Ai ra xứ Huế
Ấn tượng Thiên Mẫu giữa lòng nhân gian
09:03 | 27/04/2015

LÊ QUANG THÁI

Việt Nam giữ một vị thế trọng yếu ở ngã tư giao lưu với các nước của bán đảo Ấn Hoa và miền Viễn Đông châu Á.

Ấn tượng Thiên Mẫu giữa lòng nhân gian
Chùa Thiên Mụ - Ảnh: internet

Từ thời dựng nước, đất Tổ Giao Châu đã sớm tiếp thu tinh anh của các quốc gia láng giềng gần xa. Thế giới quan của các dân tộc anh em người Việt không lệ thuộc vào một hệ tư tưởng nào. Nhờ vậy mà nhân dân ta giữ vững quyền tự quyết một cách bản lĩnh tự chủ, tự cường. Dân tộc tính thể hiện một cách đậm nét và lưu truyền mạnh mẽ trong huyết quản giòng tộc, làng xã gắn kết mật thiết với sự sinh tồn và tiến phát của đất nước bằng cách gìn giữ hồn thiêng của sơn hà xã tắc.

Thiên mẫu là tên chữ chính thống của Vị thần nữ nhà trời giáng thế, giữ vai trò và sứ mạng cao cả hộ quốc an dân. Ngoài dân gian đã từng gọi vị Thần Nữ ấy bằng danh vị trìu mến, đầm ấm tình thương thiêng liêng là Thiên Mụ.

I. LÀNG CỔ VĂN HIẾN THIÊN MỤ

Thiên Mụ là Bà Mẹ Trời, Bà Mẹ xứ sở, Mẹ chung của đất nước theo định phận tại Thiên Thư, chớ không hẳn là mẹ riêng của một vùng miền nào của nước ta. Ở đất Đại La - Thăng Long trên những hơn ngàn năm văn vật đã từng hiện hữu địa danh làng Mụ, một địa danh gợi nhớ gợi thương hình ảnh của Mẹ Hiền. Làng cổ xưa này có đình và chùa chung cùng một tên gọi THIÊN MỤ.

Bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí của nhà bác học Phan Huy Chú cho biết làng Thiên Mụ thuộc huyện Từ Liêm. Huyện này ra đời từ rất sớm vào trước xa thời Nhà Ngô (939 - 965). Lẽ tất nhiên làng thì phải có danh phận trước huyện với thời nhà Đường bên Trung Quốc. Một câu thơ như đã nói toát lên tập tục vừa là thú vui phong nhã của làng cổ văn hiến Thiên Mụ: “Trạo phiếm Ninh Giang phi Mụ dã”, có nghĩa là “chèo thuyền sông Ninh, thả diều làng Mụ”.(1)

Từ Hoành Sơn trở ra phía Bắc, có rất nhiều làng quê có tên gọi rất dân dã mang sắc thái hương đồng gió nội. Điển hình tiêu biểu như làng Thầy có chùa Thầy, thôn Một Cột có chùa cùng tên, làng Bưởi có trường Bưởi, làng Sen với tên chữ Kim Liên…

II. THÔN XÓM MỘT CỘT

Nguyên ủy địa thế tọa lạc chùa Một Cột là chùa xóm được dựng lập làm tiêu điểm cho một vùng đất hoang dã với địa hình trông khác nào như bộ sườn rồng chạy. Trong khoảng giữa những năm 860 - 874 sau Công nguyên, Cao Biền lãnh chức Tiết độ sứ, sai đóng một cột trụ bằng đồng để yểm trù cắt đứt long mạch. Lệ xưa, cứ 25 hộ trở thành một lý rồi dần dà phát triển lên vượt con số quy định ấy gọi là hương. Hương lý tức thôn xóm là tiền thân của làng xã Một Cột. Làng Thiên Mụ ở huyện Từ Liêm cổ xưa đã hình thành theo mô thức ấy. Những làng xã này sớm có tên trong địa bạ làng cổ nước Việt.

Chùa Một Cột được xây dựng trên đất thôn xóm Một Cột, thuộc huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Hà Đông dưới thời nhà Nguyễn sau này. Chùa được dựng lập vào năm Kỷ Sửu, 1049 dưới thời Lý Thánh Tông còn là thái tử, chưa lên ngôi vua. Tên chữ của nhà chùa là Diên Hựu, có nghĩa là bền vững và thịnh trị lâu dài(2). Thật là đúng với nghĩa lý của châm ngôn: đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt.

Quốc tự Diên Hựu được thiết kế theo cùng một mô thức với các chùa lớn ở miền Bắc. Tổng quan bao gồm 7 hạng mục: 1/ Tam quan, 2/ Điện thờ Mẫu, 3/ Tăng phòng, 4/ Ngoại cung thờ Phật, 5/ Nhà hậu, 6/ Chùa Một Cột, 7/ Tháp.

Cần xác minh hai chi tiết để tránh nhầm lẫn. Thứ nhất là nhà Hậu, nơi thờ những giòng tộc và hương linh vô tự được ký gởi. Thứ hai, điện thờ Mẫu tức Thiên Mẫu, còn gọi là Thánh Mẫu - nói cho dễ hiểu là chùa được thiết kế quy hoạch theo mô thức: tiền Thánh, hậu Phật.

Hạng mục thứ 6 là điểm nhấn khiến cho chùa Một Cột nổi trội lên trở thành quốc tự độc đáo và danh tiếng. Chùa ấy tọa lạc ở vị trí đàng sau khuôn viên của thắng cảnh.

DIÊN HỰU, một ngôi chùa nhỏ nhưng mà lớn về phương diện lịch sử - văn hóa. Chùa được dựng lên trên một trụ đá ở chính giữa hồ nước hình vuông. Mái chùa lợp bằng ngói đỏ thắm, các góc mái cong vươn mình lên trông khác nào một hoa sen lớn đang nở. Cái cột đá nhỏ, hình viên trụ nhô thẳng lên trên mặt nước hồ bình lặng khiến người xem liên tưởng đến cái cuống của một hoa sen lớn.

Hạng mục thứ 7 là hai cái tháp lợp bằng ngói đỏ được xây để cho toàn bộ công trình hoàn chỉnh vào dịp vua Lý Nhân Tông sửa chùa vào tháng 9 năm Ất Dậu, 1105. Có chùa, có tháp làm tăng vẻ uy nghi cổ kính thể hiện mối tương quan Tam tài: Thiên - Nhân - Địa.

Đời sau, theo mô thức ấy, tiền điện thờ Lão tử, hậu cung thờ Phật. Quán cũng là chùa, gọi tắt từ thuật ngữ chùa quán. Linh Hựu quán ở Cố đô Huế là một điển hình tiêu biểu, có thể xem chùa Linh Hựu ở gần cuối đường Nguyễn Chí Thanh như tiếp nối hơi hướng xưa.

III. CÔNG VIÊN TỨ TƯỢNG Ở HUẾ

Từ phía chân cầu Trường Tiền ở bờ Nam sông Hương đi thẳng lên hướng nhà ga Huế non chừng 100m là đến công viên TỨ TƯỢNG, cách ly dòng Hương thơ mộng bằng đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Cảnh trí nơi đây thoáng mát và lộng gió, được một nhà thơ tiền bối vịnh ngâm bằng bài tứ tuyệt:

Sông Hương một giải, một con thuyền,
Nửa cảnh nhân gian, nửa cảnh tiên.
Gợn sóng trần ai không chút bợn,
Tưởng mình lạc nẻo chốn Đào Nguyên
(3).

Cụ Đồ Chiểu rất sáng dạ, đầy trí tuệ lóe sáng với chủ trương “vạn pháp quy nhất”, biểu hiện tinh hoa của Dịch lý. Kinh Dịch được dựng trên thuyết Âm Dương trong Đạo giáo lẫn với Nho giáo. Âm - Dương tương đối với cái “TOÀN NHẤT”; đó là “Đạo”, là “Thái cực nhi vô cực”. Cái “Toàn Nhất” ấy được tượng trưng bằng một vòng tròn ôm hai nửa sáng tối, mỗi nửa lại ôm cái mầm sáng/tối ở bên trong, cứ như thế cho đến vô cùng.

TỨ TƯỢNG là: 1/ Thái dương, 2/ Thiếu dương, 3/ Thái âm, 4/ Thiếu âm.

Đạo sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái tức vũ trụ.

1- Thái dương (biểu thị bằng nửa vòng tròn sáng lớn), ứng với 2 vạch liền.

2- Thiếu dương (biểu thị bằng vòng tròn sáng nhỏ), ứng với 1 vạch đứt, 1 vạch liền:

3- Thái âm (biểu thị bằng nửa vòng tròn đen lớn), ứng với 2 vạch đứt:

4- Thiếu âm (biểu thị bằng vòng tròn đen nhỏ), ứng với 1 vạch liền, 1 vạch đứt:

Vũ trụ là gì? Tứ phương, tám hướng. Tám phương trời, mười phương Phật.

Một câu nói được truyền lại cho dễ hiểu: “Tứ phương viết vũ, tự cổ lai kim viết trụ”. Đọc lời bạt sách Dịch học, Đạo của người quân tử, Nguyễn Hiến Lê, (Nxb. Văn học, Hà Nội, 2007, tr.624 - 625) sẽ dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa của TỨ TƯỢNG:

“… Vũ trụ quan trong Kinh Dịch là một tác phẩm tổng hợp thuyết Âm Dương có từ đời Ân, nhưng Dịch học phái đã dung hòa được triết lý đạo Lão và đạo Khổng mà làm cho đạo Nho bớt hữu vi đi, trọng khiêm nhu, trọng nữ giới hơn”(4)

Với đạo Bà La Môn, sinh khí sáng tạo vũ trụ được chuyển hóa từ hai nguyên lý Nam và Nữ, ca dao còn lưu truyền lại bằng hai câu thơ bình dân mang tính chất biểu trưng:

Bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng,
Ông Tứ Tượng hơn bốn cao sào.


Đó là hiện tượng về cái trụ đá được dựng lên trên cái khay cũng được tạc bằng đá.

Công viên Tứ Tượng, một nét kiến trúc văn hóa tâm linh của Cố đô Huế, một thi đàn thiên nhiên ngoài trời lộng gió bốn phương. Cụ Đồ Chiểu đã từng viết ở tác phẩm Dương Từ - Hà Mậu:

Tiên xưa ở chốn thi đường,
Một câu Nho giáo lòng càng chẳng quên.


Trời Cha đất Mẹ. Đấng Cha lành, đấng Mẹ hiền. Thế gian cầu cho Mẹ - Cha 9 đời (cửu tộc) sớm quay về dưới đài sen một khi trút bỏ tấm thân tứ đại. Lời kệ tán đã chỉ bày rằng: “Cửu phẩm Liên Hoa vi phụ mẫu”. Ấy là lời cầu chúc tuyệt hảo.

Cảnh Phật, cảnh Tiên không ở xa phố thị, ngược dòng sông Huế chừng non dưới 5km là đến với cảnh Tiên, cảnh Thiên Thiên Mụ.

IV. CHÙA THIÊN MỤ, NÚI ĐỒI THIÊN MỤ

Miêu tả cảnh tượng nguy nga, cảnh trí thiên nhiên của ngôi Danh lam Thiên Mụ, năm Ất Mão, 1555 sách Ô châu cận lục đã viết một chương ít lời mà đầy vơi nhiều ý vị:

Ở phía Nam xã Hà Khê, huyện Kim Trà.
Nguy nga trên đỉnh núi, nhìn xuống dòng sông trôi, vượt ra ngoài ba nghìn thế giới, gần kề cõi trời trong gang tấc.
Khách rảo bước lên thăm, bất giác quên mất niềm trần tục, thiện tâm bừng dậy.
Thật là một cảnh thiền nổi tiếng
(5).

Nguyên tác bằng chữ Hán gồm 51 từ, bản dịch ra Việt ngữ bằng 56 chữ lung linh trào vọt, toát lên những gì ngoài sắc tướng của chữ nghĩa. Bằng thủ pháp nghệ thuật “ý tại ngôn ngoại” các tác giả và dịch giả xưa nay đã dày công nhuận sắc để văn bản thanh thoát như thi, như họa, như nhạc một cách thần thái tưởng chừng như đẩy đưa độc giả tìm về uyên nguyên của Tam giáo Phật- Lão - Nho. Một cảnh Tiên, một cảnh Thiền Phật giáo ở ngay chốn trần gian tiếp giao với núi đồi, sông nước diệu kỳ. Đẩy đưa dịu dàng, thanh thản nét đẹp nhân tạo hòa lẫn với cảnh trí thiên nhiên có thần hồn theo cảm quan thẩm mỹ Đông Phương. Tất cả làm cho thiên nhiên thanh thoát trở thành siêu nhiên vượt qua sắc tướng để đến bờ bên kia như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã thấm mùi thiền để sáng tạo: “Tình trong cảnh ấy, cảnh bên tình này”.

Chúng tôi lấy làm tâm đắc với câu nói bất hủ của cổ nhân từ xa xưa vọng về theo ngọn gió đưa duyên: “Hễ có danh lam thắng cảnh thì có chùa chiền nhưng nếu không có vương công đại nhân thì không dựng nổi”. Năm Tân Sửu, 1601 Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã đặt tên đồi núi nơi chùa tọa lạc là núi Thiên Mụ. Và từ đó chùa được tôn tạo làm rực sáng thêm lên không gian Thiên Mụ ở phía đi lên thượng nguồn sông Hương: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương”.(7)

V. MỘT CHUỖI LIÊN THÔNG TỪ NHỮNG DI TÍCH ĐÃ DẪN

Bàng bạc từ trong hiện thực của 4 di tích vừa là thắng cảnh: 1/ Làng Thiên Mụ, 2/ Chùa Một Cột, 3/ Công viên Tứ Tượng, 4/ Chùa Thiên Mụ - Huế như đã phản chiếu, dựng thành hai thực thể biểu trưng: Hoa Sen và Nữ Tính.

Chùa có điện thờ Mẫu tức Thiên Mẫu, có ngoại cung thờ Phật; công viên Tứ Tượng gợi nhớ đến tư tưởng, triết lý Nho giáo và Đạo giáo mà Kinh Dịch gọi là “Đạo”, theo học thuyết Âm Dương. Nho giáo gọi là Khôn Nguyên hoặc Thánh Mẫu. Trong giáo lý Bà La Môn sinh khí sáng tạo của vũ trụ được siêu hóa từ hai nguyên lý Nam Nữ và được cụ thể hóa ra bằng hình tượng đá Linga - Yoni. Đó cũng còn là hình ảnh biểu tượng. Nguồn sống của thần Siva và Visnou trong văn hóa Chàm. Nói một cách khái quát thì có 2 yếu chỉ cần triển khai để làm sáng rõ lên: 1/ Hoa sen, 2/ Nữ tính.

5.1. Hoa sen: Thăm viếng và quan chiêm công viên Tứ Tượng thì ít ra ai cũng nghĩ tới và ngẩng đầu nhìn lên để phát hiện mà thấy rõ hình ảnh biểu trưng bằng hoa sen được đắp nổi đã phủ rêu xanh ở trên cao của một trong hai trụ đá còn lưu dấu ở 4 góc hình ảnh 4 giao cù. Ở trụ đá còn lại thì những hình ảnh có tính cách biểu trưng ấy đã tàn tạ theo bóng đổ thời gian.

Việc hoa sen tự tại vượt lên bùn tanh để vươn mình cao trên mặt nước hồ ao rồi nở hoa khai nhụy phát sinh hương sắc tinh khiết, hương vị thanh tao không hề bị nhiễm mùi tục lụy thể hiện ý nghĩa tìm hướng về tự do giải thoát. Nguyên lai của ý nghĩa triết học ấy hàm ẩn sâu xa trong tư tưởng truyền thống của nền văn minh Ấn Độ cổ kính đã ghi chép lại ở Kinh Áo Nghĩa Thư (Upanishad). Đó là cứ mỗi bông sen nhỏ xíu lại có một lỗ rỗng nhỏ xíu.

Về sau, Phật giáo trong toàn cõi Á Đông đã thọ lãng cái ý nghĩa tượng trưng của hoa sen làm biểu trưng cho tinh hoa đạo Phật. Diệu Pháp Liên Hoa kinh đã viết và lưu truyền lời chỉ dạy của Đức Phật về căn nguyên cội nguồn của biểu tượng hoa sen:

“Vậy chân lý tạm thời ví như hoa sen, chân lý thực thụ như hoa sen. Hoa tức là phương tiện để thành quả, phương tiện và cứu cánh vẫn không rời nhau được”.

Trong thi ca cổ điển, hoa sen đẹp sánh với phù dung, thơm như thủy tiên. Vì vậy hoa sen được dâng cúng Phật:

Lá xanh che bụi, trong làn nước,
Bông đỏ dâng hương, ngát cửa thiền

                         (Đông Xuyên)

Sau hết, không chủ quan, hoa sen còn là biểu tượng cho phẩm chất cao quý của người quân tử theo Nho giáo, của bậc Đạo sư trong Lão giáo - Sen gắn kết với hương hoa, quả phẩm, trầm trà để dâng cúng tại nhà thờ giòng tộc, đình làng, triều miếu…

5.2. Nữ tính: Bản chất của Thiên Mẫu là từ ái, thuần hậu, bao dung, an toàn… Nữ tính đã thể hiện rõ nét, đậm đà hương vị trong 4 hiện thực di sản thiêng liêng đã chọn lựa tiêu biểu: làng Thiên Mụ, chùa Một Cột, Công viên Tứ Tượng và chùa Thiên Mụ - Huế.

Ngoài dân gian, chẳng một ai hoài nghi vì sự thật hiển lộ ra rõ nét sờ sờ ra đó. Theo dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam thì từ thế kỷ thứ II trở về trước dân tộc ta vẫn có nhiều giòng tộc theo chế độ mẫu hệ. Chế độ phong kiến hình thành mới chuyển dần sang phụ hệ. Tính nhân văn, tính nhân bản giàu thiện tâm, thiện đức đã khiến các dân tộc anh em đều nhất tâm tỏ lòng tôn kính và ngưỡng mộ Phật - Thánh.

Thiên Mẫu, Mẹ Thế Gian, Mẹ Hiền, đức Khôn Nguyên, bậc Thiên Thần Mẫu Nghi Thiên Hạ đều là những danh xưng tôn vinh thể hiện niềm tôn kính muôn đời.

Với tinh thần khai phóng thì truy nguyên cho đến cùng ra lẽ thì cái “TOÀN NHẤT” là “Đạo” theo học thuyết Âm Dương (đặt Âm trước Dương) không hẳn thuận âm điệu ngôn từ mà còn bởi lẽ chính thống trong triết học, tư tưởng của các dân tộc ở bán đảo Ấn Hoa và ngay cả tư tưởng ở Trung Hoa từ thời cổ đại vốn đã coi trọng NỮ TÍNH.

Dịch Kinh, một kỳ thư của nhân loại đã từng nói đến một cách rạch ròi, rốt ráo. Nào ai, mấy ai không đồng tình việc dâng lên MẸ THẾ GIAN (còn gọi là “Đạo”) một lẵng hoa sen thơm ngát, một mâm ngũ quả cùng với một nén hương thơm để tạ ơn Đất Trời.

Và đặc biệt đối với người Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế luôn luôn ưa thích và tưởng nhớ đến hoa sen hồ Tịnh Tâm được trồng ở chốn Bồng Lai này mà thi ca đã từng khéo ví von:

“Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách hợp,
Đất Hương Cần ngọt quýt thơm cam”(8)

Đáy hồ Tịnh Tâm nguyên xưa là đáy sông của một chi lưu của dòng Hương Giang.

Thiết tưởng, đó là hồn sử thi gợi nhớ đến tình đất, tình người, lắng đọng ý vị của tự tình dân tộc. Tiếc thay sen Tịnh Tâm nay đã lãng phai, xa ngái với bản chất uyên nguyên của tình sông nước Hương Giang! Bao giờ tình Mẹ, tình Đất đều được thăng hoa nâng cấp lên bội phần.

VI. TINH HOA CỦA TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN

Vào giữa thập kỷ 50 của thế kỷ 20, dựa vào phiên bản của kiến trúc sư Nguyễn Bá Chí họa năm 1949, một tín đồ xuất thế của Phật giáo đã xây dựng ở quận Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định cũ chùa Một Cột theo hạng mục thứ 6 của toàn cảnh nhà chùa. Từ đây mở đường, khai lối cho khách quan chiêm có duyên lành hiểu biết thêm về kiến trúc độc đáo của chùa Việt. Quốc tự Diên Hựu, một hòn ngọc về kiến trúc nghệ thuật phát sinh từ đời Lý lấy Tam giáo đồng nguyên làm điểm tựa cho dù vào thời ấy đạo Phật đã từng là quốc giáo.

Phật - Lão - Nho là ba nguồn tư tưởng chủ đạo, chính thống của ý thức hệ dẫn đường trong thuật trị nước an dân theo tinh thần khai phóng. Pháp số “tam” là 3, hàm ẩn chỉ số nhiều, vượt trội hơn con số 3. Truy nguyên ra, như đã nói ở phần mở bài, nước Việt vào thời cổ đại đã ít nhiều chịu ảnh hưởng tốt của nhiều tôn giáo đã nhập thân vào Phật giáo như Bà La Môn giáo, Lạt Ma giáo, Mật giáo, Phù Chú giáo. Tất cả đều gặp nhau một điểm chung là đề cao Nữ tính, mà nổi trội hơn nhất là Phù Chú giáo vì phụ nữ là hiện thân của việc sinh thành mầu nhiệm.

Tại Văn Miếu hoặc Văn Thánh thờ Khổng Tử và 72 vị Hiền triết. Cỡ cấp huyện có Văn từ, cấp xã có Văn chỉ theo đẳng cấp. Văn từ và Văn chỉ được lập bàn thờ thông hưởng với trời, không có mái chẳng hề. Đức Khổng Tử là Vạn thế sư biểu, tại Kinh đô Huế sửa văn miếu cũ thành Khải miếu thờ thân phụ của Ngài. Văn Thánh Huế cận kề Võ Thánh cách chùa Thiên Mụ chẳng bao xa. Nho học còn là một tôn giáo cho nên gọi là Đạo học hoặc Nho giáo.

Lão giáo còn gọi là Đạo giáo, ngoài dân gian còn gọi là Đạo Tiên vì chuộng thuật trường sinh. Triết học xuất thế của Lão Tử và Trang Tử có những nét gần như tương đồng. Đạo giáo cho rằng cái “Đạo” trường cửu không dụng ý hành động mà không ở đâu không hành động. Trang Tử xem con người chân thật nằm trong mộng.

Kinh Dịch là căn bản thực nghiệm của tất cả triết học Trung Hoa và Á Đông. Xuất phát từ Đạo mới có Âm Dương. Cái nguyên khí Dương hay còn được gọi là năng lực vũ trụ thể hiện vào Thánh Mẫu hay Khôn Nguyên.

Thư tịch cổ Truyền đăng lục, tờ 12 phân định rõ sự khác biệt giữa 3 luồng tư tưởng triết học Phật-Lão-Nho như sau:

“Khổng Mặc thì giữ thuyết có, Trang Tử thì chủ thuyết “không”. Kinh sách đời nay không phải là phương pháp để giải thoát được. Chỉ có Phật giáo không nhận “có” hay “không” mới có thể giải quyết vấn đề sống chết. Song lối tu luyện giữ giới đều tinh tiến, phải cầu được bậc thiện tri thức ấn chứng cho mới có thể được”.

Lịch sử giáo dục và khoa cử cổ truyền cho biết nhà chùa còn là trường học dạy Hán văn vào thời cổ đại trước thời nhà Đinh và Tiền Lê. Với truyền thống ấy, Nho học được các Thiền sư thời Lý - Trần nghiên cứu cùng với kinh điển nhà Phật.

Vào thời Hậu Lê vận nước chuyển đổi, Nho giáo trở thành quốc giáo. “Cư Nho mộ Thích” là chủ trương hành xử mới. Nhà bác học Lê Quý Đôn những muốn phục hưng truyền thống theo nền tảng mới và gọi bằng châm ngôn “Đồng qui thù đồ”.

Hoa sen và nữ tính là hai nét đặc trưng biểu tượng chung cho Tam giáo Phật Lão Nho đã truyền lưu theo dòng chảy văn hoá của các dân tộc chung sống ở bán đảo Ấn Hoa cho đến ngày nay. Sùng thượng hoa sen và nữ tính bằng hình tượng NỮ THẦN. Ấy là Mẹ Thế Gian, Mẹ Từ Bi, Mẹ Hiền Quan Âm, Bà Mẹ xứ sở, Khôn Nguyên, Thiên Mẫu(9) mà dân gian quen tôn gọi một cách thân thương và đầm ấm bằng tên gọi dân dã là THIÊN MỤ vậy.

L.Q.T
(SH314/04-15)

...........................................
(1) LỊCH TRIỀU HIẾN CHƯƠNG LOẠI CHÍ, Phan Huy Chú, tập II (Thượng), Nhân vật Chí, Nxb. Bộ VHGD và TN, Sài Gòn, 1973, tr.231 - 249.
(2) VIỆT NAM SỬ LƯỢC, Trần Trọng Kim, Nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1958, tr.102 - 103. Không có niên hiệu Diên Hựu như một sách đã viết.
(3) VĂN HÓA TẬP SAN, số 4 - 5 (năm 1969), bài “Phong cảnh cố đô Huế”, Lê Xuân Giáo, Nxb. Nha Văn hóa, Sài Gòn, 1969, tr.35.
(4) DỊCH HỌC, Đạo của người quân tử, Nguyễn Hiến Lê, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2007, tr.22 - 25, 624 - 625.
(5) Ô CHÂU CẬN LỤC, Dương Văn An; Văn Thanh và Phan Đăng dịch và chú giải, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.94.
(6) Thọ Cương ở Huế, phía bên kia đồi Thiên Mụ cách bởi dòng Hương. Thọ Xương ở Hà Nội.
(7) THIỀN HỌC VIỆT NAM, Nguyễn Đăng Thục, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, tr.380. Xem bản in lần thứ nhất, 1967 tại Sài Gòn.
(8) Có dị bản: Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách diệp - Hương Cần sản xuất loại quýt ngon, thơm vì thổ nhưỡng phù hợp. Thôn Hương Cần thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.
(9) NHỮNG NGƯỜI BẠN CỐ ĐÔ HUẾ. B.A.V.H, tập 2, 1915, Xem bài “CHÙA THIÊN MẪU”, A. Bonhomme, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1997, tr.149 - 166. Nhiều tác giả khác là quan lại triều đình Huế, viết trong tập san đã khẳng định tên chữ của chùa là Thiên Mẫu, ngoài tên gọi phổ biến Thiên Mụ. Đời Tự Đức từ năm 1862 - 1869 đổi tên thành Linh Mụ để cầu tự cho nhà vua. Sau năm 1869 người gọi Thiên Mụ, kẻ gọi Linh Mụ. Triều đình Huế tảng lờ…







 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng