Ai ra xứ Huế
Sự vận động của làng xã cổ truyền, bản Thuận ước và những dấu ấn văn hóa ở làng Thần Phù
09:13 | 25/04/2014

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  

Thần Phù là một làng lớn ở phía Nam kinh thành Huế, dưới thời Nguyễn có đơn vị hành chính là xã, thuộc tổng Lương Văn, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên.

Sự vận động của làng xã cổ truyền, bản Thuận ước và những dấu ấn văn hóa ở làng Thần Phù
"Đông Lâm Dực Điểu" - Rừng Đông Lâm ở làng Thần Phù - tranh sơn mài của nhà thư pháp Hải Trung - Ảnh: Đại Dương

Về cấu trúc hành chính, làng Thần Phù mang đặc trưng thường thấy của làng xã cổ truyền miền Trung và có dạng một làng là một xã. Làng được hình thành trong hoàn cảnh công cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn, với những di dân từ phía Bắc vào, chủ yếu là dân Thanh - Nghệ - Tĩnh1. Làng Thần Phù 6 dòng họ chính là Võ, Hồ, Lê (ba), Phan, Lê (năm), Nguyễn, trong đó 3 họ Võ, Hồ, Lê (ba) được xem là những vị khai khẩn làng, còn Phan, Lê (năm), Nguyễn2 là những vị khai canh làng. Hiện nay, toàn làng Thần Phù có 45 họ phái cùng sinh sống. Trên cơ sở đó, văn hóa làng hình thành với những nếp sống, những ứng xử văn hóa thường nhật mang mạch nguồn của ngôi làng nông nghiệp.

1. Về tên làng Thần Phù (神 扶): Trong quá trình điền dã kết hợp với việc sử dụng tư liệu thành văn chúng tôi xác định những cách lí giải về tên làng như sau: Nghĩa thứ nhất là mang tên gốc từ một cửa biển giáp ranh giữa Thanh Hóa và Ninh Bình, đó là cửa Thần Phù. Theo sử sách ghi chép lại, cửa này còn có tên là Càn Phù, Thần Đầu, Tiểu Khang. Tên Thần Phù được dùng như ngày nay được bắt đầu từ thời nhà Lý (thế kỉ XI). Tục truyền vua Lý Thánh Tông đi đánh Champa, tới cửa Thần Đầu có sóng dữ nổi lên không thể xuất binh được. May có một đạo sĩ có đạo hiệu là Áp Lãng Chân Nhân giúp. Từ đó cửa Thần Đầu đổi tên là Thần Phù3. Trong Tộc phả của họ Phan của làng Thần Phù còn chép lại câu:

“Lênh đênh cửa biển Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.


Đây là câu ca dao rất nổi tiếng, được truyền miệng qua bao đời của các cư dân “Nam tiến” thời chúa Nguyễn.

Tên Thần Phù không chỉ là tên của một cửa biển. Xưa cũng có làng Thần Phù ở tổng Cao Lộc, huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Thời nhà Nguyễn vào đầu thế kỉ XIX lại có có tổng Thần Phù thuộc huyện Nga Sơn, Thanh Hoá. Tổng này sau sát nhập về huyện Yên Mô thuộc Phủ Yên Khánh tỉnh Ninh Bình. Tổng Thần Phù có có 8 xã, thôn. Điều này chứng tỏ cái tên Thần Phù không mới mẻ gì đối với dân cư Thanh Hóa, Ninh Bình.

Tên Thần Phù còn được đặt cho con sông chảy ra cửa biển Thần Phù. Một ngọn chạy từ dãy Tam Điệp ra biển, phân chia đất Thanh Hóa và các vùng đồng bằng sông Hồng cũng được đặt tên là Thần Phù. Tên Thần Phù cũng là tên của ngôi chùa nhỏ, kiến trúc đơn giản thuộc thôn Thần Phù, xã Yên Lâm (Yên Mô, Thanh Hóa).

Từ đây có thể suy luận rằng, dân cư một số vùng gần Thần Phù đã theo chân chúa Nguyễn vào Đàng Trong, dựng nghiệp trên đất làng Thần Phù ngày nay và đặt tên làng theo tên cũ của quê hương bản quán ngoài Bắc.

Nghĩa thứ hai, căn cứ vào cách chiết chữ Hán thì Thần Phù được viết là: 神 扶. Trong đó chữ Thần (神) ý nói đến tính thần thoại, việc thần kì hay chỉ các thần thánh. Phù (扶) được tạo từ chữ Thủ và Phu. Chữ phù trước hết có nghĩa đen như hai vật một chỗ, nương nhờ nhau. Về lý nó chỉ sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Như vậy, chữ Thần Phù nghĩa là được thần linh phù trợ, giúp đỡ. Có thể đặt ra giả thiết, những người khai canh của làng khi vào lập làng mới ở nơi đây đã vượt qua bao gian nan, nguy hiểm nên cảm tạ sự giúp đỡ vô hình của thần linh nên đặt tên Thần Phù để diễn đạt ý nghĩa này. Nghĩa của chữ Thần Phù này cũng tương đồng với tên cửa biển Thần Phù qua câu chuyện Ấp Lãng Chân Nhân giúp vua Lý Thánh Tông và trùng với tên của làng bằng chữ Hán chép trong Thuận ước là 神 扶.  

Chúng tôi nhận thấy rằng, tên Thần Phù theo nghĩa thứ nhất thuyết phục hơn. Việc lấy tên làng gốc, quê gốc để đặt tên cho làng mới là hiện tượng phổ biến trong quá trình Nam tiến, khai làng lập ấp của dân cư từ phía Bắc vào. Như vậy, tên làng Thần Phù được đặt tên theo các địa danh Thần Phù ở hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình đã gắn bó với người dân “Nam tiến” trên vùng đất mới.

2. Thần Phù - đất danh lam

Đất Thần Phù có phong cảnh hữu tình, núi sông án ngữ, đồng bãi phì nhiêu. Nơi đây có án sơn là đồi Châu Sơn quanh năm cây cỏ xanh tốt, là bức bình phong lí tưởng cho làng. Cạnh đồi là hồ Châu Sơn, nước bốn mùa trong xanh, là chốn thủy tụ của chim trời cá nước. Chèo một chiếc thuyền câu lướt nhẹ giữa hồ, ngắm cảnh nước non hùng vĩ là cái thú tiêu giao không phải nơi nào cũng có. Cuối hồ Châu Sơn có con sông Vực, đây là con sông thủy lợi, dẫn nước ra ruộng đồng, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Sông này cũng là nơi diễn ra lễ hội đua ghe truyền thống đầu xuân giữa các địa phương trong huyện.

Tuy nhiên, nhắc đến sông phải kể đến con sông Lợi Nông - An Cựu. Sông Lợi Nông chảy qua làng là nguồn nước tưới tiêu cho hàng nghìn mẫu ruộng, là đường giao thông thủy và nơi mưu sinh quan trọng của dân làng. Con sông này là một chi lưu của sông Hương, vốn cạn hẹp nên vua Gia Long cho khơi đào đổ thông về đầm Hà Trung và thường được gọi là sông An Cựu, sau được vua Minh Mạng đổi tên là Lợi Nông vào năm 1821. Nhưng nay tên An Cựu lại được biết đến và sử dụng nhiều, riêng đoạn qua khu vực Hương Thủy, làng Thần Phù vẫn giữ tên gọi cũ như ý nghĩa vốn có của nó là lợi cho nông nghiệp, với hình thể còn biết đến như một danh lam được khắc họa trên Chương Đỉnh trong Đại Nội.

Thần Phù cũng là chốn danh lam một thời, có rừng Đông Lâm, mà dân làng thường gọi là lùm Chánh Đông, đặt tên theo một thôn của làng. Rừng Đông Lâm xưa rất nổi tiếng, được vua Thiệu Trị xếp vào vị trí thứ 19 (có tài liệu nói là 18) trong 20 thắng cảnh của Huế và để lại bài thơ “Đông Lâm dực điểu” (Bắn chim ở rừng Đông Lâm) trong chùm thơ vịnh “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 thắng cảnh đất thần kinh) với những câu thơ tuyệt bút:

“Nước rút lau tươi tẩy cỏ sa/ Sông thôn cây rợp ánh dương tà/ Trong rừng ẩn hiện, chim về tụ/ Dưới nước đua chen, nhịch lội qua”.

Xưa kia, rừng Đông Lâm là một “rừng cổ thụ giữa đồng bằng” trên đất làng Thần Phù. Nơi này đất tốt, hoang vu, quanh năm có nước sông ăm ắp nên có nhiều loại cây rừng và hoang dại như mưng, bốm, bong bong, dành dành… sinh sôi và phát triển mạnh. Nhiều loài chim thú đã về đây sinh sống. Sau khi con sông Lợi Nông hoàn thành việc khơi thủy, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị đã lập ở đây hành cung Đông Lâm hay Thần Phù để thỉnh thoảng xuôi thuyền xuống vui thú điền viên, săn bắn. Hiện nay vẫn còn bài thơ “Đồng Lâm dực điểu” được khắc vào bia đá, dựng vào năm 1853 tại hành cung độc đáo này. Thời kháng Pháp, rừng Đông Lâm là nơi đóng quân của tiểu đoàn 318 thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân (trung đoàn 101). Thời đánh Mỹ, đây cũng là một căn cứ cách mạng, nơi đóng quân của các đơn vị K1, K3, K2,... cũng có khi là trung tâm chỉ huy của huyện ủy, huyện đội Hương Thủy, thường xuyên đón nhiều cán bộ về đây công tác. Nhưng hiện nay, rừng đã điêu tàn, chỉ còn sót dăm ba cây cổ thụ giữa đồng ruộng xanh thẳm.

3. Làng hiếu học và những người tài

Làng Thần Phù ngôi làng văn vật, giàu truyền thống văn hóa. Truyền thống hiếu học vốn có từ lâu đời được làng gìn giữ, phát huy. Lần giở những tàng thư về sự học của làng mới thấy bao bậc trí thức, tài nhân sinh, chiến sĩ cách mạng sinh ra và trưởng thành nơi đây để cống hiến cho sự nghiệp quê hương, đất nước. Tất cả nhờ vào sự hiếu học bền bỉ của họ.

Ở làng Thần Phù xét về mặt khoa bảng nổi tiếng nhất là dòng họ Võ, mà cụ thể là ngành của ba cha con ông cử nhân Võ Khoa, Võ Liêm, Võ Chuẩn đều là những đại thần của nhà Nguyễn. Ông Võ Khoa đỗ cử nhân năm 1852 dưới thời vua Tự Đưc (1848-1883), làm quan đến chức án sát tỉnh Sơn Tây. Võ Khoa là người ngay thẳng, liêm khiết và là bạn của Phan Đình Phùng. Khi Phan Đình Phùng dấy quân chống Pháp, hưởng ứng phong trào Cần Vương, ông bị tình nghi liên quan đến quân khởi nghĩa nên bị Pháp bắt giữ, sau khi Phan Đình Phùng mất, nghĩa quân Hương Khê tan rã, thực dân Pháp đưa ông ra xét xử. Mặc dù không có gì làm bằng chứng nhưng ông cũng bị cách chức án sát. Ông Võ Khoa làm đến chức Tổng đốc lãnh Tuần phủ Hà Tĩnh, rồi về hưu. Ông có nhiều công lao với dòng họ Võ Tá tại Thạch Hà (Hà Tĩnh). Ông lập miếu thờ tổ vào năm Canh Tuất (1909) dưới triều vua Duy Tân (1907-1916).

Hai con của ông là Võ Liêm (1894) đậu cử nhân lúc 22 tuổi, xếp thứ 5/33, sau làm quan Tổng đốc Bình Phú (hai tỉnh Phú Yên và Bình Định). Có tài liệu nói ông làm tới chức Thượng thư Bộ binh. Nhưng đọc “Giai Thoại Làng Nho” của Lãng Nhân Phùng Tất Đắc thì có một cụ Võ Liêm khác là Thượng thự bộ lễ rất nổi tiếng dưới triều Bảo Đại với vụ “năm cụ khi không rớt cái uỳnh”. Nguyên do, năm 1932, ở Huế có cuộc cải tổ nội các. Thực dân Pháp muốn dùng lớp trí thức Tây học nên truất một loạt 5 ông thượng thư cựu học trong đó có ông Võ Liêm, thượng thư bộ Lễ (tương đương với chức bộ trưởng bây giờ).

Cháu nội cụ Võ Khoa là ông Võ Chuẩn, sinh năm 1895 tại làng Thần Phù. Ông là con trai trưởng của cụ Võ Liêm. Ông bắt đầu nhậm chức Tỉnh trưởng tại Kontum, một tỉnh nhỏ miền Thượng Du, rồi cứ mỗi vài năm lại đổi đi một tỉnh lớn hơn. Chức vụ cao nhất cuối cùng của ông là Tổng Đốc tỉnh Quảng Nam, phong hàm Thượng Thư, chánh nhị phẩm.

Thần Phù cũng là nơi ươm mộng cho những tài năng văn chương, nghệ thuật. Trường hợp ông Võ Chuẩn, ngoài là một vị Nho quan còn là một nhà thơ. Lúc sinh tiền Võ Chuẩn đã làm nhiều thơ, văn, phú, câu đối, văn tế... với bút hiệu Thạch Xuyên. Tập “Thạch Xuyên thi tập” do con cháu gom góp, để giữ lại dấu tích, cuộc đời và tâm sự của bậc trưởng thượng kính yêu. Chắt cụ Khoa là ông Võ Sum, nhân sĩ thời Bảo Đại. Ông tham gia “Thanh Niên Tiền Tuyến” bị bắt và kết án tù 8 năm khổ sai, 8 năm biệt xứ và tịch biên tài sản. Võ Sum là một nhà văn bút hiệu là Thạch Hà và là tác giả của các tập thơ “Trăng trong tù” và tập truyện “Mặt trời chiều”. Ông còn là người sáng lập Hội Cảm Xạ Học Việt Nam vào năm 1972, và đã xuất bản nhiều sách về ngành này. Em gái ông là nhà văn Minh Đức Hoài Trinh (Võ Thị Hoài Trinh) có bút lực dồi dào, thành danh trên văn đàn Miền Nam với các tác phẩm như: Lang thang (1960), Hai gốc cây (1966), Sám hối (1967), Tử địa (1973). Trà thất (1974), Dòng mưa trích lịch (1976)... Bà để lại bài thơ tình “Kiếp nào có yêu nhau” nổi tiếng, sau được nhạc sĩ thiên tài Phạm Duy phổ nhạc với lời ca mượt mà, bay bổng là một bài hát hay trong dòng Tân nhạc, được nhiều người yêu thích. Đặc biệt, cháu 5 đời của dòng Võ Khoa là nhạc sĩ Võ Tá Hân, một nhạc sĩ rất nổi tiếng với các tác phẩm Phật nhạc. Đồng thời ông cũng là một Giám đốc trong Hội đồng quản trị của Tập đoàn CDL (một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất của Singapore), và là Chủ tịch của Hội Chuyên Gia Việt Nam tại Singapore – Vietnam. Ông cũng nổi tiếng là người đi khắp thế giới để xin sách về cho giới trẻ Việt Nam và rất được giới học thuật và kinh doanh tôn trọng.

Một tài năng thơ phú khác là nữ thi sĩ Thu Hồng. Thi sĩ Thu Hồng (1922-1948) tên thật là Tôn nữ Thu Hồng, thuộc dòng dõi Hoàng tộc nhà Nguyễn. Bà sinh ra và lớn lên ở làng Thần Phù, sau học trường nữ sinh Đồng Khánh - Huế. Năm 1940, bà cho xuất bản tập thơ “Sóng thơ”. Năm 1941, bà và thơ của bà được Hoài Thanh- Hoài Chân giới thiệu trong quyển “Thi nhân Việt Nam” (1942). Tập thơ in đẹp (chưa rõ tên nhà xuất bản), có tựa của Đạm Phương nữ sĩ, và tranh vẽ bìa của nữ họa sĩ Mộng Hoa. Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết về nữ thi sĩ Tôn Nữ Thu Hồng như sau: “Người ta vẫn nói giọng Huế phải nghe từ miệng con gái Huế mới có duyên. Lần thứ nhất trên thi đàn ta được nghe giọng một người con gái Huế, mà lại là người trong Hoàng tộc: Tôn Nữ Thu Hồng”.

Bà để lại nhiều câu thơ hay, một thời bao lứa học trò, uyên ương lãng mạn ngâm nga:

Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái,
Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua”.


Đáng tiếc là nữ thi sĩ mất quá sớm, khi mới vừa 26 tuổi.
 

Đặc biệt, làng Thần Phù còn là quê hương của bậc đại trí, đại hạnh là cố hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921-2001). Hoà thượng khi chưa xuất gia có tên húy là Võ Trọng Tường, là con trong một gia đình thâm tín Phật giáo ở làng Thần Phù. Hòa thượng Thích Thiện Siêu là người có trí tuệ và năng lực nổi trội. Hòa thượng chủ trương lấy giáo dục Phật học để nâng cao đạo pháp, sự thâm tín và công phu tu tập của tăng nhân, phật tử. Năm 26 tuổi, Hòa thượng được cử làm Trú trì Tổ đình Từ Đàm – Huế, một chức vụ khá lớn thời bấy giờ, đồng thời làm công tác giảng dạy cho Tăng Ni. Khi Học viện Phật giáo Việt Nam được thành lập tại Huế năm 1997 thì Hòa thượng giữ chức Viện trưởng cho đến khi viên tịch vào năm 2001.

Hòa thượng Thích Thiện Siêu là một bậc thiện tri thức Phật học lừng danh của Huế với một “gia tài” là các công trình Phật học đồ sộ. Hòa thượng đã dịch thuật hàng chục các bộ kinh sách, trong đó có một số tác phẩm nổi tiếng như: Kinh Thủ Lăng Nghiêm (1940), Luận Đại trí độ (5 tập, 1997-2001), Trung luận (2001)... Hòa thượng cũng là người biên soạn các tác phẩm luận giải như Lối vào Nhân minh học (1995), Ngũ uẩn vô ngã (1997), Kinh Pháp hoa giữa các Kinh điển Đại thừa (1997), Trí đức văn lục (9 tập, 1994-2001)...

Ngoài ra, nhiều người con của làng đã có đóng góp cho đất nước trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước. Tiêu biểu trong số đó là nhà ngoại giao Nguyễn Minh Phương, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Cu Ba liên tục trong nhiều năm. Ông đã góp phần gìn giữ và thắt chặt mối bang giao giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là trong quan hệ với người anh em Cu Ba vào những năm tháng cam go của thế kỉ trước. Một nữ chiến sĩ cách mạng khác là bà Phan Thị Thanh Nhàn, Đại biểu quốc hội khóa VI (1976 -1981). Bà là một trong 19 đại biểu của Bình - Trị - Thiên tham dự quốc hội sau ngày đất nước thống nhất. Phan Thị Thanh Nhàn đứng trong hàng ngũ của những anh hùng, tướng lĩnh, nhân sĩ, trí thức của Huế thời bấy giờ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, bác sĩ Tôn Thất Tùng, anh hùng Hồ Vai, bà Nguyễn Đình Chi...

Một người con khác của làng là Võ Trác (1930-1965), một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Ông được phân công làm Bí thư Huyện uỷ Hương Thuỷ, sau đó làm Bí thư huyện Phú Vang. Với bí danh Nguyễn Vinh ông đã có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng huyện nhà. Ông hy sinh năm 1965 khi mới 35 tuổi.

4. Lệ làng minh nghiêm qua bản Thuận ước về nông nghiệp

Thời nhà Nguyễn, Thần Phù là ngôi làng thuần nông nghiệp với diện tích canh tác rất lớn tới 1400 mẫu, không những đảm bảo đời sống cho nhân dân trong làng mà còn nộp vào kho lúa triều đình một khoản không nhỏ. Chính do diện tích canh tác lớn, việc điều hành và quản lí tình hình nông nghiệp của làng còn nhiều thiếu sót nên những người đứng đầu làng đã họp nhau lại và cho ra bản thuận ước nổi tiếng trong tiến trình lịch sử của làng Thần Phù nói riêng và các làng xã khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bản thuận ước được lập ra năm Thành Thái thứ 3, tức năm 1891, cách đây đã 123 năm. Bản thuận ước được lập ra bởi người làng với những thành phần là quan chức, lính tráng và toàn thể nhân dân làng Thần Phù, cho thấy sự thống nhất, tính quan trọng và rộng rãi của bản thuận ước. Cuối bản Thuận ước cho thấy có gần 30 người đã tham gia lập các điều khoản, chứng kiến và đồng thuận. Tất cả họ tùy theo quyền hành, chức tước, trình độ học vấn mà có người đóng dấu quan, người kí tên hay điềm chỉ bằng dấu vân tay.

Các quan chức trong tờ Thuận ước ấy là ai? Làng Thần Phù là một làng lớn, nhiều người đỗ đạt làm quan cho triều đình nhà Nguyễn. Trong bản Thuận ước này, chúng tôi nhận thấy có nhiều vị quan văn, võ người làng đã đóng ấn, ký tên, điểm chỉ vào bản Thuận ước để thông qua. Việc đóng ấn, kí tên, điểm chỉ cho thấy cấu trúc xã hội làng xã cổ truyền, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà là một trật tự nghiêm chỉnh và rất lề thói.

Hàng quan văn triều đình có Biên tu4 Hoàng Từ; tri huyện Phan Tỉnh làm quan ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Hàng quan võ có Phó vệ úy5 Võ Hãnh và Quản cơ Lê Hợi, những người này là tướng triều đình, chỉ huy các vệ, các cơ có quân số hàng trăm, nghìn người ở Kinh thành Huế. Việc đại diện của những “người làng làm quan thể hiện nguyên tắc “trọng tước” trong đời sống làng xã thời bấy giờ. Dưới là hàng xã quan, trông coi việc trong làng, đó là: các chánh, phó lý trưởng, là các ông Chánh lý trưởng Phan Dự; Phó lý trưởng là các ông Phan Ngọc Du, Lê Văn Chánh, Phan Ngọc Dũng, Hoàng Hi; thủ bạ6 Phan Sửu, cùng các dịch mục7 Hồ Văn Ngọ, Lê Văn ..., Phan Ngọc Cán, Nguyễn Văn Thị; lính tráng được nhắc đến đây là những người chỉ huy các đội lính địa phương là 5 suất đội là các ông Lê Mĩ, Phan Văn Lợi, Hoàng Đặng, Hoàng Hoành, Hoàng Chỉnh.

Còn dân làng Thần Phù chính là đại diện của 6 tộc họ khai canh, khai khẩn của làng. Việc các trưởng họ về nguyên tắc đều đứng trước cả chức sắc hàng xã kí tên, điểm chỉ trong bản Thuận ước chứng tỏ tính họ tộc, những người chủ thực sự của làng mới là người có quyền xứng đáng.

Bản Thuận ước làng Thần Phù (Hương Thủy)


Bản Thuận ước phát xuất phát từ “kho nghĩa”

Việc cho ra đời tờ Thuận ước của làng Thần Phù không phải là sự ngẫu nhiên. Theo đó, tờ Thuận ước này được lập bởi nguyên do: “Kính vâng nghị định khoảng năm Tự Đức, trong có điều nói mỗi xã xây đựng một nghĩa thương, cử Hương lí trông coi công việc, để đủ chẩn cấp khi gặp năm mất mùa đói kém”. Như vậy, các chức sắc, dân làng Thần Phù đã lập ra tờ Thuận ước theo chiếu lệnh của triều đình, mà cụ thể là lập một nghĩa thương. Nghĩa thương hiểu nôm na là “kho nghĩa” do triều đình nhà Nguyễn lập ra. Ở đây, tờ Thuận ước gọi kho chứa thóc lúa của xã mình là Nghĩa thương thì không được chính xác lắm. Dưới thời Nguyễn, mà cụ thể là thời Tự Đức, Nghĩa thương là những kho trữ lúa ở các tỉnh và phủ huyện. Riêng ở hàng làng, xã, triều Nguyễn cũng cho tổ chức kho gọi là Xã Thương. Trong trường hợp làng Thần Phù, từ Xã thương mới đúng với quy định của triều đình. Nhưng dù là Nghĩa thương hay Xã thương thì đều có cùng mục đích là dùng những khi đói kém, các kho này được mở ra để phát chẩn cho dân nghèo. Các Xã thương còn là nơi điều tiết tình hình buôn bán trong nông nghiệp, khi gạo đắt thì bán ra, khi gạo rẻ thì đong lại để lưu trữ, có thể cho vay, thu lợi bao nhiêu dùng để cấp dưỡng binh đinh và giúp kẻ nghèo khó. Đây là một chính sách rất nhân văn và hữu ích cho đời sống xã hội và kinh tế dưới thời Nguyễn. Những người lập ra Thuận ước làng Thần Phù y theo chiếu lệnh của triều đình mà xác định mục đích chính đáng ấy rằng:“Vả chăng xây dựng nghĩa thương ấy là để giúp đỡ nhân dân nghèo thiếu trong xã và sửa sang đình miếu”. Đồng thời, theo hoàn cảnh và điều kiện của làng thì họ còn xác định nguyên do khác, khá cấp thiết, theo đó thì Thuận ước lập ra để khắc phục tình trạng: “Việc cấp phát cho nhân dân ăn uống hàng ngày trước nay còn sơ sài, hương ước chưa kĩ càng đầy đủ, không tránh khỏi gian dối”. Những người lập Thuận ước cho rằng sau khi thống nhất được các khoản quy định sẽ đạt được mục đích như họ hy vọng “...đem ra thi hành như thế thì có thể trừ bỏ các mối tệ mà dân nghèo cũnng được nhờ”.

Việc lập Thuận ước là việc hệ trọng của làng để quản lí nông nghiệp, quản lí Nghĩa thương một cách hợp lí. Vì thế, những người lập tờ Thuận ước đã đưa ra hình thức trị tội những người không chấp hành rằng: “Nay thuận định lập các điều khoản để tiện noi theo, nếu ai làm trái thì bẩm lên quan trị tội”.

Ở đây có một vấn đề đặt ra là tại sao làng Thần Phù là làng lớn, có bề dày văn hóa, phong tục lại không có một hương ước về phong hóa làng xã. Chúng tôi nhận thấy rằng, trong đời sống làng xã, lệ làng và dư luận chính là hành lang pháp lý, hành lang đạo đức tinh thần mà mọi thành viên quy chiếu như một dạng luật bất thành văn. Chỉ trong những thời điểm có sự chỉ đạo từ triều đình hoặc nội tình làng xã nảy sinh vấn đề căng thẳng, nhờ vào các bậc văn nho, hệ quy chiếu đó mới được bổ sung, nâng cấp thành văn, đó chính là hương ước cổ còn lại đến nay. Đặc trưng đó bao hàm chung cả những làng xã ở khu vực miền Trung, nhất là các làng xã Trung Trung bộ. Làng Thần Phù cũng nằm trong đặc tính khả hữu này. Còn những làng có hương ước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có niên đại ra đời của các hương ước phần lớn xuất hiện trong bối cảnh Cải lương hương chính đầu thế kỉ XX8. Chúng tôi xin trích dẫn nhận xét của nhóm tác giả để thống nhất quan điểm về hương ước quy định phong hóa làng: “...không đề cập đến một khía cạnh nào của phong tục tập quán. Như vậy, không có nghĩa là phong tục tập quán ở làng sơ sài, đơn giản, mà có thể nó bình lặng, không diễn ra trong xung đột, không gây cấn, luôn được lệ làng tuân thủ vận hành, giải quyết; Cho nên, không nhất nhất việc gì người ta cũng “văn bản hóa”; khi chưa cần thiết đến nỗi bức bách9.

Tính nghiêm minh, rạch ròi của Thuận ước:

Sau khi thông qua mục đích, tình hình ruộng đất, quản lí Nghĩa thương, tờ Thuận ước đã liệt kê ra 8 điều khoản buộc các chức sắc, dân làng Thần Phù phải noi theo.

Dưới đây xin trích lại nguyên văn các điều khoản của Thuận ước10 làng Thần Phù:

1. Cử ra một viên Hương chánh, hai thư ký, hai người canh giữ, chuyên lo công việc. Viên Hương chánh cấp 1 mẫu 5 sào ruộng ăn, Thư ký và canh giữ mỗi người cấp 5 sào ruộng ăn.

2. Canh giữ mỗi bên đông tây một tên, đến kì lúa chín, ngày đêm tuần phòng; nếu sơ sài để kẻ gian gặt trộm mẫu nào thì phải bồi thường thóc lúa ấy ở ruộng ăn.

3. Một viên Hương chánh khi lúa chín, đôn đốc người canh giữ tuần phòng; mỗi ngày vào buổi chiều tối, đến đình tây xem xét, lúa nộp về tức thì kiểm tra thu lấy, sai dân đạp lấy thóc, phơi khô, canh giữ. Đến khi cấp phát cho nhân dân hay đem bán để tiêu dùng việc làng, số lượng bao nhiêu, họp cùng các Trưởng họ hàng ngày biên vào sổ, đóng dấu làm bằng, không được tự tiện phát ra.

4. Mỗi năm hai vụ hè thu lúa chín, hai người canh giữ điều khiển hai người dân, thuê hai chiếc ghe, đi khắp các ruộng đang gặt, chiếu lệ thu lấy số bó lúa, chở về cất tại bến; ngày ấy thu của chủ nào bao nhiêu bó nhớ đến bến biên chép và ký tên rõ ràng. Mỗi năm ngày một lần trình lên Hương chánh đóng dấu. Hai người dân làm việc vào vụ hè, mỗi tên cho 15 bó lúa; hai chiếc ghe thuê, mỗi chiếc trả 15 bó lúa. Đến vụ thu, mỗi tên dân làm việc cho 20 bó lúa, mỗi chiếc ghe thuê trả 20 bó lúa.

5. Mỗi năm, công việc thu giữ thóc ruộng, mỗi vụ thu được bao nhiêu bó, đập phơi khô được bao nhiêu vuông, viên Hương chánh họp với viên Trưởng họ nộp vào kho xã, niêm phong khóa lại, giao cho dân canh giữ; hai Thư ký ghi chép lại rõ ràng, đóng dấu đầy đủ để làm bằng.

6. Hai Thư ký, vào kì thu lúa, buổi sáng đi khắp các ruộng, căn cứ vào ghe thu lúa các chủ, thu bao nhiêu lúa trên bao nhiêu mẫu, sào và của chủ nào, biên chép kĩ càng, về đình trình đầy đủ cho viên Hương chánh theo đó nhận lúa.

7. Mỗi vụ, nếu gặp xứ, thửa, mẫu, sào nào mất mùa, các viên Hương chánh, Thư ký và canh giữ hội cùng viên Trưởng họ, Lý trưởng, hương bạ đến tại ruộng khám xét, nếu xác thực thì châm chước trừ số lúa.

8. Hàng năm đến ngày 15 tháng Chạp, quan viên, Lý trưởng, binh lính, nhân dân đem sổ ruộng quân cấp và sổ thuê ruộng tư, chiếu mẫu sào, hội đồng kê ra cho thật rõ ràng đầy đủ”.

Theo tờ Thuận ước, để quản lí Nghĩa thương, làng đã lập ra một “ban điều hành, quản lí” trực tiếp làm các công việc thu lúa, ghi chép, canh giữ... Nghĩa Thương. Theo điều 1, Ban Điều hành Nghĩa thương đó do “một viên Hương chánh, hai thư ký, hai người canh giữ canh giữ, chuyên lo công việc”. Họ được làng cấp lương là ruộng đất cày cấy, cụ thể: “Viên Hương chánh cấp 1 mẫu 5 sào ruộng ăn, Thư ký và canh giữ mỗi người cấp 5 sào ruộng ăn”. Đến kì vụ mùa, thì sẽ còn được làng thưởng thêm: “Hai người dân làm việc vào vụ hè, mỗi tên cho 15 bó lúa; Đến vụ thu, mỗi tên dân làm việc cho 20 bó lúa (Điều 4).

Việc canh giữ được làng cho là việc hệ trọng và phân người canh giữ theo điều 2, những người dân được giao nhiệm vụ canh giữ phải: “Canh giữ mỗi bên đông tây một người, đến kì lúa chín, ngày đêm tuần phòng”; Viên Hương Chánh được giao việc canh giữ: “khi lúa chín, đôn đốc người canh giữ tuần phòng; mỗi ngày vào buổi chiều tối, đến đình tây xem xét, lúa nộp về tức thì kiểm tra thu lấy, sai dân đạp lấy thóc, phơi khô, canh giữ” (Điều 3).

Thuận ước quy định nhiệm vụ của mỗi chức trách như vậy, nếu vi phạm sẽ bị phạt. Cụ thể, dân canh giữ bị mất lúa thì: “nếu sơ sài để kẻ gian gặt trộm mẫu nào thì phải bồi thường thóc lúa ấy ở ruộng ăn” (Điều 2).

Về phương thức lấy lúa nộp vào Nghĩa thương được xác định rõ trong điều 4: “Mỗi năm hai vụ hè thu lúa chín, hai người canh giữ điều khiển hai người dân, thuê hai chiếc ghe, đi khắp các ruộng đang gặt, chiếu lệ thu lấy số bó lúa, chở về cất tại bến; Và điều 6: “Hai Thư ký, vào kì thu lúa, buổi sáng đi khắp các ruộng, căn cứ vào ghe thu lúa các chủ, thu bao nhiêu lúa trên bao nhiêu mẫu, sào và của chủ nào, biên chép kĩ càng, về đình trình đầy đủ cho viên Hương chánh theo đó nhận lúa”.

Việc quan trọng nhất là thống kê, ghi chép thóc lúa được thu về Nghĩa thương, Thuận ước đã kê rõ ràng trong các điều 4, 5, 8. Công việc này được phân nhiệm tùy theo chức trách của 3 bộ phận Hương chánh, Thư kí và người canh giữ. Ngoài ra họ còn phối hợp với Trưởng họ đại diện cho dân làng để có người chứng giám, đề phòng sai sót. Cụ thể, người canh giữ phải ghi nhớ việc thu lúa từ các chủ ruộng để bỏ lên ghe là ngày nào, bao nhiêu lúa: “... thu của chủ nào bao nhiêu bó nhớ đến bến biên chép và ký tên rõ ràng. Mỗi năm ngày một lần trình lên Hương chánh đóng dấu (Điều 4). Sau khi những người canh giữ đem về Nghĩa thương thì các viên Hương Chánh và Thư kí có nhiệm vụ tiếp tục biên chép, nộp vào kho và khóa lại. Điều quy định rõ: “Mỗi năm, công việc thu giữ thóc ruộng, mỗi vụ thu được bao nhiêu bó, đập phơi khô được bao nhiêu vuông, viên Hương chánh họp với viên Trưởng họ nộp vào kho xã, niêm phong khóa lại, giao cho dân canh giữ; hai Thư ký ghi chép lại rõ ràng, đóng dấu đầy đủ để làm bằng”.

Bản Thuận ước cũng đề cấp đến việc sử dụng kho lúa Nghĩa thương: ‘Đến khi cấp phát cho nhân dân hay đem bán để tiêu dùng việc làng, số lượng bao nhiêu, họp cùng các Trưởng họ hàng ngày biên vào sổ, đóng dấu làm bằng, không được tự tiện phát ra” (Điều 3).

Công việc cuối cùng là quản lí ruộng đất qua các sổ ruộng tư, ruộng làng. Điều 8 nhắc nhở và lấy ngày 15 tháng Chạp khi mùa màng xong xuôi để làm công việc này: “Hàng năm đến ngày 15 tháng Chạp, quan viên, Lý trưởng, binh lính, nhân dân đem sổ ruộng quân cấp và sổ thuê ruộng tư, chiếu mẫu sào, hội đồng kê ra cho thật rõ ràng đầy đủ” (Điều 8).

Trong nội dung Thuận ước, chúng tôi thấy làng Thần Phù còn rất linh hoạt khi tính đến các trường hợp đặc biệt khi thóc lúa của các chủ ruộng mất mùa, làng sẽ có cách tính riêng để “châm chước” cho việc nộp lúa vào Nghĩa thương. Vấn đề này thể hiện rõ trong điều 7: “Mỗi vụ, nếu gặp xứ, thửa, mẫu, sào nào mất mùa, các viên Hương chánh, Thư ký và canh giữ hội cùng viên Trưởng họ, Lý trưởng, hương bạ đến tại ruộng khám xét, nếu xác thực thì châm chước trừ số lúa. Điều này thể hiện tính cộng đồng làng xã sâu sắc, biết thông cảm cho những trường hợp khó khăn, thất bát mùa vụ không đáp ứng việc thu thóc lúa của làng.

5. Kết Luận: Từ khái quát về lịch sử con người, vùng đất đến bản Thuận ước làng Thần Phù đã cho chúng ta thấy một tiến trình vận động đậm đà bản sắc làng xã rất đặc trưng của làng xã Trung bộ. Chính tổ chức làng xã với cấu trúc linh hoạt dẫn đến lệ làng minh nghiêm và truyền thống giáo dục đã làm nên một Thần Phù văn vật, danh lam. cho đến Cho đến nay, làng Thần Phù vẫn duy trì nề nếp sinh hoạt giàu truyền thống của mình. Những công trình mang dấu ấn làng xã như Đình làng, Chùa, và những công trình mang thiết chế phong kiến như Văn Thánh, Võ Thánh11... đều được bảo tồn, chăm sóc là nơi tổ chức những sinh hoạt của làng. Mới đây, làng tôn tạo lại Văn Thánh miếu để tôn sùng cái sự học từ bao đời nay, đó là ngọn lửa thắp sáng tinh thần hiếu học, nơi đã làm nên những thành tựu mà những bậc tiền bối làng Thần Phù đã nhọc công gây dựng.

L.V.T.G  
(SH302/04-14)


.............................................
1. Nếu xét về đặc điểm khai ấp, lập làng của người Việt trên vùng đất mới Trung bộ được tiếp quản từ người Champa là một quá trình tiệm cận từ hướng Đông vào qua các vùng biển, đầm phá, đến đồng bằng, trung du, miền núi, thì làng Thần Phù là một trong những làng có sở hữu một vùng đất phì nhiêu của vùng đồng bằng Hương Thủy - Phú Vang rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

2. Họ Nguyễn làng Thần Phù hiện nay không sinh sống ở làng. Nguyên do, khi lập làng thì họ  Nguyễn được cử giữ xứ Cồn Trại nay thuộc phường An Đông (thành phố Huế) tới tận bây giờ.

3. Theo bản dịch sách Thần kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị, NXB Thuận Hóa, Huế, năm 1997.

4. Chức hàm quan văn, trật chánh thất phẩm, thuộc Hàn Lâm Viện. Biên tu là người chấp bút viết nên các công trình sách, vở, thường xuất thân từ khoa bảng, có hàm Hàn Lâm Viện (Võ Hương An (2012), Từ điển nhà Nguyễn.

5. Chức hàm quan võ, chánh-tòng tam phẩm theo quan chế Gia Long (1804) ((Võ Hương An (2012),  Từ điển nhà Nguyễn)

6. Chức dịch lo việc giữ sổ sách cho làng thời phong kiến.  

7. Có thể hiểu là các chức Hương dịch và Hương mục là hai chức danh năm trong Hội đồng kỳ mục  của làng xã xưa gồm ngũ hương (Hương bộ, hương bản, hương kiểm, hương mục, hương dịch). Hương dịch: là người thông báo cho toàn thể xã dân biết những quyết định của chính quyền cấp trên, những ngày mở hội làng; ngoài ra cũng chịu trách nhiệm vệ sinh công cộng, tình trạng sức khỏe của súc vật trong xã.
Hương mục: Làm nhiệm vụ trông coi, bảo vệ, xây đắp, sửa sang đường sá, sông ngòi; phụ trách việc tuyển người, điều động nhân công đi phu.

8. Xem thêm Vũ Ngọc Khánh, Lê Hồng Khánh (1996), Hương ước Quảng Ngãi,...  

9. Nguyễn Hữu Thông (chủ biên - 2007), Mạch sống của hương ước trong làng Việt Trung bộ,  Nxb Thuận Hóa, Huế, trang 69.

10. Theo bản dịch của nhóm tác giả Nguyễn Đình Thảng, Lê Nguyễn Lưu, Lê Đình Hùng (Nguyễn  Hữu Thông (chủ biên - 2007), Sđd, trang 654-657).

11. Ở cấp độ xã thôn, triều đình phong kiến còn cho dựng Văn Chỉ - thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền, Võ chỉ thờ các bậc võ tướng nổi danh trong Bắc sử, Nam Sử chỉ gồm một nền đất, được thiết trí thành nơi thờ tự. Tuy nhiên, với tinh thần tự tôn, trong dân gian, người ta vẫn phổ biến sử dụng tên gọi Văn Thánh hoặc Văn Miếu, Võ Thánh hoặc Võ Miếu, mà theo đúng điển chế phong kiến, để chỉ thiết chế tương đương ở hàng tỉnh, hay Kinh đô.
Chúng tôi sẽ tiếp tục trong một công trình khác liên quan đến các di sản vật chất, các công trình kiến trúc, văn hóa mang đậm dấu ấn làng.
   








 

Các bài mới
Các bài đã đăng