PHẠM THÁI ANH THƯ
Trong giai đoạn 2004 - 2013, nền kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) đạt mức tăng trưởng khá cao so với mức bình quân của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đồng hành với mức tăng trưởng đó, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế.
Tính đến cuối năm 2014, Thừa Thiên Huế có 74 dự án được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 2.668,249 triệu USD. Vốn đầu tư thực hiện đạt 228,685 triệu USD, nâng tổng vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài lên 375 triệu USD. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp vốn đầu tư thực hiện là 246,646 triệu USD chiếm 68,7% tổng vốn đầu tư thực hiện; dịch vụ - du lịch 84,492 triệu USD chiếm 23,62%; lĩnh vực bán buôn, bán lẻ chiếm 4,8%; lĩnh vực khai thác chiếm 2,49%; lĩnh vực xây dựng hạ tầng chiếm tỷ trọng rất nhỏ do các dự án chưa triển khai đầu tư.
Trong vòng 10 năm (từ 2004 - 2013) đã có 21 nước đầu tư trực tiếp hoặc liên kết liên doanh với các doanh nghiệp trong tỉnh. Trong 21 nước thì phải kể đến Hoa Kỳ và Hàn Quốc, là 2 nước thường xuyên có các dự án đầu tư hoặc liên doanh với các doanh nghiệp trong tỉnh. Hoa Kỳ đã có 16 dự án với số vốn đăng ký là 138,61 triệu USD, tuy nhiên chỉ thực hiện được 14,56 triệu USD, nhưng cũng có thể nói đây là 1 trong những quốc gia có thể là đối tác thường xuyên của các doanh nghiệp có vốn FDI trên địa bàn trong thời gian tới. Hàn Quốc đã có 13 dự án với số vốn đăng ký là 571,37 triệu USD nhưng chỉ thực hiện được 13,142 triệu USD. Mặc dù có ít dự án đăng ký hoặc liên doanh với các doanh nghiệp trong tỉnh hơn, nhưng Singapore đã đăng ký số vốn là 1.180,969 triệu USD và thực hiện được 126,636 triệu USD. Hồng Kông có 3 dự án đăng ký, vốn đăng ký là 357,786 triệu USD, vốn thực hiện là 19,42 triệu USD. Nhóm các nước có số vốn đăng ký thấp hơn là Đài Loan, Pháp, Canada có 2 đến 3 dự án với số vốn đăng ký từ 3 - 5 triệu USD nhưng số vốn thực hiện lại cao hơn khoảng 1 triệu USD. Ngoài các nước kể trên, các nước còn lại thực hiện được 1 dự án, với số vốn không nhiều (dưới 1 triệu USD) nhưng đây cũng được xem như là “những thị trường tiềm năng” để kêu gọi đầu tư, liên kết liên doanh của các doanh nghiệp trong Tỉnh.
Ảnh hưởng trực tiếp của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến tăng trưởng kinh tế
Vốn FDI trong tổng vốn đầu tư của tỉnh
Trong giai đoạn 2004 - 2013, TTH bứt phá trở thành một trong mười tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với nhiều dự án có quy mô lớn, đón đầu cơ hội thu hút đầu tư để từng bước chuyển mình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu năm 2006, toàn tỉnh chỉ có 38 dự án FDI nhỏ lẻ thì từ năm 2007 đến 2013, TTH luôn là địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu thu hút đầu tư của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Tính đến hết năm 2012, TTH có hơn 330 dự án với tổng mức vốn đăng ký hơn 80.000 tỷ đồng; riêng 70 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 2.626,64 triệu USD, tương đương trên 50.000 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là, các dự án FDI tại TTH phần lớn tập trung đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ và sản xuất vật liệu xây dựng như: bia rượu, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, sân gôn, trong khi đó có rất ít dự án đầu tư cho sản xuất, chế biến nông - lâm nghiệp.
Niên giám thống kê TTH 2013 cho thấy, vốn đầu tư ở TTH trong giai đoạn 2005 - 2013 có xu hướng tăng lên nhanh chóng, từ 5.510 tỷ đồng lên 10.366 tỷ đồng. Kéo theo đó là sự tăng lên nhanh chóng của FDI từ 449 tỷ đồng năm 2005 lên 1.463 tỷ đồng năm 2012 và 1.140 tỷ đồng năm 2013, với tốc độ tăng bình quân là 37,5%/năm. Xét về phương diện tỷ trọng của FDI trên tổng vốn đầu tư thì tỷ trọng này tương đối khá cao đạt 15,2% năm 2012 và 12,73% năm 2010. Sự gia tăng vốn FDI và tỷ trọng vốn này đã cho thấy việc thu hút FDI ở TTH đang có xu hướng tăng lên từ đó kéo theo sự gia tăng ảnh hưởng tích cực của FDI đến tăng trưởng kinh tế của TTH trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, xét theo cơ cấu vốn đầu tư phân theo nguồn vốn trên địa bàn tỉnh TTH giai đoạn 2005 - 2013, vốn đầu tư luôn bao gồm hai nguồn chính là vốn trong nước và vốn nước ngoài (cụ thể là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Trong đó vốn trong nước luôn bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn của tổ chức doanh nghiệp, vốn của dân cư, vốn tín dụng, vốn tự có và các nguồn vốn khác. Đây là nguồn vốn chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư và đang có xu hướng tăng nhanh về mặt giá trị tương đối ở TTH giai đoạn 2004 - 2013. Tuy nhiên nếu xét về mặt tỷ trọng thì nguồn vốn này đang có xu hướng giảm từ 91,99% năm 2005 xuống còn 89,05% năm 2013. Cùng với sự giảm sút về mặt tỷ trọng của vốn đầu tư trong nước thì vốn FDI đang có xu hướng tăng nhanh cả về mặt số tuyệt đối lẫn tỷ trọng. Cụ thể là năm 2005 FDI chiếm 8,01% thì đến năm 2013 tỷ trọng này đã tăng lên 10,95%. Qua đó có thể đi đến kết luận rằng trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì FDI đang giữ vai trò quan trọng và đóng góp tỷ trọng này vào tổng nguồn vốn đầu tư ở tỉnh TTH, kéo theo đó sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế ở TTH trong giai đoạn 2004 - 2013.
Giá trị sản xuất và tổng sản phẩm xã hội của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Cùng với sự phát triển của FDI ở TTH trong suốt thời gian qua cũng đã kéo theo sự đóng góp tích cực của FDI trong giá trị sản xuất và tổng sản phẩm xã hội.
Xét về tiêu chí giá trị sản xuất: Niên giám thống kê TTH 2013 cho thấy giai đoạn 2005 - 2013, giá trị sản xuất toàn tỉnh đã có sự gia tăng rõ rệt từ 20.152 tỷ đồng năm 2005 lên 49.084 tỷ đồng năm 2013. Cùng với sự gia tăng đó, kinh tế FDI cũng có sự gia tăng nhanh nhất trong suốt thời gian qua từ 2.008 tỷ năm 2005 lên 8.928 tỷ năm 2013, tức tăng gấp 4 lần. Nếu năm 2005 thành phần kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ chiếm 9,97% trong tổng giá trị sản xuất ở TTH, thì đến năm 2013 tỷ trọng này đã tăng lên 18,19%, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Từ đó có thể khẳng định rằng khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang ngày càng phát triển và đã có những đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất của địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế ở TTH.
Xét về tiêu chí tổng sản phẩm xã hội: giai đoạn 2005 - 2013, tổng sản phẩm xã hội ở TTH có xu hướng tăng nhanh từ 6.642 tỷ đồng năm 2005 tăng lên 34.937 tỷ đồng. Kéo theo đó là sự gia tăng tổng sản phẩm xã hội ở tất cả các thành phần kinh tế bao gồm thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế cá thể và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (xem bảng 4.2). Trong đó thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được xác định là một trong những thành phần kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các thành phần kinh tế khác. Nếu như năm 2005 thành phần kinh tế này đạt 626 tỷ đồng chiếm 9,44% thì đến năm 2013 tổng sản phẩm của thành phần kinh tế FDI đạt 5.171 tỷ đồng, chiếm 14,8% trong tổng sản phẩm xã hội TTH. Qua đó có thể khẳng định rằng FDI đã có những ảnh hưởng nhất định đến tăng trường kinh tế ở TTH trong suốt thời gian qua.
Đóng góp vào ngân sách tỉnh từ các doanh nghiệp FDI
Đóng góp hàng năm vào ngân sách của tỉnh bao gồm từ nhiều nguồn khác nhau: thuế kinh doanh hàng xuất nhập khẩu; thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu; thu chênh lệch giá hàng nhập khẩu; thu nội địa (bao gồm thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương, thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương, thu từ doanh nghiệp có vốn FDI, thuế ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế thu nhập, thuế nhà đất, thu xổ sổ kiến thiết, thu phí, lệ phí, thu tiền sử dụng đất). Trong các nguồn thu nêu trên thì nguồn thu nội địa chiếm tỷ trọng cao nhất.
Đóng góp vào ngân sách tỉnh từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
ĐVT: triệu đồng
Năm |
Tổng thu NSNN |
Thu ngân sách từ doanh nghiệp FDI |
TT Thu NS FDI/Tổng NSNN (%) |
2004 |
899.243 |
280.179 |
31,16 |
2006 |
2.765.237 |
507.695 |
18,36 |
2008 |
2.937.998 |
780.000 |
26,55 |
2010 |
4.910.111 |
853.021 |
17,37 |
2012 |
9.424.675 |
1.112.041 |
11,80 |
2013 |
7.210.205 |
1.490.633 |
20,67 |
Nguồn: Cục thống kê tỉnh TTH
Thống kê trên cho thấy giá trị nguồn thu của tỉnh Thừa Thiên Huế hầu như đều gia tăng mỗi năm. Trong đó, nguồn thu từ doanh nghiệp FDI so với tổng nguồn thu của tỉnh chiếm bình quân khoảng 15%, tỷ trọng này góp phần vào việc nâng cao giá trị nguồn thu cho tỉnh, tạo cho tỉnh có nguồn thu ổn định phục vụ cho việc phát triển lâu dài và ổn định. Mặt khác, nếu xét đến cơ cấu nguồn thu trên địa bàn tỉnh dựa vào nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương, thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương, thu từ doanh nghiệp FDI và thu từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn
Theo như số liệu thống kê thu thập được thì hoạt động xuất khẩu hàng năm của các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hàng năm. Tổng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI giai đoạn 2004 - 2013 là 1.597,18 triệu USD. Giá trị xuất khẩu qua các năm tăng lên đáng kể, hầu như giá trị xuất khẩu năm sau đều cao hơn so với năm trước. Tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 40% trong tổng xuất khẩu của tỉnh hàng năm, điều này cho thấy các doanh nghiệp FDI đã sản xuất nhiều mặt hàng phục vụ cho xuất khẩu, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của tỉnh, làm gia tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh qua các năm.
Lao động làm việc tại các doanh nghiệp FDI
Thực tiễn đã chứng minh, sự phát triển của các doanh nghiệp FDI không những góp phần làm tăng vốn đầu tư cho xã hội, tăng giá trị sản phẩm, giá trị sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn có vai trò quan trọng là tạo ra được ngày càng nhiều công ăn việc làm cho một bộ phận lao động tại chỗ và một bộ phận lao động nhập cư vào tỉnh TTH. Thống kê cho thấy số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI ở TTH có xu hướng tăng lên nhanh chóng từ 38.601 lao động năm 2005 tăng lên 79.321 lao động năm 2012 với tốc độ tăng trưởng bình quân 17%/năm. Trong đó, năm 2013 doanh nghiệp FDI đã thu hút thêm 13.521 lao động vào làm việc. Kéo theo đó là sự gia tăng của tỷ lệ lao động trong các doanh nghiệp FDI trong tổng lao động được giải quyết việc làm ở TTH từ 8,61% năm 2005 lên 17,04% năm 2012. Bên cạnh đó, nhờ vào sự phát triển của các doanh nghiệp FDI cũng đã góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động thời vụ tham gia trong quá trình xây dựng các công trình về cơ sở hạ tầng cho các dự án, hàng ngàn lao động làm việc gián tiếp ở các ngành sản xuất phụ trợ, các ngành nguyên liệu, vật liệu,…
Ảnh hưởng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến tăng trưởng kinh tế
Đào tạo lao động ở các doanh nghiệp FDI hiện nay
Một trong những ảnh hưởng lan tỏa tích cực đầu tiên mà việc phát triển FDI trong suốt thời gian qua đã mang lại cho tăng trưởng kinh tế ở TTH đó chính là các doanh nghiệp đã tiến hành đào tạo nguồn lao động trong chính doanh nghiệp mình. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở TTH.
Số liệu điều tra 2014 cho thấy trong số 27 doanh nghiệp FDI trả lời thì có 18,52% doanh nghiệp (tương ứng 5 doanh nghiệp) trả lời trình độ lao động tại Tỉnh hiện nay chưa đáp ứng và 81,48% doanh nghiệp (tương ứng 22 doanh nghiệp) trả lời đáp ứng một phần. Các doanh nghiệp FDI hàng năm đều trích ngân sách đào tạo và tuyển dụng lao động. Các lĩnh vực đào tạo chủ yếu của các doanh nghiệp FDI là: đào tạo về kỹ thuật (vận hành), đào tạo về quản lý.
Bên cạnh đó, theo kết quả thu được từ cuộc khảo sát thì phần lớn các doanh nghiệp FDI tại Tỉnh đều sản xuất phục vụ cho xuất khẩu, điều này góp phần gia tăng xuất khẩu (ngoại thương phát triển) sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.
Ngoài ra, thông qua khảo sát thông tin từ các doanh nghiệp FDI đã nhận được một số ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp FDI như sau:
- Cần phải thay đổi, đào tạo lao động hiện nay để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI, cụ thể là đa số người lao động tại đơn vị đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm việc từ 3 năm trở lên mới có khả năng đáp ứng được công việc tại các doanh nghiệp FDI.
- Nhu cầu về lao động của doanh nghiệp FDI cao nhưng số lao động đáp ứng yêu cầu thấp, rất khó tìm được lao động trình độ cao và năng lực tốt.
Hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và địa phương
Số liệu điều tra 2014 cho thấy trong số 27 doanh nghiệp FDI trả lời thì có 66,67% (tương ứng 18 doanh nghiệp) trả lời có hợp tác với địa phương, còn 33,33% (tương ứng 9 doanh nghiệp) không có hợp tác với địa phương. Bên cạnh đó, trong số 27 doanh nghiệp FDI trả lời có 9 doanh nghiệp không trả lời khoản mục này; còn lại doanh nghiệp FDI hợp tác với địa phương chủ yếu trong lĩnh vực mua nguyên liệu đầu vào từ doanh nghiệp địa phương (có 10 doanh nghiệp) và loại khác (tuyển lao động thủ công tại địa phương) (10 doanh nghiệp trả lời). Qua đó cho thấy khả năng đáp ứng của địa phương cho các doanh nghiệp FDI còn thấp, chủ yếu là sản phẩm thô với giá thành thấp.
Hỗ trợ của các doanh nghiệp FDI cho các doanh nghiệp địa phương trong quá trình hợp tác
Kết quả điều tra 27 doanh nghiệp FDI tại TTH cho thấy trong số 27 doanh nghiệp FDI trả lời thì có 37,04% (tương ứng 10 doanh nghiệp) trả lời hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương trong quá trình hợp tác, còn 62,96% (tương ứng 17 doanh nghiệp) trả lời không có hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương trong quá trình hợp tác. Các hình thức hỗ trợ của doanh nghiệp FDI cho các doanh nghiệp địa phương thường là đào tạo lao động kỹ thuật, đào tạo lao động quản lý, hỗ trợ vốn, cho mượn chuyên gia (về quản lý, giám sát).
Doanh nghiệp địa phương có đáp ứng nhu cầu hợp tác của các doanh nghiệp FDI hay không
Vấn đề hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp địa phương luôn được đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Trên thực tế, nếu như có sự hợp tác bền chặt giữa các doanh nghiệp này cả trong các khâu sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng xét trên cả khía cạnh đầu vào lẫn đầu ra sẽ góp phần tạo tiền đề, điều kiện cho các doanh nghiệp cùng nhau phát triển. Chính điều này sẽ tạo ra những tác động lan tỏa tích cực lên tăng trưởng kinh tế ở địa phương. Kết quả điều tra cho thấy trong số 27 doanh nghiệp FDI trả lời thì có 7,41% doanh nghiệp (tương ứng 2 doanh nghiệp) không có ý kiến về khoản mục này; 18,52% doanh nghiệp (tương ứng 5 doanh nghiệp) trả lời chưa đáp ứng; 3,7% doanh nghiệp (tương ứng 1 doanh nghiệp) trả lời đáp ứng hoàn toàn và 70,37% doanh nghiệp (tương ứng 19 doanh nghiệp) trả lời đáp ứng một phần.
Doanh nghiệp FDI tham gia các hoạt động xã hội trên địa bàn tỉnh TTH
Kết quả khảo sát 27 doanh nghiệp FDI cho thấy hiện nay có 59,26% doanh nghiệp (tương ứng 16 doanh nghiệp) đã tham gia hoạt động xã hội trên địa bàn Tỉnh; 37,04% doanh nghiệp (tương ứng 10 doanh nghiệp) không có tham gia hoạt động xã hội trên địa bàn Tỉnh; trong khi đó có 3,7% doanh nghiệp (tương ứng 1 doanh nghiệp) không có ý kiến đối với khoản mục này. Hình thức tham gia hoạt động xã hội của doanh nghiệp FDI là: Trợ giúp người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động từ thiện; tài trợ cho y tế; tài trợ cho giáo dục; trợ giúp cho bà mẹ Việt Nam anh hùng; trong đó hình thức chiếm ưu thế nhiều nhất là trợ giúp người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động từ thiện (có đến 16 doanh nghiệp chọn hình thức này trong phiếu điều tra).
Một số khuyến nghị chính sách
Trong giai đoạn 2004 - 2013, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của TTH. Để gia tăng ảnh hưởng của FDI đến tăng trưởng, trong thời gian tới cần hướng tới một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài để có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực về thu hút FDI và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư ở TTH.
Hai là, có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên cơ sở tiếp tục rà soát, bổ sung địa bàn, các ngành và danh mục dự án đầu tư...
Ba là, chú trọng tới quá trình đào tạo nguồn nhân lực ở các cấp trình độ, từ quản lý tới kỹ thuật. Đặc biệt quan tâm tới quá trình đào tạo nghề. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhằm huy động được hết các nguồn lực cả trí tuệ cũng như vật chất...
Bốn là, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao tính đồng bộ và hiện đại của cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Năm là, tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch, chính sách, luật pháp của Tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư ở TTH nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan xúc tiến đầu tư. Giải quyết các vấn đề về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng để chuyển đổi đất sang đầu tư khu công nghiệp. Hỗ trợ giúp đỡ sau khi dự án được cấp phép đầu tư. Bổ sung, điều chỉnh chính sách phát triển các doanh nghiệp có vốn FDI...
P.T.A.T
(SDB16/03-15)