Ai ra xứ Huế
Hội quán Quảng Tri - Nhà Đại chúng ở Huế
09:22 | 31/12/2015

DƯƠNG PHƯỚC THU

Hội quán Quảng Tri hiểu một cách nôm na ý nghĩa về cái tên của hội quán này là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật... nhằm mở rộng sự hiểu biết. 

Hội quán Quảng Tri - Nhà Đại chúng ở Huế
Báo Quyết Chiến đưa tin về tuần lễ văn hóa tại nhà Đại Chúng (Hội Quảng Tri) tháng 11/1945

Từ lúc thành lập, gần như nó chỉ giữ chức năng này. Đơn cử trước cách mạng tháng 8/1945, ở đây đã diễn ra nhiều hoạt động. Theo Việt Nam tân báo, số ra ngày 24/5/1945, ông Trần Đức Hinh (lúc ấy đang hoạt động cách mạng bí mật ở Huế) đã có buổi diễn thuyết về “Âm nhạc cũ và mới” tại Hội quán Quảng Tri trước hàng trăm người. Hay vào đúng 9 giờ tối chủ nhật 17/6/1945, nhân kỷ niệm về Nguyễn Thái Học, tại Hội quán Quảng Tri, ông Nguyễn Cửu Cúc đã diễn thuyết về “Cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái”. Từ ngày 25/6/1945 trở đi, ở đây mở các lớp giảng về Quốc văn - Hán văn do các vị như Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư trực tiếp dạy. Chẳng hạn như bài về “Tinh thần giống Việt trong tiếng nói và văn thơ?”... Và rất nhiều buổi như vậy đã diễn ra ở hội quán này.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, Hội quán Quảng Tri được trưng dụng và đổi thành Nhà Đại chúng. Nhiều hoạt động về chính trị, giáo dục, văn hóa, văn nghệ... đã diễn ra tại đây. Do vậy, về mặt ý nghĩa của Nhà Đại chúng cũng tương tự như Hội quán Quảng Tri, đều nhằm mở rộng sự hiểu biết cho mọi người.

Báo
Quyết Chiến, cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mạng, thực chất là của Thị ủy Thuận Hóa, do nhà thơ Vĩnh Mai, Bí thư Thị ủy lúc bấy giờ làm chủ bút, số 1 ra ngày 28/8/1945.

Dưới đây là một số tư liệu ghi lại các hoạt động tại
Hội quán Quảng Tri cũ - Nhà Đại chúng mới được dẫn ra từ báo Quyết Chiến.

- Hội Việt Hoa thân hữu đã thành lập ở Thuận Hóa: Chiều ngày 22/9 dương lịch, 300 bạn Hoa kiều và Việt Nam đã họp tại Hội quán Quảng Tri để bàn về việc lập ở Thuận Hóa hội Hoa Việt thân hữu, mục đích để thắt chặt dây thân ái giữa hai dân tộc Hoa Việt…

Hội đồng đã cử một Ban Trị sự để tiến hành gấp công việc của hội.

Ban Trị sự gồm có những ông:

Chánh Hội trưởng: Lê Đình Thám.
Phó Hội trưởng: Phù Khi Lưu.
Thư ký: Trần Triệu Khôi và Hoàng Xuân Minh.
Giám sát: Hán Khoa Nguyên và Vũ Văn Quế.
Thủ quỹ: La Lạc và Viễn Đệ
Trưởng ban tuyên truyền: Phan Văn và Hoài Thanh.

Tuần Lễ Văn hóa

- Đêm kịch Việt Minh,
hôm 22.11.1945, đúng 8 giờ tại Nhà Đại chúng, sau câu chuyện “Ký sự Côn Lôn”, chuyện thật rất mỉa mai, chua chát và cảm động, các đồng chí Việt Minh sẽ diễn kịch ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Kịch đó lấy tên là “Tinh thần ái quốc”. Trong vở kịch sẽ diễn tả những quãng đời gian truân của những chiến sĩ Việt Minh trong lúc hoạt động cách mệnh cũng như trong lúc bị tù đày.

- Đuốc Văn hóa, tối 23.11, nhân ngày kỷ niệm Nam Kỳ khởi nghĩa, sẽ có cuộc rước “Đuốc Văn hóa” qua các đường phố. Sau đó lại Nhà Đại chúng. Một chiến sĩ Nam Bộ sẽ kể lại lịch sử cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa và Đội Tự vệ chiến đấu sẽ biểu diễn mười tám ban võ nghệ. Rất đáng chủ ý là sẽ có nữ võ sĩ Bắc Hà và Bình Định biểu diễn.

- Hai đêm tinh hoa tại Nhà Đại chúng: Đêm 1/12/1945, 7 giờ 30 - 8 giờ: anh Hải Triều nói chuyện về “Nền văn học Việt Nam dưới thời Pháp Nhật thuộc” vào cửa không mất tiền.

9 giờ: mở màn.

I. Con thỏ ngọc (Ban Âm nhạc Liên đoàn Văn hóa).

- Guitare hawalenna: chị Sa chị Tề.

- Ngâm thơ: Hà Thế Hạnh.

II. Hài kịch, chiến thuật ma quân (Bùi Q. Kiều).

- Hò cứu quốc (cô Liễu). Ngâm thơ: Hà Thế Hạnh

III. Vũ khúc mai hoa kiếm: chị Tâm Lợi và các chị trong đoàn Phụ nữ Cứu quốc. Chị Ngọc Anh hát.

IV. Đề Thám (Nguyễn Tri Hoàng, Nguyễn Sỹ, Nguyễn Duy Phiên).

- Ca đội nam học sinh cứu quốc. Anh Lý Trọng Cam hát.

V. Lửa thiêng: các chị trong Đoàn Phụ nữ Cứu quốc.

Đêm 2.12.1945 (chương trình như trên)…

- Triển lãm kinh tế Thừa Thiên các ngày 5 - 6 - 7 tháng Chạp năm 1945. Khai mạc ngày 5/12/1945 hồi 20 giờ tại Nhà Đại chúng. Mở cửa cho công chúng vào xem không mất tiền.

- Hai đêm kịch đặc biệt (8 và 9/12/1945) tại Nhà Đại chúng giúp quỹ Phụ lão cứu quốc Phú Xuân, do Ban kịch Quê hương trình bày…

- Bá cáo của Hội Truyền bá Quốc ngữ: Đúng 9 giờ sáng chủ nhật 8/9/1945, tại Nhà Đại chúng (Hội Quảng tri cũ) Hội Truyền bá Quốc ngữ Thừa Thiên xin mời tất cả các hội viên của hội đến dự phiên nhóm bất thường để nghe Ban trị sự trình bày: “Công việc hội và giải tán hội”.

- Thứ bảy 15/12/1945, lúc 2 giờ 30 chiều, Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên sẽ tổ chức tại Nhà Đại chúng một cuộc thảo luận công cộng về bản Dự án Hiến pháp Việt Nam.

- Để đi đến sự thành lập Công chức hưu trí cứu quốc, xin mời tất cả công chức hưu trí cựu Bảo hộ và cựu Nam triều hồi 3 giờ chiều ngày chủ nhật 16/12/1945 đến họp tại Nhà Đại chúng đường Hàng Bè, để bàn việc thành lập Công chức hưu trí cứu quốc hội.

- Thông báo: Đêm 19 và 20/12/1945, tại Nhà Đại chúng, vở kịch đặc sắc của Ban Tuyên truyền Vệ Quốc đoàn do anh em binh sĩ viết và đóng. Có đấu côn kiếm.

- Hội Việt Nam Phụ lão cứu quốc tỉnh Nguyễn   Tri Phương (Bí danh của tỉnh Thừa Thiên)  chiêu tập Đại hội đồng toàn tỉnh vào 8 giờ ngày 21/12/1945 tại Nhà Đại chúng (Quảng Tri cũ) để bầu Ban Chấp hành chánh thức và biểu quyết điều lệ chương trình hành động…

- Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên tiếp tục tổ chức những cuộc thảo luận công cộng về dự án Hiến pháp Việt Nam. Cuộc thảo luận tối hôm 27 tháng 12/1945 tại Nhà Đại chúng có hơn 300 người dự và kéo dài mấy tiếng đồng hồ trong một bầu không khí rất sôi nổi. Chiều nay, từ 2 giờ sẽ có cuộc thảo luận nữa cũng tại Nhà Đại chúng.

- Tại Nhà Đại chúng (Quảng Tri cũ), tối ngày 30 và 31/12/1945, Ban kịch Quê Hương trình bày ba vở kịch rất giá trị:

1. Máu anh nhi, 2. Tổng tuyển cử, 3. Dứt áo chia tay.

Để giúp công nhân cứu quốc giới nhà in Viễn Đệ - Quyết Chiến. Có Ban Âm nhạc Trung Bộ giúp vui.

- Buổi nói chuyện đặc biệt của Đoàn xây dựng tại Nhà Đại chúng tối thứ bảy ngày 18/5/1945, lúc 19 giờ đến 21 giờ:

1. Ông Hoài Thanh nói về “Vấn đề sáng tác”,

2. Ông Lưu Quý Kỳ nói về “Giai đoạn mới trong cuộc chiến đấu của Văn hóa Việt Nam”,

3. Ông Lưu Trọng Lư nói về “Đại chúng đi tìm nhà thơ của họ”.

4. Ông Tố Hữu trình bày ba bài thơ…

 

Báo Quyết Chiến đưa tin về kỳ họp HĐND Thuận Hóa họp lần Thứ nhất tại Hội Quảng Tri 

- Kết quả chính thức của bầu cử HĐND thị xã Thuận Hóa được niêm yết tại Nhà Đại chúng:

Hội viên chính thức: Cô Nguyễn Khoa Bội Lan, ông Nguyễn Xuân Cảnh, Nguyễn Khoa Văn, Cao Văn Chiểu, Nguyễn Duật, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Cửu Thạnh, Nguyễn Thị Lý, Tôn Thất Bằng, Thích Trí Thủ, Nguyễn Xuân Nghị, Trần Chí Hiền, Trần Thanh Hải, Đặng Ngọc Sách, Trần Đức Hinh, Cao Đăng Tòng, Lưu Quý Kỳ, Trần Xuân Đàng, Nguyễn Thanh Đăng, Phan Hạ Uyên.

Hội viên dự khuyết: Nguyễn Thừa Duyệt, Hồ Diễn tức Thái Lợi, Trương Đình Phùng, Tôn Thất Cẩm”.

- Kỳ họp đầu tiên của HĐND Thuận Hóa tại Nhà Đại chúng.

Ngày 9/6/1946 lúc 8 giờ sáng tại Nhà Đại chúng:

8 giờ - Đại biểu UBHC kỳ và Thừa Thiên đến

8 giờ 05 – Lễ chào cờ (Ban Âm nhạc cử Quốc ca)

8 giờ 10 – Hoài niệm các chiến sĩ trận vong (Âm nhạc cử bài Hồn Tử sĩ).

8 giờ 15 – Cử Chủ tịch danh dự và Chủ tọa hội nghị.

8 giờ 17 – Chủ tịch UBHC Thừa Thiên đọc diễn văn khai mạc.

8 giờ 20 – Đại biểu HĐND Thuận Hóa đọc diễn văn

8 giờ 35 – Đại biểu UBHC kỳ đọc diễn văn (đáp từ)

8 giờ 50 –Thảo luận và quyết nghị những điện văn gửi chào Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch.

9 giờ - Bầu 2 khiểm phiếu viên để cùng Chủ tịch, Thư ký, Kiểm soát cuộc bầu cử UBHC chính thức Thuận Hóa.

9 giờ 30 – Đại biểu UBHC Thừa Thiên và kỳ ra về.

9 giờ 35 – Chủ tọa tuyên bố tạm nghỉ.

Những ngày sau, Hội đồng sẽ họp buổi mai 8 giờ, buổi chiều 14 giờ 30 tại Nhà Đại chúng để thảo luận và quyết nghị nhiều chương trình hành động để giao cho Ủy ban hành chánh làm việc.

Nhân đây chúng tôi xin giới thiệu lại không khí và kết quả phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa, cách nay đã hơn 70 năm.

- Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa đã họp phiên đầu tiên ở Nhà Đại chúng. Đến dự có đại biểu Ủy ban hành chánh Trung Bộ, Ủy ban hành chánh Thừa Thiên, Hội đồng Nhân dân Thừa Thiên, đại biểu các đoàn thể, nhà báo, công sở, Ủy ban hành chánh các phường và rất đông đồng bào Thuận Hóa ngồi chật Nhà Đại chúng.

Sau khi chào cờ và hoài niệm chiến sĩ trận vong, Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa đồng thanh cử Hồ Chủ tịch làm Chủ tịch danh dự và ông Nguyễn Cửu Thạnh Chủ tọa, ông Trần Thanh Hải làm thư ký hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban hành chánh Thừa Thiên đứng lên đọc diễn văn khai mạc, nhắc lại thành thích vẻ vang của Ủy ban hành chánh thị xã cũ, chào mừng Hội đồng Nhân dân thị xã mới.

Ông Nguyễn Cửu Thạnh, đại biểu Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa đứng lên tuyên bố sẽ làm hết bổn phận mặc dầu tình thế khó khăn, vì Hội đồng Nhân dân tin ở sự ủng hộ của đồng bào Thuận Hóa.

Sau đó đại biểu Ủy ban hành chánh Trung Bộ tỏ ý mong Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa đưa đồng bào lên đường tiến bộ và hoạt động để thực hiện nền tân dân chủ và mong mọi người hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban hành chánh trong việc xây dựng nhà nước mới.

Cuối cùng Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ mong Hội đồng Nhân dân cố gắng về mọi phương diện để thực hiện ý nguyện độc lập của đồng bào.

Hội đồng Nhân dân đã thảo điện văn gửi Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch tỏ lòng tín nhiệm thành thực đoàn kết để ủng hộ Chính phủ và phái bộ đi Ba Lê.

Và trong một không khí sối nổi nhưng thân mật và vui vẻ nữa, Hội đồng Nhân dân Thuận Hóa đã bầu Ủy ban hành chính thị xã, kết quả như sau nầy:

Chủ tịch: được đề cử các ông Hoàng Phương Thảo, Cao Văn Chiểu.

- Ông Hoàng Phương Thảo trúng cử với 12 phiếu, ông Cao Văn Chiểu được 6 phiếu.

Phó Chủ tịch: ứng cử là các ông Nguyễn Xuân Cảnh, Cao Văn Chiểu, Nguyễn Xuân Nghị.

- Ông Nguyễn Xuân Cảnh đắc cử với 13 phiếu.

Thư ký: ứng cử là bà Nguyễn Thị Lý, các ông Nguyễn Xuân Nghị, Cao Đăng Tòng, Nguyễn Thanh Đăng, Đặng Ngọc Sách, Phan Hạ Uyên, Trần Xuân Đàn.

- Lần thứ nhất, ông Cao Đăng Tòng được 9 phiếu trong số 19 phiếu. Lần thứ hai được 11 phiếu trúng cử.

Dự khuyết: ông Cao Văn Chiểu, ông Đặng Ngọc Sách.

Ông Cao Văn Chiểu xin từ chức. Hội đồng đợi phiên họp sau sẽ quyết nghị vấn đề này.

- Hội Liên hiệp Quốc dân thông báo: Bản hội sẽ tổ chức cuộc nói chuyện với toàn thể anh em công chức ở Thuận Hóa ngày thứ bảy 27/7/1946 hồi 16 giờ 30 tại Nhà Đại chúng. Xin trân trọng kính mời toàn thể công chức tại chức và công chức về hưu đến dự.

Chương trình buổi nói chuyện

1. Ông Nguyễn Ngọc Lợi trong Ban Cổ động sẽ nói về “Nhiệm vụ công chức trong vấn đề Liên hiệp Quốc dân”.

2. Ông Nguyễn Chí Thành(*) trong Ban Trị sự sẽ nói về “Nhiệm vụ của Mặt trận Việt Minh trong vấn đề Liên hiệp Quốc dân”.

3. Ông Ngô Văn Ngộ Hội trưởng kết luận và hiệu triệu.

- Hội nghị Giáo giới toàn tỉnh Thừa Thiên xin mời toàn thể giáo viên trường công và trường tư trong tất cả các cấp học và tất cả các ngành đến dự Đại hội Giáo giới toàn tỉnh mở ở Nhà Đại chúng từ 8 giờ ngày 13/8 đến chiều 14/8/1946…

Còn rất nhiều những sự kiện chính trị, văn hóa, văn nghệ… đã diễn ra liên tiếp tại Nhà Đại chúng (Hội quán Quảng tri cũ) từ sau Cách mạng tháng 8/1945 đến những ngày đầu khi Huế vỡ mặt trận. Do khuôn khổ một bài báo, chúng tôi tạm dừng tại đây. Có dịp sẽ tiếp tục công bố. Chúng tôi nghĩ, chỉ chừng ấy tư liệu thôi thì Hội quán Quảng tri cũ - Nhà Đại chúng cũng đã trở thành một địa chỉ văn hóa quý hiếm chứa đựng trong nó một di tích lịch sử cách mạng quan trọng của Huế.

D.P.T
(SDB19/12-15)

----------------
(*) Tức Nguyễn Chí Thanh





 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng