Ai ra xứ Huế
Công bố bản họa đồ thiết kế chợ Đông Ba năm 1951
09:30 | 07/06/2016

THANH HOA - LÊ HUỆ

Chợ Đông Ba có vị trí đắc địa khi nằm ở trung tâm thành phố Huế, dọc bờ sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía Bắc. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Huế mà còn là nơi để du khách tìm hiểu văn hóa vùng đất Cố đô.

Công bố bản họa đồ thiết kế chợ Đông Ba năm 1951
Bản đồ vị trí chợ mới và vị trí chợ cũ
Bản đồ chỉ cách bài trí các gian hàng và vòi nước


Nằm bên dòng Hương Giang thơ mộng, giữa không gian trầm lắng của đất Cố đô, chợ Đông Ba đã gắn liền với những thăng trầm cùng Huế, đi trọn theo chiều dài lịch sử hơn một thế kỷ từ kinh thành Phú Xuân đến tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Chợ được hình thành dưới thời nhà Nguyễn, cho đến nay đã trải qua nhiều lần đổi tên, di dời địa điểm.

Năm 1899, cùng với việc thành lập thị xã Huế, chợ Đông Ba mới và cầu Trường Tiền được xây dựng xong, hai bờ sông Hương được nối lại, một đô thị mới được hình thành mà khu vực xây dựng mới phần lớn được tập trung ở bên bờ Nam sông Hương.

Trong công cuộc chỉnh trang đô thị này, vua Thành Thái đã chuyển chợ Đông Ba ra địa điểm hiện nay. Cho nên, dân gian còn truyền lại câu ca dao:

Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi moong


Đến giữa thế kỷ XX, chợ Đông Ba đã được chỉnh trang nhiều lần. Năm 1967, chính quyền cho phá dỡ chợ cũ, xây lại chợ mới với thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ. Công trình đang thi công dang dở thì bị tàn phá do chiến tranh. Sau đó, chính quyền Sài Gòn đã cho sửa chữa tạm thời nhằm phục vụ nhu cầu buôn bán của người dân. Đến năm 1986, sau 12 năm thống nhất đất nước, chợ Đông Ba được đại trùng tu và có diện mạo như ngày hôm nay.

Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đang bảo quản khối tài liệu lưu trữ thuộc phông Phủ Thủ hiến Trung Việt. Đây là khối tài liệu hành chính phản ánh các mặt hoạt động của Chính phủ Quốc gia Việt Nam tại Trung Kỳ, giới hạn thời gian tài liệu của phông Phủ Thủ hiến Trung Việt bắt đầu từ năm 1949 đến năm 1954.

Trong quá trình khảo sát, tra tìm tài liệu có liên quan đến vùng đất Cố đô, chúng tôi đã tìm thấy Hồ sơ ký hiệu số 1958, trong đó có bản họa đồ thiết kế chợ Đông Ba. Trong bộ hồ sơ này có hai bản vẽ công tác cấu tạo chợ Đông Ba với kích thước 115cm x 42cm, do Phòng Kiến trúc Nha Công chánh Giao thông Trung Việt thiết định ngày 14/6/1951 và được Giám đốc Nha Công chánh Giao thông Trung Việt duyệt ngày 18/6/1951. Bản vẽ thứ nhất là Bản đồ vị trí chợ mới và vị trí chợ cũ, bản vẽ thứ hai là Bản đồ chỉ cách bài trí các gian hàng và vòi nước. Đây là nguồn tài liệu gốc, xin trân trọng giới thiệu đến các nhà nghiên cứu cùng bạn đọc.

Mặc dù đây không phải là bản thiết kế đầu tiên, cũng không phải là bản thiết kế chợ Đông Ba hiện nay nhưng bản thiết kế này đã góp phần giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn đầy đủ, chính xác hơn khi tìm hiểu về quá trình phát triển, đặc biệt về mặt kiến trúc của chợ Đông Ba qua các thời kỳ.

Đến thăm chợ Đông Ba ở Huế cũng là dịp để thấy, trong cái ồn ào, náo nhiệt ở từng góc chợ, trong cái tấp nập của người mua, kẻ bán như vẫn tồn tại một nét đẹp bình dị, dân dã theo thời gian. Và nếu được ví chợ Đông Ba như một bức tranh thì chúng tôi xin được tô lên đó những gam màu sáng với hình ảnh sôi động của ngày hôm nay. Còn những thay đổi trong kiến trúc qua từng thời kỳ xin được làm những nét phác thảo góp phần làm nên bức tranh trọn vẹn của chợ Đông Ba.

T.H - L.H
(Nguồn: Hồ sơ số 1958, Phông Phủ Thủ hiến Trung Việt, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV)
(SHSDB20/04-2016)




 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng