Ai ra xứ Huế
Tìm nghĩa vài tên làng quê xứ Huế
15:11 | 05/02/2009
NGUYỄN KHẮC MAIỞ xứ Huế có những tên làng quê mà nghĩa của chúng vẫn còn là sự ám ảnh kiếm tìm giải thích, chắc chắn chúng phải có nghĩa cụ thể nào đó. Người xưa không bao giờ đặt tên một vùng đất mà chẳng có nghĩa gì cả cứ như là người Mã Lai họ đặt tên vùng đất kinh đô cũng lần ra cái nghĩa đó là “cửa sông bùn lầy” (Kua-la-lăm-pua). Những cái tên như Kim Long, An Hoà, Dương Xuân, Phú Tài, Phú Mậu thì những ai có chút hiểu biết chữ Hán đều có thể lần tìm ý nghĩa. Nhưng có những cái tên làng quê thật khó đoán được cái nghĩa của chúng.
Tìm nghĩa vài tên làng quê xứ Huế
Đình làng Chuồn

Thuở nhỏ má từng ru: “Núi Truồi ai đắp nên cao...”. Truồi là một vùng đất phía nam Huế, nơi đó từng nổi tiếng sản vật chè. Chè Truồi, Truồi không phải từ Hán, trong từ vựng Việt nó không có ý nghĩa. Tôi đã dò tìm trong từ điển Chăm-Việt không thấy có từ tương tự, may quá trong tiếng của người Pa-cô, một cư dân thượng du vùng Huế, nay họ cư ngụ trên dãy Trường Sơn, họ có từ a-truôi, nghĩa là con gà. Tôi ngờ rằng dưới chân núi Bạch Mã hẳn có nhiều tiếng gà rừng, gà gô, gà lôi, trĩ... Rồi vùng đất ấy xưa đã có tên là làng Gà.

Trong bài “Bình Trị Thiên khói lửa” cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương có nhắc: “Ai từng vô sông Hương, từng nương Linh Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi, Nong”. Làng Văn Xá, là làng của nhà họ Văn xưa. Cũng như Mai Xá, Ngô Xá, Hồ Xá, Lê Xá, Phan Xá... đều lấy tên họ một nhà nào đó để đặt. Hiện tượng này rất hay cũng nên nghiên cứu. Truồi đã nói. Còn Nong là thế nào. Làng này từng có tên chữ là An Nông nghĩa là một vùng nghề nông an bình. Tôi đồ rằng đó là dịch ngược. Người xưa diễn dịch một cái tên làng dân giã thành tên chữ nghĩa. Tôi đã thử tìm xem ở làng đó có nghề truyền thống đan nong, nia là những dụng cụ của nông hay không. Người xưa vẫn từng lấy tên một sản phẩm đặc biệt để đặt cho tên vùng đất quê hương. Ngoài Bắc từng có tên làng Cót, làng Mẹt, trong lại có tên Vườn Trầu, Vườn Chuối... Nhưng ở làng Nong không có nghề đan nong. Lần tìm dấu vết trong tiếng Pa-cô thấy có tiếng Tnoong, nghĩa là cái cót thóc, cái vựa, cái lẫm đựng thóc. Phải chăng đây là vùng quê xưa mà nghề trồng lúa rất phát đạt. Một làng Nong gần làng Truồi, nghĩa là cạnh làng lúa có làng gà. Những ước mơ về sự no đủ của người xưa có thể được ngụ ý vào tên làng xóm, còn gây cho con cháu ngày nay những suy tư cảm động.

Đi ra phía ngoài chúng ta gặp làng Sịa. Chợ Sịa nổi tiếng mà ở đây bánh tráng cũng là một sản vật đặc sắc: bánh tráng Sịa. Nhưng Sịa nghĩa là gì, tôi cũng suy đoán rằng do tiếng Pa-cô, Tà Ôi, là Si-á mà chuyển thành. Si-á nghĩa là cá. Bên cạnh một đầm phá nước lợ giàu tôm cá lừng danh mà có một làng tên là làng cá thì hợp lẽ quá. Si-á, Sia, có biết bao làng cá được đặt tên là Như Hải, là Ngư Thuỷ đó rồi. Khác nhau là ở chỗ một bên thì đặt tên bằng chữ Hán Việt, một bên thì giữ lại tên gọi của một tộc người anh em chừng đã có mặt lâu đời trước khi người Kinh-Việt đến.
Nếu xuống thuyền ở Sịa, lênh đênh trên đầm phá đi ngược vô Nam, ta sẽ đến một vùng trời nước mênh mang-Ngã Ba Sình, mà câu hò dân gian đã làm cho nó trở nên thân thuộc và nổi tiếng:
Đò từ Đông Ba, đò qua Đập đá
Thẳng về Vĩ Dạ xuôi Ngã Ba Sình
Lờ mờ bóng ngả trăng chênh
Tiếng hò xa vọng mối tình nước non”.

Sình trong tiếng Việt có hai nghĩa. Một là sình lầy, hai là trương phình lên (cơm sình, trâu chết sình...) nhưng ông bà ta sao lại dùng chữ nghĩa xấu xí để diễn đạt tên làng quê. Với lại ở vùng ấy dấu hiệu địa mạo cũng không chỉ ra là vùng sình lầy để có thể lấy đặc điểm địa lý mà đặt tên. Lại dò tìm trong tiếng Tà-Ôi, Pa -cô Vân Kiều, có tiếng Tềnh có nghĩa là đánh nhau. Làng Sình nổi danh là làng vật võ. Đã trở thành phong tục hàng năm cứ đến mồng 3 Tết là làng mở hội vật. Lò vật làng Sình rất tiêu biểu. Nhưng Tềnh có thể biến âm, biến thanh đổi thành Sình được chăng. Tiếng Việt có quy luật biến thanh từ T sang S, như dân ta vẫn nói tụt xuống-sụt xuống, tuột lúa-suốt lúa...
Còn chuyển ênh thành inh cũng được. Như người ta vẫn nói thênh thang - thinh thang, bệnh-bịnh, lệnh-lịnh... Một làng nổi danh thượng võ, ngày xưa có tên là làng Vật, có lý lắm chứ.

Ôi những làng quê của xứ Huế giàu có về sản vật phong phú về tinh thần thượng võ, đẹp đẽ về phong tục tập quán. Cái đẹp đẽ ẩn dấu kín đáo biết bao nhiêu. Thành ra khi đoán được ta càng thêm mến, thêm yêu, càng thấy sâu dày cái công ơn của những lớp tiền nhân đã đến đây khai phá mở đất và gởi gắm lại đó chút dấu ấn văn hoá khiêm nhường khiến ta dễ vô tình quên lãng.
            N.K.M

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng