PHƯƠNG ANH
Thủy Biều - làng quê cổ kính
Ai từng đến vùng đất phù sa bãi bồi bên dòng sông Hương, hẳn không quên được cái mát mẻ, trong lành và cổ kính cùng với con người hòa nhã nơi đây; Thủy Biều, vùng đất của xứ hoa thơm quả ngọt.
Nằm bên rìa Tây - Nam thành phố Huế, Thủy Biều được dòng sông Hương thơ mộng ôm trọn vào lòng; phường Thủy Biều ngày nay là sự hợp nhất của hai làng cổ thời xưa. Một làng tên là Nguyệt Biều và một làng tên là Lương Quán. Ca dao: “Nguyệt Biều - Lương Quán bao xa/ Cách nhau cái hói chia ra hai làng”. Theo thư tịch của các dòng họ thì làng Nguyệt Biều hình thành vào khoảng năm 1559, còn làng Lương Quán thì thành lập sau đó. Có thể hiểu nôm na nghĩa của tên phường Thủy Biều như sau: Thủy tức là nước, Biều tức là cái bầu, hay quả bầu. Thủy Biều tức là cái Bầu Nước. Nếu nhìn trên bản đồ ta sẽ thấy được hình ảnh dòng sông Hương bao bọc Thủy Biều như một bầu nước bao quanh một dải đất phù sa.
Vùng đất Thủy Biều vừa nhẹ nhàng với cảnh sắc, ngọt ngào với cây trái, nhưng lại rất tráng lệ với những di tích lịch sử và những ngôi nhà rường cổ kính. Đấu trường Hổ Quyền có dáng hình vành khăn, đã trải qua 183 năm, hiện nay vẫn còn nguyên vẹn với thành trong, thành ngoài, khán đài, cổng vào và bậc đá, khiến du khách có thể hình dung phần nào về những trận đấu sống còn giữa voi và cọp năm xưa. Bên cạnh đó, hệ thống nhà rường cổ hơn 100 năm tuổi với lối kiến trúc theo chữ Đinh, Khẩu hoặc Công vẫn còn nguyên vẹn.
Cùng với những lợi thế về nét nét đẹp thiên nhiên, văn hóa, lịch sử Thủy Biều đã làm mới mình bằng những dự án khu du lịch 5 sao Làng Việt, khu du lịch Vườn Huế... Cùng với đó, các công trình di tích lịch sử cũng đã được trùng tu, sửa chữa, nhiều dịch vụ du lịch được đưa vào khai thác như: du thuyền khám phá sông Hương và các vùng ven sông Hương với nhiều hoạt động như: học nấu ăn món Huế, đạp xe dạo chơi trên đường quê Thủy Biều, ngâm chân trong nước ấm với cây thuốc và massage chân... Thủy Biều dần mang đậm sắc màu của du lịch sinh thái.
*
Thủy Biều may mắn được vòng tay của bà mẹ sông Hương ôm trọn vào lòng, mỗi tấc đất là nguồn dinh dưỡng và phù sa, sản sinh ra nhiều hoa thơm quả ngọt, song ấn tượng nhất vẫn là thanh trà - chỉ riêng cái tên gọi mỹ miều này thôi đã làm cho bao người háo hức. Đây là một loại quả mà người Huế rất thích ăn bởi nó rất thơm ngon.
Cây thanh trà chẳng ai biết nó sinh ra và lớn lên ở quê hương Thủy Biều từ bao giờ, phải chăng đây là một trong những sản phẩm địa phương từng cung ứng cho đời sống cung đình, hay một giống bưởi quý được di thực từ nơi khác đến, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng hoặc do kỹ thuật bí truyền mà Lương Quán, Nguyệt Biều cho ra đời một sản phẩm ưu việt đến như vậy? Với nhận xét của những người từng đi nhiều nơi trên đất nước ta, tất cả những giống bưởi nổi tiếng khắp hai miền Nam, Bắc, từ bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), bưởi Diễn - nay thuộc Hà Nội, bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) đến bưởi Biên Hòa, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh của đồng bằng Nam bộ, hiếm giống bưởi nào có thể sánh với trái thanh trà Nguyệt Biều, Lương Quán ở Huế. Đặc điểm của thanh trà Nguyệt Biều là ngọt thanh, độ ráo vừa phải, không có dư vị đắng. Mùa Trung thu, thanh trà Nguyệt Biều chế biến thành món nộm tôm mực dùng khai vị trong các bữa ăn.
Thanh trà vốn thuộc họ bưởi nhưng quả bé hơn, da xanh, vỏ mỏng, múi dày. Đặc biệt, thanh trà khác các giống bưởi ở chỗ, vỏ thanh trà có mùi tinh dầu thơm nhẹ rất đặc trưng, múi thanh trà nhiều nước nhưng không nhão, ăn có vị ngọt mát và hơi the cay như vị của vỏ cam, quýt. Trái thanh trà chín vào mùa thu (bắt đầu từ tháng bảy âm lịch) và cho quả trong vòng hai tháng. Những người Huế sành ăn thường chọn thanh trà Nguyệt Biều, họ cho rằng cái ăn cốt để cho thơm miệng, ngọt lưỡi, mát họng mới đúng tiêu chuẩn thưởng thức của hương vị cây trái, đặc biệt với quả thanh trà Nguyệt Biều hội tụ đủ các yếu tố tuyệt hảo ấy. Nếu ăn thanh trà, mà không thử làm món gỏi thanh trà trộn mực khô thì chưa phải gọi là biết thưởng thức thanh trà, với cách làm đơn giản, chế biến gọn nhẹ nhưng vị ngon thì rất độc đáo khiến người đã ăn, biết ăn muốn được ăn thêm nhiều lần nữa…
Thanh trà đã là một phần quan trọng trong cuộc sống của bà con nông dân, họ đã khấm khá lên nhờ những quả thanh trà mọng nước, tiếng tăm vang xa. Ông Tôn Thất Đào - Chủ tịch UBND Phường Thủy Biều cho biết: “Hiện nay, diện tích trồng thanh trà ở phường Thủy Biều khoảng 147ha, cho thu nhập lên đến 17 tỷ đồng mỗi năm, dân cư ở đây ngày càng khấm khá lên cũng nhờ làm kinh tế từ cây thanh trà vốn đã nổi tiếng từ lâu”.
“Lễ hội Thanh Trà” - Tôn vinh đặc sản
Để đưa đặc sản thanh trà của vùng đất phù sa này bay cao hơn và được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, Thủy Biều đã không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu trái cây ngon. Một trong những hoạt động ấn tượng nhất là hàng năm Thủy Biều thường tổ chức “Ngày hội thanh trà” để quảng bá, giới thiệu trái cây đặc sản này đến với người tiêu dùng; địa phương này đã thành công trong việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền “Thanh trà Huế” trên thị trường trong nước; tổ chức các tour du lịch cộng đồng thăm vườn thanh trà Huế... Tháng 11 năm 2013, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ công bố và trao bằng xác lập 5 đặc sản Thừa Thiên Huế đạt kỷ lục châu Á và kỷ lục Việt Nam trong đó có thanh trà Huế.
Trời đã vào thu, mùa của những quả thanh trà ngọt lịm, sai quả xum xuê, người dân lại bắt đầu thu hoạch, bắt đầu mùa lễ hội thanh trà mang đậm dấu ấn của chính vùng đất đặc sản này. Năm nay, Lễ hội Thanh trà diễn ra từ ngày 30 - 31/08/2014 với chủ đề “ Ngày hội tôn vinh đặc sản Huế”. Lễ hội diễn ra trong không gian rộng lớn ở vùng đất phù sa, tuy không được mùa như mọi năm, nhưng lễ hội năm nay vẫn thu hút nhiều người trồng thanh trà tham gia giới thiệu sản phẩm và du khách đến tham quan, thưởng thức hương vị loại trái cây đã được công nhận thương hiệu đặc sản trái cây Huế và tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Một không gian với hơn 20 gian hàng thanh trà, được tuyển chọn với những quả thơm ngon, đẹp mắt từ những vườn có tiếng nhất trong toàn phường Thủy Biều. Bên cạnh đó, còn có 40 gian hàng các loại nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực được sản xuất bởi chính bàn tay của người dân trong vùng. Những luống rau sạch, những ngôi nhà tranh, ao cá thân thiện và chân quê, tất cả đều được tái hiện tại lễ hội, tạo nên một không gian gần gũi, ấm áp và thanh bình bên cạnh phiên chợ ẩm thực với đặc sản thanh trà chế biến theo nhiều món khác nhau mang đậm chất Thủy Biều.
“Lễ hội Thanh Trà Thủy Biều” cũng là nơi tôn vinh 11 “đặc sản Thừa Thiên Huế đạt kỷ lục châu Á, kỷ lục Việt Nam” với những chương trình hấp dẫn như: trình diễn, giới thiệu, khám phá và thu hoạch trái cây “thanh trà”; gian hàng mua bán thanh trà; không gian trưng bày, quảng bá quá trình phát triển của thanh trà; thi tìm hiểu, chế biến món ăn liên quan đến thanh trà; đêm hội tôn vinh đặc sản Thừa Thiên Huế đạt kỷ lục châu Á, kỷ lục Việt nam; Hội thảo xúc tiến du lịch “Thanh Trà Huế - Tiềm năng và cơ hội”. Ngoài ra, năm nay có hội thi Chim của Liên hiệp các Câu lạc bộ trên toàn tỉnh với trên 400 lồng chim chào mào hội tụ về với “Lễ hội Thanh Trà”. Đặc biệt, địa phương đã chính thức cho khai trương tour du lịch cộng đồng mang tên “Hương thanh trà” đã được thử nghiệm trong hai năm qua.
Người xưa có câu: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”. Nhằm thể hiện lòng biết ơn các phúc thần, các bậc tiên hiền khai canh khai khẩn, những người có công với quê hương, “Lễ cáo giang sơn” được diễn ra trong khuôn khổ lễ hội. Bên cạnh đó, “Lễ cung tiến Thanh Trà” tại 2 đình làng bằng những quả thanh trà đẹp nhất, ngon nhất được từng gia đình có trồng thanh trà dâng cúng. Sau đó, những quả thanh trà này được trưng bày tại sân khấu chính của Lễ hội. Cuối cùng, chúng sẽ được đấu giá và chuyển số tiền bán được về cho các làng để hương khói.
Ông Tôn Thất Đào chia sẻ: “Hoạt động này nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Lễ cung tiến thanh trà là thực hiện đền ơn đáp nghĩa, là tấm lòng của người dân trồng thanh trà Thủy Biều dâng lên các vị thần linh, tổ tiên, ông bà, những người có công mở đất, tuyển chọn và đưa giống cây đặc sản thanh trà về trồng tại vùng đất của địa phương. Đây là một hoạt động mang đậm tính chất nhân văn thực hiện từ Lễ hội thanh trà năm 2012 và được bà con đồng tình ủng hộ cao”. Bà Phan Lê Hương, một du khách đến dự Lễ hội Thanh trà năm nay hào hứng: “Một lễ hội đầy hương sắc hoa trái thật ấn tượng, sẽ rất khó phai”. Du khách đã mua thanh trà về làm quà để mọi người có thể thưởng thức vị ngon đặc biệt của loại quả này.
Đây thực sự là lễ hội của nhân dân, không chỉ thu hút đông đảo người dân tham gia vào các hoạt động của lễ hội, mà quan trọng hơn là phát huy sức sáng tạo của người dân đóng góp các nội dung cụ thể cho lễ hội, làm cho lễ hội bắt nguồn từ cuộc sống, bắt nguồn từ nhân dân trở lại phục vụ nhân dân.
P.A
(SDB14/09-14)