LÊ VĂN LÂN
Một mùa xuân mới lại về trên quê hương “Huế luôn luôn mới” để lại trong tâm hồn người dân Huế luôn trăn trở với bao khát vọng vươn lên, trả lời câu hỏi phải tiếp tục làm gì để Huế là một thành phố sáng tạo, một đô thị đáng sống. Gạt ra ngoài những danh hiệu, kể cả việc Huế chưa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vấn đề đặt ra đâu là cái lõi cái bất biến của Huế và chúng ta phải làm gì để cái lõi đó tỏa sáng.
Không ai có thể phủ nhận Huế là nơi thành phố bài thơ, có quỹ kiến trúc vô giá, bao gồm kiến trúc cung đình, kiến trúc lăng tẩm chùa chiền, nhà thờ, kiến trúc dân gian truyền thống. Quỹ kiến trúc đó hài hòa với thiên nhiên, phong cảnh hữu tình. Huế là trung tâm tôn giáo lớn của đất nước, có đời sống tâm linh phong phú. Huế là nơi đào tạo nhiều nhân tài kiệt xuất cho đất nước thời cận đại cũng như hiện đại. Huế trong kháng chiến là thành phố viết nên truyền thống tấn công - nổi dậy - anh dũng - kiên cường, và là thành phố kết nghĩa cùng Hà Nội và Sài Gòn. Và trong hiện tại Huế cùng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tạo thế cân bằng trong phát triển đất nước: Hà Nội - Trung tâm chính trị; Thành phố Hồ Chí Minh - Trung tâm kinh tế, và Huế - Trung tâm văn hóa; tạo thế chân vạc trong hội nhập và phát triển.
Cái bất biến đó chính là vị thế của Huế. Huế trở thành thành phố to hay nhỏ thực ra không quan trọng bởi vì vị thế đó chính là Huế. Nếu được nhận thức đầy đủ thì có lợi cho đất nước, nhưng đi chậm mà chắc vẫn là cái hay của nó. Phát triển đô thị ồ ạt như hiện nay, như mọi người thường nói là phát triển “nóng” đôi khi trở thành tai họa đối với Huế, nếu không nói là mất phương hướng. Tư duy nhiệm kì, tâm trạng nôn nóng là điều luôn cần cảnh giác trong phát triển đô thị Huế. Cho rằng Huế ở đâu cũng gặp di tích là cách nghĩ và cách nói thiếu nghiêm túc về Huế mà chúng ta thường gặp trên những lĩnh vực nhạy cảm.
*
Phát triển đô thị Huế luôn là vấn đề tranh cãi và luôn có những ý kiến trái ngược nhau giữa những nhà quản lí và những nhà văn hóa, các nhân sĩ trí thức cũng như người dân thành phố. Tranh cãi là lẽ đương nhiên bởi vì việc này đã xảy ra cả trăm năm nay trong ứng xử với Huế. Những xung đột đó đã có câu trả lời trong điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 mà Chính phủ vừa ra quyết định phê duyệt tháng 5/2014.
Trước hết theo quy hoạch, Huế được mở rộng gần gấp 5 lần hiện nay từ trên 70km2 lên gần 350km2. Quy hoạch mới đã được đón nhận nồng nhiệt của các chuyên gia, các nhà văn hóa của những người dân Huế cũng như bạn bè gần xa. Quy hoạch mới có thể nói vừa giải tỏa những bức xúc của thành phố lịch sử, vừa mở ra một tầm nhìn mới, một không gian mới về Huế trên các lĩnh vực với mục tiêu đưa Huế trở thành đô thị sáng tạo văn hóa, trở thành một đô thị công nghiệp tri thức, một đô thị môi trường kiểu mẫu. Một trung tâm lớn đặc sắc của đất nước. Quy hoạch mới thể hiện các quan điểm của Trung ương về Huế, cụ thể hóa Kết luận 48 và những nhận định mới đây của Bộ Chính trị về Huế.
Hạn chế phát triển theo lối lan tỏa, tạo lập cụm đô thị di sản - văn hóa - cảnh quan thân thiện với môi trường là điểm nhấn của quy hoạch mới. Theo đó thành phố Huế tương lai sẽ gồm thành phố cũ và các đô thị phụ trợ gồm: Hương Thủy - Thuận An - Hương Trà - Bình Điền. Mỗi một đô thị phụ trợ là cửa ngõ của Huế có chức năng riêng của nó. Hương Thủy, cửa ngõ phía Nam thành phố Huế có chức năng dịch vụ phức hợp của trung tâm công nghiệp cung cấp dịch vụ công cộng, kết nối với thành phố cũ là trung tâm nghiên cứu phát triển, làng đại học… Riêng khu nghiên cứu phát triển, quy hoạch bố trí khoảng 100 hecta phát triển các ngành công nghiệp sạch, có kĩ thuật cao, không ảnh hưởng cảnh quan môi trường khu vực. Trung tâm này kết hợp với trung tâm y tế chuyên sâu, làng đại học phát triển công nghiệp tri thức. Hương Trà, cửa ngõ phía Bắc tăng cường chức năng công nghiệp với trung tâm là khu công nghiệp Tứ Hạ. Hương Thủy - Hương Trà tạo thành trục phát triển kinh tế theo trục giao thông chính quốc gia và hành lang kinh tế Đông - Tây với các khu công nghiệp tập trung trên 1.200 hecta. Thuận An, cửa ngõ phía Đông thành phố đóng vai trò cửa ngõ hàng hải có chức năng đặc thù du lịch sinh thái biển, đầm phá, là động lực để Huế trở thành đô thị hướng biển. Bình Điền, cửa ngõ phía Tây phát triển chức năng du lịch, duy trì và mở rộng cụm văn hóa lễ hội và các thiết chế văn hóa ở Tây - Nam Huế, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh… Từ Bình Điền đến Thuận An kết nối nhau qua sông Hương sẽ trở thành trục phát triển du lịch.
Hạn chế phát triển theo lối lan tỏa, thành phố cũ và các đô thị phụ trợ sẽ được nối kết nhau bằng hệ thống giao thông đường vành đai và dải cây xanh. Riêng dải cây xanh giữa các đô thị quy hoạch bố trí gần 10.000 hecta. Đây thực sự là con số ấn tượng đặt ra cho các cơ quan quản lí phải nghiêm túc với nó nếu mong muốn Huế trở thành một thành phố xanh, một đô thị sinh thái, một thành phố đáng sống.
Một điểm nhấn khác của qui hoạch trong ứng xử với Huế mà nhiều người lưu tâm trong phát triển hạ tầng kĩ thuật, đó chính là hệ thống thoát nước mặt và xử lý nước thải, chất thải rắn. Huế là một thành phố chằng chịt sông, hồ, hào, đầm phá; tình trạng mới mưa đã ngập là điều khó chấp nhận, nhất là khi diện ngập ngày càng mở rộng. Quy hoạch nhấn mạnh phải cải tạo nâng cao năng lực của hệ thống thoát lũ: nạo vét lòng sông Hương, sông Phổ Lợi, sông An Cựu, sông Chợ Nọ. Riêng đối với sông Hương chung quanh lưu vực quy hoạch bố trí 2,4 km2 xây dựng 15 hồ điều hòa. Cùng với việc cải tạo hệ thống thoát nước bảo đảm cho nước tự thoát về các sông lớn, quy hoạch không loại trừ xây dựng các trạm bơm để bơm xả ra sông.
Đối với hệ thống xử lí nước thải, trước đây thành phố triển khai dự án thoát nước Bỉ, vì nhiều lí do dự án không thành công. Vấn đề ở đây là để Huế trở thành một đô thị hiện đại là việc hết sức cần thiết và không thể thiếu. Trả lời vấn đề này quy hoạch chỉ rõ: Đối với các khu vực trong Kinh thành Huế, các khu phố cũ, các khu vực hiện đang sử dụng thoát nước thải chung, tiến tới chuyển đổi sang thoát nước thải riêng. Điều này cũng có nghĩa là các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, các khu vực chưa lắp đặt hệ thống thoát nước thải phải xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng. Qui hoạch nhấn mạnh về sự cần thiết phải xây dựng các trạm xử lý nước thải phía Bắc và Nam Huế, xây dựng mới nhà máy xử lý nước thải cho từng đô thị, từng khu công nghiệp… Với mục tiêu đến năm 2020 xử lý nước thải đạt 76,2% và đến năm 2030 đạt 97,2%. Đối với chất thải rắn, quy hoạch xác định sự cần thiết của các khu xử lý chất thải rắn có công nghệ hiện đại, sử dụng các công nghệ tái chế, thân thiện môi trường, giảm tối đa lượng rác thải chôn lấp. Với mục tiêu đến năm 2030 thu gom gần 150.000 tấn/năm trong đó 90% được tái chế.
Tất nhiên hạ tầng kĩ thuật có nhiều lĩnh vực, nhưng chỉ riêng thoát nước mặt, xử lý nước thải, chất thải rắn đối với Huế đã là một thách thức to lớn đòi hỏi các nhà quản lý phải đối diện với nó và có hành động thực sự quyết liệt: Làm sao để thực hiện mục tiêu đề ra, giải pháp nào để huy động các nguồn lực, lộ trình thực hiện như thế nào để tạo bước đi thích hợp, bước đi sau trên nền bước đi trước để không lãng phí và đạt được hiệu quả.
*
Tương lai của Thừa Thiên Huế và thành phố Huế ở đâu? Nó nằm trong Kết luận 48 mà Bộ Chính trị cách đây 5 năm, nó nằm trong quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt và những kết luận mới đây của Bộ Chính trị về Huế. Đây là những văn bản cực kì quan trọng mà nội dung của nó cần được tìm hiểu và thảo luận rộng rãi. Nó cần tạo sự thống nhất cao trong suy nghĩ và hành động của mọi người khi nghĩ về tương lại Huế.
Gạt ra ngoài những thành tích viển vông, những danh hiệu sáo rỗng, Huế đang dần lộ ra chất ngọc khó nơi nào có được. Huếvẫn luôn luôn mới, luôn ngập tràn mùa xuân.
L.V.L
(SH311/01-15)