Ai ra xứ Huế
Đời sống tâm linh của dân chài đầm phá xưa
17:28 | 29/04/2009
HỒNG NHUTôi vẫn trộm nghĩ rằng: Tạo hóa sinh ra mọi thứ: đất, nước, cây cỏ chim muông... và con người. Con người có sau tất cả những thứ trên. Vì vậy cỏ cây, đất nước... là tiền bối của con người. Con người ngoài thờ kính tổ tiên ông bà cha mẹ, những anh hùng liệt sĩ đã mất... còn thờ kính Thần Đất, Thần Nước, Thần Đá, Thần Cây...là phải đạo làm người lắm, là không có gì mê tín cả, cho dù là con người hiện đại, con người theo chủ nghĩa vô thần đi nữa! Chừng nào trên trái đất còn con người, chừng đó còn có các vị thần. Các vị vô hình nhưng không vô ảnh và cái chắc là không vô tâm. Vì sao vậy? Vì các vị sống trong tâm linh của con người, mà con người thì rõ ràng không ai lại tự nhận mình là vô tâm cả.
Đời sống tâm linh của dân chài đầm phá xưa

Quê tôi ở một làng nhỏ phía đông nam Thừa Thiên cách thành phố Huế chừng bốn năm mươi cây số. Đó là một doi đất như hòn đảo, nó dài và thuôn như chiếc đòn gánh, ngoài là biển Đông, trong là đầm phá, hai đầu là hai cửa biển. Nước và nước, nước mặn nước lợ nước ngọt nước chua... Đầm phá chạy dọc suốt chiều dài và thỉnh thoảng lại đâm thọc khoét sâu gần hết chiều ngang vùng đất quê tôi. Vùng đầm phá rộng lớn nhất Đông Nam Á này, quả là không nơi nào trên nước Việt Nam ta có được. Hệ thống Tam Giang nổi tiếng không chỉ ở chiều dài gần 80 cây số, ở diện tích khổng lồ của nó là 2, 2 vạn hecta mà còn vô cùng hiểm trở gian nan, chỗ eo thắt lại, chỗ phình to ra, nơi rộng nhất là phá Cầu Hai 12 ngàn mét, ngút mắt ngút trời...
            “Thương anh em cũng muốn vô
            Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”
Đây là cả một giang sơn biệt lập kỳ thú của những cư dân kỳ lạ chuyên sống bốn mùa trên mặt nước có lẽ đã từ ngàn đời nay.

Hồi còn nhỏ ở làng quê, những đêm trăng sáng ngả nia nằm giữa sân cát cho mát, nửa khuya nghe tiếng loong coong loong coong nhịp nhàng liên tục của thuyền thả lưới bén ngoài đầm vọng vào, cha tôi thường kể cho tôi nghe những câu chuyện có thật mà như huyền thoại của những người dân chài đầm phá quanh năm làm lụng, ăn ngủ, cưới xin, đẻ đái... trong lòng chật hẹp của vạn thuyền họ giữa bao la thoáng đãng của trời nước. Họ sống hoang dại riêng một cõi, cô lẻ, thuyền ai nấy biết, rất ít khi giao tiếp với nhau, gần như không biết đến cộng đồng. Họ có những tập tục quái dị nhưng không hề quái đản: tục hợp cẩn trong lòng nước của vợ chồng mới cưới đêm tân hôn, tục bắt đàn bà con gái trên cạn về làm vợ, rồi tục đàn bà con gái cởi trần bốn mùa, kể cả khi tiếp khách. Những lễ lạt họ cũng khác thường, đặc sắc và đặc trưng như lễ nhập vạn, lễ cầu ngư, lễ thôi nôi cho đứa con trai nối dõi của họ. Dân trên cạn thường gọi họ là bọn “mọi đầm”, nữ giới mà thấy họ thì kinh hãi chết khiếp lên rồi, nói chi đến chuyện lấy họ làm chồng! Nhưng thật ra họ hiền lành chất phác rất mực, lòng dạ trong trẻo rất mực, họ xa lạ hẳn với những điều giả dối và không bao giờ làm điều ác với bất cứ ai.

Sống tách biệt với cộng đồng cư dân trên bờ và ngay với cả cư dân đầm phá của họ, người dân chài Tam Giang tin rằng Hà Bá, Thủy Vương đã chọn họ là những người canh giữ trời nước vùng đầm, không có họ thì trời đất sẽ sụp lở, đầm phá sẽ cạn khô. Nữ Thần Đầm là người trực tiếp cai quản họ, ban phát tôm cá nguồn sinh sống cho họ. Bà trẻ mãi không già, muôn đời vẫn là một thiếu nữ dung mạo tuyệt trần, mỗi khi hiển hiện lên mặt nước, bà đều khỏa thân phần trên, với làn da nâu bánh mật căng giòn đến mức tưởng như nếu có ai gảy vào đều vang thành tiếng như hồ cầm dìu dặt. Đàn ông đầm phá vẫn đinh ninh rằng Nữ Thần Đầm đã cho họ cái quyền bắt đàn bà con gái trên đất liền về vạn thuyền để duy trì và phát triển giống nòi cư dân đầm phá. Bắt được, họ đem về thuyền, chèo ra giữa đầm phá mênh mông, mịt mù trời nước, không biết đâu là bến bờ. Bất cứ người nữ nào được họ bắt về đều trở thành vợ của họ, còn nhỏ thì họ nuôi cho lớn đến lúc có thể làm vợ được, rèn luyện cho họ nghề nghiệp sông nước để trở thành như một người chính hiệu sinh ra ở đầm phá.

Trước tiên họ làm lễ nhập vạn. Họ tin rằng có thế mới làm vui lòng Nữ Thần Đầm và người con gái mới khỏi trốn đi, mới cột chặt vào vạn thuyền họ, không đi đời. Lễ nhập vạn cũng như các lễ khác của họ đều đơn sơ nhưng đậm màu bi tráng hoang dại. Cái khác là một chậu nước trong đó lượn lờ một chú cá bống hoặc một con tôm, tượng trưng cho bản mệnh người nữ (cá tràu, cá ngạnh, cá chép tượng trưng cho người nam). Trên mũi thuyền, con sào chống vát lên thành một góc chéo, tượng trưng cho lòng gắn bó thủy chung với sông nước phá đầm. Chủ thuyền cùng với người con trai đầu của ông đều đóng khố, trần trùng trục, bắt đầu hành lễ. Sau khi lạy khấn Thần Đầm, họ đứng lên, bốn cánh tay của hai cha con bện vào nhau như một sợi chão. Người nữ mới nhập vạn cũng cởi trần như thân chủ, bíu vào “sợi dây”. Họ bắt đầu đánh võng, vừa đánh vừa hú, hát theo nhịp hô huầy, hộ huậy. Lời hú hát cũng đồng thời là lời khấn của dân vạn đầm mỗi khi cúng lễ. Khác với trên cạn, họ khấn nôm bằng các khúc hát có thể gọi là “đồng dao” của riêng dân vạn đầm do họ tự đặt ra, mỗi vạn thuyền có thể mỗi khác. Đến nhịp thứ chín (nam thất nữ cửu) thì người đánh võng hất mạnh, người xin nhập vạn mới được buông tay để toàn thân rời “sợi dây” rơi tự do xuống đầm. Người ta nghe tiếng rơi để biết lòng Thần Phá. Tiếng rơi càng to càng gọn là Thần vui lòng chấp nhận. Tiếng rơi xòe ra, lọc bọc, lóc bóc, vung vãi là Thần không ưng, phải làm lễ lại vào một ngày khác. Thần chấp nhận, người trai lập tức nhót con tôm trong thau nước, vặt đầu vặt râu, ngửa cổ nuốt sống vào bụng. Ý nói rằng người gái mới nhập vạn kia sẽ là vợ mình, nhất định như vậy. Thần không ưng, con tôm phải được thả trở lại xuống nước.

Cũng tương tự, lễ cầu ngư, vật dụng để làm lễ bao gồm các dải vải đỏ, một thau nước và con cá, chiếc sào, mái chèo, thêm một cái vợt. Vào một ngày nắng ráo giữa tháng giêng thường là còn căm căm gió bấc, họ nhổ sào từ nơi ẩn trú ra giữa vời phá bao la để làm lễ. Hai mái chèo vẫn gác chìa ra theo hình vây cá nhưng giờ đây lại tượng trưng cho sự cầu mong được mùa vây bủa, đánh bắt. Hương trầm được đốt lên, vợ chồng con cái đồng thanh hát khấn: “Hô này! Trên ngự Thủy Vương (Huậy! Giữa luồng Hà Bá (Hô!)/ Rốt phá Nữ Thần (Huậy!)/ Tôm vạn cá ngàn (Hô!)/ Phù cho thân chủ (Huậy!)/ Trăm dư mười đủ (Hô!)/ Năm mới mùa mê (Huậy!)/ (Hô huậy Hô huầy!)”

Đoạn, chủ thuyền thò tay vào thau nước tài tình nhót chú cá, ngậm ngang miệng nhảy xuống đầm bơi đứng. Cách thuyền mươi sải anh ta dừng lại, rút con cá từ miệng ra, tung vòng cầu lên thuyền. Người vợ đã sẵn sàng, hai tay cầm vợt có buộc dải vải đỏ ra đón cá, thuần thục và chuẩn xác như xiếc. Trong giờ khắc đó, nếu chị ta hứng trật thì xui cả năm là phần chắc. Nhưng điều này gần như chẳng bao giờ xảy ra. Khi người vợ nghiêng vợt đổ cá vào sạp thuyền, người chồng liền hụp lặn xuống đáy đầm. Ở đó, anh ta lạy Thần Đầm hai lạy. Xong ngoi lên bơi trở lại thuyền. Tất cả lễ vật hương hoa đều được trút xuống nước, dâng Hà Bá. Riêng con cá được để lại. Thần Đầm đã ban cho thân chủ rồi! Người ta tin như vậy.

Một cái lễ khác, đặc sắc không kém của các vạn thuyền chuyên sống trên mặt nước đầm phá hồi xưa là lễ thôi nôi, còn gọi là “khẳm năm” cho con trai họ, người sẽ kế tiếp làm chủ vạn thuyền trong tương lai. Hai vợ chồng nửa mình trên trần trụi như tục lệ vốn có, bất kể đang ngày nóng hay ngày rét. Họ đứng đầu mũi thuyền, chuyền tay nhau đứa con trai vừa đầy tuổi, nơi hai chân thằng bé được buộc hai hòn đá nhỏ. Họ giơ thằng bé lên cao giữa khoảng không trời nước rồi hạ xuống chạm lòng thuyền bảy lần, trong khói hương vấn vít và tiếng hát khấn Thần Đầm theo nhịp gõ vào mạn thuyền cồng công cồng công của một thành viên thứ ba: “Lạy trời đất gọn, hô!/ Lại Nữ Thần ràng, huậy!/ Một cậu cua càng, hô!/ Hai cô cá buộc, huậy!/ Chứng lòng vạn thuộc, hô!/ Cho chú trai giòng, huậy!/ Nhập lòng Hà Bá/ Làm con Hà Bá, hô! Hô huầy Hô huậy!”

Dứt lời họ buông tay. Đứa nhỏ rơi tõm xuống đầm. Người cha lập tức nhảy theo. Chờ cho con rơi sát xuống đáy đầm, da thịt nó chạm đất (nhanh thôi, vì có đá buộc thêm nặng và vì sự giúp sức của người cha) người cha mới ôm lấy người con ngoi lên, bơi trở về thuyền. Trong lễ hội này, có hai chi tiết phải tuân theo tuyệt đối là người mẹ phải tự tay ném con trai xuống đầm và người cha phải vốc được một nắm bùn bôi lên bụng đứa con, xong mới được vớt lên. Người dân đầm phá Tam Giang tin như vậy con mình mới được Thần Đầm che chở và nó sẽ trở thành một người trai đầm phá mạnh khỏe, giỏi giang, chân thật..

.. Từ xa xưa, có lẽ là từ thuở khai thiên lập địa, cư dân đầm phá Tam Giang đã có những hình thức cúng lễ riêng chẳng giống ai như vậy. Họ chỉ có lễ, không có hội, hoàn toàn khác với cư dân trên cạn. Họ sống cô lẻ nên hành lễ một cách lặng lẽ, không ồn ào khua chiêng gõ trống gì cả. Các cuộc cúng lễ của họ đậm đặc chất tâm linh hoang dã, lầm lì và dường như không có yếu tố nào mê tín. Họ khấn nôm bằng các ca khúc như đồng dao, đủ chứng minh điều đó, tôi nghĩ như vậy.

Sau năm 1945 và dần về sau này nữa, những gì thuộc về bản sắc văn hóa riêng biệt của người dân đầm phá Tam Giang xưa dần mai một. Cuộc sống văn minh hiện đại đã nhanh chóng xóa đi những vẻ đẹp hoang sơ mà tráng lệ đó. Giờ đây, trên bao la của dải đầm phá này, họa chăng chỉ còn sót lại một vài tập tục trong một vài vạn thuyền cư dân chính hiệu, ví như đang lao động ở mặt đầm, đàn bà con gái đều ở trần, không khoác bất cứ một thứ gì để che vú, bất kể khi đó có khách quý đến thăm hỏi thuyền họ xem họ làm ăn, dù đó có là ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đi nữa. Họ cho rằng như thế mới chứng tỏ lòng tôn trọng khách một cách chân tình, và như thế mới hợp ý Nữ Thần Đầm.

Giờ đây phần lớn dân vạn thuyền đầm phá đã có ý thức cộng đồng, tập thể, không còn thuyền ai nấy biết. Nhiều vạn đã định cư trên cạn. Chiếc thuyền của họ giờ đây đã đóng bằng tôn không rỉ, sơn bằng các loại sơn cao cấp, “sơn trâu cũng đẹp!”, gắn máy nổ nhiều sức ngựa. Nó không còn là ngôi nhà gắn bó một đời sống chết với họ mà chỉ là phương tiện để làm ăn, nó xình xịch hách dịch như chiếc tàu thủy, cái mái chèo, con sào tre dân dã và nên thơ giờ đây đã trở nên cô đơn lạc lõng trên mặt đầm nhiều nơi đêm đêm đã sáng bừng ánh điện! Người dân chài đầm phá chuyên sống trên nước giờ không chuyên nữa, họ đã bước lên đất liền, đã hòa nhập với cộng đồng các lớp dân cư khác, đã đi hội họp, học hành, vui chơi, đã kiêm nhiều nghề để kiếm tiền trên cạn, nhiều bạn trai đầm phá đã sành sõi lắm đít-xcô, karaokê, bia bọt, cà phê đèn mờ.. rồi! Than ôi..

Đời sống tâm linh của người dân chài đầm phá Tam Giang theo đó mà đổi thay chóng mặt! Không còn đâu màu sắc xa xưa, cái màu sắc lầm lì hoang sơ, tráng lệ, đặc quánh chất phô-clo, có một không hai, ít nhất là trên Đông Nam Á này!
Xuân Quý Mùi

H.N
(168/02-03)

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng
Phố cổ Bao Vinh (13/04/2009)