Ai ra xứ Huế
Tìm lại dấu tích chùa sắc tứ Hoàng Giác
15:42 | 30/12/2014

ĐỖ MINH ĐIỀN

Chùa Hoàng giác là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng nhất xứ Đàng Trong, được đích thân chúa Nguyễn Phúc Chu cho tái thiết, ban sắc tứ vào năm 1721. Tuy nhiên, vì trải qua binh lửa chiến tranh chùa đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Dựa trên nguồn sử liệu và kết quả điều tra thực tế, chúng tôi cố gắng để phác thảo phần nào nguồn gốc ra đời cũng như tầm quan trọng của ngôi chùa này trong đời sống văn hóa cư dân Huế xưa với một nếp sống mang đậm dấu ấn Phật giáo.

Tìm lại dấu tích chùa sắc tứ Hoàng Giác
Chuông chùa Hoàng Giác, nay ở chùa Hiền Sĩ

Đại tự Hoàng Giác đã thành hoang phế từ lâu và tất cả chỉ còn trong ký ức của người già và những trang sử ít ỏi. Với nguồn chính sử hạn hẹp đến những hiện vật quá khiêm tốn như vậy, nên trong bài viết này, chúng tôi không có tham vọng sẽ tái hiện đầy đủ lại được nguyên hiện trạng xưa kia của ngôi chùa. Tuy nhiên, với tất cả tấm lòng đối với tiền nhân, sự thiết tha với di sản văn hoá dân tộc, trong chừng mực nào đó bài viết này là cách khơi gợi vấn đề, giúp quý độc giả hình dung được phần nào vị trí và tầm vóc của ngôi cổ tự này, như chính nó đã từng có trong lịch sử.

1. Từ những dòng chính sử ít ỏi

Vào những năm cuối của thế kỷ XVII, vùng đất Thuận Hóa làng xã đã rất đông đúc. Vùng đất chạy dọc ven lưu vực các dòng sông của Thừa Thiên Huế bấy giờ như sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương và vùng ven đầm phá Tam Giang là địa bàn quần cư, sinh sống và lập nghiệp chủ yếu, thông qua quá trình không ngừng mở rộng, khai canh lập nghiệp của các dòng họ đã nhanh chóng biến nơi đây thành một vùng trù phú. Gắn liền với quá trình tụ cư, khẩn hoang đất đai, khai thôn lập làng là sự phát triển mạnh mẽ của các hình thức tín ngưỡng trong dân gian. Trong giai đoạn này, cùng với sự ra đời của nhiều thảo am do các cao tăng khai sơn, thì chùa làng cũng đã được xây dựng khá nhiều để phục vụ vai trò thờ cúng của các lớp cư dân ở đây.

Năm Mậu Ngọ [1558], Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, mở ra một thời kỳ mới cho lịch sử vùng đất Thuận Quảng nói chung và Phật giáo Huế nói riêng. Các đời chúa về sau như Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát là những người rất ái mộ đạo Phật, nhận thấy được tầm quan trọng của Phật giáo trong việc cố kết lòng người, thu phục nhân tâm, nên đã tích cực ủng hộ, xiển dương Phật pháp, những biện pháp này làm cho họ Nguyễn được cả “lòng người lẫn ý trời”, như việc chúa Nguyễn Hoàng cho sửa chữa chùa Thiên Mụ để “tụ long khí, bền long mạch” năm 1601, sửa chùa Sùng Hóa [1602], dựng chùa Long Hưng ở Quảng Nam và chùa Kính Thiên ở Quảng Bình [1609]... Bản thân các chúa Nguyễn cũng là những Phật tử thuần thành, ta thấy rõ qua cách đặt pháp danh, đạo hiệu: Nguyễn Phúc Nguyên [1613 - 1635] hay còn gọi là Chúa Sãi/ Bụt, Nguyễn Phúc Tần [1648 - 1687]: Chúa Hiền, Nguyễn Phúc Thái [1687 - 1691]: chúa Nghĩa, Nguyễn Phúc Chu [1691 - 1725]: Hưng Long - Thiên Túng đạo nhân, Nguyễn Phúc Thụ [1725 - 1738] là Vân Tuyền đạo nhân, Nguyễn Phúc Khoát [1738 - 1765] là Từ Tế đạo nhân... Đây cũng chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo xứ Huế, góp phần cho sự ra đời của nhiều ngôi đại danh lam vùng Huế, nhất là các ngôi chùa ở các làng xã.

Về ngôi chùa Hoàng Giác này, sách Đại Nam Nhất Thống chí mục Chùa Quán, phần Phủ Thừa Thiên thượng dưới thời nhà Nguyễn chép rằng: “Chùa Hoàng Giác, ở xã Hiền Sĩ, huyện Phong Điền. Xưa có chùa, rất linh ứng, sau bỏ hư. Năm Tân Sửu, đời vua Hiển Tôn thứ 30 (1721), vua sai theo nền cũ làm lại, đặt tên là chùa Hoàng Giác, có làm biển vàng ban cho, nay vẫn còn. Một tấm khắc năm chữ: Ngự kiến Hoàng Giác tự (vua dựng chùa Hoàng Giác). Một tấm khắc ba chữ: Kế Thánh Đường (nhà kế nối sự nghiệp các thánh), một tấm khắc hai chữ: Cổ Lâu (lầu trống), phía tả khắc tám chữ: Quốc chủ Thiên túng Đạo nhân ngự đề” (1).

Như vậy, dựa vào những ghi chép của sách Đại Nam nhất thống chí cho ta biết thêm một số thông tin khá quan trọng. Chùa Hoàng Giác trước khi Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu “sai theo nền cũ làm lại” thì nơi đây đã tồn tại một ngôi chùa mang tính dân lập để làm cơ sở thờ tự, có lẽ nó không khác gì những ngôi chùa làng ra đời vào cùng thời điểm ở vùng đất Thuận - Hóa nói chung. Nhưng ngôi chùa làng này ra đời là khi nào? Hiện không có một tài liệu nào đề cập đến. Có lẽ, ngôi chùa này có vai trò cũng như tầm ảnh hưởng khá khiêm tốn, và vì mang tính chất là một ngôi chùa làng do những người dân lập ra để thờ phụng đạo Phật theo quan niệm riêng của mình, do vậy suốt một thời gian dài đã không được quan tâm, để ý.

Đến năm Tân Sửu [1721], Chúa Nguyễn Phúc Chu cho tái thiết ngôi chùa này trên cơ sở nền móng của ngôi chùa cũ. Và chính tay Chúa đã ban biển vàng và khai sinh tên cho ngôi chùa này là Hoàng Giác. Về thời điểm này, sách Đại Nam thực lục có chép: “Tân Sửu năm thứ 10 [1721], mùa xuân, tháng 2 dựng chùa Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ (thuộc huyện Phong Điền). Hiền Sĩ xưa có chùa, nổi tiếng linh ứng, Chúa bèn nhân nền cũ, gọi thợ xây dựng, gọi tên chùa là chùa Hoàng Giác, chế biển vàng ban cho”(2). Như vậy sau đợt trùng tu này, hẳn là chùa Hoàng Giác có quy mô rất bề thề, theo mô tả của các sử quan triều Nguyễn thì chùa gồm có nhà tiền đường, chính điện, lầu chuông, gác trống, nhà bia, hệ thống liễn đối... một lối kiến trúc và thiết trí thờ tự đặc trưng của chùa Huế.

Dưới thời các chúa Nguyễn, những ngôi chùa ở Thừa Thiên - Huế được ban Sắc Tứ nếu không kể chùa Thiên Mụ, thì số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dựa vào sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn dưới thời vua Tự Đức, ta có thể sơ lược ra đây một số ngôi chùa được ban biển vàng vào thời kỳ đó. Trước hết là chùa Quốc Ân(3), được ban “Sắc tứ Quốc Ân tự” vào năm Chính Hòa thứ 10 [1689], là thời kỳ nắm quyền của Chúa Nguyễn Phúc Thái. Chùa Quang Đức (光德寺) thì “nam Đinh Mão, năm thứ chín của Thế tôn triều ta [1747] ban cho tấm biển vàng khắc 5 chữ: Sắc tứ Quang Đức tự, phía tả khắc tám chữ: Quốc chủ Từ Tế đạo nhân ngự đề”(4). Từ Tế đạo nhân là hiệu của Chúa Nguyễn Phúc Khoát [1738 - 1765]. Hiện nay, tấm biển hiệu độc đáo và vô cùng quý giá đó vẫn còn, đây là bảo vật vô giá đối với lịch sử Phật giáo xứ Huế. Cùng thời điểm còn có Chùa Báo Quốc (報國寺) được ban “Sắc tứ Báo Quốc tự” vào năm Đinh Mão [1747], chùa Khánh Vân và kế tiếp có chùa Sơn Tùng (nay thuộc thôn Sơn Tùng, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban Sắc tứ vào năm Bính Tý [1756].

Như vậy, chùa Hoàng Giác là một trong số ít những ngôi chùa được đích thân chúa ban sắc tứ, chế biển vàng. Với những tư liệu khảo cứu bước đầu cho thấy chùa Hoàng Giác xưa được ban sắc tứ, xét về mặt thời gian chỉ đứng sau chùa Thiên Mụ và chùa Quốc Ân. Điều này nói lên vị trí của ngôi tự này khá quan trọng. Nhưng có điều người viết băn khoăn là tại sao ngôi Hoàng Giác này lại nhận được sự “sủng ái” đến như vậy. Xét về thời điểm này, năm 1721, phủ chính của Chúa Nguyễn Phúc Chu đang ở Bác Vọng(5) (Quảng Phú, Quảng Điền), một làng cách xa Phủ chúa hơn 10km (tính theo đường chim bay), một vùng đất đồi núi, dân cư thưa thớt thì lại được chúa “gọi thợ xây dựng, gọi tên chùa là chùa Hoàng Giác, chế biển vàng ban cho” mà lại không phải những làng kề cận đó có vị trí khá quan trọng như: Thanh Lương, Phước Yên, Hiền Lương, Văn Xá hay Bác Vọng?.

Chùa Hoàng Giác được xây dựng trên một khu đất có hình chữ nhật, nằm về phía tay phải (tính theo chiều Tây - Đông) ngọn đồi có tên là Rú Chùa, với diện tích khoảng 700 m2. Chùa nằm ở vị trí rất đẹp. Không biết quả đồi này trước đây có còn tên gọi nào khác không, nhưng cái tên Rú Chùa có lẽ chỉ ra đời sau ngày ngôi chùa này hiện diện. Đây là một quả đồi có độ cao khoảng 15m so với mực nước biển, kéo dài từ Khe Hói, thuộc địa phận xóm Khánh Mỹ đến khu vực ngã ba sông Bồ. Dựa theo mô tả của một số người dân cùng với việc khảo sát thực địa cho thấy chùa quay mặt về hướng Đông Nam, lấy dãy núi Lại Bằng làm tiền án, dãy Độn Bù làm hậu chẩm, phía trước là nơi hợp lưu dòng sông Bồ và sông Ô Hô trong vai trò minh đường theo quan niệm của khoa địa lý phong thủy. Sông Bồ quanh co trước mặt, yên tĩnh, xanh trong soi bóng giữa một vùng quê mộc mạc và an lành, sông Ô Hô cùng với phụ lưu của nó là Khe Hói chảy vòng phía sau chùa tạo nên một địa thế “quần sơn tụ thủy”.

Trên một mặt bằng với chiều Bắc - Nam mở rộng, trục Đông - Tây lại bị giới hạn bởi sự thu nhỏ về hướng Tây khi phải dựa lưng vào núi, kết hợp với kết quả thu thập hiện vật, công tác thực địa. Cho phép chúng tôi sơ bộ nhận định rằng, chùa Hoàng Giác xưa được thiết kế với bố cục hình chữ công (工), một mô thức kiến trúc truyền thống của nhà cửa, cung điện, đền đài, chùa chiền xứ Huế xưa. Không có tài liệu nào đề cập đến quá trình trùng tu chùa vào các giai đoạn về sau, nhưng theo lời kể của nhiều người dân, thì ít ra chùa đã được sửa sang đến 3 lần dưới các thời vua Gia Long, Tự Đức và năm 1943, những mẫu gạch ngói mà chúng tôi phát hiện được tại nền móng chùa cho thấy, các loại gạch ngói này có niên đại dưới thời nhà Nguyễn. Như vậy, chắc hẳn dưới thời Tây Sơn, cũng như nhiều chùa chiền quanh vùng Huế đi vào hoang tàn do chiến tranh, thì ngôi chùa này cũng có số phận tương tự, nên đợt trùng tu dưới thời Gia Long theo thiển ý là hoàn toàn có cơ sở. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn thôn Hiền Sĩ hiện nay, nhiều thế hệ vẫn còn truyền tai nhau về một ngôi chùa nổi tiếng linh ứng. Dưới thời kỳ hưng thịnh của chùa, đặc biệt dưới thời Nguyễn, nơi đây thường xuyên diễn ra một số nghi lễ như “Đảo vũ” hay “cầu tự”... Theo ông Lê Hạnh thì các đời vua Tự Đức, Đồng Khánh, hàng năm triều đình đều phái các quan khâm mạng đến tế lễ(6), nhằm nguyện cầu “mưa thuận gió hòa”, “quốc thái dân an”. Đặc biệt ngày xưa, để trang trải một phần nhỏ kinh phí trong sinh hoạt lễ nghi, thờ tự, làng đã thiết trí gần 3 sào ruộng đất “tự điền” tại khu vực Bàu Chùa (thuộc xóm An Thuận) để hương hỏa cho chùa. Số ruộng đất này được giao cho từng hộ dân canh tác, luân phiên thường kỳ. Sau mỗi đợt thu hoạch, sản lượng thóc lúa sẽ chuyển lại cho người thủ từ. Ngày nay, phần đất đó đã biến dạng khá nhiều, nhưng cái tên “Bàu Chùa” thì vẫn còn đó, gợi nhớ biết bao xúc cảm về truyền thống lễ nghi đậm chất văn hóa làng xã xứ Huế.

2. Đến phế tích mang tên Hoàng Giác tự

Chùa Hoàng Giác ngày xưa, tọa lạc tại địa phận xóm Tây Hòa, thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách quốc lộ 1A khoảng 4km về hướng Tây, cách trung tâm thành phố Huế chừng 25km. Đường về chùa hiện nay rất thuận tiện, dễ dàng. Nếu xuất phát từ thành phố Huế, ta cứ thẳng tiến quốc lộ 1A đi ra hướng Bắc, đến ngã tư chợ An Lỗ thì rẽ trái theo hướng tỉnh lộ 11B (đường đi lên suối nước khoáng nóng Thanh Tân), chạy thẳng gần hết địa phận thôn Hiền Sĩ ta bắt gặp một ngã ba (điểm ranh giới với thôn Cổ Bi) sau đó thì rẽ phải theo con đường nhỏ bằng đất đỏ khoảng độ 50 mét thì đến nơi.

Nhưng hiện nay, những gì mà sách sử ghi lại về một giai đoạn thịnh vượng của ngôi chùa này giờ chỉ còn trong ký ức của những người già vẫn thường hay kể cho các thế hệ con em trong làng nghe mà thôi. Cùng với những xáo trộn và biến động của lịch sử nước nhà, năm 1963, ngôi chùa nói trên đã bị thiêu rụi hoàn toàn trong cơn binh lửa chiến tranh. Phần lớn các đồ tự khí được bày thiết, tôn trí thờ cúng trong chùa phần bị đốt cháy, phần khác rơi vào tay kẻ xấu, số ít còn lại thì tản mát không biết bây giờ ở đâu và số phận chúng như thế nào? Toàn bộ mặt bằng chùa trước đây, nay là phần đất thuộc về sở hữu của anh Hoàng Vinh, dấu tích nền móng chùa bây giờ chỉ còn sót lại đâu đó ít gạch đá, và được chủ nhân của ngôi nhà này tận dụng vun gốc cây trồng hay sau này đã được các hộ dân lân cận đưa về phục vụ nhu cầu cá nhân.

Từ năm 1996, với sự quan tâm của các cấp, ban ngành và sự đóng góp của con em trong thôn, ngôi chùa mới mang tên làng Hiền Sĩ(7) đã được ra đời. Được xây dựng ở một vị trí khá đẹp, cách ngôi chùa cũ khoảng 1km về phía Đông, thuộc xóm Tây Hòa, nằm phía tay phải của đình làng. Chùa quay về hướng Đông - Đông Nam, hướng về dòng sông Bồ, quanh năm êm đềm bóng mát.

Hiện nay, trong khuôn viên chùa có khá nhiều vật liệu gạch ngói, đá vỡ vụn. Chúng tôi xác định được hai loại gạch chính mà ngày xưa là vật liệu chủ yếu để xây dựng chùa. Trước tiên là loại gạch vồ, có hình chữ nhật, kích thước đo được với chiều dài 31cm, chiều rộng 16cm, dày 7cm. Loại gạch thứ 2 là gạch thẻ, cũng có hình chữ nhật nhưng kích thước nhỏ hơn gạch vồ, với số đo lần lượt: dài 22cm, rộng 10cm, dày 6,5cm. Cả hai loại gạch trên đều không có ký hiệu riêng. Đây là hai loại gạch được dùng để xây tường, thành hoặc các chi tiết công trình như nền móng, lan can, vòm cổng, trụ biểu... Bên cạnh đó là số lượng đá đã qua chế tác và loại đá tự nhiên sẵn có, chiếm đến 60% khối lượng gạch đá còn sót lại. Đá ở đây có nhiều hình dáng khác nhau, bao gồm hình chữ nhật, hình vuông, hình lục giác... thuộc nhiều chủng loại đá, vốn là lợi thế của địa phương như đá Gan Gà, đá Vôi, đá Granit, đá Bazan, tảng có kích thước lớn nhất là 45cm x 31cm x 22cm [dài x rộng x cao], tảng nhỏ nhất có kích cỡ 20cm x 10cm x 6cm. Đây là loại đá có thể đã được dùng vào việc xây dựng, gia cố nền móng, ốp chân trụ, tường thành...

Một di vật mà chúng tôi cho rằng khá quan trọng, hiếm hoi của ngôi chùa này còn sót lại chính là tảng đá kê cột (cái đế dùng để làm bệ đỡ của các hệ thống cột nhà ngày xưa), hiện đang nằm trong khuôn viên vườn nhà của anh Hoàng Vinh. Đây là tảng đá nguyên khối được chế tác bằng phương pháp thủ công. Tảng đá có hình trụ vuông, gồm hai phần, phần đế chìm cao 29cm, phần trên cao 16cm, chiều rộng toàn bộ khoảng 67cm, bên trên bề mặt tảng đá có khoét một đường tròn để kết nối với phần cột có đường kính 31cm, sâu 3cm.

Cùng đợt điền dã thực tế này, chúng tôi may mắn phát hiện được quả Chuông do Lễ Trai Đặng Văn Hòa tiến cúng vào năm 1849, hiện đang được bảo quản tại khu vực Hậu liêu của Niệm Phật đường Hiền Sĩ (Thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Hiện trạng quả chuông đã bị nứt một đường nhỏ khoảng 6cm chạy theo chiều ngược của kim đồng hồ tại phần miệng chuông. Theo như lời kể của các cụ cao niên hiện đang sinh sống tại đây, thì vào thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để hạn chế việc mất mát người dân trong thôn đã tiến hành chôn quả chuông tại khoảng đất phía sau đình làng. Có lẽ dấu nứt hiện nay là do sơ suất của quá trình di dời đó. Và sau này người dân đã thực hiện việc gia cố tạm thời theo phương pháp thủ công là hàn lại phần bị nứt kết hợp dùng 2 thanh sắt để bó nẹp cố định ở quanh đường miệng chuông. Tuy nhiên, do không còn giữ được tình trạng như ban đầu nên quả chuông này không thể ngân lên những âm thanh vốn có của nó.

Toàn bộ chuông [kể cả phần quai] cao 77cm, chiều dài từ miệng chuông lên đến quai cao 57cm, đường kính miệng chuông rộng 40cm, chiều dài toàn thân 105cm, dày 2,1 cm. Chiếc chuông này có dáng bầu, hoa văn cách điệu, nét chữ trên chuông còn khá rõ. Phần lạc khoản trên chuông cho biết thời gian chú tạo chuông: “嗣 德 參 年 貳 月 貳 拾 柒 日” [Tự Đức tam niên nhị nguyệt nhị thập thất nhật], tạm dịch là: Ngày 27 tháng 2 năm Tự Đức thứ 3 [1849]. Và dựa vào bài minh văn trên chuông đã giúp chúng ta biết chủ nhân đã tiến cúng chiếc chuông này: “太 子 少 保 榮 祿 大 夫 協 辦 大 學 士 領 定 安 總 督 同 軍 功 加 壹 級,尋 常 加 貳 級,紀 錄 壹 次 鄧 禮 甫 恭 記”. [Thái tử Thiếu bảo Vinh Lộc đại phu, Hiệp biện Đại Học sĩ, lĩnh Định An tổng đốc, đồng quân công gia nhất cấp, tầm thường gia nhị cấp, kỉ lục nhất thứ Đặng Lễ Phủ cung kí]. Tạm dịch là: [Thái tử Thiếu bảo, Vinh Lộc đại phu, Hiệp biện Đại Học sĩ, lãnh chức Tổng đốc Định An, nhờ quân công thăng lên 1 cấp, theo lệ thường gia tăng 2 cấp, đều ghi chép các loại ấy, Đặng Lễ Phủ [Đặng Văn Hòa] cung kính viết bài ký]. (8)

Đặng Văn Hòa(9) là con của Đặng Quang Tuấn (1752 - 1825), cháu nội ông Đặng Quang Khang (1716 - 1765), sinh vào năm Tân Hợi [1791], hiệu là Lễ Trai, ông người Thanh Lương (nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhập tịch tại Bác Vọng (nay là xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền), nhưng tổ tiên đời trước của ông thì ở Hiền Sĩ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Đặng Văn Hòa là người khai khoa của vùng đất Thừa Thiên. Ông là một vị “nguyên lão tứ triều”, làm quan trải qua 4 đời vua nhà Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Ông mất tại chức vào ngày 20 tháng 06 năm Bính Thìn [22/06/1856]. Vua Tự Đức thương tiếc, truy tặng cho ông hàm Văn Minh điện Đại Học sĩ, tên Thụy là Văn Nghị, hậu cấp tiền tuất, sai quan đến tế. Năm Tự Đức thứ 11 [1858], ông được đưa vào thờ ở đền Hiền Lương.

Đặng Văn Hòa đã có công hộ trì Phật giáo, từng cung tiến 6 quả chuông lớn, 2 bia đá và nhiều câu đối, hoành phi vào các chùa Thanh Lương, Bác Vọng Đông, Bác Vọng Tây, Hiền Sĩ, Hòa Viện. Riêng chùa ở Hiền Sĩ có đến 2 quả chuông do ông tiến cúng. Ngoài ra, ông còn chú tạo và tiến hành sơn thếp vàng nhiều pho tượng Phật để tiến cúng: Chùa Bác Vọng Đông có 24 pho tượng, chùa Hiền Sĩ 12 tượng, chùa Thanh Lương 12 tượng, chùa Hòa Viện 3 tượng(10).

Như vậy, đây là quả chuông thứ 3 trong số 6 quả chuông do ngài Lễ Trai Đặng Văn Hòa đã phát tâm tín cúng. Xét về thời gian chú tạo, quả chuông ở làng Hiền Sĩ có niên đại muộn hơn so với chuông chùa ở Thanh Lương (Hương Xuân, Hương Trà) là vào ngày 08 tháng 02 năm Minh Mạng thứ 12 [1831] và chuông chùa ở Bác Vọng Tây (Quảng Phú, Quảng Điền) chú tạo vào ngày 20 tháng 10 năm Thiệu Trị thứ 6 [1846]. Nội dung cả 3 bài minh trên 3 quả chuông trên đã nói lên tấm lòng nặng tình nặng nghĩa thiết tha với quê hương bản quán, khát vọng lưu truyền hậu thế, góp phần giáo hóa, khuyến khích đời sau tiếp nối truyền thống tốt đẹp của tổ tiên.

*

Chùa Hoàng Giác ra đời đến thời điểm hiện nay đã gần 293 năm. Trong suốt một thời gian dài tồn tại cho đến khi chùa bị thiêu rụi hoàn toàn, đã đóng vai trò rất lớn đối với đời sống văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân Hiền Sĩ. Mái chùa Hoàng Giác cùng với tiếng chuông, tiếng kinh ngày ngày như rót vào lòng người sự thanh thản, cảm giác được che chở yên bình, góp phần giáo hóa, giúp họ vững tâm hơn để đối diện với muôn vàn nguy nan, hiểm khó, đồng thời đó là cái cách để cho những con người ở đây cố kết với nhau, trên dưới một lòng, chia ngọt sẽ bùi.

Đ.M.Đ
(SH310/12-14)

.............................................
1. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 1 (Phần Phủ Thừa Thiên, thượng), Nxb. Lao Động, tr: 137

2. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam Thực Lục, tập 1 (Phần Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế), Nxb. Giáo Dục, tr: 137

3. Chùa Quốc Ân là một tổ đình lớn và xưa nhất của Phật giáo Thuận Hóa, do ngài Nguyên Thiều lập ra dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thái.

4. Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 1 (Phần Phủ Thừa Thiên, thượng), Nxb. Lao Động, tr: 132, 133

5. Năm 1712, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho dời phủ chúa từ Phú Xuân về tại làng Bác Vọng.

6. Về nội dung bài minh văn chuông này chúng tôi sẽ đề cập sau.

7. Làng Hiền Sĩ là một làng được thành lập khá sớm bên ven bờ con sông Bồ. hiện tại vẫn chưa có tài liệu nào nói cụ thể thời điểm ra đời. Nhưng căn cứ theo Ô Châu Cận LụC của Dương Văn An (nhuận sắc năm 1553, Cảnh Lịch thứ 6 đời Mạc Phúc Nguyên) thì Hiền Sĩ là một trong 53 xã của huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.

8. Về nội dung bài minh văn chuông này chúng tôi sẽ đề cập sau.

9. Ông còn có tên khác là Chiểu và Thiêm. Trong danh sách đăng ký thi hương chép là Đặng Văn Chiểu. Sau này do húy với người con dâu của ông là công chúa Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa (1830 - 1882), vợ của Đặng Huy Cát (1832 - 1899) nên đã đổi sang là Đặng Văn Thiêm. Các sách sử dưới triều nguyễn như Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt Truyện, Đại Nam Nhất Thống Chí đều chép tên ông là Đặng Văn Thiêm.

10. Xin xem thêm: Hà Xuân Liêm (2000) “những ngôi chùa Huế”, Nxb. Thuận Hóa, tr 403. Trần Đại Vinh (2006) “Văn bia và văn chuông Hán Nôm dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr 10. Hoàng Huy (2002) “Lễ Trai Đặng Văn Hòa, cuộc đời và hành trạng”, In trong “Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn”, Sđd, tr 546.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùa ở Huế (19/11/2014)
Sen Huế (07/08/2014)