Ai ra xứ Huế
Café Huế - của mộng và thực
15:55 | 25/06/2015

KIMO 

Café trên xứ Huế bây giờ không thua gì café quán cốc ở Pháp, những quán café mọc lên đầy hai bên lề đường và khi vươn vai thức dậy nhìn xuống đường là mùi thơm của café cũng đủ làm cho con người tỉnh táo.

Café Huế - của mộng và thực
Cà phê Gác Trịnh. Photo Tuấn Med

Huế bây giờ đã thay đổi nhiều, nhiều ngoài sự tưởng tượng của tôi sau bao nhiêu năm không trở về, hay nói đúng hơn là sau bao nhiêu năm tôi không còn biết gì về Huế. Huế ngày xưa áo trắng ngập đường, Huế của một thời áo tím trong mơ, áo trắng nên thơ ngập lối về với chiếc nón bài thơ che nửa mái tóc buông lơi, làm cho bao nhiêu thơ văn đã ví “mái tóc của người con gái Huế đẹp như dòng sông Hương”. Dòng sông Hương đã đánh dấu trong lịch sử không hùng hồn như những con sông lớn trên quê hương Việt Nam mà Sông Hương là biểu tượng của “cô gái Huế,” vì dòng sông nằm trải dài giữa thành phố, ai ai cũng có thể nhìn và ngắm từ sáng sớm mờ sương cho đến đêm khuya hiu quạnh. Huế của thơ, Huế của mộng, và Huế đa tình như tà áo dài người con gái. Huế bây giờ đắm chìm bởi hương vị ngọt đắng café để người con gái Huế xưa trở về với chuyện tình liêu trai bên ly café của những buổi sáng tinh mơ. Ly café sữa nóng bắt đầu vào một buổi sáng sớm mùa hè năm đó, “Café của Huế”, đánh dấu một mối tình liêu trai sinh sôi nẩy nở trong Mộng và Thực.

Tiếng ve sầu vào hè réo vang, tưởng chừng như đó bài hòa tấu thiên nhiên từ hàng ngàn con ve đang giấu mình trong tàng lá xanh với những trái vải đỏ hồng đong đưa. Cũng không biết là đã từ bao lâu của thời gian, có lẽ là lâu lắm bây giờ tôi mới nghe được tiếng ve của một thời thơ ấu, viết đến đây tôi lại nhớ mùa hè năm xưa với tiếng hát ngây thơ ngày nào Ni bun hoa phượng của Thanh Sơn: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/ Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…/ Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng/ Biết ai còn nhớ đến ân tình không…”. Tiếng ve sầu như khúc nhạc hòa tấu vui và buồn tùy vào thời gian nhưng tiếng ve bây giờ đánh thức tôi dậy khi trời tờ mờ sáng để tôi được nghe tiếng chuông Bát Nhã vang vọng từ đầu chánh điện. Chuông Bát Nhã là tiếng chuông khởi đầu của một ngày trong chốn thiền môn, tiếng chuông như là một chiếc đồng hồ đánh thức Ni chúng trong chùa dậy Cung Phu Khuya. Tiếng chuông chùa lấn át tiếng ve sầu cho đến lúc tiếng rung của chuông vừa ngưng, thì tiếng ve sầu cũng bắt đầu ngân lại, tôi có cảm giác như những con ve cũng biết tĩnh lặng để thưởng thức tiếng chuông Bát Nhã.

Khi nói đến tiếng chuông Bát Nhã thì phải nói đến người thỉnh chuông. Người ấy phải trải qua một thời gian học tập dộng chuông, tiếng chuông đi theo nhịp điệu của bài kệ để tiếng chuông đúng nhịp như những tay trống điêu luyện đánh theo dòng nhạc:

“Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn…”.

Trong chốn thiền môn, nghe tiếng chuông người ta có thể nhận định được trình độ tu chứng của người thỉnh chuông, tiếng chuông cũng biểu lộ ra được tâm an lành, vững chải theo tiếng chuông rung. Muốn được nghe chuông Bát Nhã cần phải để tâm thức lắng sâu, mới nghe được âm thanh tuyệt diệu trong độ rung ngân kéo dài cho đến lúc tiếng chuông hoàn toàn dừng lại.

Tôi với tâm tư tĩnh lặng trên chiếc gường gỗ được gọi là “sập rương” theo tiếng Huế, tiếng chuông Bát Nhã cùng tiếng ve sầu cho tôi cảm giác thú vị lâng lâng, mơ hồ như nửa tỉnh nửa mê, cho đến lúc ngoài sân chùa vang vọng tiếng chổi rành xào xạc quét lá. Tiếng cười tiếng nói trong trẻo hiền hòa dễ thương của ni điệu bé bé đã cắt ngang dòng tư tưởng của mùa hè phượng đỏ ngày xưa, ý nghĩ mông lung của buổi hẹn hò sau bao năm không gặp, hay nói đúng hơn là hoàn toàn không biết gì về ông thầy ngày đó. Tiếng nói tiếng cười tiếng khua động ngoài sân làm cho tôi ngồi dậy nhìn ra vườn để tìm kiếm những con ve sầu ẩn nấp trong tàng lá. Tiếng sư cô trẻ lôi tôi ra khỏi tư tưởng tìm kiếm ve sầu: “Chị ra ngồi nói chuyện với sư cố cho vui”! Tôi vào phòng đánh răng rửa mặt thật nhanh không cần trang điểm. Buổi sáng ở đây trời mát trong lành, những chậu hoa và cây kiểng được quý sư cô cắt tỉa rất khéo làm cho sân chùa thêm an lạc trong màu xanh tươi của hoa lá. Nhìn ra ngoài sân đã nghe tiếng nói tiếng cười của ni điệu, họ dậy sớm lắm, chia ra từng nhóm, làm từng phần hành khác nhau như quét sân, lau sàn chùa, và nấu thức ăn sáng. Ni điệu nhỏ nhoi bé bỏng trong bộ áo quần vạt hò màu lam, quần được túm lại ống cao ống thấp bằng những cọng dây thun lớn, họ cười cười nói nói ngây ngô dễ thương như những đóa hoa vừa mới hé. Tôi ngồi cạnh sư cố cùng nhìn ra ngoài sân với những dòng tư tưởng về tôn giáo, nhìn cuộc sống tu hành bên ngoài thật êm đềm, xem vật chất nhẹ tựa “mây hồng” và hạnh phúc lắm vì chẳng có gì để mà cạnh tranh.

Nói đến chùa thì không biết bao nhiêu chuyện, từ kinh kệ đến thiết lý Phật học cao siêu, hơn 2500 năm nay vẫn không có sách vở nào diễn đạt hết ý nghĩa thâm sâu. Tôi là một cư sĩ, đến thăm viếng chùa nhưng lại được xem như là một khách quý vì giữa sư cố và tôi có mối liên hệ khá đặc biệt với nhau như tình thâm. Buổi sáng tôi cũng thức dậy sớm, cũng quét sân chùa cùng với Điệu sau một vài ba phút hầu chuyện cùng sư cố. Tôi làm việc trong thích thú với trăm ngàn ý tưởng như đang đua nhau trong tâm trí mà con mắt cứ nhìn xem con số giờ trên mặt kính điện thoại di động trong túi áo bà ba màu lam. Ở đây ai cũng ngủ sớm để thức dậy sớm nhưng thời gian không bó buộc con người như bên kia bờ đại dương.

Tiếng của hai Sư cô trẻ nói:

- Cố xem ai là điệu mới vào chùa?

Sư cố cười thành tiếng: - Hắn chứ ai!

Tiếng chuông điện thoại di động reo trong túi áo bà ba màu khói lam như tôi đang chờ đợi! Tôi “Hello” trong giọng Bắc ấm áp, giọng nói ngọt ngào như nụ cười trong sáng sớm, và giọng nói của tôi bây giờ chứ không còn tiếng Huế ngày xưa. Tôi trả lại cái chổi rành đã mòn cho điệu nhỏ, vội vàng vào phòng tắm nhanh trong cái mát lạnh của nước buổi sáng. Tóc tôi dài xõa xuống vòng lưng mong manh, tôi quên mất ở chùa làm sao có lược cho tôi chải tóc, làm sao có “gương” cho tôi trang điểm nhưng tất cả những thứ đó không còn cần thiết. Năm ngón tay gầy làm lược, màng hình điện thoại làm gương, tóc búi tó lên cao không ngay hàng thẳng lối, chỉ cần một tí môi son cũng đã duyên dáng. Tôi nghĩ đến ông thầy rồi lại cười một mình, thời gian hẹn chỉ trong 15 phút.

Tôi đơn giản trong chiếc quần jeans và áo thun thụng trắng, màu trắng giúp tôi xóa đi những điểm khiếm khuyết, cặp kính mát màu đen che hết nửa khuôn mặt, một vài cọng tóc xõa lững lờ trước trán làm cho khuôn mặt của tôi lãng mạn hơn. Tôi chấp tay cúi đầu chào sư cố, chào hai ni trẻ và mấy điệu bé bé bằng nụ cười tươi. Tiếng sư cô nói vọng từ phòng: “Chị nhớ trưa về ăn cơm với sư cố nghe!” Tôi “dạ” lớn đủ cho mọi người nghe rồi vội vã leo lên taxi để đi đến điểm hẹn. Tôi nôn nóng muốn gặp lại người quen vì đến Huế hơn ba hôm rồi và tôi đã làm hết bổn phận làm con làm cháu với ông bà cha mẹ trong mấy ngày qua. Hơn một năm trời nói chuyện qua phương tiện điện thoại tôi thắc mắc muốn biết về quán café, muốn nếm thử mùi vị café như thế nào?, muốn tìm hiểu trong thế giới riêng tư của café có gì?, mà sao lại thu hút đám đàn ông cũng như giới phụ nữ ngày nay; hay là tôi muốn gặp ông Thầy ngày đó? Taxi đến trễ 5 phút vì con đường một chiều phải chạy vòng quanh. Khuôn mặt như đã quen thuộc từ lâu, một khuôn mặt mà tôi đã thấy, khuôn mặt đã ngủ yên trong tiềm thức hơn mấy mươi năm, bây giờ được đánh thức dậy sáng hôm nay như chuyện huyền thoại của “người trong tranh” trở thành chuyện tình liêu trai chí dị. Một cảm xúc kín đáo vây quanh, ông thầy không dám nhìn tôi trong giây phút đầu gặp gỡ, và tôi cũng được giới thiệu với vài người bạn của thầy. Tôi cũng xin ly café sữa nóng như mọi người, tự nhiên như sành điệu lắm nhưng thật sự đây là lần đầu tiên trong đời vào quán café, và cũng lần đầu uống café. Tôi nghĩ thầm café chẳng có gì ngon nhưng thiên hạ ào ào uống café quán cốc như một phong trào, có lẽ phong trào của xã hội mới ngày nay, uống cho quên đi những năm tháng nhọc nhằn. Mới nghe qua cũng thấy lạ khi tôi đã từng uống những ly rượu mạnh không thua gì đàn ông của những ngày lang thang của mơ với ước, hay trong những buổi tiệc lớn nơi tôi đang sinh sống, thế mà café thì chưa một lần nếm qua, cuộc đời là vậy đó, có khi đảo ngược không ngờ nhưng tôi không đánh mất Huế. Tiềm ẩn của Huế, của dòng sông Hương ăn sâu trong tận cùng xương tủy như tôi vẫn nói đùa với bạn bè: “Bà mụ đã thẩy tôi xuống sông Hương” khi vừa mới cắt nhau cột rốn nên tôi là của Huế thơ, Huế mộng, Huế đa tình và tất cả những gì của Huế đều có hết trong từng mạch máu đang luân chuyển trong cơ thể. Ly café ở Nam Giao Hoài Cổ là của ngày đầu gặp gỡ, là của cảm giác như đã quen từ muôn kiếp trước, là rung động của nhịp tim đánh thùm thụp bởi giọt café.

Café Huế của con số mười sáu, ly cafe phân vân, tại sao người đàn ông kia nói hai chữ “mộng và thực?” rồi họ cười bí ẩn như cái tên “Thiên Đường” nằm trên vỉa hè dòng sông Hương. Họ cười với nhau ấp ấp mở mở để tôi ngơ ngác, rồi từng ly café nối tiếp như đã thấm dần men tình làm cho tôi hát bài “Phút cuối” của Lam Phương như một lời tạm biệt mà chỉ có riêng tôi hiểu. Chuyện “mối tình đầu của tôi với chàng sinh viên y khoa” ngày đó chỉ là cái cớ cho tôi mượn lời “Phút cuối” để hát cho cảm giác của mộng và thực, mà chỉ có ai đó và tôi mới nhận được cảm giác trong nhau. Căn phòng nhà hàng im lặng, bao nhiêu cặp mắt nhìn tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tôi cất tiếng hát như một ca sĩ không chuyên nghiệp lắm nhưng giọng hát cũng lắm trữ tình như lòng tôi muốn nói. “Chỉ còn gần em một giây nữa thôi/ Một giây nữa thôi là xa nhau rồi/ Người mang cánh chim về vui với…”. Tôi hát trong dáng dấp chiếc áo dài tím “tím Huế, tím thơ, tím mộng hay tím đợi chờ”. Phải chăng tôi trở về mang lại Huế ngày xưa của thơ đến với thầy cô bạn hữu làm cho đêm mười bảy nhớ mãi không quên.

Buổi sáng mười tám bên quán cốc Thiên Đàng đến nhanh trong vội vã, buổi chia tay nào cũng bùi ngùi dao động buồn tênh, bạn bè cũng giã từ ra về để lại tôi giây phút yên tĩnh, giây phút cuối trong trống vắng. Anh đã viết cho tôi với lời nhắn nhủ: “Buồn buồn và nhớ ai đó không rõ lắm” với bài hát “Chiều tà” tiếng anh, tôi nghe đi nghe lại rồi mỉm cười một mình như đã hiểu. Chiều hôm đó tôi lang thang trên phố Huế, đi qua hết những con đường của tuổi 15, 16, cái tuổi đầy mơ với mộng. Cầu Trường Tiền gió lộng chiều hè với màn đêm buông xuống, mặt nước sông Hương êm đềm gợn sóng li ti, mặt sông lấp lánh như một tấm gương khổng lồ cho những tầng lầu cao ốc soi bóng mình lặng sâu dưới ánh đèn lấp loáng, chiếc xích lô đạp qua cầu làm tôi nhớ ngày nào áo trắng tôi cũng đã một lần tung bay trong gió lộng chiều nay.

Một thoáng nhớ, một thoáng buồn nuối tiếc trong tiếng thở dài sâu thẳm của đêm mười tám, tôi thẫn thờ nhìn góc phố chìm dần vào đêm, tiếng kèn xe thưa thớt để Huế của tôi cũng im lìm. Tôi nghĩ, không biết có ai đã nhìn Huế đắm chìm trong đêm như tôi đang nhìn đêm nay, mười ngón tay gầy nhanh nhẩu lướt nhẹ trên từng chữ cái, nhảy thật nhanh thành từng dòng tâm sự. Đêm im vắng quá để những ngón tay di động trên bàn phím cũng rõ mồn một trong màng sương buông xuống rồi lịm dần vào đêm.

Tiếng rung nhẹ của máy điện thoại di động báo có tin nhắn “có thể uống ly café cuối cùng được không?” đánh thức tôi sau một đêm dài thao thức nhìn Huế đắm chìm vào đêm. Lời nhắn mà tôi đã chờ đợi từng giây từng phút từ chiều qua, giây phút cuối trong tiếc nuối muộn màng... Tôi tươi mát trong chiếc áo sơ mi hồng bỏ vào thùng với quần jeans trắng, màu hồng đào che giấu nét mỏi mệt của đêm dài. Câu ca dao ngày nào của những người mới yêu nhau với giận hờn “…Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo, Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi”. Câu ca dao đó như đã nói lên bản tính của tôi, miệng luôn cười toe toét mà lòng thì buồn tênh, trở lại Thiên Đường của ly café cuối cùng nhằm vào con số mười chín, con số chia tay của phút cuối lại trở thành một chuyện tình liêu trai “Mộng và Thực” trên xứ Huế.

K.M
(SDB17/06-15)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng