phá Tam Giang, rồi cùng giao lưu với biển cả qua hai thủy khẩu Thuận An và Tư Hiền.
Nhìn chung, lưu vực của hệ thống sông Hương và các chi lưu lớn nhỏ của nó có diện tích 2.713km2, chiếm hơn 1/2 tổng diện tích đất tự nhiên của cả tỉnh Thừa Thiên Huế (5.053,99km2).

Tuy nhiên, giá trị thẩm mỹ quan trọng nhất của hệ thống dòng chảy ấy là chính bản thân sông Hương dài chưa tới 35km từ ngã ba Bằng Lãng trước mặt chợ Tuần đến cửa biển Thuận An. Đặc biệt là đoạn trung lưu dài khoảng 15km từ chân đồi Vọng Cảnh về đến Vỹ Dạ - Bao Vinh. Từ đầu đến cuối sông, cao độ đáy của nó chênh lệch rất nhỏ và lòng sông tương đối rộng (khoảng 300m), cho nên nước chảy không hối hả mà chỉ lờ lững trôi xuôi. Đây là nơi “Con sông dùng dằng con sông không chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” (Thu Bồn). Cách xuất phát điểm chẳng bao xa, dòng sông uốn lượn mềm mại qua vùng gò đồi và vùng đồng bằng nối tiếp. Các nhà qui hoạch và xây dựng đô thị Huế dưới thời các vua chúa nhà Nguyễn đã bị vẻ đẹp tự nhiên của chính đoạn sông này cuốn hút một cách mạnh mẽ.

Có thể khẳng định sông Hương là nhân tố quyết định trong việc hình thành và phát triển đô thị Huế từ xưa đến nay. Vào năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan đã chọn Kim Long, một địa bàn ở bờ bắc của nó để xây dựng Thủ phủ Đàng trong. Thủ phủ Phú Xuân vào năm 1687 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thái cũng được xây dựng ở bờ bắc của dòng sông. Rồi khi xây dựng và mở rộng kinh đô Huế vào đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã tái sử dụng vị trí cũ ấy và tận dụng tất cả lợi thế của sông Hương về các phương diện phong thủy, phòng thủ, môi trường cảnh quan, tài nguyên nước, vv...Trên đoạn sông Hương chảy qua trước mặt Kinh thành, ở hai bên có sẵn hai hòn đảo nhỏ do phù sa bồi lắng mà thành: cồn Hến và cồn Dã Viên. Về mặt phong thủy, nếu sông Hương trở thành yếu tố “minh đường” của kiến trúc kinh đô thì cồn Hến và cồn Dã Viên đã được hình tượng hóa và siêu nhiên hóa thành “tả thanh long” và “hữu bạch hổ” chầu vào trọng địa. Mặc dù thuật phong thủy được đánh giá như thế nào, chúng ta cũng có thể nhận ra được một hệ quả tốt đẹp của nó là các nhà kiến trúc đầu thế kỷ XIX đã tạo dựng bên bờ sông Hương một đô thị có non xanh nước biếc vừa uy nghi cổ kính, vừa thơ mộng trữ tình.

Khi đúc bộ Cửu đỉnh vào năm 1836, vua Minh Mạng đã cho trang trí hình ảnh sông Hương trên Nhân đỉnh. Vua Thiệu Trị cũng đã liệt sông Hương vào trong 20 thắng cảnh của đất Thần kinh và đã làm bài thơ “Hương giang hiểu phiếm” (Thả thuyền sáng sớm trên sông Hương) để ca ngợi dòng nước trong xanh êm đềm và vẻ đẹp thơ mộng huyền ảo của nó. Bài thơ đã được khắc vào bia đá và dựng ở gần Phu Văn Lâu bên bờ sông ngay từ năm 1843, nay vẫn còn tại chỗ.
Năm 1918, từ đất Bắc vô thăm Huế lần đầu tiên, nhà báo Phạm Quỳnh đã nhận định về giá trị thẩm mỹ và vai trò của sông Hương đối với Huế như sau:
“Người khách mới đến thành Huế như bước chân vào bức tranh cảnh: chung quanh núi, giữa con sông, nhà cửa tụ họp hai bên bờ, trên bến dưới thuyền, trông xa một tòa thành cổ bao la, thâm nghiêm kín cổng. Cái phong cảnh Huế sở dĩ đẹp là thứ nhất bởi con sông Hương Giang... Nước trong như vắt, dòng phẳng như tờ, ít khi có sóng gợn trên mặt, đi thuyền trên sông như đi trong hồ vậy. Huế không có con sông Hương thì tưởng như cái đẹp của xứ Huế giảm mất nửa phần” (Tạp chí Nam Phong).
Mặc dù bài báo “Mười ngày ở Huế” của học giả Phạm Quỳnh đã được đăng tải cách đây gần 1 thế kỷ, nhưng những nhận định chính xác về sông Hương như vừa nêu mãi đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Gần đây, vào năm 2003, một Kiến trúc sư cảnh quan người Pháp là ông Francois Xavier Mousquet đã đến Huế để khảo cứu tình hình quy hoạch đô thị trong khuôn khổ chương trình hợp tác, trao đổi văn hóa do UNESCO tổ chức giữa thành phố Lille (vùng Nord Pas de Calais) và Huế. Trong tập báo cáo của ông, có một đoạn KTS F.X. Mousquet cho rằng yếu tố đặt trưng của đô thị Huế là nước mà quan trọng nhất là sông Hương. Ông viết:
“Dòng sông Hương không hề cắt đôi thành phố Huế mà ngược lại, nó như được ôm vào giữa lòng thành phố... Tính linh động của nước tạo nên những không gian ở thật kỳ lạ... Nước len lỏi trong thành phố bảo đảm cho sự tạo thành những không gian đóng-mở phong phú, đồng thời đây cũng còn là lá phổi của thành phố” và ”thực sự là nền tảng cơ bản của việc tổ chức quy hoạch thành phố”.

Khi xây dựng khu phố Tây bên bờ nam sông Hương vào những thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, chính người Pháp cũng đã tỏ ra rất tôn trọng và khiêm tốn đối với vẻ đẹp tuyệt vời của dòng sông. Nhưng, trong nửa thế kỷ nay, vì nhiều nguyên nhân, tác động và tham vọng khác nhau, thảm thực vật xanh tươi và phong cảnh tự nhiên vốn có của sông Hương, nhất là ở bờ nam, đã bị phá vỡ và xuống cấp dần.
Cứu vãn sông Hương, một phần hồn của Huế, đang là lời kêu gọi hết sức khẩn thiết cho thành phố này, cho Việt và cho di sản thế giới.
Núi Ngự sông Hương vẫn còn đó, nhưng, hiện nay, hai thực thể địa lý tự nhiên này đang ngày càng phải xa nhau dần, không phải vì mối tình đã đến hồi kết, mà vì những công trình cao tầng thiếu quy hoạch mọc lên ngày càng nhiều ở giữa không gian sông và núi ấy, khiến cho đôi tình nhân ngày càng trở nên cách trở. Nói cách khác, hai thắng cảnh này đang đứng trước những thách thức do sự xâm phạm đất đai và sự khai thác kinh tế của con người.
             P.T.A

(nguồn: TCSH số 209 - 07 - 2006)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng