Ai ra xứ Huế
Chiếc bánh đường đen thuở nào ở Huế
10:37 | 19/01/2009
BÙI MINH ĐỨC Ngày nay, hễ nói đến đường để nấu chè là ai ai ở Huế cũng nghĩ đến đường cát trắng, đến thứ đường bột trắng tinh đã được tinh lọc do các nhà máy đường tân tiến sản xuất. Có người cũng còn nhớ đến đường phèn để chưng với chanh ăn khi bị ho, hoặc đường tinh thể là thứ đường đặc biệt màu vàng dùng để uống với cà phê cho thêm phần đậm đà. Nhưng chẳng ai có thể nhắc đến chiếc bánh đường đen ở Huế của thuở nào.

Chỉ mới cách đây có ba bốn chục năm thôi, mà người ta đã hầu như quên hẳn chiếc “BÁNH ĐƯỜNG ĐEN” ngày xưa tại Huế, chiếc bánh đường đen của một thời đã qua, chiếc bánh đường đen mà trong bếp nhà nào ở Huế cũng có, cũng dự trữ sẵn sàng, phòng khi phải kho cá hay nấu chè.
Các “Bánh Đường Đen” này còn có tên là “đường bánh” vì đó là bánh đường đen trông như cái ô đong gạo thuở xưa, còn gọi là “Đường đọi” vì bánh đường có hình giống như cái đọi múc canh. Bánh đường đen còn được dân chúng gọi nôm na là “bánh cứt trần”. Bánh đường đen có hình tròn, mặt trên bằng phẳng, mặt dưới có hình như đáy đọi, màu đậm đen và rất cứng. Tuy nhiên cũng có thứ bánh đường đen có vàng đậm nhưng không đen. Bánh đường này có vị rất ngọt nhưng không được thanh, thường được các bà nội trợ dùng dao phay chặt ra từng miếng hình tam giác để kho cá,  ngào khoai hoặc để cầm mà cắn ăn với cơm, với cháo hoặc vào những lúc thèm đường. Vì rất cứng nên phải dùng dao phay chặt nhỏ bánh đường ra thành từng miếng nhỏ. Đôi khi còn phải dùng đùi đánh xuống chiếc dao phay mới có thể cắt bánh đường đen ra từng miếng được. Cũng đã có người bị gãy vài răng cửa ở phía trước, khi “cố cắn cho bể” cục đường đen này.

Ở chợ, đôi khi người ta cũng đã chặt sẵn bánh đường đen giùm cho các bà nội trợ ra thành hai, thành bốn miếng cho tiện. Ra chợ, đến hàng bán đường là có thể mua ngay nửa bánh hay một phần tư bánh đường. “Bán cho tui nửa bánh đường!” là có ngay, không cần phải mua cả bánh cất vào cụi cho kiến bò và gián gặm. Thứ đường đen đúc thành bánh này là thứ đường hạng bét từ “mật” cây mía chế ra nên giá rất rẻ, và thường được các bà nội trợ Huế dùng để nấu ăn. Đường các loại chở đến Huế bán đều được sản xuất từ các cây mía của các tỉnh Quảng và Quảng Ngãi, là những nơi có trồng nhiều mía nhất. Đường mía gốc gác từ xứ Quảng gồm có nhiều thứ và nhiều hạng khác nhau tùy theo phẩm chất tinh khiết khác nhau trong khi chế biến. Nguyên tắc chung là cây mía được ép cho chảy nước ra rồi lấy nước đó nấu cho cô lại. Tùy theo hạng của “mật mía” sau khi sàng lọc cho sạch các chất bẩn mà ta có các thứ đường khác nhau. Mỗi thứ đường thường được dùng trong những trường hợp khác nhau. Ta có “đường cối” là một tảng lớn khá nặng theo hình cối giã để các bếp lớn chặt nhỏ ra dùng dần, một kiểu hàng “thứ bự con” (Jumbo size) ngày nay, tính ra rẻ hơn là mua từng cục đường nhỏ. Đường này có nhiều công dụng vừa để kho cá, vừa để nấu chè hay để ngào các thứ mứt ngày Tết trong nhà của các đại gia. Với “đường phổi” gồm nhiều tảng xốp và có nhiều lỗ hổng trông như lá phổi thường dùng để ăn với cháo trắng Huế và “đường cát vàng” vì có màu vàng và mịn như cát thường dùng để nấu chè hay ăn cháo.

Và như đã nói, “đường bánh đen” là thứ đường hạng chót, thứ mật mía cô đặc thường nằm dưới đáy các nồi nấu đường, không phải là thứ đường tinh khiết nhưng lại là thứ đường ngọt nhất. Các bánh đường đen này thường được gói trong rơm rạ, hai bánh úp mặt vào nhau và chất trong những giỏ lớn để dễ bề chuyên chở. Đường đen thường dùng trong bếp để kho nấu. Trong các thứ đường, “đường phèn” là thứ tốt nhất, gồm nhiều viên cứng như sỏi và trong vắt như phèn chua. Theo Lê Văn Lân (“Bút Khảo Về Xuân”, 1999) thì đường phèn cũng có nhiều hạng: hạng đường phèn có nhiều miếng chồng chất lên nhau như núi non bộ là thứ tốt, thứ “lổn nhổn” từng khối nhỏ là thứ xấu. Đường phèn màu tía là tốt nhất, thắm như hổ phách là thứ hai, vàng lợt là thứ ba, trắng bợt là hạng bét. Đường phèn thường được dùng để nấu chè hột sen cho “trong nước”, tức cho nước chè được trong, hoặc chưng với yến sào để ăn cho bổ. Dân Huế còn tin là mỗi khi ho mà ngậm đường phèn sẽ hết ho nên các Cụ Huế xưa thường cho chưng cách thủy chanh tươi cắt lát mỏng cùng với đường phèn để người bệnh ăn mỗi ngày cho hết ho.

Các ghe thuyền chở hàng từ trong Quảng ra Huế thường là ghe mành và ghe bầu. Các ghe này đến Huế thường tập họp tại bến Bao Vinh và tiến dần lên Huế đậu tại các bến ở Gia Hội và bến Chợ Dinh là những bến nằm gần Chợ Đông Ba, nơi buôn bán sầm uất nhất của xứ Huế. Chợ Đông Ba là một trung tâm thương mãi chính của chốn Đế Đô hồi đó. Tại các bến ở Gia Hội, các thuyền bầu trong Quảng ra thường đậu dọc theo phía bên đường Hàng Đường. Sở dĩ có tên đường “Hàng Đường” dọc theo bờ sông Gia Hội cũng vì các ghe thuyền chở đường đến Huế phần lớn đổ hàng xuống đường này. Các tay buôn sỉ ở Huế mua theo lối sỉ về cất cả vào kho, trong dãy nhà trên đường Hàng Đường, nằm dọc theo “sông Đào Gia Hội”. Họ dự trữ sẵn các hàng hóa từ trong Quảng đem ra, để rồi bán lẻ lần lần vào mùa thu đông cho mối lái ở các chợ. Hồi xưa, Định Viễn Quận Công, con trai thứ 6  của Vua Gia Long và là người đã lập ra Chợ Gia Lạc ở Vỹ Dạ trong ba ngày Tết cho dân chúng vui chơi, là một nhà mại bản quen thuộc ở Bến Đò Chợ Dinh và các bến đò Gia Hội. Ông Hoàng này đã trở nên giàu có một thời, đến nỗi Vua Tự Đức đã phải nghe tiếng và đã khen là Ông Hoàng này người giàu nhất xứ Huế. Hậu duệ của ông Hoàng này cũng đã đi theo nghề thương mãi và nổi bật nhất là nhà doanh thương Viễn Đệ sau này, người đã được dân chúng khắp nơi biết tiếng qua nhãn hiệu dầu Tràm, dầu Khuynh Diệp Viễn Đệ, qua nhà in Viễn Đệ và qua các cơ sở làm ăn khác. Ông Viễn Đệ ngay từ những năm đầu 1940 đã đầu tư và lập xưởng tự điều chế lấy dầu Tràm và dầu Khuynh Diệp bằng cách dùng các cây tràm ở các Rừng Tràm ngoài Phú Ốc và Mỹ Chánh.

Các bà nội trợ ở Huế đã tận dụng thứ “bánh đường đen” này trong các bếp Huế. Món “cá bống kho khô” nổi tiếng một thời của các bà xưa ở Huế là nhờ họ đã kho bằng bánh đường đen, vừa có màu sắc vàng cháy vừa ngon ngọt. Kho với đường đen vào, “cái mình” con cá kho khô làm như co lại, chắc lại, cô đọng lại. Muốn kho cho được con cá bống có hình thù“ con cá ngó lui”, chắc chắn một trong những bí quyết của kỹ thuật kho nấu thuở xưa của các bà nội trợ là dùng bánh đường đen. Do đó trong bếp Huế mới có một câu nói thường được nhắc đi nhắc lại hoài là ‘đường đen để kho cá”.
Món đường đen để kho cá này ngày nay có thể tìm thấy một thứ đường kho cá “tương tợ” là thứ “đường Thốt Nốt” với các “cây đường” tròn và dài, với màu vàng đậm, gói trong lá dừa non. Với thứ đường này, người ta đã chế ra thứ “nước màu” cô đọng đặc biệt dùng để kho cá, vì thế mà bà nội trợ nào cũng “thủ” một chai để dành sẵn trong cụi, trong bếp. Đường Thốt Nốt là thứ đường thường thấy bán bên xứ Cao Miên, lấy từ cây thốt nốt là một cây đặc trưng của xứ Chùa Tháp.

Ở Huế, các bà ăn chay trường theo lối tu khổ hạnh thường ăn cơm với đường đen. Bánh đường đen được chặt sẵn ra từng miếng nhỏ bỏ vào trong thẩu. Mỗi khi ăn, người ăn chỉ cần mở thẩu, lấy ra một cục đường đen cầm tay và vừa và vào miệng một miếng cơm là lại cắn một miếng nhỏ vào cục đường đen. Những người tu khổ hạnh như thế không phải là hiếm hoi ở xứ Huế vì đa số dân chúng đều tôn sùng đạo Phật. Họ tin rằng đã tu thì phải chịu cực chứ nếu tu mà được sướng thì ai lại không đi tu!
Trẻ con xứ Huế thời nào cũng thường thiếu chất ngọt nên rất thèm đường,  thèm chè. Trẻ con bây giờ có đủ thứ kẹo: kẹo ngậm, kẹo mút, kẹo nhai và cả kẹo để liếm lần. Hồi xưa ở Huế, khi trẻ con thèm kẹo, lâu lâu mới được người lớn cho ăn vài cái kẹo cau cứng ngắc, kẹo đậu phụng hoặc kẹo gừng, kẹo mè xửng hay kẹo thèo lèo, thứ kẹo có hai khúc bột uốn éo dính nhau và có bôi thêm chút mỡ trơn và một lớp đường bọc bên ngoài. Ăn như vậy cũng chưa thật là đủ chất ngọt. Nhiều gia đình đã dùng bánh đường đen chặt ra từng miếng nhỏ hình tam giác để sẵn sàng trong thẩu và chỉ khi nào đứa con học hành thật giỏi thì mới được mạ cho một cục đường cầm tay để mút dần. Mút được cục đường đen là thú “lên trời” của trẻ nhỏ hồi xưa. Có đứa tay cầm cục đường vừa đi với vài người bạn thân thiết trong sân trường vừa cho các bạn thay phiên nhau mút nhờ cục đường đen đó. Có đứa không mút đường nhưng lại “khới lần” cục đường theo kiểu chuột ăn. Khới nhè nhẹ chỉ vừa đủ cho có dấu trên mặt cục đường mà thôi, cho rằng ăn như vậy mới “thỏa ý” hơn, cục đường mới lâu hết hơn. Cái đó người Huế gọi là “ăn nhín”. Nói chung, trẻ con ở Huế vào những năm từ 1940 đến 1950 đều không ít thì nhiều thiếu chất đường trong cơ thể.

Dùng đường đen mà nấu chè đậu như chè đậu đỏ, chè đậu xanh cà vỏ, chè nếp v.v. đối với tuổi thơ ở Huế vào những năm tháng khoảng 1940 đến 1950 còn ngon hơn thứ chè hột sen nấu với đường trắng. Nấu chè bằng đường đen “ăn thấm thía hơn”. Thứ chè đậu huyết tức thứ chè đậu đỏ mà nấu với bánh đường đen thì phải nói là “tuyệt nhất trần đời” vì ăn rất thấm thía! Nhiều sĩ tử học trò ở Huế vào thời đó hẳn còn nhớ đến những chén “chè đậu đỏ” được các bà mẹ cho ăn mỗi tối khi gần ngày thi để mong cho con mình gặp “Vận Đỏ” tức gặp được nhiều may mắn trong khi thi và “Thi là phải Đậu” vì đã ăn chè “Đậu Đỏ”! Phùng Quán trong cuốn “Tuổi thơ dữ dội” của mình đã tả rõ cảnh hai em “liên lạc viên” của chiến khu Hòa Mỹ hồi 1948 đã liều chết lấy cho được khẩu “mortier” khi đánh lấy được đồn địch, đem về chiến khu và đã được vị chỉ huy trưởng chiến khu Hà Văn Lâu thưởng cho một nồi chè! Hai em đã ngồi ăn hết cả một nồi chè to tướng! Điều này cho thấy quả thật ở Huế hồi đó chè là quý. Và chắc chắn tại chiến khu Hòa Mỹ vào những ngày đói kém thời điểm đó, liền sau khi Mặt Trận Huế “bị bể” vào năm 1947, không thể nào có các thứ đường tốt được, nhiều nhất là chỉ có vài bánh đường đen mà thôi, thứ đường đen này mà đem ra nấu chè thì tuyệt! Ở Huế, ngay vào những năm sau, mỗi khi các bà mẹ trong nhà “tuyên bố” cho cả nhà ăn chè là các trẻ em “hoan hô mẹ” ngay, cho dù chỉ là thứ chè nếp hay chè khoai tía không mấy hấp dẫn! Nhưng thứ chè ngon nhất vẫn là “Chè đậu huyết”. Quả thật người Huế thèm chè và thích ăn chè. Chẳng thế mà người ta đã tính ra là dân Huế có cả thảy gần 60 món chè đường!

Ngoài ra, chén chè Huế nấu với đường đen mà người vợ Huế thường cho chồng ăn còn có ý nghĩa như chén canh ruột bầu nấu với đầu tôm của con nhà nghèo ở Huế. Ca dao Huế có câu: “Đầu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Chén chè đường đen và chén canh ruột bầu nấu với đầu tôm tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng thuở hàn vi. Với thời gian, khi đã thành đạt giàu có, nhiều bà nội trợ đã đau khổ nhận thấy dù cho chồng ăn chè hột sen hồ Tịnh nấu với đường cát trắng hoặc cho chồng ăn các thứ cao lương mỹ vị do mình tự tay nấu ra, cũng chưa chắc người chồng đã còn có những tình cảm nồng đượm đối với mình như những ngày xa xưa! Đã có nhiều người vợ ngậm ngùi tiếc nuối cái thời “chồng đâu vợ đó”, cái thời son trẻ lúc chặt bánh đường đen xong cầm tay đưa cho chồng một cục kèm theo một cái liếc mắt nhiều tình nhiều ý. Người đàn ông thật chóng quên những lúc thiếu thốn và những lúc sống chung của đôi vợ chồng trẻ với nhau trong những hoàn cảnh mộc mạc, tuy thiếu thốn nhưng lại rất hạnh phúc.

Vào các buổi ăn điểm tâm ban sáng, người Huế thường ăn thứ “cháo hoa” tức là thứ cháo nấu bằng gạo với nước mà thôi. Ngày nay, họ thường ăn thứ cháo hoa đó với cá bống hay với thịt tôm kho nhưng trước đây cũng vào những năm khó khăn của giai đoạn 1940-1950, họ thường ăn cháo trắng với muối hoặc với cục đường đen hình tam giác. Tay cầm cục đường đen, đút muỗng cháo nào vào miệng xong là lại khới thêm một miếng đường đen. Trẻ con ăn như thế này cũng vẫn cho là ngon vì chúng vẫn luôn luôn thấy thiếu chất ngọt trong người.

Ngày nay mỗi khi làm nước chấm để chấm thịt vịt, thịt gà hay để ăn với các thứ bánh cuốn Huế, người ta giã nhỏ tỏi, gừng, nước mắm và chỉ cần thêm vào một nạm đường cát trắng rồi khuấy đều là xong. Thuở xưa, lúc chưa có đường cát trắng, các bà nội trợ trong các bếp Huế phải dùng đến bánh đường đen. Họ cắt bánh đường đen sẵn thành từng miếng nhỏ hình tam giác và để sẵn trong thẩu. Khi cần, họ lấy từng miếng nhỏ và đem ra dùng. Làm chén nước chấm để chấm thịt vịt như trên, họ phải giã cục đường cho nát ra cùng với các thứ gia vị như tỏi, ớt, gừng rồi thêm nước mắm vào và phải khuấy thật lâu cho đường hòa tan trong nước mắm. Đôi khi họ phải thêm một chút nước sôi cho chén nước chấm không bị quá kẹo đặc. Vì thế, trong bếp Huế hồi xưa hay có câu “Giã cho Mạ chút đường, con!”. Ngày nay đã vắng bóng hẳn câu này trong các bếp ở Huế.

Cũng vào những hồi đói kém này, mỗi khi các công cấy công cày ra đồng làm ruộng, người ta bới ra đồng cho họ ăn vào các bữa lỡ vài cục đường đen để “tăng năng suất”, ăn cùng với củ sắn luộc hay củ khoai luộc hay củ chuối luộc. Các bác làm ruộng vẫn vui vẻ ăn đường đen với sắn khoai, bằng lòng cho là mình đã “có đầy đủ chất bổ”! Đi đâu xa, người ta cũng bới theo cơm bới và cục đường đen hình tam giác gói riêng để ăn dằn bụng. Học trò đi học ở lại ban trưa tại trường cũng được bà mẹ bới theo một vắt cơm và một cục đường đen để ăn, xem ra còn thích thú hơn là gói theo vài con cá phát lát kho khô hay gói muối đậu phụng vào mo cơm bới. Khi phải đi xa nhà lâu hơn nữa, người ta đem theo nửa “ổ bánh đường đen” gói trong lá chuối khô để ăn dần vì đường đen không chảy nước,  không rựa nước và không bị hư thối như các món ăn khác. Đường đen là món ăn lý tưởng để bới theo ăn dọc đường.
Trẻ con khi được mạ cho kẹo để ăn không thấy thích bằng được cho miếng đường đen vì ăn đường đen thấm thía hơn, lâu hết hơn. Cái ngọt của đường đen được xem là đậm đà và thấm thía hơn kẹo nhiều. Trẻ con thường ăn nhín cục đường đen hình tam giác bằng cách cầm cục đường trên tay và mút lần mà thôi nhưng cảm giác khoan khoái và thích thú thì hơn hẳn với tất cả các thứ kẹo trong những thẩu nhỏ của ông cai trường. Bánh đường đen quý đối với lũ trẻ nhỏ là vì thế.

Các bà mẹ Huế lâu lâu lại cho chồng con ăn thêm đường bằng cách bày ra làm món "khoai ngào”. Gặp lúc đói kém, người Huế thường ăn khoai sắn độn bụng. Bày ra món khoai ngào, các bà Huế làm một công hai việc, vừa thêm đường vào cơ thể cho con và cho chồng, vừa cho chồng con ăn khoai độn bụng để bớt ăn cơm vào buổi chiều. Khoai khô thường khi nào cũng có sẵn trong nhà, để trong các hủ lớn, cất trong buồng đựng thực phẩm của gia đình để “phòng hậu” hay để “ngừa hậu”. Họ đem khoai khô luộc lên rồi vớt ra rá để cho ráo nước. Họ bắc cái thau lên bếp và khuấy đường đen trộn với nước một chặp cho nước đường hơi đặc lại rồi họ đổ rá khoai vào. Tay họ phải trộn đều để khoai không bị đóng cục và nhất là không bị cháy. Phần lớn các bà nội trợ Huế đã nổi gân tay là vì thế. Dưới sức nóng, nước đường trong thau đặc keo lại và bám vào bề mặt của các lát khoai. Cái khéo của bà nội trợ là làm sao khuấy cho đều và lửa phải để đúng chừng đúng mức để cho đường bám đều vào các lát khoai. Khi đường đã thật khô thì thau khoai ngào được duống xuống. Bà mẹ dùng muỗng và dùng đũa để đưa từng lát khoai ngào vào mỗi chén cho từng người, chia đều thau khoai ngào cho mọi người để không ai trong nhà thấy mình bị thua thiệt hay bị mạ ghét bỏ. Cả nhà quây quần cùng ngồi túm tụ lại quanh bàn để ăn trong không khí ấm cúng của một gia đình tuy nghèo nhưng hạnh phúc. Khoai ngào với bánh đường đen thườn g có màu vàng đậm trông đẹp mắt hơn là thứ khoai ngào dùng đường cát trắng, trông vàng lợt không mấy bắt mắt.

Những ai đến các gia đình Huế vào ngày Tết sẽ được các bà mẹ mời ăn nhiều thứ mứt đặc biệt của Huế, vừa trắng vừa trong, vừa mềm vừa ngọt, “của con gái tui làm đó!”. Ngày Tết ở Huế cho dù trong nhà có cực mấy, khi nào các bà mẹ cũng bày ra làm vài thứ mứt bánh để cho các con gái lớn của mình tập tành chữ “Công” trong “Công Dung Ngôn Hạnh”, bốn điều quan trọng nhất của người con gái xứ Huế trước khi về nhà chồng. Gặp thời thế khó khăn, đường đã mắc mỏ mà lại hiếm nên các thẩu mứt do con gái làm chỉ có tánh cách tượng trưng mà thôi, chỉ dùng để bày cúng ông bà và sau khi cúng thì dành để đãi đằng các khách sang trọng đến nhà. Các sề mứt chính cho con cháu trong nhà dùng trong ba ngày Tết đều được các bà mẹ làm với những bánh đường đen, vừa ngọt mà cũng vừa rẻ tiền. Trẻ con trong nhà lại cho là ăn mứt bằng đường đen đậm đà hơn, còn ngon hơn là mứt làm với đường cát trắng tinh! Cũng chỉ là một vấn đề về khẩu vị mà thôi!

Bánh đường đen xứ Quảng đi sâu vào trong đời sống của người dân xứ Huế cũng đã lâu rồi. Bánh đường đen một thời cũng đã là thức ăn của người Chàm trên mảnh đất của xứ họ. Trên bước đường Nam Tiến của dân ta, dân xứ Huế Thừa Thiên hồi xưa đã vào định cư vùng Châu Ô Châu Rí của dân Chàm hồi trước, nên cũng đã bắt chước các tập tục của dân Chàm như dùng bánh đường đen mà người Chàm đã dùng, dùng các hột mè mà người Chàm gọi là “hồ ma”, dùng dưa chuột mà họ gọi là “hồ qua” hay ăn hột bắp mà họ gọi là “hồ ly” (theo Nguyễn Xuân Hoa, Nghiên Cứu Huế, Tập 3, 2002), nghĩa là dân ta đã bắt chước y hệt các tục lệ ẩm thực của dân xứ họ. Vì lẽ đó mà trong lễ cúng đất hàng năm, nói rõ ra là cúng các Thổ Thần của họ, theo tục lệ từ xưa truyền xuống đến nay, trên bàn cúng dân Huế xưa khi nào cũng có dĩa đường đen cùng với một xấp bánh tráng cắt hình tam giác. Đó là chưa kể những thức ăn khác của dân Chàm hồi xưa như mắm nêm rau luộc, cá đồng nướng, cháo thánh, ngũ cốc, cua luộc và trứng luộc, một nhúm muối cùng với các đồ áo quần hàng mã bằng giấy có màu Chàm. Cái gùi của dân Chàm hồi xưa thường mang sau lưng cũng đã được dân ta nhớ lại qua lớp bẹ chuối bẻ cuốn lại để làm thành hình cái “xà lẹt” hay “Talek” đựng đồ ăn mà tổ tiên ta cho treo trước nhà sau khi cúng đất, trong đựng các thức ăn đã cúng trên bàn. Cái “Talek” bằng bẹ cây chuối đựng đầy đồ ăn này là để cho các “Ma Hời” đang đi lang thang ngoài đường ở Huế có thể “gùi” mang đi. Chiếc “Bánh đường đen” quả thực đã có một quá khứ lâu dài, một truyền thống lâu dài đối với con dân xứ Huế.

Ngày xưa, chiếc “cụi” đựng đồ ăn của bất cứ nhà nào ở Huế cũng có một thẩu đường đen để dùng vào việc bếp núc. Thường là những mảng nhỏ đường đen hình tam giác đã được chặt sẵn ra từ các bánh đường và được để trong thẩu thủy tinh để tránh gián ruồi. Ngày nay, thẩu đường đó đã bị thay thế bằng thẩu đường cát trắng tinh của các nhà máy đường trong và ngoài xứ. Và vô hình chung, dĩa đường đen cúng trong ngày “Cúng Đất” của dân Huế cũng đã thấy vắng bóng trên bàn cúng. Một thời đã qua, không bao giờ trở lại. Lại thêm một sắc thái của tục lệ “Cúng Đất” ngày xưa đã mất dấu cùng với thời gian, cùng với chiếc bánh đường đen thuở nào của những ngày xa xưa!
Tuy nhiên vào những năm sau này (2007), người ta lại chế các bánh đường đen này với hình thù của những thoi vàng thoi bạc ngày xưa, dùng để thay thế cho cục đường đen cúng đất hồi trước. Phải chăng các nhà sản xuất muốn ngụ ý cho thần thánh biết là ngày nay bánh đường đen được “quý như vàng” hay đấy chỉ là một mánh lới về buôn bán, kích thích tánh hiếu kỳ của người mua và nâng phẩm giá bề ngoài của cục đường đen cúng đất cố hữu lên hàng tôn quý?

Vào khoảng những năm kinh tế khó khăn sau 1975, ở Huế có nhiều người quay qua nghề đi tìm trầm và tìm kỳ nam trong rừng sâu. Lúc ra đi, người nào cũng đem theo vài bánh đường đen gói trong lá chuối khô để dành phòng hờ mà ăn mỗi khi cảm thấy cần có ngay năng lượng cho cơ thể.  Đi trong rừng, họ vừa đi vừa khới và vừa cạp cục đường đen, tìm lại một cảm giác an toàn của ngày xa xưa, lúc còn non trẻ sống chung với mẹ già.
Dẫu sao, chiếc bánh đường đen một thời đã có rất nhiều công dụng ở xứ Huế, nhất là vào những lúc cơm thua gạo kém như thời ly loạn 1940-1950 đã qua hay như những năm khó khăn về kinh tế hồi 1975 về sau này. Nói không ngoa, chiếc bánh đường đen đã cứu đói dân Huế vào thời đó, vào những năm khó khăn đó.
B.M.Đ

(nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng