Ai ra xứ Huế
Người đi đầu đổi mới tư duy sử học
15:49 | 04/09/2015

Ở thời điểm năm 1987, GS Trần Quốc Vượng là người đầu tiên nêu quan điểm cần đổi mới tư duy lịch sử, nhận thức đúng sự thật lịch sử và thảo luận tự do, dân chủ, rộng rãi, trong đó có vấn đề xem xét lại nhà Nguyễn và thời Nguyễn.

Người đi đầu đổi mới tư duy sử học
Sách “100 chân dung một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội” viết: “Giáo sư Trần Quốc Vượng là người đã khai phá, gieo mầm những ý tưởng mới, nêu cao lời thề trung thực, dũng cảm cho các nhà sử học, Người đã vượt qua phong ba bão táp để làm một cánh đại bàng trong làng Sử học, Văn hóa học Việt Nam. Mỗi trang viết của ông là kết quả của quá trình tìm tòi suy ngẫm và nghiệm sinh lâu dài, hiện đại về tư liệu, xử lý tài tình mối quan hệ biện chứng giữa Phá bỏ - Bảo tồn - Sáng tạo và đặc biệt ông cố gắng hết mức để gọi sự vật bằng chính cái tên của nó. Đối với những nhà nghiên cứu lịch sử, theo ông, có một nguyên tắc tối thượng, đó là “Nghiêm thay sử bút”.”1

GS Trần Quốc Vượng đã khai mở những ý tưởng mới, cách tiếp cận mới và bảo vệ đến cùng bằng chứng lý những ý tưởng đó. Ông là một trong những người đi tiên phong trong đổi mới tư duy sử học. Ông đã thể hiện bản lĩnh, trách nhiệm và lương tâm của nhà sử học để đánh giá đúng sự thật và viết sự thật. Điều quan trọng là nhiều ý tưởng mới, cách tiếp cận mới của ông đã góp phần làm sáng tỏ những huyền bí của lịch sử, phản ảnh đúng hiện thực lịch sử, thức nhận, chuẩn chỉnh những mơ hồ, sai lệch, những nhận định phiến diện, thiếu tính khách quan khoa học về nhiều sự kiện và nhân vật trong lịch sử dân tộc.

Bài viết nhỏ này xin đề cập đến quan điểm của ông về nhà Nguyễn và triều Nguyễn ở thời điểm 1987.

Năm 1987, năm đầu thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, bước chuyển quan trọng trong đổi mới tư duy của giới nghiên cứu khoa học xã hội, GS Trần Quốc Vượng công bố bài viết: “Vài suy nghĩ về Xứ Huế và vị thế lịch sử của nó” (tạp chí Sông Hương số 25, tháng 5/1987). Đó là những nhận thức mới và cách tiếp cận mới về nhà Nguyễn và thời Nguyễn ở thời điểm năm 1987. Sau đó, ông trả lời phỏng vấn tờ Tổ Quốc, Cơ quan Trung ương của Đảng Xã hội Việt Nam, (số 400, tháng 12/1987, trang 19, 20) với tiêu đề: Xem xét lại Thời Nguyễn và Nhà Nguyễn. Cũng trong số báo này, ông công bố bài viết Xứ Huế, những giá trị lịch sử- văn hóa (trang 21, 22).

Về xứ Huế - những giá trị lịch sử văn hóa, ông khẳng định quan điểm của mình: “Xứ Huế có sắc thái riêng trong thiên nhiên Việt Nam đa dạng và thống nhất.

Nhiều nhà văn hóa học đã phân lập một vùng văn hóa Huế (hay vùng văn hóa Bình-Trị-Thiên) trong những vùng văn hóa Việt Nam… Đã có người muốn mệnh danh cho nó, về mặt lịch sử là văn hóa Phú-Xuân, để khu biệt nó với văn hóa Thăng-Long và văn hóa Đồng - Nai=Bến-Nghé… Đúng ra, theo tôi, chỉ nên gọi là vùng văn hóa Huế của di sản truyền thống, và gia tài văn hóa đương đại Việt Nam thống nhất.”2

“Huế đưa lại một sắc thái mới của văn hóa đô thị Việt Nam… Huế trong bối cảnh địa - văn hóa miền Trung, chủ yếu là hội tụ và ngưng kết tinh hoa con người và văn hóa miền Trung… Sao chăng nữa, từ thế kỷ 14 hay đặc biệt từ thế kỷ 17 và nửa đầu thế kỷ 19, Huế đã là cái nôi dung hóa - dung hòa văn hóa Chàm - Việt, rồi cùng với tiến trình lịch sử, kết tinh hun đúc nên một sắc thái tinh tế (raffine) của văn hóa Việt Nam… Và với tính cách là một nghệ thuật tổng hợp, kiến trúc Huế đưa lại một phong cách đặc thù của kiến trúc Việt Nam.”3

Quan điểm đó của ông chẳng những đã được khẳng định trên thực tiễn trong giới nghiên cứu mà còn góp phần cung cấp những luận cứ khoa học để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản truyền thống, và gia tài văn hóa đương đại Việt Nam.

“XỨ HUẾ nổi lên trong bối cảnh lịch sử cụ thể và phức tạp” - ông đã viết như vậy trên tạp chí Sông Hương tháng 6/1987 và đó cũng là đề dẫn để ông nêu quan điểm của mình về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn. Phức tạp trong bối cảnh lịch sử hình thành và phát triển của xứ Huế. Phức tạp và có nhiều quan điểm khác nhau trong việc nhìn nhận đánh giá về chín chúa Nguyễn và 13 vua Nguyễn, về nhà Nguyễn.

Từ thập niên 1950 đến đầu thập niên 1980, đã xuất hiện khuynh hướng phê phán gay gắt các chúa Nguyễn cũng như các chúa Trịnh và đặc biệt là vương triều Nguyễn thế kỷ XIX. Khuynh hướng đó phê phán các chúa Nguyễn (cũng như các chúa Trịnh) đã chia cắt đất nước, còn đối với vương triều Nguyễn, khuynh hướng đó cho rằng: triều Nguyễn mở đầu bằng hành động cầu viện tư bản Pháp, phong kiến Xiêm để tiến hành cuộc chiến tranh chống Tây Sơn và kết thúc bằng sự đầu hàng quân xâm lược Pháp. Năm 1961 khi dịch cuốn Đại Nam thực lục, Viện Sử học đã viết trong Lời giới thiệu: “Những công việc mà vua (chúa) đã làm trong khoảng thời gian 330 năm ấy (1558-1888) tự chúng tố cáo tội ác của nhà Nguyễn trước lịch sử của dân tộc chúng ta. Bọn vua chúa phản động không những đã cõng rắn cắn gà nhà mà còn cố tâm kìm hãm đày đọa nhân dân Việt Nam trong một đời sống tối tăm đầy áp bức.”4


Cần đổi mới tư duy lịch sử, xuất phát từ hôm nay mà nhìn lại ngày xưa cho khách quan hơn, đúng sự thật lịch sử hơn. Còn ai đó nghĩ rằng như thế là “xét lại” thì tùy họ thôi. Hãy thảo luận tự do, dân chủ, rộng rãi… – Trần Quốc Vượng
Sách Lịch sử Việt Nam, Tập 1, xuất bản năm 1971, viết về triều Nguyễn: “Là vương triều phong kiến cuối cùng được dựng lên bằng một cuộc chiến tranh phản cách mạng nhờ thế lực xâm lược của người nước ngoài... là vương triều tối phản động.”5 Mười bốn năm sau, vào năm trước của thời Đổi mới, sách Lịch sử Việt Nam, Tập 2, xuất bản năm 1985, vẫn còn viết: “Triều đình nhà Nguyễn thối nát và hèn mạt… Vương triều Nguyễn tàn ác và ngu xuẩn.”6

“Thời kỳ nhà Nguyễn bị kết án là thời kỳ chuyên chế phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Khuynh hướng đó gần như trở thành quan điểm chính thống trong biên soạn sách giáo khoa đại học và phổ thông.”7

Trong bối cảnh đó, với tư duy đổi mới và bản lĩnh cùng trách nhiệm của nhà sử học, GS Trần Quốc Vượng đã khẳng định: “Khi Đảng nói - và ta nói - rằng “đổi mới tư duy”, “đổi mới toàn diện” thì có lẽ nào ta không cần đổi mới tư duy lịch sử” (Tổ Quốc – phỏng vấn). Chính vì thế khi viết “Xứ Huế và vị thế lịch sử của nó”, GS Trần Quốc Vượng đã nhìn nhận một cách khách quan đúng với sự thật lịch sử về các chúa Nguyễn và về triều Nguyễn.

“Ba việc lớn mà các chúa Nguyễn đã làm được ở Đàng Trong, vào các thế kỷ XVI-XVII-đầu XVIII là:

1 - Khuyến khích nông nghiệp, mở mang đất đai canh tác (lúa, dâu) ở hai xứ Huế, xứ Quảng trên tảng nền Chămpa và Lý - Trần - Lê cũ. Dân cư phồn thịnh. Thuận Hóa ở thế kỷ XV có 5.662 xuất đinh và 7.100 mẫu ruộng, đến năm 1776 tăng lên 126.875 người và 265.507 mẫu ruộng (theo Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục).

2 - Khuyến khích (và tổ chức) việc “khai canh lập ấp” của người dân Việt về phía Nam: Tổ chức người đi khai hoang 50 người một ấp, cấp lương ăn sáu tháng, cấp trâu bò và công cụ khai hoang, cho khai thác tự do các món lợi ao đầm... Để cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, lý tưởng của tuổi trẻ Đàng Trong đã được xác định một cách đáng tự hào:

Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng...

3 - Mở mang các đô thị Phú Xuân - Thanh Hà - Hội An... khuyến khích nội thương và ngoại thương phát triển. Những việc đó tạo nên sự phồn thịnh cho Đàng Trong đến nửa đầu thế kỷ thứ XVIII.

Các chúa Nguyễn có một cách làm hay: Trao cho thế tử trấn thủ Quảng Nam dinh, nơi phát triển kinh tế nông - công - thương nghiệp khá toàn diện trước khi ra Phú Xuân kế vị ngôi vua.”8

Ông cho rằng việc chia cắt đất nước của các chúa Nguyễn và chúa Trịnh phải xem xét, đánh giá một cách khách quan trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. “Chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627-1672) cố nhiên là thiệt dân hại của. “Hận sông Gianh” cố nhiên là đập mạnh vào tình cảm thống nhất Việt Nam. Nhưng theo tôi hiểu, thì cái nhìn sử học Mác-xít phải xét sự kiện lịch sử trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nó. Sự tách đôi Đàng Trong - Đàng Ngoài là ở trong cái “thế chẳng đặng đừng”. Ai ở trong trường hợp “Ông Hai” cũng làm như vậy. Ông Hai (Nguyễn Hoàng) là một người tốt.


Tôi không có ý biện minh cho mọi mưu đồ chính trị của chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Nhưng tôi không thích nhà làm sử cứ theo ý chủ quan của mình và từ chỗ đứng của một thời đại mình mà chửi tràn chửi lấp toàn bộ nhà Nguyễn cho sướng miệng và ra vẻ “có lập trường”. Và, dù vô thức, đã “quên” vai trò lịch sử của Huế. – Trần Quốc Vượng Nam
Tôi cho rằng các nhà sử học Việt Nam không nên chỉ suy luận theo logic hình thức mà cho rằng tách Đàng Trong khỏi Đàng Ngoài ở giữa thế kỷ XVI là “xấu” hay “hoàn toàn xấu”. Nhưng theo tôi hiểu, thì cái nhìn sử học Mác-xít phải xét sự kiện lịch sử trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nó. Và Đàng Trong có đủ tinh thần và lực lượng để mở mang đất mới, mở mang lãnh thổ, mở mang kinh tế và văn hóa. Đó là mặt tốt đẹp của lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI-XVII.”9

Và ông khẳng định: “Có thời Nguyễn, chúng ta mới có một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay.”10

“Phải phân biệt thời Nguyễn và nhà Nguyễn. Thời nào dù là thời suy thoái thì vẫn có dân, có trí thức. Không nên và không thể vì ghét vua Nguyễn mà phủ nhận các thành tựu văn hóa – nghệ thuật đạt được dưới triều Nguyễn. Thời Nguyễn là thời tổng kết “tri thức Việt Nam từ xưa đến thế kỷ 19 đấy”. Và nghệ thuật Nguyễn cùng kiến trúc Nguyễn tỏa rộng từ Lạng Sơn đến Cà Mau xác lập hẳn một phong cách Nguyễn trong mạch chảy, bước đi liên tục của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Cớ sao có thể “phủ định sạch trơn” được?”11

“… vẫn còn đó một xứ Huế với những tổng thể di tích kiến trúc cung đình, tôn giáo, lăng mộ, dân gian... Không đâu đầy đủ hơn và tập trung hơn, điển hình cho chúng ta cảm nhận và phân tích về VẺ ĐẸP VIỆT NAM thế kỷ XIX về một NỀN NGHỆ THUẬT VÀ MỸ THUẬT THỜI NGUYỄN CỦA VIỆT NAM.”12

Sau khi công bố bài viết: “Vài suy nghĩ về Xứ Huế và vị thế lịch sử của nó”, ông đã nhận được sự đồng tình của hầu hết giới khoa học, nhưng cũng có ý kiến cho rằng ông đã “xét lại” vấn đề nhà Nguyễn. Tháng 12 năm đó khi trả lời phỏng vấn tờ Tổ Quốc, ông khẳng định: “Cần đổi mới tư duy lịch sử, xuất phát từ hôm nay mà nhìn lại ngày xưa cho khách quan hơn, đúng sự thật lịch sử hơn. Còn ai đó nghĩ rằng như thế là “xét lại” thì tùy họ thôi. Hãy thảo luận tự do, dân chủ, rộng rãi…” Ông cho rằng việc làm đó là đúng quan điểm của Đảng: “cái nhìn của Đảng và của giới sử học Mác-xít Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một xu thế tôn trọng sự thật lịch sử. Trân trọng mọi lời nói và hành vi yêu nước của bất cứ ai dù họ xuất thân ở giai cấp nào, trong một hoàn cảnh lịch sử dù tối tăm nào…”13

Ông cho rằng “Tôi không có ý biện minh cho mọi mưu đồ chính trị của chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Nhưng tôi không thích nhà làm sử cứ theo ý chủ quan của mình và từ chỗ đứng của một thời đại mình mà chửi tràn chửi lấp toàn bộ nhà Nguyễn cho sướng miệng và ra vẻ “có lập trường”. Và, dù vô thức, đã “quên” vai trò lịch sử của Huế.”14

Lời kết bài viết Xứ Huế, những giá trị lịch sử - văn hóa, ông nhẹ nhàng nhắc nhở đồng nghiệp: “Ai bảo rằng kiến trúc Huế là kiến trúc lai căng, thì người ấy chắc hẳn là nếu không mang tính kỳ thị lệch lạc về chính trị thì cũng là người không được tự nhiên và cuộc đời phú cho sự mẫn cảm, cái quan cảm về thẩm mỹ…”15

Ở thời điểm năm 1987, GS Trần Quốc Vượng là người đầu tiên đã nêu quan điểm cần đổi mới tư duy lịch sử, nhận thức đúng sự thật lịch sử và thảo luận tự do, dân chủ, rộng rãi, trong đó có vấn đề xem xét lại nhà Nguyễn và thời Nguyễn. Thực ra cách nhìn mới, cách tiếp cận mới về những vấn đề lịch sử và văn hóa của ông đã có từ trước 1987. Sau này, nhiều vấn đề do ông phát hiện, đề xuất đã được công nhận và góp phần cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cho những người hoạch định chính sách. Những đề xuất, phát hiện của ông đều có dấu ấn của bản lĩnh Trần Quốc Vượng. Khi Đảng kêu gọi đổi mới tư duy, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”16, ông là người đi tiên phong và đề xuất hãy thảo luận tự do, dân chủ, rộng rãi.

Sau này, vào mùa Thu Tân Tỵ 2001, kỷ niệm 45 năm Khoa Lịch sử, ông viết: “Nhưng điều quan trọng hơn cả là Khoa Sử đã và đang suy đi nghĩ lại để đặt ra những vấn đề mới làm tảng nền cho sự nghiệp Sử học mới Việt Nam”, trong đó chính ông cùng với Khoa Lịch sử “đã đặt lại nhiều vấn đề thời Nguyễn, nhà Nguyễn”.17

Bài viết nhỏ này tưởng nhớ ông xin tiếp cận một mảnh nhỏ trong TỔNG THỂ TRẦN QUỐC VƯỢNG. 

Theo
Trần Kim Đỉnh* - Tia Sáng

-----------

* PGS.TS

1 Lâm Mỹ Dung. Thầy tôi, cây đại thụ của nền sử học Việt Nam. Trong sách 100 chân dung một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội. NXB ĐH Quốc gia Hà Nội. 2006. Tr.719.
2 Trần Quốc Vượng, Xứ Huế, những giá trị lịch sử - văn hóa. Tổ Quốc số 400, tháng 12/1987, trang 21, 22.
3 Như trên.
4 Đại Nam thực lục, Viện Sử học, Hà Nội, 1961, tập I. tr. 6.
5 Lịch sử Việt Nam Tập 1, NXB KHXH, Hà Nội, 1971, trang 368.
6 Lịch sử Việt Nam Tập 2. NXB KHXH, Hà Nội, 1985, trang 11,15.
7 Phan Huy Lê. Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX. Trong sách: Triều Nguyễn và lịch sử của chúng ta, Tạp chí Xưa & Nay và NXB Hồng Đức, 2008, trang 323.
8 Trần Quốc Vượng, Vài suy nghĩ về Xứ Huế và vị thế lịch sử của nó. Tạp chí Sông Hương số 25, tháng 5/1987.
9 Như trên.
10 Luận điểm này ông đã viết ở Sông Hương số 25, tháng 5/1987 và  Tổ Quốc số 400, tháng 12/1987.
11 Xem xét lại thời Nguyễn và nhà Nguyễn. Phỏng vấn GS Trần Quốc Vượng. Minh Chúc thực hiện. Tổ Quốc số 400, tháng 12/1987, trang 20.
12 Xem chú thích số 8.
13 Xem chú thích số 11.
14 Trần Quốc Vượng. Xứ Huế, những giá trị lịch sử - văn hóa. Tổ Quốc số 400, tháng 12/1987, trang 22.
15 Xem chú thích số 11.
16 Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (Do Tổng Bí thư BCHTW Đảng khóa V, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh trình bày ngày 15/12/1986). Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội, 2005, tr.10 và 29.
17 Trần Quốc Vượng. Khoa Sử và tôi. NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 1991, trang 15 và 29.

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng