TRẦN VIẾT ĐIỀN
Một số nhà nghiên cứu đã chú tâm tìm kiếm nơi an táng đại thi hào Nguyễn Du ở Huế, sau khi ông qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16/9/1820).
Dẫu biết gia đình đại thi hào đã dời mộ cụ về cố hương từ năm 1824 nhưng giới nghiên cứu vẫn có niềm mong là làm sao tìm được dấu tích ngôi mộ cũ của đại thi hào ở Huế. Gần 200 năm, một ngôi mộ đã dời, việc tìm kiếm quả là “mò kim đáy biển”. Tuy nhiên vẫn hy vọng (dù mong manh) rằng người xưa, trong đó có người thân của cụ, lúc bấy giờ đang làm quan ở Huế, các bạn đồng liêu quý mến cụ,… sẽ giữ lại ngôi mộ không còn cốt của cụ, lấp đất làm “mộ vọng”, làm nơi đến thắp hương để tưởng niệm người xưa. Với chiều hướng ấy, chúng tôi xin góp phần với các nhà nghiên cứu để tìm mộ cũ của đại thi hào Nguyễn Du ở Huế. Để tìm kiếm trước hết chúng tôi tổng quan vấn đề, rút ra những thông tin đáng tin cậy nhất, dựa vào chúng để tiến hành khảo sát điền dã, tìm cơ sở để hình thành giả thuyết.
TỔNG QUAN
Phần tổng quan chúng tôi chia hai nhóm tác giả, một chỉ dựa vào ghi chép hoặc truyền ức của họ Nguyễn Tiên Điền, một có khảo sát điền dã để tìm địa danh Bầu Đá, xã An Ninh (Thượng, Hạ).
Nhóm I
Các tác giả nhóm này không khảo sát thực địa ở Huế, dựa vào truyền ức trong gia tộc cụ Nguyễn Du ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh để viết về nơi an táng đầu tiên cụ Nguyễn Du ở Huế.
Đinh Sỹ Hồng, Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du, năm 2011, viết bài: “Lăng mộ Đại thi hào Nguyễn Du”, có thông báo: “Ban đầu, mộ được chôn tại cánh đồng Bàu Đá, xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đám tang cụ lặng lẽ không có nhiều người đi đưa. Nhà vua Minh Mạng biết tin ban cho tên “Thụy” và gửi phẩm vật phúng viếng. Các quan trong triều cũng gửi phẩm vật và câu đối phúng điếu”.
Phạm Trọng Chánh trong bài “Đọc sách “Nguyễn Du trên đường gió bụi” của Hoàng Khôi”, nguồn Văn hóa Nghệ An thứ bảy, 09/11/2013, viết Niên biểu Nguyễn Du, có đoạn: “1820. Gia Long mất, Minh Mệnh lên ngôi cử Nguyễn Du làm Chánh sứ đi báo tang và xin thụ phong; Chưa kịp đi thì bị bệnh dịch mất ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn tức ngày 16/9/1820. Ngô Thời Vị làm Chánh sứ thay thế. Thi hài Nguyễn Du được an táng đồng Bàu Đá, xã An Ninh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Năm 1824 con là Nguyễn Ngũ cải táng đưa về làng Tiên Điền”.
Vân Huyến trong bài “Thân thế và sự nghiệp đại thi hào Nguyễn Du” viết: “Năm 1820, Nguyễn Du được cử đi sứ Trung Quốc nhưng chưa kịp lên đường thì lâm bệnh, mất tại kinh thành Huế, thọ 56 tuổi. Thi hài Người được an táng tại cánh đồng Bàu Đá xã An Ninh (nay là An Hòa) huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Nhóm II:
Trên báo Văn hóa Phật giáo số 131 ngày 16/6/2011, nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy công bố bài viết: “Đi tìm nơi an táng của thi hào Nguyễn Du tại Huế”. Tác giả đã về quê hương đại thi hào tìm thư tịch cần thiết, nắm thông tin cụ Nguyễn Du “được an táng tại cánh đồng Bàu Đá xã An Ninh”, về Huế khảo sát điền dã, nhờ các nhà địa lý phong thủy cổ tác nghiệp độc lập, sử dụng Google Map, Google Earth,… đã đi đến kết luận mộ cũ Nguyễn Du là tiền thân của ngôi mộ Thượng thư Bộ công Hoàng Hữu Thường, ở tọa độ 160 27! 41!!, 1070 321 8.6611, thuộc Bầu Sắn (tác giả lại gọi là Bầu Đá), làng An Ninh (thượng), phía tả sông Bạch Yến.
Nhằm trao đổi với nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy, trong bài “Cụ Nguyễn Du được an táng tại Bàu Đá hay Bàu Sắn?”(Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 135 (15/08/2011)), tác giả Lê Trường Quỳnh góp ý về sự nhầm lẫn một số địa danh mà nhà nghiên cứu Hồ Đắc Duy có nêu trong bài viết, tác giả bác bỏ vị trí mộ cũ của Nguyễn Du là tiền thân mộ Thượng thư Bộ công Hoàng Hữu Thường, ở cánh đồng Bầu Sắn (chứ không phải Bầu Đá) ở Lựu Bảo, thay vào đó tác giả cho rằng “Cụ Nguyễn Du có thể được an táng lần đầu tiên ở cánh đồng Bàu Đá (Bàu Thạch) làng An Ninh Thượng, Hương Long, thành phố Huế, nơi này hiện không còn dấu tích gì”. Vị trí này sau đồi Hà Khê và phía hữu sông Bạch Yến. Tuy nhiên cả hai ông Hồ Đắc Duy và Lê Trường Quỳnh đều thừa nhận thông tin: “Mộ cũ của cụ Nguyễn Du ở cánh đồng Bàu Đá, An Ninh, kinh thành Phú Xuân”.
Nhà thơ Mai Văn Hoan rất tha thiết tìm kiếm nơi ở, nơi an táng của cụ Nguyễn Du ở Huế. Trong bài “Đi tìm dấu tích Nguyễn Du ở Huế”, đăng ở Tuổi trẻ cuối tuần, 13/07/2011, tác giả dựa vào sự kiện chắt nội của cụ Nguyễn Du là cụ Nghè Mai, có quan hệ với ngài Tuần Chi, chủ nhân nhà vườn nổi tiếng An Hiên, đã mang cây hồng tiến từ quê hương Nguyễn Du vào trồng ở vườn An Hiên nên Mai Văn Hoan có ý nghĩ cụ Nguyễn Du từng ngụ trong hoặc gần vườn An Hiên, khi mất táng ở nghĩa trang xã An Ninh. Mai Văn Hoan viết: “Nguyễn Du được an táng tại nghĩa trang xã An Ninh (tức làng An Ninh Thượng và An Ninh Hạ, thuộc phường Hương Long, thành phố Huế bây giờ). Bốn năm sau (1824), con cháu mới cải táng về Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nghĩa trang xã An Ninh cách không xa vườn An Hiên”.
Nhà nghiên cứu Lê Quang Thái trong bài “Truyện Kiều đã được viết tại Phú Xuân - Huế”, đăng trên Tạp chí Sông Hương số 297, tháng 11/2013, viết: “Thúy Kiều truyện, tên gọi ban đầu được đổi tên mới Đoạn Trường Tân Thanh (Tiếng nói mới nghe ra như đứt ruột) sau khi Nguyễn Du đã bị bệnh dịch tả và mất tại nhà riêng ở phường Vạn Xuân, Huế và qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16/9/1820), niên hiệu Minh Mạng năm thứ nhất. An táng tại rú Bàu Đá, phía sau ngoài vườn chùa cổ của làng Lựu Bảo được Võ vương Nguyễn Phúc Khoát ban tặng Quốc tự năm 1747”.
Thân Trọng Tuấn trên web www.art2all.net/ tho/tho viết bài “An Ninh Thượng Hạ” có viết: “Cụ qua đời sau vài ngày mắc bệnh, chôn tại An Ninh Thượng. Năm sau (1821), mới dời về quê là làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Chưa có thể truy biết đích xác là Nguyễn Du được tạm thời mai táng ở đâu, chỉ suy luận rằng, “kẻ trú” qua đời ở An Ninh Thượng thì phải tạm an táng ở An Ninh Thượng, tức là ở Rú Vi, chứ chắc gì được đưa qua chôn ở làng khác vì “phép vua thua lệ làng”, kiêng cữ đủ điều cho dù Nguyễn Du đang giữ chức Lễ bộ Hữu Tham tri, nhất là trong khi nạn dịch tả hoành hành, người bị bệnh chết chôn không kịp! Phía dưới ngã ba Lưu Bảo (tiếng địa phương là Lựu Bảo, Lũ Bảo), ngày xưa có cây cầu gỗ cũng gọi là cầu Bạch Yến thông qua vùng Rú Vi sau lưng Văn Thánh bị mưa lụt trôi mất nhiều lần, xây đi cất lại tốn công tốn của. Bên tê Rú Vi của xứ Đại Thành lăng mộ từng hàng. Nghĩa địa của An Ninh Thượng nằm trong phần đồi phía sau đền Văn Thánh, trường Quốc Tử Giám và chùa Thiên Mụ.”
Đường phân giới Hậu Thôn Kim Long với An Ninh Hạ |
THẢO LUẬN ĐỂ RÚT THÔNG TIN ĐÁNG TIN CẬY
Các tác giả nhóm II rõ ràng dựa vào thông tin của nhóm I, ấy là “Cụ Nguyễn Du đã được táng ở cánh đồng Bàu Đá, xã An Ninh, Quảng Điền”. Thông tin này do ghi chép hoặc truyền ức trong gia quyến cụ qua nhiều đời, nên có chỗ “tam sao thất bản”. Thật vậy có hai xã An Ninh, An Ninh Thượng và An Ninh Hạ (tính từ thế kỷ 18, 19). Hai xã An Ninh Thượng, thuộc tổng An Ninh huyện Hương Trà chứ không thể là huyện Quảng Điền. Một vọng tộc có nhiều người khoa bảng, một số làm quan ở Phú Xuân thời Tây Sơn, triều Nguyễn Gia Long thì không thể nhầm lẫn những xã huyện sát gần Kinh thành Phú Xuân. Có khả năng cụm từ “Quảng Điền” trong văn cảnh (người xưa ghi) là ý nói ruộng Bàu Đá thuộc cánh đồng rộng làng An Ninh (sau này gọi là cánh đồng rộng làng An Hòa). Cánh đồng rộng này thực ra gồm đất ruộng cồn bãi của nhiều làng như làng An Ninh thượng, làng An Ninh hạ, Hậu Thôn (Bàu Thôn) làng Kim Long, làng Trúc Lâm, làng An Vân, thậm chí cũng có của làng Thế Lại, làng Phú Xuân… Sở dĩ có tình hình ấy là vì do cần “giải tỏa đền bù” 8 làng khi triều Gia Long đã tiến hành để xây dựng phòng thành Huế. Vậy “quảng điền” ở đây phải ghép “An Ninh quảng điền” (cánh đồng rộng An Ninh) chứ không phải làng An Ninh thuộc huyện Quảng Điền.
Cụ Nguyễn Du mất do bệnh dịch, tuổi 56, nên chắc chắn trước đó cụ chưa phải lo sanh phần. Lại thêm cụ là đại thần tước hầu, Cần chánh điện đại học sĩ, có chiếu vua chuẩn bị đi sứ, là chú ruột của cung tần Nguyễn Thị Uyên (vợ vua Gia Long), có em, cháu cũng là quan triều đình,… khi qua đời lại được vua Minh Mạng ưu ái, cấp lụa tiền để làm đám tang, cho nên trong lúc “gấp rút” lo việc mai táng thì có khả năng triều đình cấp đất công ở làng An Ninh để an táng cụ. Nếu táng ở nghĩa trang của làng An Ninh như Rú Vi, hay Bàu Đá (lớn) thì có điều bất cập; phía làng An Ninh rất ngại “vong vị” không phải người làng, huống gì bị bệnh dịch! Còn phía gia đình người quá cố thuộc vọng tộc, lại bên ngoại vua nên không để “người thân” khi qua đời lại mang tiếng “ăn đậu ở nhờ”. Thế thì khả năng vua Minh Mạng cấp đất công, thuộc loại cát địa, để táng cụ Nguyễn Du là cao nhất. Đại Nam thực lục chính biên chép: “Canh Thìn, năm Minh Mệnh thứ 1 [1820], mùa thu… Vua dụ bầy tôi rằng: “Gần đây lệ khí lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình nhiều người ốm chết, trẫm nghe thấy rất lấy làm thương……
Hữu tham tri Bộ Lễ là Nguyễn Du chết. Du là người Nghệ An rộng học giỏi thơ, càng giỏi về quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì… Đến bây giờ có mệnh sai sang nước Thanh, chưa đi thì chết. Vua [Minh Mệnh] thương tiếc, cho 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi đưa tang về lại cho thêm 300 quan tiền” (sdd, đệ nhị kỷ, q.4, tr.83).
Ghi chép trong gia phả họ Nguyễn Tiên Điền rằng năm 1824 khi con trai Nguyễn Ngũ vào kinh đô có làm đơn xin phép cải táng mộ thân phụ, điều ấy chứng tỏ khả năng cụ Nguyễn Du được táng ở ruộng Bàu Đá thuộc loại ruộng đất công, được bảo vệ đàng hoàng. Và với sự ưu ái của vua Minh Mạng, đồng liêu, nên dẫu mộ đã dời, con cháu cũng như dân sở tại sẽ biến thành mộ vọng, để có nơi tưởng nhớ một vị đại quan tài hoa nhưng bạc mệnh, tác giả “Đoạn trường tân thanh” viết bằng chữ nôm… Cả trăm năm mà cụ nghè Nguyễn Mai (đỗ tiến sĩ nhưng không ra làm quan), vẫn giao du với ngài Tuần Chi, chứng tỏ Nguyễn Mai chắc có viếng “mộ vọng” ông cố của minh khi mỗi lần vào kinh đô Huế.
Khảo sát điền dã ở An Ninh Thượng, An Ninh Hạ
Ngày 28/3/2014 gặp ông Mai Khắc Chính, 54 tuổi, chắt nội của cụ Mai Khắc Đôn, ở Hậu Thôn (hay Bàu Thôn) làng Kim Long. Cụ Mai Khắc Đôn là thầy học và là nhạc gia của vua Duy Tân. Theo ông Mai Khắc Chính, sinh thời ông cố Mai Khắc Đôn có mua đoạn mãi khoảng 5 mẫu ruộng “của nhà vua”, thuộc Bàu Đá của An Ninh Hạ. Giữa Hậu Thôn với đám ruộng Bàu Đá làng An Ninh Hạ có đường phân giới, dân sở tại nói trại là đường Giái. Ông Mai Khắc Chính cho biết thân phụ ông là Mai Khắc Lưu, cùng nhiều vị cao niên cho rằng giữa ruộng Bàu Đá có dấu tích mộ dời của ngài Du Đức hầu, tức Nguyễn Du, hiện nay vô chủ. Chúng tôi cùng với ông Mai Khắc Chính khảo sát ngay dấu tích ấy.
Một sắc phong của ngài Mai Khắc Đôn |
Ngôi mộ lớn hình chữ nhật, rộng 13m, dài 17m, uynh xây bằng đất có ốp đá nhưng chỉ còn một đoạn trước mộ, chỉ còn uynh đất do bị sạt lở hoặc do bị gỡ đá ốp. Mộ xây gạch đắp hai mái bằng vữa cổ, trên liếp chữ nhật 1,2x3m. Hướng ngôi mộ lớn này tọa tốn hướng càn (tọa đông-nam, hướng tây- bắc, nghiêng bắc 45 0). Quan sát kỹ thấy đầu bia đá Thanh, chúng tôi dùng bay nhẹ tay gỡ lớp đất bám vào mặt bia, dòng chính giữa khắc bằng chữ Hán 前 朝 貴 人 諡 鍴 靚 阮 有 族 之寢 (Tiền Triều Quý nhân thụy Đoan Tịnh Nguyễn Hữu tộc chi tẩm). Tra cứu Nguyễn Phúc Tộc thế phổ có chép bà Quý Nhân, vợ vua Minh Mạng, chính là chủ nhân ngôi mộ này như sau: “Nguyễn Thị Trường 阮 氏 長 Quý nhân. Bà húy Nguyễn Thị Trường, người Phong Điền, Thừa Thiên, là con gái của Cẩm Y Vệ Hiệu úy Nguyễn Hữu Trạc. Năm sinh và mất không rõ. Khi mất bà được ban thụy Đoan Tịnh.
Mộ và bia của Q.N Nguyễn Thị Trường | Mặt bia mộ bà Q.N Nguyễn Thị Trường |
Bà sinh được 3 Hoàng tử và 1 Hoàng nữ.
Hoàng tử: Nguyễn Phúc Miên Thần [1817 - 1878], Nguyễn Phúc Miên Cung [1824 - 1849], Nguyễn Phúc Miên Gia [1825 - 1875], Hoàng nữ: Nguyễn Phúc Đoan Trinh [1821 - 1899].”.
Ảnh chụp vệ tinh mộ vọng cụ Nguyễn Du và mộ bà Quý nhân Nguyễn Thị Trường (vợ vua Minh Mạng) |
Ngôi mộ nhỏ hơn, cách ngôi mộ lớn 3m, phía trái ngôi mộ bà Quý nhân Nguyễn Thị Trường, và chỉ còn nền đất, không nấm, không bia, bình đồ chữ nhật 4,5mx7,5m, hướng mộ tọa cấn hướng khôn (tọa đông-bắc, hướng tây-nam, nghiêng nam 45 0). Về mặt địa lý phong thủy cổ thì ngôi mộ nhỏ được đặt rất đúng. Tả long là dải đất có Hậu Thôn, An Ninh Hạ, An Ninh Thượng. Hữu Hổ là Cồn Môn, hậu chẩm là Cồn Kê, Cồn Ma Lại, minh đường là những mẫu ruộng xưa của ngài Mai Khắc Đôn. Sự hiện hữu ngôi mộ bà quý nhân Nguyễn Thị Trường gần mộ cũ nói trên, chứng tỏ ruộng Bàu Đá An Ninh Hạ là đất công. Mộ nhỏ hơn đã cải táng nhưng khi có ngôi mộ mới của hoàng tộc, người xưa không “triệt bỏ” thì chứng tỏ mộ cũ của một nhân vật quan trọng vậy. Như vậy, ngôi mộ nhỏ chính là mộ vọng của ngài Du Đức Hầu, tức mộ cũ của cụ Nguyễn Du theo như truyền ngôn trong dòng họ Mai Khắc ở Kim Long.
Toàn cảnh mộ vọng cụ Nguyễn Du (dựng ở mộ đã cải táng) |
Xóm Bàu ở làng Hạ, đã có nhà thờ ngài Mai Khắc Đôn, sư phụ và nhạc gia của vua Duy Tân, lại thêm sự kiện ngài Mai Khắc Đôn khi mua 5 mẫu đất, nguyên gốc là đất công, được cấp cho một vị hoàng thân triều Nguyễn, đã giữ nguyên ngôi mộ vọng của cụ Nguyễn Du và mộ của Quý nhân Nguyễn Thị Trường (vợ vua Minh Mạng) là một việc làm đáng trân trọng… Hơn nữa bà Quí nhân Nguyễn Thị Trường (vợ vua Minh Mạng) được táng vào cuộc đất có mộ vọng của cụ Nguyễn Du, chứng tỏ gia đình cụ Nguyễn Du đã chọn huyệt đất tốt với sự hỗ trợ của hoàng tộc triều Nguyễn.
Rất mong các cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu quan tâm kiểm chứng giả thuyết của chúng tôi, xác nhận mộ vọng của Nguyễn Du ở cánh đồng Bàu Đá, gần Hậu Thôn Kim Long. Nếu giả thuyết của chúng tôi được xác nhận thì Huế có thêm một di tích độc đáo, nơi tưởng niệm Nguyễn Du những ngày làm quan ở Huế của người Huế xưa và nay vậy.
Huế 17/11/2014
T.V.Đ
(SDB16/03-15)