Một số thông tin chung
Một trong những bài viết nêu vấn đề Hội Quảng Tri - Huế có thể bị xóa bỏ đã được báo Tuổi Trẻ nêu lên trong bài “Huế xóa bỏ dấu tích nơi cụ Phan Bội Châu từng diễn thuyết?” ngày 26/11/2015.
Trong đó có cho biết:
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, đầu thế kỷ XX ở Hà Nội giới trí thức và các nhà yêu nước đã lập ra Hội Khai Trí Tiến Đức để quảng bá tân văn hóa, truyền bá quốc ngữ, cổ vũ lòng yêu nước. Ở Huế, các nhà trí thức cũng lập ra một hội tương tự, đó là Hội Quảng Tri, ra đời năm 1905. Theo tài liệu do nhà nghiên cứu Bửu Ý cung cấp, Hội Quảng Tri là nơi quy tụ nhiều nhà trí thức đương thời, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh...
Năm 1926, cụ Phan Bội Châu có các buổi diễn thuyết tại đây. Năm 1937, đại diện các tờ báo tiến bộ như Tiếng Dân, Nhành Lúa, Kinh Tế Tân Văn họp tại đây và đưa ra yêu sách về quyền tự do báo chí.
Năm 1944, cũng tại đây, Hội Truyền bá quốc ngữ tổ chức một cuộc họp lớn với đông đảo học sinh và trí thức để cổ động việc nâng cao dân trí và cải thiện dân sinh.
Đây cũng là nơi tổ chức các buổi diễn thuyết, giới thiệu những công trình nghiên cứu, tác phẩm mới về văn chương. Hội Quảng Tri hoạt động đến năm 1968 thì suy yếu, sau năm 1975 hội giải tán.
Năm 1905
- Trang điện tử của Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt, mục từ Thái Quang Toản cho biết:
Thượng thư Thái Văn Toản triều Bảo Đại, quê làng Quy Thiên, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân trong một gia đình Nho học, con ông Thái Văn Bút làm quan đời vua Thành Thái, Duy Tân, mẹ là ái nữ của Tùng Thiện vương là Tôn Nữ Như Ty. Thuở nhỏ, ông học ở Huế, tốt nghiệp Trường Thông ngôn Huế, từ năm 1902 làm thông dịch viên tại Phủ Thống sứ Bắc kỳ, sau đổi về làm việc tại Toà Khâm sứ Huế. Tại đây vào năm 1905, ông là người sáng lập kiêm Hội trưởng Hội Quảng Tri. Đây là một hội có tính cách văn hóa, giáo dục, nghệ thuật hoạt động lâu năm tại Huế.
Con trai ông là Thái Văn Vượng, cháu là Thái Văn Kiểm (giáo sư) đã có đóng góp một phần cho học thuật Việt Nam. Sau năm 1946, ông tản cư ra Nghệ An, tham gia kháng chiến trong cương vị Cố vấn Mặt trận Liên Việt Liên khu IV. Đến năm 1952, ông mất tại xã Bạch Ngọc, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
- Báo Tuổi Trẻ ngày 26/11/2015, bài “Quảng Tri - Quảng Trị: Cái dấu nặng không nhẹ” cho biết: Hội Quảng Tri chính thức thành lập từ năm 1905 tại Huế. Và mặc dù chưa rõ tôn chỉ mục đích của Hội, nhưng tên Hội có ghi rõ bằng chữ Pháp là “Société d’ Enseignement mutuel”, các hoạt động của hội liên quan đến nội dung cổ vũ phát triển văn hóa Việt Nam, vinh danh các danh nhân, thực hiện các công việc bồi đắp xây dựng văn hiến nước nhà…
Năm 1934
- Báo Ấp Bắc, ngày 22/6/2015 đăng bài “Nguyễn Thị Kiêm - nữ nhà báo đa tài”, cho biết:
Đầu thế kỷ XX, cùng với sự ra đời của Nữ lưu thơ quán rồi kế tiếp là tờ Phụ nữ Tân văn (PNTV), ở Gò Công xuất hiện những phụ nữ nổi tiếng trên văn đàn, báo giới như: Phan Thị Bạch Vân, Cao Thị Khanh, Phạm Thị Thọ (Ni sư Diệu Tịnh)…
Đặc biệt, có một cây bút nữ xứng danh là một phụ nữ đa tài trên nhiều lĩnh vực, đó là nhà báo Nguyễn Thị Kiêm, người đương thời thường gọi là Manh Manh nữ sĩ.
Đặc biệt, đêm 8/5/1934, tại nhà Hội Quảng Tri - Huế, Nguyễn Thị Kiêm diễn thuyết đề tài “Dư luận nam giới đối với hạng phụ nữ tân tiến”. Thính giả có hơn ngàn người gồm trí thức, quan chức, học sinh, báo giới, văn giới… đã hoan nghinh nhiệt liệt “Người ta rầm rộ chen chúc đi ra. Con đường Paul Bert đã ngoài 9 giờ tối mà người ta còn chen nhau đi rất náo nhiệt, vừa đi vừa trầm trồ xưa nay ở Huế chưa có cuộc diễn thuyết nào đông như bữa nay” (Phụ nữ Tân văn số 248 ngày 24 Mai 1934).
Năm 1935
- Báo Tràng An, Huế, số 72 (5 Novembre 1935), tr. 2, có bài “Tại Hội Quảng Tri - Huế, ông Ưng Quả diễn thuyết”, có đoạn: “Tối chủ nhật vừa rồi, ông Ưng Quả, dạy ở trường Quốc học, diễn thuyết bằng tiếng tây tại hội Quảng Tri về cái đề mục: “Năm mươi năm đào luyện trí thức”. Người đến nghe rất đông… Ông Ưng Quả lấy ba đoạn văn cùng nói về sông Hương của bà Đạm Phương, của quan Tổng đốc Nguyễn Bá Trác, và của quan Thượng Phạm Quỳnh, để chứng cho ba thời kỳ trong sự tấn hóa của quốc văn. Bà Đạm Phương hoàn toàn cổ, quan Tổng đốc Nguyễn Bá Trác có chịu ảnh hưởng văn hóa mới một ít, quan Thượng Chi Phạm Quỳnh hoàn toàn mới.
…Ông Ưng Quả nói xong, một tràng vỗ tay. Cái công chúng ngày nay thực đã khác xa công chúng năm sáu năm về trước!
- Báo Tuổi Trẻ ngày 26/11/2015, bài “Quảng Tri - Quảng Trị: Cái dấu nặng không nhẹ” cho biết: Năm 1935, Hội Quảng Tri dưới quyền ông hội trưởng mới là Nguyễn Học Sỹ có tổ chức “Lễ kỷ niệm tam thập chu niên” (30 năm thành lập) vào ngày 12 tháng mười - được biết là “ngày sinh nhật của Hội”.
Năm 1936
- Báo Sông Hương, Huế, số 17 (21 Novembre 1936), tr. 8, có đăng tin: “Kết quả Hội chợ đêm của Hội Quảng Tri”: “Cuộc chợ Đêm ngày 31-10-1936 vừa rồi do Hội Quảng Tri tổ chức ở Huế để giúp nạn dân miền Bắc được kết quả rất mỹ mãn. Tiền thu vào tổng cọng 950$33, ấy là kể luôn 200$ của Hoàng thượng và Hoàng hậu ân ban. Chi phí tất cả 141$02. Còn được 809$31 gởi ra Bắc.”
Năm 1937
- Bài nghiên cứu “Những vụ án văn học thế hệ 1932” của Thanh Lãng đăng tại địa chỉ (http:// chimviet.free.fr/vanhoc/thanhlng/thll053.htm) cho biết: “Aout (tháng 8) 1937: Ông Nguyễn Văn Hanh diễn thuyết ở Hội Quảng Tri Huế”. (Về bênh vực thơ truyền thống, đả phá phong trào thơ mới - PV).
- Báo Sông Hương, Huế, số 26 (30 Janvier 1937), tr. 8, đưa tin: “Cuộc hội họp của báo giới Huế”: “Tiếp theo cuộc hội họp ở báo quán Nhành lúa tối 15/1/1937, vì một số đông các người có tên tuổi trong làng báo vắng mặt, tối thứ bảy 23/1/1937 tuần trước, lại có cuộc hội họp lần thứ hai, có giấy phép, tại Hội Quảng Tri, vẫn do báo Nhành lúa triệu tập. Tất cả 28 người, gần đủ mặt các báo ở Huế, vì có một vài tờ không dự. Mục đích cuộc hội họp nầy là để cử người đi xin phép chánh phủ cho mở một cuộc hội nghị báo giới toàn Kỳ hầu bàn việc xin lập một Nghiệp đoàn báo giới miền Trung”.
Năm 1942
- Báo Tuổi Trẻ ngày 26/11/2015, đăng bài “Quảng Tri - Quảng Trị: Cái dấu nặng không nhẹ” cho biết: Năm 1942, Hội Quảng Tri - Huế tổ chức xuất bản Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du và đã đưa ra giới thiệu tại buổi lễ kỷ niệm Nguyễn Du trong hai đêm 19 và 20 tháng Chín. Hội Quảng Tri xuất bản ấn phẩm này với mục đích lấy tiền để sửa lại ngôi mộ Nguyễn Du tại quê nhà Tiên Điền, Hà Tĩnh.
Nội dung của Tập văn họa này, trong đó ngoài ảnh chụp tấm Bia kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Khai trí tiến đức (Hà Nội) lập, các bài bình Kiều, đáng chú ý có 11 bức tranh của các họa sĩ Việt Nam xếp hạng đầu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lúc bấy giờ vẽ, như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tôn Thất Đào, Phạm Hầu.
Mỗi họa sĩ chỉ chọn một chi tiết trong Truyện Kiều để vẽ. Tranh đẹp, ấn tượng. Có lẽ từ khi ấn hành vào năm 1942 đến giờ, Tập văn họa này là mục tiêu sưu tập của giới sưu tập Kiều trải qua nhiều thế hệ. Đến nay, quyển này còn lại ở Việt Nam có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, và giá trao đổi của giới chơi sách thì “đắt như đồ cổ”.
Cách đây ít lâu, trên mạng eBay có một phiên đấu giá quyển Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du, và người mua được (đấu thắng) với giá 2750 EUR. Cái tin này gây chấn động giới chơi sách trong nước và khiến cho một vài nhà sưu tập đang sở hữu Tập văn họa này bỗng trở nên nâng niu hơn mỗi khi động đến quyển sách mà trước đó còn chưa ai đo đếm được một mức giá cụ thể.
Năm 1946
- Bác sĩ Lê Văn Lân trong khảo cứu “Những sân khấu một thời ở Huế”, cho biết: Hội Quảng Tri (廣知): phổ biến văn hóa tri thức) xây trên đường Hàng Bè ngó ra sông Đông Ba. Nơi này là hội trường cho những cuộc diễn thuyết vào thời trước, học giả Phạm Quỳnh cũng từng nói chuyện ở đây (Tạ Quang Bửu - Bốn năm học trường Quốc Học). Tôi còn nhớ vào năm 1946 gì đó, Ban kịch Anh Vũ của nhà thơ Thế Lữ cũng lưu diễn vở kịch Lôi Vũ của Tào Ngu tại Hội Quảng Tri.
- Tạp chí Sông Hương số 298, ra tháng 12/2013, đăng bài “Ngày ra đời tổ chức tiền thân của Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế” của Dương Phước Thu, cho biết: Báo Quyết chiến, Cơ quan Thành bộ Việt Minh thành phố Huế, về sau là của Việt Minh Nguyễn Tri Phương (bí danh của tỉnh Thừa Thiên), đầu năm 1946 lại chuyển qua Hàng Bè, nay là đường Huỳnh Thúc Kháng (thực tế địa chỉ đó là ở Hội Quảng Tri).
Năm 1948
- “Từ điển tiếng Huế” (Bùi Minh Đức, quyển thượng, in lần thứ 3, tr 872) cho biết: “Nhà văn Georges Duhamel của Hàn Lâm Viện Pháp diễn thuyết tại Hội Quảng Tri nhằm dụ dỗ trí thức Huế “trở lại nề nếp xưa” như thời Pháp thuộc và bị học sinh Huế đả đảo tẩy chay”.
PHƯỚC VĨNH
(SDB19/12-15)